Người ta thấy có một tấm bảng cấm được đặt ngay tại ngã tư đường phố Đà Nẵng “Cấm đánh giày – Bán sách đạo – Bán hàng rong trên tuyến đường Trần Phú”. Nhìn vào bảng cấm, những ai có chút suy nghĩ cũng đều nhận ra cái ngụ ý miệt thị tôn giáo và cách riêng là với Công Giáo. Sự miệt thị ấy chắc hẳn phải có nguyên nhân của nó nhưng sâu xa nhất vẫn là do người ta vin vào sự đánh giá của ông tổ Cộng Sản Các Mác cho tôn giáo chỉ là thứ thuốc phiện đầu độc dân chúng. Dù chính sách của các nhà cầm quyền Cộng Sản có tùy thời tùy nơi mà thay đổi nhưng tựu chung họ vẫn đối xử với tôn giáo như đối tượng cần tiêu diệt. Mặc dầu vậy, thực tế sau gần một thế kỷ tồn tại, Liên Xô đã sụp đổ, phong trào Cộng Sản trên thế giới chỉ còn là một dư âm nhạt nhòa… chực chờ đến lúc tắt lịm. Đang khi đó Đạo Công Gíao Tông truyền, đối tượng triệt phá của các thế lực cầm quyền , của các trào lưu duy vật vô thần sau hai ngàn năm có mặt nay vẫn đứng vững. Ta có thể khẳng định sự đứng vững ấy, trước hết Giáo Hội vẫn được lãnh đạo tập trung bởi một con người là đức giáo hoàng. Tiếp đến nó có một cơ cấu chặt chẽ từ Tòa Thánh cho đến tận các Giáo Xứ, tất cả đều tùng phục quyền bính duy nhất là các đấng bản quyền.
Nói Giáo Hội đứng vững hoàn toàn không phải chủ quan, nếu biết rằng trên thế giới đã có không biết bao nhiêu là chế độ nào quân chủ, nào dân chủ, độc tài kể cả các nền văn minh đã thay nhau sụp đổ. Tuy nhiên cho rằng Giáo Hội đứng vững, đó chỉ là xét theo bề ngoài, còn… bề trong thì sao ? “Giáo Hội con tàu không thể chìm ( Chúa Giesu đã hứa với chúng ta rằng: các quyền môn Âm Phủ sẽ không thể thắng nổi”, Mt 16, 18 ) đang chìm xuống một cách tội nghiệp dưới những đợt tấn công liên tiếp và cố kết giữa những khuynh đảo cả bên ngoài lẫn bên trong. Roma sẽ mất Đức Tin và trở thành trụ sở của Phản Kitô. Đức Mẹ đã tiên báo điều ấy tại La Salette” ( Michel Servant – Ngày của Chúa ).
Những đợt tấn công từ bên trong thì ai cũng biết. “Những vụ việc lạm dụng tình dục của các Linh Mục Đức, Ý và Ái Nhĩ Lan vừa được phơi bày ra ánh sáng đã làm nổi dậy một làn sóng giận dữ và khinh bỉ của quần chúng” (Vietcatholic News, 14 Apr 2010). Còn bên ngoài thì ngay tại Âu Châu, cái nôi của Đạo Công Giáo chúng ta thấy “trong các tháng qua Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mạnh mẽ tố cáo các vụ bách hại các tín hữu đó đây trên thế giới và khuynh hướng bài Kitô giáo trong chính các quốc gia Âu Châu có nền văn hóa Kitô.
Phong trào tục hóa và chủ trương duy đời cực đoan ngày càng lan tràn tại Âu Châu khiến cho các giới lãnh đạo chính trị của đại lục này không chỉ thờ ơ với Kitô giáo mà còn tìm mọi cách gạt bỏ Kitô giáo ra khỏi cuộc sống xã hội nữa. Nhân danh nguyên tắc tách rời tôn giáo và nhà nước, họ muốn bịt miệng không cho Giáo Hội lên tiếng về các vấn đề con người và của xã hội. Nhân danh chủ nghĩa duy đời cực đoan và sự tôn trọng đối với các tôn giáo hay đối với những người vô tín ngưỡng, họ cấm các ngày lễ và các biểu tượng tôn giáo trong đời sống công cộng” ( Nguồn Vietcatholic News, 15 Feb 2011 ).
Quả thật chúng ta không ngạc nhiên với việc Giáo Hội bị các thế lực bên ngoài đánh phá hòng muốn tiêu diệt, bởi điều này đã được Chúa báo trước: “Hãy nhớ lại lời Ta đã nói cùng các ngươi: tớ chẳng thể hơn chủ, nếu họ đã bắt bớ Ta ắt sẽ bắt bớ các ngươi. Bằng họ giữ lời Ta thì ắt cũng giữ lời các ngươi. Nhưng vì cớ Danh Ta họ sẽ làm mọi điều đó cho các ngươi, bởi họ không biết Đấng đã sai Ta. Nếu Ta không đến mà phán dạy họ thì họ chẳng có tội gì. Song bây giờ họ không thể tạ từ để chữa tội mình được. Ai ghét Ta cũng ghét Cha Ta nữa” ( Ga 15, 20 – 23 ).
