TRỞ  NÊN  CON  NGƯỜI  MỚI  TRONG  CHÚA  GIÊ SU  KI TÔ

            Trước cơn đại dịch còn diễn biến khó lường, người Công Giáo cũng như toàn xã hội không thể không lo lắng, chẳng biết tương lai rồi sẽ ra sao ? Tuy nhiên, khác với người đời, chúng ta tin rằng ngoài đời sống hữu hạn này, còn có một đời sống khác  bất diệt và ở nơi đây, những ai khi  còn sống  đã có niềm tin và sống niềm tin  ấy nơi Chúa Giê Su  thì sẽ nhận được lời hứa chắc chắn của Ngài: “ Ta là sự sống lại và là sự sống.  Kẻ nào tin Ta, dẫu đã chết cũng sẽ sống. Còn hễ ai sống mà tin Ta thì đời đời hẳn chẳng hề chết” ( Ga 11, 25 -26 ).

            Lời Chúa hứa là chân thật và đã được minh chứng bằng cái chết đau thương của Ngài. Thế nhưng  để có thể nhận được lời hứa ấy, chúng ta phải làm gì nhất là trong những ngày mà đức tin  của người Công Giáo  hầu như đã bị lung lay bởi sự đánh phá của các thế lực sự dữ đến  cả từ bên  trong lẫn bên  ngoài  Giáo Hội ?

            Đức tin phải  được thử thách, có vượt qua  thử thách đó mới là đức tin chân thật. Trong những ngày…giãn cách xã hội, nhà thờ bị đóng cửa, các hội đoàn  không còn sinh hoạt, đời sống tôn giáo dường như  bế tắc. Thế nhưng  chính trong hoàn cảnh bất lợi đó, mỗi người chúng ta  cần nên xem xét lại  việc sống đạo  xưa nay của mình có xứng đáng là  người Con Chúa hay không ?: “ Vậy đây là điều tôi nói và làm chứng trong Chúa rằng, anh em chớ  có ăn ở  như người đời theo sự hư không của tâm trí họ. Lòng của họ tối tăm, xa cách sự sống của Thiên Chúa bởi sự ngu muội do lòng cứng cỏi của họ. Họ đã lì lợm, tự gieo mình vào sự luông tuồng, ham thích mọi điều ô uế không hề chán. Nhưng anh em  đã học nơi Đức Ki Tô thì chẳng như vậy đâu nếu quả anh em  đã nghe Ngài. Vậy anh em phải lột bỏ con người cũ về cách ăn ở trước kia là người càng ngày càng  bị bại hoại  bởi tư dục lừa dối. lại phải đổi mới trong tâm trí mình mà mặc lấy con người mới là người đã được dựng nên y theo Hình Ảnh Thiên Chúa trong sự công chính và sự thanh khiết của sự thật” ( Ep 4, 17, 24 ).

            Có câu nói đại ý: Chẳng vị Thánh nào lại không có một quá khứ cũng chẳng  tội nhân nào lại không có tương lai”. Thật vậy, chính Thánh Phao Lô đã cho chúng ta một tấm gương sáng chói về sự thật đó. Phao Lô khi còn mang tên Sao Lơ là người đã  tàn hại và bắt bớ Đạo Thánh Chúa cách dữ dội nhưng cũng chính con người này lại đã trở nên một khí cụ đắc lực và là chứng nhân kiên cường của Chúa. Trong biến cố Đa Mát, Chúa Giê Su Phục Sinh nói với Anania, người đã không muốn đi  đến để chữa mắt cho Phao Lô  và Chúa nói với ông: “ Hãy đi vì người  là khí  mạnh lựa chọn của Ta để  đem Danh Ta ra trước mặt dân ngoại, các vua chúa và con cái itsraen. Ta cũng đã tỏ cho người biết cần phải chịu bao nhiêu nỗi khổ vì Danh Ta” ( Cv 9, 15 -16 ).

            Tại sao Phao Lô từ một con người…bắt đạo  lại đã trở thành chứng nhân kiên cường như thế ? Đó là vì đã có sự thay đổi  cách nhìn hoàn toàn  khác về Chúa Giê Su: “ Lại  Người Ấy đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ  còn sống không còn  vì chính mình mà sống nữa nhưng sống vì Đấng đã thay họ chịu chết và sống lại…

            …Bởi đó cho nên , từ nay chúng  tôi không  còn  nhận biết ai theo xác thịt nữa. Dẫu chúng tôi  từng  nhận biết Chúa Ki Tô theo xác thịt. Song hiện nay chẳng còn nhận biết Ngài cách ấy nữa.  Vậy nếu ai ở trong Chúa Ki Tô thì nấy được dựng nên mới, những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới” ( 2C 5, 15 -17 ).

