Trở về với Cha

          Với  biện pháp đình chỉ Thánh Lễ, dừng các hoạt động tôn giáo  vì e sợ sự tụ tập đông người gây lây lan  dịch bệnh Covid 19 đã cho thấy lời hứa của Chúa Giê Su” “Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế’ ( Mt 28, 20 ) dường như không còn…hiệu nghiệm ? Chúa chỉ có thể…ở cùng nơi các Bí Tích, đặc biệt  là Bí Tích Thánh Thể.  Nhưng giờ đây khi Thánh Lễ đã  không được cử hành  thì kể như Chúa Giê Su  cũng không …có mặt ?

          Nếu Chúa Ki Tô không có mặt thì Thiên Chúa Đấng Cha của Ngài làm sao  có thể được nhận biết ?  Chính vì lẽ đó  báo chí phương tây…kháo nhau rằng chính Giáo Hội  đã làm cho Chúa  phải…tự cách ly: “ Trong số các biện pháp hà khắc  đã được đề ra, có việc các quan chức chính phủ cấm cử hành phụng tự công khai. Ở Ý, người ta đã cấm cử hành các Thánh Lễ, ngừng việc Rước Lễ và Xưng Tội. Thánh đường và việc cử hành các Bí Tích bị coi là một dịp truyền nhiễm, khác gì một sự kiện thể thao hoặc một buổi hòa nhạc. Đến lượt mình, giới truyền thông   chế giễu Giáo Hội khi tuyên bố rằng  ngay cả Chúa cũng  đã tự cách ly” ( Nguồn Vietcatholic – 24/3/2020 – John Horvat – Virut Corona là một lời mời gọi trở về với Thiên Chúa ).

          Về việc để Thiên Chúa bị…cách ly như thế, cũng không khỏi có những ý kiến trái chiều của giáo dân, linh mục và cả giám mục cho biết các vị thất vọng vì động thái này và chỉ ra rằng việc đình chỉ các Thánh Lễ có thể gây thêm sự sợ hãi, làm trầm trọng thêm  tình trạng hoảng loạn  giữa các tín hữu. Vì thế đức cha Pascal Rolland, giám mục giáo phận Belley Ars  cho rằng mọi người nên sợ dịch sợ hãi, dịch đóng cửa nhà thờ, dịch  đình chỉ Thánh Lễ hơn là dịch Coronavirus ( Nguồn Vietcatholic News – 09/3/2020 Đặng Tự Do ).

          Tại sao đình chỉ Thánh lễ còn nguy hơn dịch Coronavirus ? Bởi vì  dù cơn dịch  này có tác hại đến đâu thì rồi nó cũng sẽ qua  đi giống như bao trận dịch khác trong lịch sử đã giết hại hàng mấy triệu người trong khi dân  số nhân loại  ngày ấy còn chưa đông đúc như bây giờ !

          Chỉ vì dịch bệnh mà đình chỉ các Thánh Lễ như thế khiến Chúa Ki Tô không thể…ở cùng và một khi không có Chúa…ở cùng  thì cũng không thể có Thiên Chúa… làm Cha. Vậy có phải chăng đây là âm mưu thâm độc của Sa Tan ?

          “ Tuần trước Silas Melefais, nhà truyền giáo  có ảnh hưởng lớn của Brazil, một đồng minh thân cận của tổng thống đương nhiệm Bolsonara gọi các biện pháp đối phó là một chiến thuật của Sa Tan” ( Nguồn Vnexpress – 27/3/2020 – Tổng thống Brazil ra lệnh mở cửa nhà thờ ).

          Biện pháp ứng phó với dịch Covid 19 hiện nay như đóng cửa nhà thờ, đình chỉ các Thánh Lễ. Tại sao lại là chiến thuật của Sa Tan ? Đơn giản là vì không có Thánh lễ thì không có Chúa Ki Tô…ở cùng mà đã không có Chúa Ki Tô ở cùng thì tất nhiên cũng  chẳng thể nào  có Thiên Chúa là Cha.