Đức Kitô đến để mạc khải Thiên Chúa đích thực là Đấng Cha của mỗi người nhưng thế gian không chấp nhận vì vậy đã giết bỏ Ngài. Còn người tự nhận mình là Kitô hữu lại không tin theo mạc khải thì ắt cũng sẽ chối Chúa để trở thành phản bội: “Ai là kẻ nói dối há chẳng phải là kẻ chối Chúa Giesu là Đấng Kitô sao ? kẻ chối luôn Cha và Con ấy là Antichrist. Hễ ai chối Con thì cũng không có Cha. Ai nhìn nhận Con thì cũng có Cha nữa” ( 1Ga 2, 22 -23 ).
“Chối Con” ở đây có nghĩa đã phủ nhận mạc khải của Đức Kitô về Đấng Thiên Chúa nội tại “Chỉ có một Thân Thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một Đức Tin, một Phép Rửa, một Đức Chúa Trời là Cha của mọi người. Ngài vượt trên mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 – 6 ).
Kẻ có Đạo đã được ơn kêu gọi để nhận biết Thiên Chúa là Cha, thế nhưng ơn gọi ấy hiện nay trong thời tục hóa dường như đã mất ? Một khi không nhận ra ơn gọi mình thì làm sao mà có thể sống ơn ấy ? Nhận biết Thiên Chúa là Cha là ơn vô cùng trọng đại bởi vì chỉ có ơn ấy mới đem lại cho ta sự sống đời đời. “Sự sống đời đời là nhận biết Cha tức là Chân Thần duy nhất cùng Giêsu Kitô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ).
Nhận biết Thiên Chúa là Cha, đã đành là ơn gọi của Kitô hữu nhưng đó cũng là ước vọng kiếm tìm của tất cả những con người khát khao chân lý. Đức Khổng Phu Tử tin rằng hễ ai đã một lần nghe biết Chân Lý, biết được Đạo ấy thì dù có chết cũng cam lòng: “Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ” ( Buổi sáng nghe được Đạo, buổi tối chết cũng thỏa lòng” ( Luận Ngữ ). Tìm kiếm và nhận biết Đạo, đó là toàn bộ nền tảng đạo đức của con người suốt từ ngàn xưa đến nay cho dù là Đông hay Tây.
I. Con đường minh triết
Khi nói buổi sáng nghe Đạo, buổi tối có chết cũng cam, thì cái “Nghe” ( Văn ) này hoàn toàn khác với cái sự thấy, nghe, cảm nhận của giác quan ( Kiến Văn Giác Tri ). Thông thường con người nghe, thấy, cảm nhận là để phân biệt, tai nghe âm thanh thì liền phân biệt tiếng trầm, tiếng bổng, du dương thánh thót hay ồn ào náo nhiệt… Mắt nhìn vật liền phân biệt sắc màu, lớn nhỏ, trí nghĩ suy liền phân biệt giàu nghèo sang hèn, xấu đẹp v.v… Con người cần các quan năng ( căn ) giác quan để sống và làm việc. Thế nhưng toàn bộ sự sống ấy chỉ bó hẹp trong phạm vi hiện tượng giới, tức thế giới hư phù sinh diệt, hợp tan tan hợp này thôi. Đang khi đó con người là loài có linh tánh, nó tuy sống trong thế giới hữu hình hữu hoại nhưng lại luôn hướng về vô hạn và sự hướng về vô hạn đó chính là minh triết.
Minh triết khác biệt với triết học ở chỗ, một đàng là suy tư, một đàng là gạt bỏ suy tư, hay nói theo Duy Thức học thì: một đàng phân biệt một đàng vô phân biệt. Lý do minh triết đòi hỏi vô phân biệt bởi đối tượng của minh triết là Đạo và Đạo theo quan điểm của lão Tử thì không thể nói, không thể gọi “Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Danh khả Danh phi thường Danh” ( Đạo có thể nói ra được thì đó không phải Đạo thường. Danh có thể gọi tên được thì đó không phải Danh thường – Đạo Đức Kinh chương một ). Chữ “thường” nghĩa của nó là thường hằng bất sinh bất diệt. Bất cứ cái chi có thể nói ra bằng lời hoặc gọi tên được thì đều nằm trong thế giới hiện tượng, tức có sắc tướng, thanh âm, mà như đã biết, hiện tượng là thế giới vô thường sinh diệt, nay còn mai mất.
Một khi Đạo đã không thể nói, không thể gọi, đồng thời bất sinh, thì làm sao con người có thể hướng về để thực hành ? Quả đúng, Đạo bất sinh hiểu như đó là một nguyên lý tự thân ( Bản Thể ) nhưng nó lại không khi nào ngừng sinh và sở dĩ sự sinh ấy có thể… sinh được là bởi nó sinh trong vô vi. Sinh trong vô vi đó chính là cái Đức của Đạo. “Sanh chi súc chi – Sanh nhi bất hữu – Vị nhi bất thị – Trưởng nhi bất tể – Thị vị Huyền Đức” ( Lão Tử, Đạo Đức Kinh, chương X ).
Theo quan điểm minh triết thì Đạo là Thể còn Đức là cái Dụng của Đạo, bởi vậy để có thể gọi được là Huyền Đức thì phải thực hành Đạo trong vô vi, có nghĩa không thấy có mình. Tuy sanh đó mà không chiếm lấy cho mình. Con cái đúng là do mình sinh ra nhưng nó không phải là vật sở hữu của mình, muốn giết thì giết, muốn phá ( thai ) thì phá. Của cải làm ra nhưng là để mưu ích cho bản thân cho xã hội chứ không phải chỉ cốt vun quén cho mình để thỏa mãn dục vọng. Làm được công việc gì dù lớn hay nhỏ cũng đừng cậy công để rồi lên mặt với đời, nhỏ thì chèn ép người, còn rộng lớn hơn là xử dụng bạo lực với cả một đất nước dân tộc, muốn làm chi thì làm…
Với chủ trương đạo đức trong tính chất vô vi như thế, quả thật minh triết đặc biệt là Đạo Đức Kinh đã để lại cho nhân loại một di sản vô cùng quý giá. Tuy nhiên thực tế cho thấy đạo đức trong tính chất vô vi đối với con người là điều bất khả. Một triết thuyết dù có là minh triết đi nữa nếu không thâm nhập cuộc sống thì không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề khổ đau của con người.
Về lý thuyết đã vậy, còn về con người Lão Tử thì sao ? Chẳng phải từ lâu ông đã bị người đời biến thành Thái Thượng Lão Quân cho những trò cầu đảo bói toán, luyện thần luyện đan đầy tính chất ma mị huyền hoặc đó sao ? Trong trường hợp này ta có thể nói lý thuyết càng cao siêu bao nhiêu lại càng khiến con người dễ dàng sa đọa bấy nhiêu.
Đặt vấn đề như thế để cho thấy giữa Tri và Hành cần luôn phải đi đôi với nhau ( Tri hành hợp nhất ) mới đem lại hạnh phúc thực sự cho con người, thế nhưng điều này chỉ có thể hiện thực trong tôn giáo.
II. Con đường tâm linh của Đạo Chúa
Giáo Hội trong suốt hai ngàn năm lịch sử của mình luôn phải đối phó với những cơn khủng hoảng, thế nhưng quả thật chưa hề có cơn nào nguy hại như nạn tục hóa hiện giờ. Với thứ đại nạn này, Giáo Hội như đang ở trong một ngõ cụt, dù có canh tân đến đâu cũng chỉ vô ích. Cách đây gần hai chục năm Đức Hồng Y Daneel, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Bỉ đã “tỏ ý lo ngại về chuyện người ta nói quá nhiều đến tầm quan trọng của việc Tân Phúc Âm hóa ( hay tái truyền giảng Tin Mừng ) mà không để ý gì đến nội dung của từ này khiến nó trở thành một từ rỗng tuếch. Vì thế Đức Hồng Y nhấn mạnh đến sự kiện Kitô giáo là cái gì còn hơn là một nền luân lý cho nhân loại. Ngài nói: “Một Kitô giáo tự giản lược mình thành một nền luân lý là một Kitô giáo ắt phải chết” ( Tuần báo Cg & Dt số 858 ).
Hiện nay danh xưng Kitô giáo vẫn được xử dụng song hành với Công Giáo hầu như không có chi phân biệt. Thế nhưng thật sự thì không phải vậy. Đạo Công Giáo lấy cứu cánh là Thiên Chúa còn Kitô giáo là Đức Kitô. Bởi cứu cánh là Thiên Chúa nên Đạo Công Giáo cũng có thể thay thế bằng tên khác là Đạo Thiên Chúa hoặc Đạo Chúa. Kitô chỉ là tước hiệu ám chỉ Đấng Cứu Thế, lấy Kitô làm cứu cánh như vậy chẳng hóa ra là đã gạt bỏ Thiên Chúa hay sao ? Thực tế lại đúng như vậy với việc thần học hiện nay đang chủ trương cái chết cho Thiên Chúa ( Théologie de la mort de Dieu ) ? Thần học vốn tự nhận mình là khoa học hiểu biết Thiên Chúa mà nay lại giết bỏ Ngài, nghe qua thật phi lý nhưng không có gì ngạc nhiên bởi trước sau nó vẫn là duy lý.
Với duy lý thì Thiên Chúa chỉ là một quan niệm, đang khi đó Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ( Xh 3, 14 ) và sự hằng hữu ấy chẳng phải ở một nơi nào khác ngoài bản tâm mỗi người “ĐẠO ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức, là đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Giêsu là Chúa và lòng ngươi tin Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu. vì bởi lấy lòng tin mà nên công chính và bởi lấy miệng thừa nhận mà được cứu rỗi” ( Rm 10, 8 – 10 ). Trích đoạn Kinh Thánh này là bản xưa nhất của Hội Guideon ( Tin Lành ) do nhà văn Phan Khôi dịch. Tiên sinh đã dùng chữ ĐẠO để chỉ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là rất hay vì nó ám hợp với minh triết Đông Phương về Tuyệt Đối Thể không thể nói, không thể gọi tên ( Đạo khả Đạo phi thường Đạo Danh khả Danh phi thường Danh – Đạo Đức Kinh, chương một ).
Lại nữa chữ “ĐẠO’’ này còn thấy trong phần mở đầu của Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Ban đầu có ĐẠO – ĐẠO ở cùng Đức Chúa Trời và ĐẠO là Đức Chúa Trời”( Ga 1, 1 ). Đạo một khi không thể nói, không thể gọi thì làm sao có thể truyền giảng ra cho muôn dân thiên hạ, và đây chính là điểm khác biệt căn bản giữa minh triết và tôn giáo. Với minh triết thì không hề có giáo chủ, còn tôn giáo thì có Đấng Kitô Cứu Thế: “Đạo đã trở nên xác thịt đóng trại giữa chúng ta đầy ơn sủng và lẽ thật” ( Ga 1, 14 ).
Đạo trở nên xác thịt tức cái vô hình đã trở nên hữu hình, cái vô hạn trở nên hữu hạn và sự trở nên hữu hình hữu hạn của Đức Kitô chỉ có mục đích duy nhất là để mạc khải cho chúng ta về Đấng Cha nội tại ở trong chính mình: “Ta là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Không thể sánh Đức Kitô với bất cứ bậc tôn sư nào trong loài người bởi lẽ không vị nào đã có lời hứa và thực hiện lời hứa ấy như Ngài: “Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ). Chúa ở cùng trong các Bí Tích và hiện thực nhất đó là Bí Tích Thánh Thể, Chúa lấy chính Máu Thịt mình để làm của ăn nuôi sống Dân Người: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời. Ta sẽ khiến kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết, vì Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống. Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” ( Ga 6, 54 – 56 ).
Không phải chỉ riêng trong Bí Tích Thánh Thể mà Chúa mới “Ở Cùng”, nhưng việc “Ở Cùng” đó từ trước vô cùng đã nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa thông qua việc sứ thần truyền tin cho Đức Maria: “Kìa Nữ Đồng Trinh sẽ thụ thai, sanh một con trai. Người ta sẽ gọi tên Con đó là Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” ( Mt 1, 23 ).
Một khi Thiên Chúa đã “Ở Cùng” thì toàn bộ việc sống đạo của chúng ta nhất thiết cần phải quay vào bên trong mới có thể nhận biết được Ngài: “Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng đóng kín cửa lại rồi cầu với Cha ngươi là đấng ở nơi ẩn mật, và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6 ). Thiên Chúa là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật bởi Ngài là Đấng Vô Phân Biệt “khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho kẻ bất chính cùng người công chính” ( Mt 5, 45 ).
Bởi Thiên Chúa là Đấng Vô Phân Biệt như thế, nên tất cả mọi việc của chúng ta đều phải làm trong tinh thần vô phân biệt mới xứng là Con của Ngài. Yêu người thì đừng chỉ có yêu người yêu mình mà phải yêu cả kẻ thù nghịch cùng mình. Làm phúc bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm ( Mt 5, 43 – 45 ). Không phân biệt mà làm tất cả mọi việc, đó là lý tưởng của con đường trọn lành.
Thế nhưng để có thể theo được lý tưởng tuyệt đối này thì không một ai không phải cậy nhờ vào Đức Maria Đấng Trung Gian Ơn Sủng. Trong tình cảnh khốn khổ khốn nạn của thế giới hôm nay, hơn bao giờ hết tín hữu chúng ta cần thực hiện lời dạy của Mẹ và tất cả lời dạy ấy đều không ngoài lời Ngài đã nói với người giúp việc tại tiệc cưới Cana: “Hễ Người ( Chúa Giêsu ) bảo gì thì hãy làm như vậy” ( Ga 2, 5 ).
Phùng Văn Hóa