Cách đây hơn năm thập kỷ, André Malraux nhà văn hóa lớn của Pháp nay đã trở nên bất tử vì được đưa vào điện Panthéon ở Pari, khi trả lời bằng văn bản cho tờ báo Đan Mạch Dagliga Nyhiter về đề tài “Nền tảng tôn giáo của luân lý đạo đức” có viết: “Từ năm mươi năm qua, tâm lý học đã tái hội nhập ma quỷ vào trong con người. Đó là thống kê nghiêm túc của khoa phân tâm học. Theo tôi nghĩ vai trò của thế kỷ tới, đối diện với đe dọa khủng khiếp nhất mà nhân lọai gặp phải sẽ là đưa các thần trở về với nhân lọai” ( Ns Cg& Dt số 134/2006 ) Nhận định này trùng hợp với với nhiều cái nhìn sáng suốt khác về vai trò của tôn giáo đối với con người. Viện sĩ khoa học gia Nga N.A Dolegian nói nhân dịp mừng đại thọ (1899 – 1999 ) “ Trong thế` kỷ 21 con người sẽ sửa chữa những cái mà mình đã làm hỏng trong thế kỷ 20”. Nhất thiết là phải sửa chữa và việc sửa chữa đó chính là sự trở lại của tôn giáo “ Một trong mười dự đóan dựa trên thống kê khoa học của Jonh Naiobitt và P. Aburdene trong cuốn “ Các xu thế lớn của TK 20” là sự phục hưng tôn giáo vào thiên niên kỷ thứ ba” ( Ns Giác ngộ số 16 tháng 2/1997 ).
Với những nhận định, dự đóan ấy theo tôi có lẽ chỉ nên coi đó như là một thứ ước vọng chứ chẳng mang tính sấm ngôn hay tiên tri gì cả. Nhân lọai vừa mới trải qua một thế kỷ đầy dẫy sự ác mà nhà văn Mỹ Louis Begley đã gọi là “ Một tang lễ của ác quỷ” ( Xem Muối cho đời” J. Ratzinger ) và giờ đây chúng ta đang sống năm cuối của thập kỷ thứ nhất trong thiên niên kỷ thứ ba, tôn giáo hòan tòan chẳng những chưa thấy có dấu hiệu gì phục hồi mà còn đang có nguy cơ sắp sửa biến mất ?
Công giáo, một tôn giáo có đông đảo tín đồ và mang tính nhất thống cao nhất, trong vụ lạm dụng tình dục đầy tai tiếng cùa một số giáo sĩ đã và đang bị các phương tiện truyền thông Âu Mỹ đồng lọat kết án “Đánh mất tôn giáo, đạo Công giáo đang rối loạn”( Nguồn Vietcatholic) “Đánh mất tôn giáo” đồng nghĩa với việc không còn niềm tin vào Thượng Đế = Thượng Đế đã chết. Tôn giáo thì phải đi đôi với đức tin, và khi đức tin không còn thì tất nhiên đạo cũng phải mất theo.
Tôn giáo là một như cầu không thể thiếu của con người, nhu cầu ấy mặc dù không ồn ào lộ diện như việc uống ăn hay sinh lý nhưng nó thực sự có. Chính bởi vậy mà có thể nói nó đã tồn tại cùng với con người trong suốt quãng thời gian dài dặc hàng vạn năm trên trái đấ`t này. Dẫu vậy cũng chính là vì cái sự tồn tại dai dẳng ấy mà tôn giáo đã phải đối mặt với vấn nạn về sự có mặt của mình. Nói cách khác có một câu hỏi luôn đặt ra cho mọi thời đại = Tôn giáo là gì ? Mỗi tôn giáo, mỗi truyền thống văn hóa đều có cho mình những định nghĩa khác nhau.
Với Thần học Kitô giáo, tất nhiên cũng có nhiều định nghĩa đôi khi trái ngược nhau, thế nhưng có thể chọn ra một câu tiêu biểu của M. Thiollier “ Tôn giáo một đàng đòi hỏi sự truy tầm chân lý, truy tầm nguồn gốc cứu cánh của vũ trụ hay là nguồn gốc con người cùng những tương quan của nó với thần linh. Đàng khác nó đòi hỏi một tòan bộ tín ngưỡng, một như cầu yêu đương cảm kích, một tương quan hòa điệu giữa tiểu thế giới ( Microcosme ) với đại thế giới ( Macrocosme ). Tôn giáo là biểu hiện của linh Thánh ( L’Expression du sacré ) và tổ chức nhữngt nghi lễ có tính cách cá nhân cũng như công cộng” ( TC Kitô giáo với các tôn giáo khác ).
Với câu định nghĩa này cho thấy nó xác định hai điều, một là mục đích tôn giáo là để truy tầm nguồn gốc cứu cánh của vũ trụ, con người cùng tương quan của nó với thần linh và hai là từ đó tìm ra sự hòa điệu với vũ trụ… Sở dĩ nói định nghĩa này tiêu biểu bởi nó chính là bản chất của Thần học, một thứ thần học duy lý từ lâu đã hết thời “ Triết học là khoa học về vạn vật, lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” ( la philosophie est la science des choses par leurs causes suprêmes ) Chính là do nơi cái việc “ giải nghĩa” đó mà đã khiến cho Kitô giáo, cách riêng là Thần học lâm cơn khủng hỏang triền miên, không có cách chi thóat ra khỏi được. Lý do khiến Thần học lâm cơn khủng hỏang như thế là vì cái mà nó cố công …giải nghĩa đó chỉ có thể đưa đến một khái niệm, một ý tưởng nào đó về Thiên Chúa chứ không phải Đấng Thiên Chúa của thực tại Ngài là ( Chân Như ) Với khái niệm dù dưới bất cứ phô diễn nào thì đó cũng chỉ là văn tự và không thể có sức sống “ Văn tự làm cho chết, chỉ Thần khí mới làm cho sống” 2C 3, 6. ) Thần học dĩ nhiên không thể là cái chi khác ngòai văn tự, do đó tất yếu chỉ đưa đến…cái chết của Thiên Chúa ( Théologie de la mort de Dieu ).
Có thể nói được rằng “ sự giải nghĩa” tức Thần học là nguyên nhân và là nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho Kinh Thánh nói riêng và Đạo Chúa nói chung đã không được nhận biết để đến nỗi bị các thế lực thù nghịch phê phán cách cay nghiệt “ Tôn giáo là tiếng than dài của sinh linh bị áp bức, là tình cảm của thế giới vô tình, cũng giống như nó là tinh thần của chế độ không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” ( Trác tân Bình – Lý giải tôn giáo ). Căn do đưa đến có những phê phán nặng nề như thế là bởi như đã nói tôn giáo đã không có nơi mình Sự Sống Thần Linh và để có được Sự Sống ấy thì không bao giờ có thể có được bằng sự “ Giải nghĩa” mà chỉ có một con đường duy nhất là phải hết lòng tìm kiếm. Những tiếng nói lương tri như của André Malraux , của viện sĩ khoa học Nga…như đã nói thực ra chỉ là những ước vọng xuông. Lý do là vì họ đã linh cảm thế giới này đang trên bờ vực diệt vong và trong hòan cảnh đó thì chỉ còn có thể trông chờ vào sự cứu rỗi của tôn giáo.
Tuy nhiên tôn giáo cứu vãn ấy có thể tìm thấy ở đâu, nơi những tôn giáo hiện có hay nên chăng là phải lập nên một tôn giáo mới ? Quả đúng là như thế, người ta đang cổ xúy cho một thứ tôn giáo mới với câu hỏi được đặt ra thế này “ Hay mặt trời sẽ lại mọc ra từ phương Đông” để ám chỉ cho cái gọi là đạo Âm Dương hòa hợp “ Triết lý âm dương hòa hợp và lý tưởng hòa điệu được nhân lọai đem ra thực hiện thì đó có thể sẽ là niềm hy vọng lớn lao cho mọi người” ( TC – Ns Cg & Dt số 134/2006 ) Thất vọng nơi tôn giáo của mình để trông chờ vào một thứ triết lý mà lý tưởng cao tột của nó cũng chỉ là để…làm người. Điều ấy chứng tỏ gì nếu chẳng phải là sự thất bại cay đắng của Thần học từ bao thế kỷ nay trong việc giải nghĩa Thiên Chúa Đấng vượt khỏi mọi suy tư lý luận ? Thiên Chúa như một Thực Tại không thể giải nghĩa mà chỉ có thể kiếm tìm qua con đường tôn giáo bởi lẽ tôn giáo chính là sự thực hành và sự thực hành tìm kiếm ấy nằm ngay trong ý nghĩa của danh từ Tôn Giáo. Quả vậy, danh từ Tôn Giáo ( Religion ) phát xuất từ tiếng Latinh Relegere có nghĩa là lập lại ( relire ). Do nơi định nghĩa nó nằm ngay trong danh từ Tôn Giáo tức sự lập lại ấy mà ta nhận ra ý nghĩa của những hành vi mang tính tôn giáo, chẳng hạn như việc tham dự Thánh Lễ. Thánh lễ nào cũng bao gồm bởi những lời khấn nguyện tạ ơn y hệt như nhau, ngày nào, ở đâu trên khắp thế giới cũng chỉ có như thế cho mọi thế hệ đến hết cuộc đời. Lại nữa như việc lần chuỗi Mân Côi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ba mùa Vui Thương Mừng, mỗi mùa có năm mươi Kinh Kính Mừng , cứ bền đỗ không mệt không chán cho đến giờ sau hết, chắc chắn sẽ được lên Thiên Đàng.
Chỉ cần lập đi lập lại những hành vi, những lời cầu đơn giản việc ấy bất kỳ ai dù dốt nát thất học hay yếu đau bệnh hoạn chỉ cần kiên trì nỗ lực thì tất cả đều được như sở nguyện, bởi như lời Chúa nói “ Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ thấy, hãy gõ sẽ mở cho …” Lc 11, 9 ) Tuy nhiên lại có lời khác Chúa phê phán việc kinh kệ nhiều lời “ Khi các ngươi cầu nguyện, đừng lặp đi lặp lại vô ích như kẻ ngọai vì họ tưởng rằng cứ nói nhiều thì được dủ nghe. vậy chớ bắt chước họ vì Cha các ngươi biết những điều các ngươi cần dùng trước khi cá`c ngươi xin Ngài” Mt 6, 7 – 8 ). Phải chăng ở đây có sự mâu thuẫn nào chăng ? Một mặt Chúa dạy , hãy xin sẽ được, có nghĩa cứ kiên trì xin mãi thế nào cũng được. Mặt khác lại bảo đừng có nhiều lời vô ích. Lời Chúa không thể hư dối, Ngài đã dạy như thế thì phải như thế. Sở dĩ dân ngọai cầu xin nhiều lời mà vô ích bởi họ tưởng cái Đấng mà họ cầu khẩn van xin ấy là Đấng ở bên ngòai. Trái lại với những kẻ cầu nguyện chân thật thì luôn được nhậm lời vì Đấng ấy chẳng ở đâu xa mà hằng hữu ngay ở nơi mình. André Malraux cho rằng để đối phó với đe dọa khủng khiếp mà nhân lọai sắp gánh chịu thì cần phải đưa các Thần trở về . Theo tôi thì không phải là Các Thần nhưng duy nhất chỉ có một Thần thôi và Thần đó chính “ Là Cha của hết thảy mọi người, Ngài vượt trên mọi người và ở trong mọi người” Eph 4, 6 ) Một khi đã biết khẩn cầu với Đấng ở nơi mình thì như lời Đức Kitô nói = chắc chắn phải được. Tại sao thế ? Bởi chưng tất cả đều do Tâm tạo, tâm cầu cái gì thì ắt hẳn sẽ có cái đó, do đây mà nói duy tâm tạo.
I/- Thiên Chúa Tạo Hóa tức duy tâm tạo
Có thể nói quan niệm « Thần” là vấn đề trung tâm của tôn giáo. Quan niệm này tùy từng mỗi tôn giáo mà có những danh xưng khác nhau, chẳng hạn Giêhova của Do Thái giáo, Đấng Thánh Allah của Hồi giáo, Brahman của Ấn độ giáo, Thiên Chúa của Công giáo, Théo của Hy lạp, Deus của La mã cổ đại v.v… Tất cả những “ Thần” này thực chất chỉ là những quan niệm mà con người có được về một Thực Thể duy nhất nhưng Thực Thể ấy lại không thể dùng ngôn từ để mà nói mà gọi và hễ đã nói, đã gọi tên ra được thì không còn chi là Thực Thể “Đạo khả Đạo, phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh” ( lão Tử ĐĐK chương một ) Không thể nói không thể gọi tên nhưng rồi cứ phải nói, phải gọi, bởi nếu không thì làm sao mà chân lý được rao truyền ? Đó là chỗ mắc mứu lớn của tôn giáo để rồi từ đó mới nảy sinh ra hai cái thế lực đối chọi nhau là Hữu thần và Vô thần. Tôn giáo vốn được hiểu chung chung là hữu thần tức tin tưởng và công nhận có một Đấng Tạo Hóa là Đấng đã tạo dựng muôn lòai vũ trụ vạn vật trong đó có cả con người. Với sự phát triển của khoa thiên văn và nhất là thuyết tiến hóa, lòng tin tôn giáo vào Đấng Tạo Hóa đã bị vô thần bác bỏ một cách đầy thuyết phục. Sự bác bỏ ấy còn được thực hiện đồng lọat bởi Phân Tâm học, bởi triết học Hiện Sinh và cả Duy Vật Biện Chứng đến nỗi đã đẩy Thần học Kitô giáo phải miễn cưỡng chấp nhận cái chết của Thiên Chúa ( Théologie de la mort de Dieu ) Cái chết của Thiên Chúa là điều tất nhiên không thể tránh, dẫu vậy cái chết đó chỉ là chết một quan niệm chứ Thiên Chúa thật thì sao có thể chết ? Sở dĩ nảy sinh quan niệm Đấng Thần linh tạo hóa để rồi bị giết chết này, tất cả là do nơi việc giải nghĩa Sách Sáng Thế hòan tòan theo nghĩa đen cho rằng Đấng Tạo Hóa đã dựng nên vũ trụ trong sáu ngày và trong ngày cuối cùng ấy Ngài đã lấy …bùn đất để ..nặn nên con người đầu tiên là Adam v.v… Bởi Kinh Thánh đặc biệt là Sách Sáng Thế đã được giải theo nghĩa đen như thế nên tòan bộ chân lý Thánh Kinh như Tội nguyên tổ, mạc khải của Đức Kitô về ơn cứu chuộc v.v.. đã không được hiểu đúng như cần phải hiểu.
Nhất thiết cần phải đọc lại Sáng Thế Ký theo huyền nghĩa và để theo nghĩa này thì chỉ cần có một thay đổi duy nhất đó là cách nhìn. Thay cho Đấng Giavê là Đấng thần linh tạo hóa ngọai tại thì nay lại là Bản Tâm mình. Cấu trúc, ngôn ngữ hòan tòan giữ nguyên chỉ cần thay đổi cách nhìn và duy chỉ có cách nhìn này Kinh Thánh mới được làm cho sáng tỏ. Chẳng phải là tâm tạo nên hết thảy sao ? Tâm tạo tức là những ý nghĩ, có nghĩ đi thì mới đi, có nghĩ đến ăn cơm, mặc áo rửa bạt quét nhà, lái xe, viết lách, cầu kinh v.v….cũng đều như thế cả. Chẳng những vậy có nghĩ thiện thì mới làm thiện, có nghĩ ác thì mới làm ác. Theo Hiện Tượng Học ( Phénoménologie ) thì vũ trụ không phải là một cái gì đó khách quan nhưng chỉ là cái tôi thấy, tôi ý thức được nó như thế . Vũ trụ của một con kiến có khi chỉ quanh quẩn trên một cành cây, vũ trụ của một bé sơ sinh chỉ là sự ôm ấp của lòng mẹ, vũ trụ của một bác nhà quê chỉ là lũy tre làng…. Theo Husserl người sáng lập môn Hiện Tượng Học thì tri giác chính là ý thức kiến tạo ( Conscience constituante ). Mặt trời, trăng sao, núi non, sông ngòi, nhà cửa, xe cộ, Thiên Chúa, con người v.v ….tòan bộ chỉ là những cái tên ( Danh ) do con người đặt ra ( kiến tạo ) Giữa những cái tên ( Danh ) và Thực Tại là một khác biệt tuyệt đối. Cái nhà theo cái nhìn của tôi không phải là cái nhà trong thực tại nó là. Thiên Chúa cũng vậy, hòan tòan không phải là những ý tưởng mà tôi có về Ngài. Lầm cái ‘ Tôi Tưởng “ Que je pense ) với Thực Tại là cái lầm chí tử của thần học trong bấy lâu nay. Thiên Chúa Đấng Tạo dựng ở đây cần phải được hiểu như là Tâm, dẫu vậy Tâm cũng chỉ là một khái niệm, một cái tên ( Danh ) mà thôi. Có giải nghĩa về cái Tâm ấy cặn kẽ đến đâu thì cũng chẳng dính dáng gì đến Thiên Chúa là Đấng cần phải hết lòng tìm mới có thể gặp. Nói đến tìm kiếm Thiên Chúa là để gặp gỡ với Ngài xem ra đó không phải là điều hấp dẫn đối với con người. Tại sao ? Bởi vì suy cho cùng, đối tượng tìm kiếm của con người chính là một thứ hạnh phúc thực sự ngay ở đời này và cả đời sau vô cùng vô tận chứ không phải là Đấng Thiên Chúa không thể nói, không thể gọi tên. Con người nói riêng và vạn vật nói chung sinh ra thì đã là CÓ rồi, trái lại Thiên Chúa không thể nói, gọi tức là VÔ. Đã CÓ rồi thì đâu thể trở về VÔ, điều này cũng ví như một trái núi đã bị nổ mìn vỡ tung ra hàng trăm hàng triệu mảnh, làm sao ráp lại để trở thành trái núi y nguyên như trước được nữa ? Một trái núi phá ra thành vô vàn vô số mảnh đá lớn nhỏ hình thù khác nhau, nếu để nguyên dạng sù sì như thế thì chẳng có giá trị gì nhưng nếu gặp thợ điêu khắc đục đẽo gọt rũa để trở thành những pho tượng thì người ta có thể trang trọng đặt trên bàn thờ. Với những hòn đá được điêu khắc thành tượng thì như thế, còn những hòn đá nhỏ thì cũng có công dụng của nó đấy nhưng chỉ để làm nền lót đường. Vai trò chức năng của tôn giáo cũng có thể ví như là một thứ điêu khắc tức là để tạo ra cho con người có được một cái nhân làm Thánh. Hễ đã có Nhân thì ắt là sẽ có Quả, điều ấy là chắc chắn không bao giờ sai chạy dù chỉ một mảy may.
II/- Tính chất nhân quả trong Đạo Chúa
Xưa nay con nhà Đạo chúng ta vẫn được dạy cho biết có hai lọai phán xét. một là phán xét riêng cho từng mỗi cá nhân trong giờ sau hết và hai là phán xét chung cho hết thảy mọi người trong ngày tận thế. Giáo huấn ấy có ý nhắc nhở cho mỗi người cần phải sống sao để khi ra trước Tòa Chúa khỏi phải lãnh án công thẳng của Người. Tuy nhiên trong cái thời tục hóa cao độ này giáo huấn ấy hầu như đã không còn có tác dụng bởi hai lý do. Hoặc vì không còn tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. hoặc trái lại tuy có tin, nhưng lòng tin ấy chỉ là mù quáng bởi cho rằng Thiên Chúa nhân từ vô cùng chẳng nỡ phạt bất cứ một ai nhất là lại xô đẩy con người ta xuống đáy Hỏa Ngục đời đời. Léon Bloy người theo Tân Ngộ Đạo thuyết ( Néo Gngostique ) cũng còn được gọi là tiên tri của quỷ ( Un prophète de Lucifer ) đã đưa ra lập luận thế này “ Nếu Hỏa Ngục tồn tại vĩnh viễn thì việc tạo dựng kể như thất bại. Như vậy là có một vết đen, có một vết bẩn không thể chấp nhận được. Cho nên vì vinh quang của Ngài, Thiên Chúa bắt buộc phải tha thứ cho Satan và cho hết thảy mọi người bị trầm luân. Ngài không thể để cho sự kinh tởm được gọi là Hỏa Ngục ấy tồn tại” ( mgr Christiani – Ma quỷ trong thế giới ngày nay ).
Nếu Hỏa Ngục tồn tại thì công cuộc tạo dựng kể như đã thất bại vì rằng một Đấng Thiên Chúa Tòan Năng Tòan Thiện sao lại có thể để xảy ra một điều như thế ? Thật ra vấn đề này từ lâu đã được đặt ra, chí ít là từ thời St Thomas d’ Aquino dưới hình thức một tam đọan luận như sau “ Nếu Thiên Chúa hiện hữu sẽ không có sự dữ trong thế giới. Nhưng người ta lại thấy có sự dữ trong thế giới, do đó Thiên Chúa không hiện hữu” ( Bruno Chenu TC ở thế kỷ XXI ) Sự dữ và Thiên Chúa như vậy không thể cùng tồn tại, có sự dữ thì không có Thiên Chúa, ngược lại có Thiên Chúa thì không thể có sự dữ. Lập luận như vậy rất hợp lý nhưng đó là cái lý do việc giải nghĩa KT theo nghĩa đen tức có nghĩa Thiên Chúa được đề cập tới ở đây chỉ là Thiên Chúa của ý niệm chứ không phải Thiên Chúa của Thực Tại. Thiên Chúa của Thực Tại như đã biết đó chính là Bản Tâm của mỗi người. Chính là với Thực Tại Tâm đó mà ta mới có thể nhận ra sự phán xét công thẳng của Thiên Chúa thông qua định luật nhân quả. Dân gian thường hay nói “Ông Trời có mắt” hoặc “ Lưới Trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt” v.v.. để ám chỉ cho tính chất phán xử công minh một Đấng Tối Cao đã được nhân cách hóa thành…Ông Trời. Tuy nhiên việc nhân cách hóa ấy không thể sử dụng trong Thần học khi muốn đồng hóa Ông Trời với Thiên Chúa hiểu như một đấng ngọai tại ở bên ngòai con người, bởi như thế sẽ không có cách chi hiểu được luật nhân quả. Không hiểu thì không tin mà không tin nhân quả thì không thể sống có trách nhiệm về tòan diện hành vi của mình. Đang khi đó luật nhân quả tác động cho hết thảy mọi người “ Ta sẽ tùy công việc của mỗi người trong các ngươi mà báo ứng” Kh 2, 23 ) Công việc ở đây bao gồm tất cả lời nói việc làm cả đời lẫn đạo. Sự báo ứng tức là hậu quả của công việc, gieo nhân nào sẽ gặt quả đó “ Kẻ gieo cho xác thịt sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát. Song kẻ gieo cho Thánh linh sẽ bởi Thánh linh mà gặt sự sống đời đời. Chớ mỏi mệt làm lành vì nếu chúng ta không sờn lòng thì đến kỳ chắc sẽ gặt” Gal 6, 8 ) Bất cứ ai ai dù giàu nghèo, sang hèn, thọ yểu rồi ra cũng phải chết tức là đến kỳ. Bởi vậy điều khôn ngoan nhất cho chúng ta là phải lo cho cái kỳ hẹn không ai được báo trước ấy bằng cách nếu chưa làm lành thì phải bắt đầu làm lành ngay đi. Còn như đã làm lành thì hãy làm nhiều, làm tốt hơn nữa. Thực tế cho thấy thiên hạ ngày nay thay vì làm lành lại thích làm dữ. Còn người đang làm lành thì lại than van chán nản muốn bỏ cuộc, tất cả chung quy cũng chỉ vì không tin sâu nhân quả.
III/- Tin nhân quả
Đức Kitô nói “ Cây tốt thì sanh trái tốt, cây xấu thì sanh trái xấu. Cây xấu không thể sanh trái tốt, cây xấu cũng không thể sanh trái tốt” Mt 7, 17 – 18 ) Nguyên lý nhân nào quả ấy dường như rất rõ ràng và nếu chúng ta chỉ cần để tâm một chút thôi cũng có thể nhận ra. Tuy nhiên trong thực tế thì nó lại không như vậy, có biết bao nhiêu người mà đời sống của họ xét về mặt đạo đức thật không ra chi, thế nhưng họ lại giàu sang phú quý vợ con đề huề, địa vị cao sang. Có những người chẳng lao động vất vả gì mà nhà lầu xe hơi vênh vang. Trái lại có biết bao người lương thiện làm ăn vất vả siêng năng ngày nọ ngày kia mà vẫn không thể ngửng mặt, lắm khi còn bị giam cầm hãm hại…Trong những hòan cảnh như thế thật khó mà tin vào nhân quả, vào Ông Trời..? Sở dĩ nhân quả khó tin vì nó thông suốt ba đời quá khứ hiện tại tương lai. Có những việc cách đó đã hàng bao đời nhưng đến một lúc nào đó mới xảy ra. Tính chất nhân quả còn khó tin ở chỗ là để nhân trở thành quả thì phải có đầy đủ yếu tố nhân duyên, thiếu bất cứ một duyên nào cũng không được. Có câu chuyện ở đây mà báo chí đã làm rùm beng lên là tại khu vực thành Dền ( Quận Mê linh – Hà Nội ) khi khai quật đã gặp những hạt lúa chôn sâu dưới đất cách hơn ba ngàn năm, khi gặp độ ẩm cần thiết đã nảy mầm và vươn những lá xanh non…Với những hạt lúa nếu đúng là cổ hàng ngàn năm mà còn nảy mầm thành cây lúa thì kể như rất lạ trong thiên nhiên. Tuy vậy trong thế giới tâm linh thì chẳng có chi là lạ với cái nhìn thấu triệt của những bậc đại giác. Tôn giáo vì vậy khác hẳn với triết học chính là ở chỗ đó. Triết học thì dựa vào phân tích lý giải để chia chẻ manh mún sự vật, còn tâm linh thì thấu suốt tới tận nguyên nhân.Chúa là Đấng thông biết mọi đàng, còn phàm nhân chúng ta thì vô minh tăm tối. Chúa thấu suốt nhân quả, bởi đó Ngài biết cái gì cần cho con người để nó có được hạnh phúc, một thứ hạnh phúc bất diệt. Tin tưởng cậy trông phó thác vào Chúa trong mọi tư tưởng, lời nói việc làm đó tức là tin nhân quả. Một khi Chúa đã dạy = hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ thấy … thì chúng ta cứ thực hiện như thế ắt thế nào cũng được. Tin và thực hành Lời Chúa tức đã tạo cho mình một cái nhân mà đã có nhân thì ắt có quả. Tuy nhiên phải làm đúng những gì Chúa dạy. Khi cầu nguyện thì vào phòng kín,( tức đừng phóng tâm nơi ngọai vật) rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho” Mt 6, 6) Khi bố thí thì đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm” Mt 6, 3 tức là ngòai Chúa ra không muốn để cho một ai hay biết…v.v…
Tất cả những lời khuyên dạy của Chúa đều để cho tín hữu chúng ta tạo lập một thứ nhân lành tuyệt đối như Tám mối phúc thật ( Mt 5, 1 – 12) chẳng hạn. Để tin và thực hành những nhân lành cao cả ấy là điều khó trong mọi điều khó, nếu không vững lòng cậy trông thì không một ai có thể làm. mặc dầu vậy Đạo Chúa đã có không biết cơ man nào là tấm gương các Thánh và trong số đó chẳng ai xa lạ , một người Việt Nam chúng ta là Thánh tử đạo Anrê Dũng Lạc ( 1795 – 1839 ) thuộc gia đình lương nhưng được ơn Chúa cho trở lại, làm linh mục rồi được phúc tử đạo. Trước khi bị hành hình vẫn một lòng giữ vững đức tin và lòng cậy trông như bài thơ cuối cùng gửi cho linh mục Thục trong đó có mấy câu thơ “ Đông qua tiết lại thời xuân tới. Khổ tạm mai sau hưởng phúc an. Làm kẻ anh hùng chi quản khó. Nguyện xin cùng gặp chốn thanh nhàn.”
IV/- Cần một tôn giáo mới ?
Cùng trong năm André Malraux trả lời phỏng vấn cho báo Đan mạch, ông còn trả lời tạp chí Preuves nhân dịp tạp chí này cho in lại hai cuộc đối thọai đã in năm 1941 – 1942 “ Vấn đề hàng đầu của cuối thế kỷ sẽ là vấn đề tôn giáo, dưới một hình thức khác với hình thức mà chúng ta quen biết cũng như Kitô giáo đã hòan tòan khác so với các tôn giáo cổ xưa” ( TC – Ns Cg & Dt số 134/2006 ) Theo ông thì tôn giáo vẫn cần phải có nhưng nhất định là nó phải dưới một hình thức khác. Về hình thức, nếu hiểu là những lễ nghi, luật tắc hoặc quản trị tổ chức này khác …thì đương nhiên theo thời thì phải khác rồi. Ngay như giáo hội Công giáo trải qua hai ngàn năm đã có không biết bao nhiêu thay đổi về phần hình thức, điều ấy là bình thường chẳng có chi đáng kể. Tuy nhiên chủ ý của Malraux và những người đồng quan điểm với ông chắc chắn không phải vậy. Họ muốn có một tôn giáo mới và tôn giáo cần phải thay đổi hòan tòan đó chính là Kitô giáo. Dĩ nhiên Kitô giáo cần phải thay đổi và thực sự là nó đã và còn thay đổi cho đến khi không còn gì là Kitô giáo nữa, điều ấy đồng nghĩa với sự sụp đổ. “ Nói theo cách của Jean Madiran, chúng ta đã bước vào “ tình trạng vô Kitô giáo (état d’inchrétiente ). Vô Kitô giáo đó là từ của Péguy.” ( Ns Cg & Dt số 0/ tháng 12/1994 ).
Đến lúc này, có nên chăng xét lại cái việc đồng hóa Đạo Công giáo ( Catholic ) với Kitô giáo ( Chrétien ) ? Không ít người vẫn còn mơ hồ giữa Công giáo và Kitô giáo, thế nhưng xét về căn tính thì không phải là một. Vâng, quả có như vậy, căn tính ( radical ) của Công giáo cũng gọi là Thiên Chúa giáo lấy Thiên Chúa làm đối tượng cho sự phụng thờ. Còn Kitô giáo theo danh nghĩa mà nói lại lấy Đức Kitô làm cứu cánh. Mặc dù nói rằng lấy Đức Kitô làm đối tượng nhưng thực chất đây chỉ là quan niệm của thần học ( giải phóng ) về Đức Kitô chứ hòan tòan không hề dính dáng chi tới Ngài. Chính bởi đây chỉ là một thứ quan niệm về Kitô thế nên người ta mới bày đặt ra cái gọi là Đức Kitô trước khi có Kitô giáo và Kitô của lịch sử. Sở dĩ có Đức Kitô lịch sử là vì họ căn cứ vào lịch sử hiện nay để suy diễn ra …sự thật về Ngài. Với cái gọi là sự thật ấy thì Tin Mừng về Nước Trời lại đã biến thành Tin Mừng về Đức Kitô tức Nước Trời tục hóa “ Vậy Nước Thiên Chúa mà Đức Kitô rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo, người áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị bằng một ngôi nhà hay một đô thị có tường bao quanh” ( Albert Nohan – Jesus before Christianty – Đức Giêsu Kitô hôm qua hôm nay và mãi mãi . Lm BVĐ và V. Đ.M )
Từ Công Giáo mà biến thể sang Kitô giáo tức là đã bước vào con đường tục hóa không thể tránh và như trên vừa trích dẫn Tin Mừng của Đức Kitô đã bị phản bội một cách trắng trợn. Nước Trời mầu nhiệm đã biến thành Nước Trời trần tục. về nguyên nhân bởi đâu mà Công giáo lại biến thái trở thành Kitô giáo nếu đề cập tới thì nó rất ư dài dòng phức tạp không thuộc phạm vi của bài này. ở đây chỉ cần biết rằng Công giáo với bốn đặc tính = Thánh thiện , công giáo duy nhất và tông truyền hòan tòan không phải Kitô giáo. mặt khác, dĩ nhiên Công giáo còn gọi là Thiên Chúa giáo không phải Do Thái giáo nhưng cả hai đều có chung một đối tượng tôn thờ là Đấng Thiên Chúa hằng Sống . Đức Kitô nói với những người Do thái “ĐCT của Abraham, của Isaac và của Giacop . Ấy Ngài chẳng phải là ĐCT của kẻ chết đâu bèn là của kẻ sống. Bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” Lc 20, 37 – 38 ) Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống đó là những ai ? Xin thưa đó là những người biết tuân thủ các giới răn của Ngài” vậy nếu các ngươi chăm chỉ nghe các điều răn Ta truyền cho các ngươi ngàynay, hết lòng hết ý kính mến Giêhova ĐCT ngươi và phụng sự Ngài thì Ta sẽ cho mưa mùa thu và mưa mùa xuân xuống thuận thì trong XỨ các ngươi. Ngươi sẽ thâu góp ngũ cốc, rượu và dầu của ngươi. Ta cũng sẽ khiến đồng ruộng ngươi sanh cỏ cho súc vật ngươi, ngươi sẽ ăn và được no nê. Các ngươi khá cẩn thận, kẻo lòng mình bị dụ dỗ xây bỏ Chúa mà hầu việc các thần khác và quỳ lạy trước mặt chúng nó chăng, e cơn thịnh nộ của Đức Giêhova sẽ phừng trên các ngươi. Ngài đóng các từng trời lại nên nỗi chẳng có mưa nữa, đất không sanh sản. Như vậy các ngươi sẽ vội chết mất trong XỨ tốt tươi này là XỨ mà Đức Giêhova ban cho các ngươi” Đnl 11, 13 – 17 )
Đạo Công giáo cũng gọi là Đạo Chúa ( Thiên Chúa giáo ) là đạo lấy việc tuân giữ các giới răn bao gồm Mười Điều Răn ĐCT và sáu luật điều Hội Thánh để phụng thờ Thiên Chúa. Việc phụng thờ này chúng ta không thể thực hiện nếu không có Đức Kitô Trung Gian bởi như Ngài nói “ Ta là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” Ga 14, 6. ) Thần học hiện nay khi trích dẫn Lời Chúa đây hầu như cứ cố ý cắt cụt đi một vế để chỉ còn là “ Ta là đường, sự thật và sự sống” mà bỏ đi vế thứ hai ..Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.) Cả hai vế đều quan hệ như nhau, bỏ đi vế này thì vế kia trở thành vô nghĩa. Thần học không thể không bỏ đi vế thứ hai bởi Thiên Chúa chết rồi còn đâu nữa để đến hay không đến ? Thiên Chúa một khi đã bị giết cho chết thì đương nhiên vai trò trung gian của Đức Kitô chẳng còn nghĩa lý gì nữa, đồng thời Nước Trời trở thành tục hóa như đang thấy. Đức Kitô xuống thế mục đích là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời và Nước này là Nước mầu nhiệm nội tại cũng tức là XỨ đã được nhắc đến trong đọan sách Đê Nhị Luật vừa trích dẫn. XƯ hay Nước Trời mầu nhiệm chẳng có ở đâu khác ngòai Tâm của mỗi người. Công việc tuân giữ giới răn, hết lòng yêu mến Thiên Chúa, đó là điều kiện, là cái NHÂN để cho ta cái QUẢ là những phước báu được gọi bằng những hình ảnh hết sức phong phú và ấn tượng như là mưa mùa thu, mưa mùa xuân xuống thuận thì. Ruộng đồng sanh cỏ cho súc vật ăn no nê. Trái lại nếu cứ cứng lòng si mê quay ra hướng về ngọai vật tức các thần ngọai lai như tiền tài danh vọng sắc dục … tất sẽ không thể tránh khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa cũng chính là Giác Tánh ở nơi mình.
Ngày nay tôn giáo vẫn có vẻ như sầm uất lắm, thế nhưng đó chỉ là cái vỏ hình thức bề ngòai. Học hỏi và biết Kinh Thánh nhiều lắm, câu nọ đọan kia vanh vách, sinh họat hội đòan rầm rộ, rất ư bài bản.. thế nhưng tâm trí thì bại họai, đức tin của họ đã hóa ra vô dụng” 2Tm 3, 1- 8 ) Đức tin còn gì mà không ra vô dụng bởi người ta đâu có đi theo mạc khải của Đức Kitô về Đấng Cha nội tại nữa đâu ? Tôn giáo rất cần phải phục hồi, tuy nhiên cần nên nhớ sự phục hồi ấy không phải là phục lại cái chi khác mà là chính cái Tâm Bản Nhiên của mỗi người. Tâm Bản Nhiên cần phục hồi ấy cũng là một với Đấng Thần Linh của Con Dân Chúa vẫn hằng dâng lên Ngài ở khắp mọi nơi, mọi thời “Đức Chúa Trời ôi ! Xin hãy dựng nên trong tôi một tấm lòng trong sạch và làm mới lại trong tôi một Thần Linh ngay thẳng”( TV 51, 10 ).
Phùng văn Hóa