          Đức Ki Tô đến với cõi thế  này chỉ có mục đích để mạc khải về  Đấng Cha: “ Cũng giờ đó, Chúa Giê Su mừng rỡ trong Thánh Linh mà rằng: Cha ơi ! Cha là Chúa tể trời đất. Con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu những  điều này với những kẻ khôn ngoan thông sáng mà bày tỏ cho con trẻ. Phải, Cha ơi vì như vậy thì đẹp lòng Cha. Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 21 -22 ).

          Chữ “Biết” đây hoàn toàn không phải là…cái biết của tri thức phân biệt nhưng là của trực giác vô phân biệt. Chính vì cái…biết đó Chúa Giê Su nói: Cha đã giấu những điều này với những kẻ khôn ngoan thông sáng mà bày tỏ cho con trẻ.

          Chúa nói những kẻ khôn ngoan, thông sáng  để ám chỉ cho  những triết gia,  nhà thần học nọ kia. Còn con trẻ là những con người dễ tin dễ nhận. Sự dễ tin, dễ nhận ấy hoàn toàn không mang tính chất mù quáng bởi đây chính là lòng tin nơi Đức Ki Tô:“ Ai tin Ta  đó chẳng phải là tin Ta nhưng là tin Đấng  đã sai Ta. Còn ai thấy Ta tức là thấy Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đến thế gian. Hầu hễ ai tin Ta  thì  chẳng cứ ở trong tối tăm” ( Ga 12, 44 -45 ).

          Chúng ta đặt lòng tin nơi  Đức Ki Tô, đó không những là lòng tin chân thật ( chánh tín ) mà còn là điều rất ư cần thiết. Tại sao ? Bởi  chưng Ngài là con đường dẫn đưa ta đến với Chúa Cha: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Đến với Cha hay là trở về với Cha, ý nghĩa cũng là một. Trở về với Thiên Chúa, Đấng Cha của mình. Đó phải là toàn bộ cứu cánh sống đạo của mỗi một tín hữu  chúng ta. Tuy nhiên mục đích ấy ngay từ buổi Sáng Thế  đã bị Sa Tan lừa dối phá hủy  bằng cách cám dỗ Nguyên Tổ…ăn Trái Cấm:“ Rắn nói cùng người nữ rằng: ĐCT há chẳng có phán dạy các ngươi không được phép ăn trái các  cây trong vườn sao ? Người nữ đáp: Chúng ta  được phép ăn các trái cây trong vườn. Song về trái của cây mọc giữa vườn ĐCT  có phán: Hai người chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá động đến e khi hai người phải chết chăng ? Rắn bèn nói với người nữ rằng: Hai người chẳng có chết đâu. Nhưng ĐCT biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái cây đó, mắt mình sẽ như ĐCT, biết phân biệt điều thiện và  điều ác” ( St 3, 1 -5 ).

          Sự lừa dối của rắn Sa Tan thật trắng trợn  nhưng  cũng  cực kỳ tinh vi ở chỗ nó nói cứ…ăn đi sẽ như ĐCT biết phân biệt điều thiện và điều ác. Đang khi đó Thiên Chúa là Đấng ở nơi Người hoàn toàn không có sự phân biệt” Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho người công chính cũng như cho kẻ bất chính”  ( Mt 5, 45 ).

          Câu chuyện sa ngã của nguyên tổ nơi Vườn Địa Đàng  cần được hiểu như là một biểu tượng minh triết. Cây biết phân biệt thiện ác  để chỉ cho Tâm Phân Biệt. Vườn Địa Đàng  là Tâm Vô Phân Biệt. Con rắn là Lý Trí. Khi Tâm phân biệt khởi  tức thời liền mất  đi Tâm vô phân biệt để phải dấn thân vào cõi Nhị  Nguyên phân biệt sống triền miên trong khổ đau, phiền não.

