TRI  VÀ  HÀNH

          Nguyên nhân sâu xa đưa đến cơn khủng hoảng đức tin trong giáo hội đó là người Công giáo chỉ biết giữ đạo chứ không…sống đạo. Giữ đạo khác với sống đạo ở chỗ một đàng chỉ có cái hình thức bề ngoài với những giáo điều và luật lệ mang tính áp đặt. Còn sống đạo là sống với niềm tin của mình.

          Trong bài: “ Đôi nét về thực trạng sống đạo của giới trẻ ngày nay” Aug. Trần Cao Khải có đưa ra nhận định: “ Tại một số xứ đạo, các bạn trẻ đi lễ đang giảm dần một cách trầm trọng. Nhiều bạn trẻ ngày nay coi việc đi lễ là một gánh nặng. Đi vì bổn phận, hoặc vì gượng ép. Họ đến nhà thờ là do  cha mẹ thúc giục, không đi không được hoặc vì không đi sợ mắc tội chứ không vì niềm tin và lòng mến. Họ có mặt ở nhà thờ nhưng không hề ý thức mình đang có mặt ở đó để làm gì, chỉ mong sao giờ lễ mau kết thúc” ( Nguồn HĐGM Việt Nam 24/4/2020 ).

          Đi lễ không vì niềm tin và lòng mến; điều này không chỉ đúng với giới trẻ nhưng là với tuyệt đại giáo dân hôm nay. Nhận định này có vẻ quá bi quan hay không ? Xin thưa là không bởi vì giới trẻ và người CG Việt Nam nói chung  nếu so với các nước Âu Châu  thì việc giữ đạo vẫn còn…sầm uất lăm. Thống kê cho thấy, riêng tại nước Đức trong năm 2018 đã có 250.000 người bỏ đạo và con số này ngày càng tăng !

          Đạo là con đường mà đã có đường thì phải  bước đi trên đó thì mới có thể đến được cái nơi mình muốn đến. Ngoại trừ những con người đã…bỏ đạo  tức rời bỏ con đường thì chẳng nói làm gì. Trái lại những người…còn ở trong đạo nhưng lại không sống đạo thì nào có ích gì ? Thánh Giacobe nói: “ Hãy làm theo đạo, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình. Vì nếu ai nghe đạo mà không làm theo thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, thấy rồi  thì đi liền quên mặt mình ra thể nào ?” ( Gc 1, 22 -24 ).

          Đi dự lễ, nghe xong bài Phúc Âm cũng cúi đầu cung kính thưa; Lạy Chúa Ki Tô, ngợi khen Chúa nhưng thực tình chẳng biết nội dung bài Phúc Âm nói gì ?  Nếu không biết nội dung, để lời Chúa  đọng lại trong Tâm thì làm sao có thể thực hành ?

          Nghe Lời Chúa là để thực hành và chính cái việc thực hành đó mới sinh ơn  ích, trái lại thì không: “ Sao các ngươi gọi Ta: Chúa, Chúa mà không làm theo lời Ta dạy bảo ? Ta sẽ chỉ cho các ngươi biết kẻ nào đến cùng Ta, nghe lời Ta và làm theo thì giống ai ? Kẻ ấy ví như người kia cất nhà, đào móng sâu, lập nền trên vầng đá. Khi nước lụt tràn  ngập, ngọn nước  đổ vào nhà đó thì không thể rúng động vì đã xây cất chắc chắn. Song kẻ nào nghe mà không làm theo  thì ví như người kia  xây nhà trên cát không nền tảng. Ngọn nước đổ ập vào nhà đó tức thì sụp đổ, thiệt hại rất lớn” ( Lc 6, 46 -49 ).

          Không chỉ riêng với Lời Chúa mới cần đem ra thực hành mà mọi sự khác ở đời cũng vậy. Thế nhưng có sự khác biệt triệt để  giữa thực hành Lời Chúa và  những việc khác ở đời. Lão Tử nói: “ Vi học nhật ích. Vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn. Dĩ chí ư vô vi” ( Theo học ngày càng thêm. Theo Đạo ngày càng bớt, bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi – ĐĐK chương 48 ).

          Chữ “ Học” ở đây ám chỉ cho cái học tìm kiếm tri thức đủ loại: Triết/thần học, thiên văn. Địa lý v.v…

          Chữ “ Đạo” là chỉ về cái học đi sâu vào nội tâm mà để đi vào nội tâm thì phải ngày càng bớt đi những tri kiến đã thâu nhập bởi sách vở, thầy dạy….Bỏ đi cho đến chỗ không còn gì( Vô Vi ). Nguyên nhân sâu xa khiến người Công giáo nói chung không…sống đạo do mất đức tin là vì từ bấy lâu nay vẫn ảnh hưởng theo cái học tri kiến và các môn thần học triết học đều là cái học tri kiến ấy cả.!!!

          Với cái học tri kiến, đức tin ngày càng sút giảm là điều không sao tránh khỏi. Đang khi đó Đạo Công giáo là Đạo Cứu Rỗi đồng thời cũng là Đạo Đức Tin: “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là đạo đức tin mà chúng tôi rao giảng đây” ( Rm 10, 8 ).

          Chữ “ Đạo” theo nghĩa minh triết đó là một Thực Tại không thể nói, không thể gọi tên: “ Đạo khả đạo, phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường Danh” ( Đạo có thể nói ra đó không phải là Đạo thường. Danh có thể gọi tên đó không phải là Danh thường – ĐĐK chương một ).

          Chữ “ Đạo” hiểu như một Thực Tại thường hằng bất biến đó, Đức Ki Tô có khi gọi là Nước Trời có khi gọi là Đấng Cha. Dù với danh xưng nào thì Ngài cũng đòi buộc chúng ta cần có đức tin mới có thể đạt được: “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần. Các ngươi hãy ăn năn, sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 14 ).

          Giữa việc ăn năn, sám hối và tin vào Tin Mừng có một mối liên hệ khăng khít với nhau. Càng sám hối, chừa cải tội lỗi ngần nào thì lòng tin vào Tin Mừng càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Ngược lại, con người ngày nay  vì không chừa cải, sám hối tội lỗi mình nên lòng tin vào Tin Mừng ngày càng sụt giảm để rồi chạy theo một thứ Tin Mừng…khác: Thánh Phao Lô nói: “ Tôi lấy làm lạ cho anh em, sao lại vội lìa khỏi Đấng đã kêu gọi anh em bởi ân sủng Đức Ki Tô mà theo Tin Mừng khác. Nhưng không có Tin Mừng nào khác đâu, chẳng qua là có mấy kẻ quấy rối anh em muốn canh cải Tin Mừng của Đức Ki Tô đó thôi. Nhưng dẫu chúng tôi hoặc thiên sứ trên trời giảng cho anh em một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em thì người ấy đáng bị nguyền rủa” ( Gal 1, 6 -8 ).

          Đức Ki Tô chỉ rao giảng duy nhất có một Tin Mừng đó là Tin Mừng về Nước Trời mầu nhiệm nội tại: “ Người Pharisi hỏi Chúa Giê Su về Nước Thiên Chúa chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước TC không đến cách mắt thấy được. người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia vì này Nước TC ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

          Về Nước Trời không thể nói: Đây này hay đó kia bởi vì đó là Thực Tại vượt không gian và thời gian, là một mầu nhiệm nhưng lại chính  là Bản Tâm Vô Phân Biệt ở nơi mỗi người. Với mầu nhiệm lớn lao ấy, Đức Ki Tô qua cái chết và phục sinh, Ngài đã dẫn đường chỉ lối cho chúng ta con đường trở về: “ Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết. Rồi từ đó Tin Mừng Nước Thiên Chúa được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).

          Chúa nói phải…nỗ lực mà vào thì “ Vào” ở đây chỉ có thể là …vào nơi nội tâm mình, không thể hiểu theo cách nào khác Co1Vua Trần Nhân Tông khi còn là thái tử đã hỏi ngài Tuệ Trung chỗ chủ yếu để tu hành, ngài đáp: Phản quan tự kỷ, bổn phận sự bất tùng tha đắc” ( Xoay cái nhìn ( Quán ) nơi mình, đừng chạy theo vật ( Ngoại cảnh ) đó là điểm chủ yếu ).

          Xoay vào bên trong nhưng biết lấy cái gì để mà…xoay ? Đây chính là vấn đề đặt ra giữa Tri và Hành. Tri tức là biết còn Hành là hành động, xưa nay ai cũng cho là phải có Tri rồi mới có Hành. Thế nhưng Vương Dương Minh ( 1472 – 1528 ) lại nói Tri và Hành chỉ là một: “ Người đời nay học vấn nhân vì đã phân Tri – Hành ra làm hai việc cho nên khi có một cái niệm phát động, tuy là bất thiện  nhưng bởi vì chưa thi hành  nên không tìm cách ngăn cấm. Ta nói cái thuyết Tri Hành Hợp Nhất chính là để  người ta hiểu được  chỗ nhất niệm phát động  tức là hành rồi. Hễ chỗ phát động  có điều bất thiện  thì đem cái điều bất thiện ấy trừ bỏ  ngay đi, cốt bỏ đến chỗ căn để, khiến cái niệm bất thiện không tiềm phục ở trong lòng” ( Nho Giáo Q. Hạ ).

          “ Cái Tri” của V.D. Minh đó chính là tư tưởng và hành động nào cũng là do tư tưởng quyết định hoặc đi đứng nằm ngồi…hoặc làm ác làm thiện v.v..Chúa Giê Su nói: “ Vì từ lòng mà ra những ác tưởng, giết hại, ngoại tình, gian dâm, trộm cắp, làm chứng dối, lộng ngôn v.v…( Mt 15, 19 ).

          Tư tưởng là cái quyết định cho hành động nhưng vì u mê ám chướng nên người đời cứ khởi lên những tư tưởng tham, sân, si, ganh ghét, đố kỵ…để rồi phạm vào những điều ác chịu khổ mà không biết. Nếu khổ là do chất chứa những ác tưởng  thì để cho hết khổ thì chỉ có cách chuyển hóa những ác tưởng ấy bằng thiện tưởng tức Lời Chúa: “ Vì lời Chúa là lời hằng sống, linh động sắc hơn mọi gươm hai lưỡi, đâm thấu đến  nỗi chia hồn linh, khớp tủy, biện biệt và ý tưởng của lòng” ( Dt 4, 12 ).

          Sống đạo là sống cuộc chuyển hóa và sở dĩ cuộc chuyển hóa ấy được thành tựu là nhờ ở lòng tin và bền lòng cầu nguyện. Thánh Josemaria Escriva nói: “ Hành động sẽ không  có giá trị gì nếu không có cầu nguyện. Hy sinh làm cho lời cầu nguyện thêm giá trị” ( Con Đường – The Way )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts