Tự Do Nội Tâm

Nhu cầu sâu xa nhất của con người là nhu cầu căn tính. Tôi là ai? Tôi thế nào? Tôi ra sao? Nhu cầu này thường dẫn con người đến sự chú trọng ngoại hình: cách ăn mặc… sự hiểu biết, giàu có, thành công, đạo đức v.v…và những việc lành đang hiện hữu trong đời sống.

Ta không thể đồng hóa những việc lành hay những thành công trong đời, như ta là bác sĩ, khoa học gia, người đạo đức v.v… là căn tính của ta. Khi ta đồng hóa chính mình với những nhu cầu hiện hữu này, ta sẽ trở thành con người kiêu ngạo. Nếu ta cứ khư khư sở hữu nó thì khi mất đi vì một cơn bịnh, một tai nạn, một thất bại… sẽ làm con người mất đi căn tính. Đó chính là cái tôi nhân tạo và căn tính nhân tạo mỏng manh.

Căn tính đích thực của một con người có một giá trị và một phẩm giá đặc biệt, duy nhất, độc lập, không tùy thuộc vào những điều họ thực hiện tốt đẹp trong đời sống, dù họ đã bỏ nhiều năng lực và chăm chỉ thực hiện. Ta không nên hiện thực hóa tiềm năng của mình, ta mới có thể biết rõ mình là ai! Đây là căn tính đích thực Thiên Chúa ban tặng cho ta.

Tất cả những gì chúng ta có được đều nhận lãnh nhưng không từ Thiên Chúa. Con người được Thiên Chúa ban cho sự sống, điều này quý giá nhất, vì con người quan trọng hơn tất cả những điều tốt lành, giỏi giang, tài năng, địa vị mà con người có được. Bạn có gì mà bạn không nhận lãnh từ Thiên Chúa. Nếu đã nhận lãnh, thì tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh.

Thiên Chúa là Cha, yêu thương chúng ta vì ta là con của Ngài chứ không phải vì chúng ta tài giỏi hay chúng ta làm nhiều việc tốt lành. Kitô hữu nào nghĩ rằng, họ chuyên chăm cầu nguyện, thực hành nhiều việc đạo đức khác thì  đáng được yêu thương và được làm con của Ngài. Điều này đối với Thiên Chúa là sai lầm, vì làm cho con người kiêu ngạo và xa Chúa. Khi Ngài lấy đi tất cả khả năng của ta, tâm hồn ta rơi vào màn đêm đen tối. Trải nghiệm này làm ta rối loạn, khủng hoảng, cũng chính là lúc ta mất cảm giác yêu thương và cảm giác được yêu thương.

Nhưng thực ra Ngài vẫn đang trao ban tình yêu của Ngài cho ta. Ngài để cho ta nghèo khó thiêng liêng, sầu khổ thiêng liêng. Ngài cho ta nếm cảm những đau khổ, thất bại, sa ngã, bịnh nạn, yếu đuối, tội lỗi, và giữa những thử thách này, Thiên Chúa sẽ tận dụng chúng để an ủi chúng ta và cho chúng ta nhận thức: Ngài để cho ta nghèo khó sự thiêng liêng trong lòng và Đức Giêsu sẽ tìm đến chúng ta và biến đổi chúng ta thành những ngọn lửa tình yêu (Thánh Teresa Hài Đồng). Nhờ đó ta mới nhận ra những khó nghèo thiêng liêng thật quý báu.

Tình yêu sẽ tồn tại mãi mãi khi tất cả mọi sự đã qua đi, tình yêu là thứ quý báu nhất trong tất cả các kho báu. Hương tình yêu giống như hương thơm của cây trầm hương, dù nghiền nát thanh bột nó vẫn đượm mùi thơm, khi đốt lên lan tỏa khắp không gian nơi nó tỏa ra. Tình yêu chỉ cậy dựa vào Lòng Chúa Thương Xót, đó chính là tình yêu tuyệt đối vô điều kiện của Thiên Chúa trao ban cho nhân loại. Ta đón nhận tình yêu Thiên Chúa trao cho, được bao nhiêu, thì tự do nội tâm sẽ dồi dào mãnh liệt bấy nhiêu, để ta xử dụng hoàn toàn cho sứ mạng phụng sự Thiên Chúa.

Sự thật sẽ giải thoát chúng ta. Sự thật là Thiên Chúa yêu thương ta vô điều kiện. Vâng, mọi sự xảy ra cho chúng ta là kế hoạch tình yêu và quan phòng của Thiên Chúa. Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông (Ga 8,32). Sự thật chúng ta là kẻ tội lỗi, sự thật chúng ta là con người cần nhu cầu thương yêu: nhu cầu để yêuvà nhu cầu được yêu.

Khi tình yêu Thiên Chúa chan hòa bao bọc chúng ta, tự do nội tâm chúng ta phong phú dồi dào thì dù chúng ta có ở trong tù, có bệnh nạn, đau ốm thập tử nhất sinh, hay đau khổ, ngã lòng, hoặc phạm tội, bị bách hại, bị khinh chê, ta vẫn bình tâm vì ta luôn có Chúa ở cùng.

Tình yêu của Chúa sẽ biến đổi chúng ta từ khô khan nguội lạnh ra nóng sốt, từ đau khổ được an ủi, từ tội lỗi trở nên trong sạch, khi chúng ta chỉ biết cậy trông và tin tưởng vào tình yêu tuyệt đối vô điều kiện của Ngài là lúc chúng ta có một tự do nội tâm đích thực./- 

                                                                                                                                                Elisabeth Nguyễn

Chia sẻ Bài này:

Related posts