           Nguyên tổ vì nghe theo cám dỗ xúi giục của Sa Tan không vâng lời Thiên Chúa nên đã bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng. Nhưng nhờ có Đức Ki Tô vì vâng theo Thánh Ý Cha nên đã trở nên  Đấng Cứu Chuộc muôn dân: “ Dường ấy, nhơn chỉ một lần vấp phạm mà mọi người đều bị định tội thế nào thì nhơn chỉ  một việc công chính mà mọi người đều được nên công chính cũng thể ấy” ( Rm 5, 18 ).

          Việc công chính của Đức Ki Tô đó là Ngài đã vâng lời chịu chết trên thập giá để cho ta có thể làm cuộc hòa giải với Thiên Chúa: “ Mọi sự đều ra từ ĐCT. Ngài đã nhờ Đức Ki Tô  mà khiến chúng ta hòa lại với Ngài, chẳng kể sự quá phạm của họ và đã ủy thác Đạo Giải Hòa cho chúng tôi” ( 2C 5, 18 -19 ).

          Nói đến…hòa lại có nghĩa trước đó đã có sự bất hòa. Vậy sự bất hòa giữa Thiên Chúa và loài người đã diễn ra từ khi nào ? Xin thưa  đó là ngay sau khi Nguyên Tổ…ăn trái cấm và bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng ( St 3, 24 ).

          Nguyên Tổ phạm tội, bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng nhưng nhờ cái chết công chính của Đức Ki Tô trên thập giá, vì thế con người đã được chuộc lại.  Nói đến…chuộc  có nghĩa  chuộc lại cái chi  đã mất. Cái tưởng chừng đã mất đó chính là Đấng Thiên Chúa Tình  Yêu ( 1Ga 4, 8 ), vốn vẫn hằng hữu ở nơi mỗi người.

          Lời khẳng  định của Thánh Gioan: Thiên Chúa là Tình  Yêu tức Tình Yêu chính là Bản Thể ( Subtance ) của mỗi người. Bản Thể của con người là cái không bao giờ rời xa con người dù chỉ trong một phút giây. Mặc dù vậy chỉ vì u mê ám chướng  nên phàm nhân  không  một ai  đã nhận ra được Bản Thể Tình  Yêu ấy.

          Đức Ki Tô đến để nhắc nhở cho con người về sự hiện hữu của Đấng Thiên Chúa Tình  Yêu bằng cách  nói rằng hết thảy ai ai cũng là Con Thiên Chúa giống như Ngài. Chúa Ki Tô Phục Sinh nói với bà Madalena: “ Ta lên cùng Cha Ta cũng là Cha các ngươi. Cùng ĐCT Ta cũng là ĐCT các ngươi” ( Ga 20, 17 ).

          Như vậy Chúa Giê Su với chúng ta đều đồng một Thể Tánh cùng là Con Thiên Chúa. Tuy vậy  điều ấy  chẳng những rất khó để tin mà còn không sao  chấp nhận: “ Người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Chúa Giê Su hỏi: Ta do Cha mà tỏ cho các ngươi nhiều việc lành. Vậy vì việc nào mà các ngươi lại ném đá Ta ? Người Do Thái  đáp” Ấy chẳng phải vì việc lành nào mà chúng ta ném đá ngươi đâu nhưng vì lộng ngôn  và vì ngươi là người mà lại tự tôn là ĐCT” ( Ga 10, 31 -33 ).

          Chúa Giê Su đã làm nhiều phép lạ cả thể, cho người mù được sáng, người què  được đi, người chết sống lại v.v…Nhưng rồi vẫn bị người Do Thái ghét bỏ và giết chết chỉ vì khép Ngài vào tội lộng ngôn: “ Thầy thượng phẩm bèn xé áo mình mà rằng: Nó đã lộng ngôn. Chúng ta còn cần chứng cớ gì nữa ? Kìa, các ngươi vừa nghe lời lộng ngôn đó. Các ngươi nghĩ thế nào ? Chúng đồng thanh nói: Nó thật đáng tội chết” ( Mt 26, 65 -66 ).

          Người Do Thái sở dĩ khép Chúa Giê Su tội lộng ngôn phạm thượng như thế là vì họ đã cam tâm chấp nhận phận người đớn hèn, không bao giờ có thể thoát ra được. Đang khi đó Chúa Giê Su đến với cõi thế chỉ với  mục đích là để khai thông con đường về với Đấng Cha: “ Vậy Chúa Giê Su nói  với người Do Thái rằng: Khi các ngươi treo Con Người lên, bấy giờ sẽ biết Ta là Đấng Hằng Hữu, chẳng tự mình làm  điều gì. Nhưng Ta nói những điều theo như Cha Ta đã dạy.Đấng đã sai Ta vẫn ở cùng Ta, chẳng để Ta một mình vì Ta hằng làm điều đẹp lòng Người. Khi Ngài nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin Ngài” ( Ga 8, 28 -31 ).

          Chúa Giê Su nói những lời này để ám chỉ Ngài sẽ phải chết cách nào và đồng thời cũng nói lên cái chết ấy là để vâng theo Thánh Ý Chúa Cha. Trong cơn đại dịch nguy hiểm này, cái chết  đang là mối lo sợ trên toàn thế giới. Người ta dùng đủ mọi biện pháp  để hòng đối phó với kẻ thù vô hình đó bằng cách …cách ly. Quốc gia này cách ly với quốc gia kia. Vùng này cách ly với vùng nọ.Nhà này cach ly với nhà khác, thậm chí  ngay cả con người cũng phải cách ly với nhau !!!

          Sống trong sự cách ly hoàn toàn như thế, con người lần đầu tiên cảm nhận một điều gì đó chưa từng xảy ra trong cuộc đời. Phố xá trước kia ồn ào náo nhiệt bao nhiêu thì nay vắng vẻ bấy nhiêu. Những khu vui chơi, nhà hàng, quán xá  đóng cửa im ỉm. Công ty, xí nghiệp không còn công việc  đành phải cho công nhân nghỉ việc v.v…

          Đối với người Công Giáo trong hoàn cảnh này, sự cách ly ấy còn là không được  đi đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ hàng ngày, kể cả Chúa Nhật. Điều chưa bao giờ xảy ra đó cũng khiến cho người có  đạo chúng ta không khỏi ngỡ ngàng, vậy thì Chúa ở  đâu lúc này ?

          Tuy nhiên trong họa lại có phúc và cái phúc đó chính là nhờ ở sự cách ly bắt buộc ấy  mà người ta lại thấy mình …cần   đến Chúa, cần  đến sự nương tựa ở nơi Ngài. Chính vì cần đến Chúa, coi Chúa là chỗ cậy dựa duy nhất nên các gia đình thay vì đi đến nhà thờ hàng tuần như một tập quán, thói quen thì nay lại quay quần bên nhau mỗi tối để dâng lên Chúa, Đức Mẹ lời nguyện xin tha thiết bằng Chuỗi Mân Côi. Sốt sắng  đọc kinh Lạy Nữ Vương Gia Đình xin Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn, sướng khổ có nhau…

          Cách ly là điều không ai mong muốn  thế nhưng đó lại là cơ hội vô cùng quý giá để chúng ta trở về  nhận biết Thiên Chúa  đích thật là Đấng  Cha thân yêu hằng gìn giữ, chở che cho mình: “ Vì anh em chẳng nhận lãnh tâm linh của danh phận tôi mọi  để mà sợ hãi bèn là đã nhận lãnh tâm linh của danh phận Con Cái và nhơn đó chúng ta kêu lên tự đáy lòng: Aba, Cha ơi ! Chính Thánh Linh cùng tâm linh chúng ta  đồng chứng rằng chúng ta là con cái ĐCT. Lại nếu đã là con cái thì cũng là kẻ thừa tự với Chúa Giê Su Ki Tô, miễn là chúng ta đồng chịu khổ với Ngài hầu cho cũng  đồng  được vinh hiển với Ngài” ( Rm 8, 15 -17 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts