Truyền Thông: Đôi điều suy nghĩ

Có lẽ chưa bao giờ mà sức mạnh của truyền thông mạnh như bây giờ. Sức mạnh của truyền thông không đơn thuần ảnh hưởng trong một vài quốc gia nào đó nhưng nó lan truyền và ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Người “lớn” nói thì ảnh hưởng, thì sức mạnh cũng lớn theo vị thế của người đó. Người “nhỏ” nói cũng sẽ đương đầu với dư luận trong phạm vi nhỏ hơn của người “nhỏ” đó.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khi còn đương nhiệm, Ngài đã từng điêu đứng vì bài diễn văn tại Regensburg. Bài diễn văn này làm dậy sóng trong ngành truyền thông toàn cầu. Chẳng bao lâu sau đó, hiện nay Đức Thánh Cha Phanxicô cũng phải đối diện với nhiều lời chỉ trích sau khi ngài trả lời phỏng vấn báo La Civiltà Cattolica.

Vấn đề đặt ra là sóng gió không đến từ chính nội dung bài phỏng vấn cho bằng từ cách hành xử của giới truyền thông.

Có thể nói rằng đây là bài phỏng vấn quy mô và công phu nhất từ trước đến nay. La Civiltà Cattolica cộng tác với nhiều tờ báo khác của dòng Tên trên toàn thế giới như America, Thingking Faith… để thực hiện cuộc phỏng vấn. Linh mục Antonio Spadaro, S.J., Tổng biên tập tờ La Civiltà Cattolica đã đúc kết những vấn đề mà Ban biên tập của những tờ báo trên gửi các câu hỏi về cho ngài. Cha Antonio được gặp Đức Phanxicô 3 lần tại Casa Santa Marta để tiến hành cuộc phỏng vấn.

Bài phỏng vấn được đưa ra đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, nhiều nước trên thế giới, kể cả những người ngoài Công Giáo. Trong bài phỏng vấn, Đức Thánh Cha đưa ra những kinh nghiệm thiêng liêng và mục vụ, phương pháp làm việc và quản trị và về vài vấn đề nhạy cảm.

Thật đáng tiếc là bài phỏng vấn đã gây ra những phản ứng tiêu cực, không phải vì chính nội dung nhưng vì lối hành xử của ngành truyền thông. Nếu hành xử không đúng mực thì tác hại của truyền thông không thể lường trước được.

Trở về với khung cảnh nhỏ bé của chúng ta, đã hơn một lần kinh nghiệm cho lời phát biểu của một người cha thân yêu bị cắt xén. Cha đã rút ruột ra để nói về cảm nhận, cảm xúc của Cha khi được mời phát biểu trước những người có trách nhiệm. Tưởng chừng được cảm thông, tưởng chừng được thấu hiểu nhưng ngờ đâu vào sáng sớm của ngày hôm sau, giới truyền thông đã đẩy người cha thân yêu đó lên đến tận “chín tầng mây”. Nào là đặt cho Cha là người phản quốc, người kích động, người không xứng đáng là công dân nước Việt. Và, bao nhiêu búa rìu của dư luận, thậm chí của cả những người anh em thân thương ngày nào cùng chấm chung một chén, cùng sánh bước lên Đền Thánh cũng bĩu môi chế giễu.

Người cha ấy nay sống âm thầm lặng lẽ trong cô tịch để gắn bó mật thiết với Chúa hơn trong đời sống chiêm niệm.

Và, những ngày gần đây, búa rìu của dư luận, búa rìu của truyền thông cũng đang chĩa mũi dùi vào một người cha thân yêu nữa. Có lẽ, quan điểm của Cha khác quan điểm của những người khác để rồi ngày hôm nay Cha cũng đi theo “lối mòn” của người em xưa kia bị cắt xén lời phát biểu. Cũng với cung cách đó, cũng với cách hành xử đó, người ta không ngần ngại buông ra những lời thóa mạ cho một tâm hồn yêu nước thương dân.

Cứ xét theo lẽ thường, một người đã bỏ mọi sự trong cuộc đời để dâng hiến thì dĩ nhiên người đó cũng chỉ duy nhất đi theo con đường tận hến vì người nghèo, vì Nước Trời. Chẳng ai đi vào trong con đường đối nghịch, phản dân bán quốc làm gì cho mệt xác nhưng rồi lại cứ bị vu oan.

Sự đời là như vậy ! Tốt cũng do bởi cách hành xử, cách làm truyền thông. Xấu cũng do bởi cách hành xử của truyền thông thôi.

Bản thân truyền thông không có tội nhưng tội ở những người hành xử, những người làm truyền thông không đúng với lương tâm, không đúng với đạo đức của con người.

Truyền thông cũng sẽ đưa con người ta xích lại gần nhau hơn hay làm cho con người ta căm thù nhau hơn. Nếu như những người làm truyền thông có đạo đức, có thành ý làm cho con người ta yêu thương nhau hơn, gần nhau hơn thì họ cũng sẽ cố gắng gạt bỏ những ý tưởng làm cho con người ta xa cách nhau hơn.

Giả sử như có chút gì đó hiểu lầm hay thiếu sót trong lời phát biểu, trong bài phỏng vấn, trong tâm tình chia sẻ thì vì tình thương, vì lòng bác ái sẽ làm cho những ý tưởng ấy được nhẹ nhàng hơn, được chuẩn mực hơn. Thế nhưng, đáng tiếc là ngay cả thiện ý, thành ý của người phát biểu, người chia sẻ cũng bị cắt cụp để người đó thành kẻ tội đồ.

Chuyện cũng dễ hiểu khi người ta vì mục đích nào đó có lợi cho bản thân ai đó, và hơn nữa, cho một tập thể nào đó thì họ sẵn sàng bóp méo tất cả những sự thật.

Sự thật vẫn có đó, vẫn còn đó nhưng lòng người đã bóp méo sự thật, đã làm cho sự thật không còn thật như bản chất của nó nữa. Đau đầu hơn nữa khi ngày hôm nay các phương tiện cắt xén, cắt ghép quá tài tình. Và, đau hơn nữa là người ta ngụy trang những người dữ tợn cùng “đồng hành” với những người lương thiện để đi tìm công lý, đi tìm sự thật ! Mãi mãi công lý, mãi mãi sự thật sẽ không bao giờ có khi người ta không dám nhìn sự thật và không dám sống thật.

“Sự thật sẽ giải thoát anh em”. (Ga 8, 32)

Chỉ có sự thật mới giải thoát con người khỏi nhưng đau khổ, những bất công nơi con người và trong con người. Khi con người đánh mất lương tâm, khi con người đánh mất sự thật nơi mình thì mãi mãi con người sẽ bất an dù rằng bên ngoài họ đạt được mục đích và vui vẻ với chiến thắng, thành công.

Thế nhưng, tự hỏi trong đáy lòng, trong sâu thẳm của lương tâm họ cảm thấy có bình an thanh thản hay không ?

Nếu những người làm truyền thông có tay sạch lòng thanh thì ắt hẳng họ sẽ không làm tổn thương Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Cha Giuse, Đức Cha Phaolô và nhiều người khác nữa. Xin những người làm truyền thông hãy có tấm lòng, có cái nhìn thật, có cái nhìn thiện cảm hơn để nhìn thấy tấm lòng yêu thương bác ai, chân thật nơi những bài phát biểu, nơi những bài phỏng vấn, nơi những tâm tình chia sẻ của các Đấng các bậc hơn.

Cần có một con mắt sáng để đọc một bài chia sẻ, một bài phỏng vấn, một tâm tình nhưng cần hơn nữa một tâm sáng để đọc những chia sẻ, phỏng, vấn, tâm tình của người khác được sáng. Và, rất cần có một cái tâm sáng để viết một bài viết, một bài chia sẻ, một hành xử truyền thông sáng để mọi người gần gũi và yêu thương nhau hơn..

Hãy đặt lòng mình vào lòng của người khác, hãy đặt vị thế của mình vào vị thế của người khác, hạy đặt hoàn cảnh của mình vào hoàn cảnh của người khác, hãy đặt tâm tình của mình vào tâm tình của người khác thì khi ấy ta dễ dàng cảm thông, tha thứ và yêu thương hơn. Chỉ khi hành xử như vậy, truyền thông sẽ bác ái hơn, sẽ yêu thương hơn và con người sẽ xích lại gần nhau hơn.

Chỉ biết thêm lời nguyện xin Thần Chân Lý đến để giải thoát con người khỏi bóng đêm của tội lỗi, của sự dữ để con người sống thật với lòng mình, với lương tâm của mình. Và cũng xin Thần Chân Lý đến soi sáng cho những người làm truyền thông có một tấm lòng đạo đức trong sáng để phần nào bớt gây đau khổ cho anh chị em đồng loại của mình hơn mà thôi.

Lm. Anmai, CSsR

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment