Trả lương cho bố (cảm nghĩ về ngày Hiền phụ)

Người con trai hỏi bố:

-Bố ơi, con hỏi bố một câu được không.

-Tất nhiên là được rồi, con trai. Ông bố đáp.

-Mỗi giờ làm việc của bố được trả bao nhiêu?

-Tại sao con lại quan tâm về tiền lương của bố?

-Con chỉ tò mò muốn biết thôi. Nhưng bố có thể cho con biết được không, mỗi giờ bố được trả bao nhiêu? Cậu bé nài nỉ.

-Lương hiện thời của bố là 50$ một giờ.

-Con cám ơn bố. Nói xong cậu vội vã về phòng đóng chặt cửa lại.

Linh tính cho biết cho cái gì hơi khác lạ, ông bố đến trước cửa phòng cậu con, gõ cửa và nói:

-Con làm gì mà hỏi lương của bố rồi vội vàng về phòng thế? Mở cửa cho bố vào được không?

Vừa vào phòng cậu con, thấy con đang đếm những đồng tiền lẻ, ông thắc mắc:

-Con đếm tiền này để làm gì?

-Con muốn đếm xem trong hộp tiền để dành của con có được bao nhiêu. Nhưng tiếc quá chỉ được một nửa lương bố làm một giờ.

Nói rồi cậu rướm rướm nước mắt vừa đưa 25$ gồm tiền cắc và tiền giấy cho bố vừa nói:

-Hay là bố dành cho con một nửa giờ được không? Vì con chỉ có thể trả được bằng ấy thôi.

Nghe vậy người cha hiểu được cậu con muốn gì. Ông đã ồm chầm lấy con hôn lấy hôn để, và hai bố con đã có một buổi chiều thật hạnh phúc.

Câu chuyện như trên chắc bạn đã nghe kể đâu đó bằng cách này hay cách khác, nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại ở đây nhân Ngày Hiền Phụ. Nó mang một ý nghĩa rất đặc biệt đối với tôi, đối với các con tôi, và có thể đối với bạn nữa.    

Ngày Hiền Phụ đối với tôi kể từ năm 1999 đến nay là những dịp tôi dùng để tưởng nhớ về người cha thân yêu đã khuất. Tôi năm nay cũng đã vượt qua ngưỡng cửa “cổ lai hy” nên Ngày Hiền Phụ có thể là thời điểm để ôn lại vai trò làm cha của mình trong quá khứ. Nhưng đối với các con tôi, những ngày này hy vọng nhắc nhở phần nào công ơn dưỡng dục của cha mẹ để giúp chúng sống tốt hơn bổn phận làm con, cũng như vai trò làm cha, làm bố đối với con cái của chúng.

Với thầy tôi, ông là một người bố tuyệt vời. Ông đã qua đi nhưng bóng hình ông vẫn còn phảng phất, vẫn còn hiện diện quanh tôi. Tôi cảm thấy tôi phải mang ơn ông, và phải sống sao cho niềm hy vọng ông đặt nơi tôi được mãn nguyện. 

Với tôi, khi viết những dòng này, tôi muốn viết để tự đối diện với chính mình qua vai trò người cha đối với các con tôi. Hình ảnh người con xin bố một nửa giờ ngồi chơi với mình đã xoáy mạnh vào tâm tư tôi khiến tôi cũng muốn bật khóc. Tôi chợt nhận ra hình ảnh mình, hình ảnh các con mình trong câu chuyện ấy.

Trong cuộc sống với sức ép của cơm áo gạo tiền nhiều khi tôi đã lơ là, đã coi thường với hạnh phúc mà Thượng Đế đã trao tặng cho tôi là những người con. Trong quá khứ đã nhiều lần tôi nhìn vợ con tôi như những gánh nặng, những phiền hà, những thứ mà tôi chẳng đặng đừng phải chấp nhận. Và tôi đã vô tâm, đã hất hủi, đã coi thường những món quà tình yêu ấy. Ngày lại ngày trôi qua, tôi đã không để ý đến gia đình, nhất là tôi đã không dành cho các con mình những thời gian cần thiết. Tôi viện dẫn nhiều lý do để từ chối cho chúng những phút hạnh phúc rất đơn giản ấy, vì tôi ích kỷ muốn tìm cho mình một thứ hạnh phúc riêng tư, một thứ hạnh phúc mà tôi cho là có thể làm thỏa mãn cái tôi của mình. Thứ hạnh phúc của danh vọng, tiền tài, chức quyền, dục vọng mà thói thường người đời vẫn tìm kiếm.

Với trái tim của một người bố, tôi cảm thấy rất đau lòng khi nhìn chung quanh tôi, nhiều em bé rất là tội nghiệp. Bố chúng nó không những không cho chúng đủ cơm ăn, áo mặc mà còn hành hạ, dập vùi tuổi thơ của chúng. Có những người bố coi một bữa nhậu, một trận cá độ, một canh bạc, một buổi bóng đá, một chầu cà phê, một mối tình ngang trái hơn vợ con của họ. 

Nhưng. Càng lớn tuổi tôi càng nhận ra một điều mà tôi coi như chân lý. Nó đã cho tôi biết một điều là dù loay hoay, mệt mỏi trên hành trình cuộc sống, rốt cuộc tôi cũng chỉ có một cõi để đi về. Trịnh Công Sơn đã diễn tả chân lý đó rất sâu lắng, rất chất thơ như sau:

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về

(Một Cõi Đi Về)

Về đâu? Về với cội nguồn của mình, nơi mình đã phát xuất. Về đâu? Về với gia đình mình.  Và về đâu? Về với vợ con mình. Vì chỉ khi dừng chân trên đường về, tôi mới nhận ra hành trình mình đang đi đã dẫn tôi đi loanh quanh, mỏi mệt một cách vô lý. Tôi muốn xin lỗi các con tôi vì những khoảnh khắc hạnh phúc của chúng mà tôi đã đánh mất, đã khiến chúng có cảm tưởng như tôi vô tâm, vô tình, và vô trách nhiệm đối với chúng.

Với các con tôi. Tôi không mong ngày Hiền Phụ năm nay các con tôi sẽ biếu tặng tôi những món quà quí giá, nhưng tôi chỉ mong chúng dành cho vợ chồng tôi một buổi chiều, một buổi họp mặt cùng nhau ăn một bữa cơm gia đình, hoặc ít ra cũng dành cho chúng tôi, riêng cá nhân tôi, một thời gian bằng nửa số tiền chúng kiếm được trong một giờ.

Vì thời gian dành cho nhau và sự hiện diện là một quà tặng:

Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi thành mây khói
Cát bụi làm sao mà biết mỉm cười.

(Nếu Có Yêu Tôi – Trần Duy Đức) 

Ngày Hiền Phụ 2019

Chia sẻ Bài này:

Related posts