            Tất cả sẽ thay đổi theo cách nhìn. Trước  biến cố  Đa  Mát, Sao Lơ coi Chúa Giê Su  và những kẻ  theo Ngài chỉ là  nhóm người nổi loạn cần trừ khử nhưng sau khi được Chúa mở con mắt trí tuệ thì đã trở thành chứng nhân kiên cường của thập giá: “ Vì tôi quyết định rằng  ở giữa anh em , tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Giê Su  chịu đóng đinh trên thập tự giá” ( 1C 2, 2 ).

            Cũng vì cái nhìn  theo con mắt xác thịt đó, người Do Thái đã chối bỏ Đấng Messia  mà cha ông họ  từ lâu mong mỏi, đợi chờ: “ Người ta  xầm xì   về Ngài bởi Ngài  đã phán, Ta là bánh từ trời xuống. Họ nói rằng đó chẳng phải là Giê Su, con của Giosep mà cha mẹ Người chúng ta đều biết đấy ư ? ( Ga 6, 41 ).

            Không chỉ người đời mới có cái nhìn sai lạc về Chúa Giê Su mà ngay cả các Tông Đồ, những người thân tín nhất của Ngài cũng vậy. Phê Rô, sau khi được khen ngợi  nhưng rồi ngay sau đó lại bị Chúa quở trách vì đã can ngăn Chúa bước vào con đường thương khó: “ Ớ Sa Tan, hãy lui ra đằng sau Ta…Ngươi làm cớ vấp phạm  cho Ta. Vì tâm ý ngươi chẳng chăm về việc Thiên Chúa  song chăm về việc loài người” ( Mt 16, 23 ).

            Thánh Phê Rô bị quở trách  với lý do là vì  chỉ…chăm  việc loài người mà không…chăm  việc Thiên Chúa. Việc của Thiên Chúa đây  chính là tìm kiếm Sự Sống Đời Đời  và để việc tìm kiếm ấy mang lại kết quả  thì nhất thiết cần phải tin vào Chúa Giê Su Ki Tô.

            Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, người Do Thái kéo đến tìm Chúa nhưng Ngài nói: “ Quả thật các ngươi tìm Ta chẳng phải vì đã  thấy những dấu lạ bèn vì đã được ăn bánh no nê. Chớ làm việc vì đồ ăn  hay hư mất nhưng vì đồ ăn  còn lại đến sự sống đời đời là thứ Con Người sẽ ban cho các ngươi vì ấy là Người mà Cha tức là Thiên Chúa đã ấn chứng cho. Chúng bèn  hỏi rằng: Chúng tôi phải làm  chi để làm công việc của Thiên Chúa ? Đức Giê Su đáp: Công việc của Thiên Chúa ấy là các ngươi hãy tin Đấng  Ngài đã sai đến” ( Ga 6, 26 -29 ).

            Như đã biết, để có thể tin vào Chúa Giê Su là điều rất khó bởi cần phải thay đổi cái nhìn về Ngài. Bao lâu chưa thay đổi cái nhìn về Chúa Giê Su  thì sẽ không thể tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế và như thế  cũng sẽ không thể tin vào Tin Mừng  Nước Trời mầu nhiệm mà Ngài  rao giảng: “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần, các ngươi hãy ăn năn, sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).

            Giữa việc sám hối, ăn năn và tin vào Tin Mừng  có một sự liên kết sâu xa. Càng có lòng ăn năn, sám hối tội mình bao nhiêu thì lòng tin vào Tin Mừng càng triển nở  mạnh mẽ  bấy nhiêu. Trái lại không sám hối tức không nhận biết tội mình thì không thể…tin vào Tin Mừng. Tại sao ? Bởi vì Nước Trời đây chính là một Thực  Tại Tâm và Thực Tại Tâm ấy ví như mặt trời  bị che khuất  bởi những đám mây  mù. Tội lỗi giống như  mây mù che khuất, chỉ cần sạch tội  thì mặt trời  Chân Tâm sẽ hiện ra rực rỡ như  vẫn là vậy.

             Chân Tâm  tức Nước Trời mầu nhiệm bị che khuất  bởi hai  trở lực: Một là những đam mê dục vọng,  hai là những kiến thức sai lầm. Con người sống  là sống với, sống bằng thân xác, vì thế nó không thể không có những nhu cầu như ăn uống, dâm dục để tồn tại. Tuy nhiên ngoài cái  bản năng sinh tồn ấy ra, con người  vì là loài có linh tánh thế nên nó còn có khát vọng  muốn vượt thoát khỏi cái thân phận…hay chết  ấy để bước vào cõi vô  hạn.

            Có thể nói chính cái khát vọng  ấy đã làm nên  con người  như  Hình Ảnh Thiên Chúa. Thế nhưng giữa khát vọng giải thoát và hiện thực đời sống ( Giác quan ) có một khoảng ngăn cách khó thể vượt qua nếu không dựa vào  đức tin tôn giáo hay nói chính xác hơn là cậy nhờ vào Chúa Giê Su Ki Tô.

            Chúa Giê Su là Đấng Cứu Độ  duy nhất, chúng ta tuyên xưng điều ấy nhưng  cần  hiểu tính chất Cứu Độ đó  thế nào ?  Có phải Chúa đến để …cứu tất cả hay không ? Nếu bảo rằng Chúa…cứu tất cả thì cần gì phải tin vào Tin Mừng cùng với lòng ăn năn, sám hối ?  Thật sự như Chúa nói, Ngài không cứu  tức đem đến  giải thoát cho con người mà là Sự Thật: “  Chúa Giê Su bèn phán cùng những kẻ đã tin Ngài rằng:   Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta  thì thật là môn đệ Ta, các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).

            Lời Chúa thật hết sức  rõ ràng, không phải Chúa…cứu nhưng là Sự Thật. Điều này cho thấy chỉ khi nào nhận ra Sự Thật, con người mới được giải thoát  và sự thật  đó chính là mỗi người đều được tạo dựng nên là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa. Để giúp con người nhận biết sự thật Con Thiên Chúa ấy, Đức Ki Tô  đã rao giảng Tin Mừng Nước Trời  như  một….Quốc Độ, một nơi chốn  để cho ta  có thể dễ dàng  quy hướng.

            Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng Nước Trời và Ngài khẳng định đó là sứ mạng được sai đi: “ Vừa  rạng ngày Ngài  đến nơi thanh vắng. Có quần chúng theo kịp, muốn giữ Ngài lại, không cho đi khỏi họ. Nhưng Ngài nói:  Ta cần phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác, vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43).

             Chúa Giê Su đã khẳng định sứ mạng thiên sai của Ngài đến để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Thế nhưng  thần học  lại đã ngang nhiên phủ nhận  để  đưa ra một thứ…Nước Trời hoàn toàn mang màu sắc chính trị: “ Vậy Nước Thiên Chúa  mà Đức Giê Su rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo hết nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị bằng một ngôi nhà hay một đô thị có tường thành bao quanh” ( Lm Micae Trần Đình Quảng – Đức Giê Su trước khi có Ki Tô Giáo – Một nỗ lực hiện đại trở về với Đức Giê Su Lịch Sử ).

            Đưa ra một thứ Nước Trời…mang màu sắc chính trị như thế, thần học đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng, nguyên do là vì  đã muốn trình bày một Đức Giê Su Lịch Sử  có nghĩa  chỉ …nhìn Ngài bằng con mắt xác thịt.

            Thần học dù là Duy Lý hay Hiện Sinh, chung quy cũng chỉ là những kiến thức  lầm lạc, không bao giờ có thể  nhận biết  Thực Tại. Điều này cho thấy…dục vọng tuy cũng  là  trở lực lớn lao trên con đường  giải thoát nhưng  xét ra  lại  không nguy hại  bằng  việc chấp vào những kiến thức do học hỏi, nghiên cứu mà có !!!

            Người đời xem ra rất coi trọng kiến thức cho đó là biểu lộ sự khôn ngoan  loài người, nhưng đối với  Thiên Chúa đó lại là sự ngu dại: “ Vì sự khôn ngoan  của thế gian này đối với Thiên Chúa  là sự ngu dại như có chép rằng: Ngài khiến kẻ khôn ngoan  mắc quỷ kế của  họ. Lại rằng Chúa biết ý tưởng của người khôn ngoan đều là hư không” ( 1C 3, 19 -20 ).

            Tại sao khôn ngoan thế gian đối với Thiên Chúa chỉ là ngu dại ? Bởi vì sự khôn ngoan ấy  sở dĩ có được tất cả là do nơi phân biệt và nếu đã do phân biệt thì đều là giả dối, không thật. Khi ta nói…cái nhà  thì cái nhà đó thật sự chỉ là…giả danh do phân biệt với những cái gọi là núi, sông, xe cộ, người ngợm v.v… Cứ chấp cho những cái  giả danh, cho nó là thật, để rồi mong muốn, tham cầu, hơn thua, tranh chấp với nhau, đó chẳng phải là ngu dại sao ?

            Đối với các sự vật đã vậy, còn đối với triết học, thần học cũng vậy, đó chỉ là những quan niệm do  lý trí phân biệt mà có. Bỏ đi những phân biệt, đối đãi thì các quan niệm  cũng chẳng thể còn…

            Quan niệm hẳn nhiên không phải là Thực Tại. Thế nhưng  người đời kể cả các triết gia, thần học gia chỉ vì  tính chấp nên đã lầm quan niệm với Thực Tại. Quan niệm về Thiên Chúa  lại lầm cho đó chính là Thực Tại Thiên Chúa và vì thế không sao tránh khỏi cái nạn Tục Hóa Tôn Giáo ( Desacralisation ).

            Dù rằng thời nay là thời Tục Hóa nguy hại cho đức tin như thế nhưng chúng ta, những môn đệ Chúa không những không  được nản lòng thối chí, trái lại cần tích cực hơn trong  việc sống đạo.

            Để sống đạo cách tích cực thì trước hết, cần như Thánh Phao Lô, thay đổi cái nhìn về Chúa Giê Su. Nếu trước đây chỉ tôn thờ  Chúa bằng những hình thức bề ngoài như  đọc kinh, cầu nguyện, xưng tội, rước lễ, chầu Thánh Thể v.v… thì nay chúng ta  cần nhìn nhận Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất  của đời mình. Tại sao ? Bởi vì  có nhìn nhận Chúa Giê Su là Đấng Cứu Độ duy nhất  thì mình mới hết lòng vâng  nghe  và thực thi Lời Ngài: “ Sao các ngươi gọi Ta là Thầy, là Chúa  mà không làm theo lời Ta dạy bảo ?Ta sẽ chỉ cho các ngươi  biết kẻ nào đến cùng ta, nghe lời Ta và làm theo thì giống  ai ?  Kẻ ấy ví như người kia cất nhà, đào sâu, lập nền trên vầng đá, khi nước lụt tràn ngập, ngọn nước đổ ập  vào nhà đó thì không rúng động được vì đã được xây cất chắc chắn” ( Lc 6, 46 -48 ).

            Đã gọi là sống đạo thì phải thực hành, không thực hành thì không  thể là…sống đạo. Mặt khác toàn bộ việc sống đạo ấy  cần xuất phát từ ở nơi Tâm tức nơi tư tưởng. Cầu nguyện mà chỉ có  ở ngoài môi miệng  thì việc ấy chẳng thể có ơn ích: “ Còn ngươi khi cầu nguyện, hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho” ( Mt 6, 6 ).

            Cầu nguyện  chính là sự thể hiện của đức tin. Tin sao thì cầu  vậy ( lex orandi, lex credendi ). Đức cố hồng y  FX  Nguyễn Văn Thuận  nói Giáo Hội khủng hoảng là vì đã …hạ giá  cầu nguyện. Hạ giá không có nghĩa là không cầu nguyện nhưng là đã không nhận ra  sự thiết yếu của cầu nguyện.

            Tại sao cầu nguyện lại là điều thiết yếu ? Bởi vì trong cầu nguyện luôn hàm chứa hai yếu tố. Một là Cầu, hai là  Nguyện.  Cầu là cầu xin cho mình ơn này ơn khác. Còn Nguyện là nguyện làm sáng Danh Chúa  để được về sống đời đời bên  Ngài.

            Sự lo lắng trong cơn dịch bệnh  là điều không ai tránh khỏi nhưng sự lo lắng ấy chỉ đưa đến bất lực  nếu người ta  chỉ biết bám víu vào cõi đời giả trá, khốn khổ này. Trái lại, nếu có lòng tin và dốc  tâm nguyện về cõi Thiên Đàng hằng vui, hằng sống thì đâu còn lo  chi nữa ? Kinh  Mân Côi chính là  giải pháp tối ưu, chỉ cần hết lòng cậy trông ở Mẹ thì  thể nào  cũng  đến được với Đấng Cứu Độ Giê Su ( Par Mariam Ad Giê Sum )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts