Lời nhạc ấy chợt vọng về ở buối sớm một ngày cuối Giêng Đinh Dậu – cụ thể là ngày thứ bảy 22 tháng giêng Âm Lịch , tức ngày 18 / 2 /2017…
Vọng về vì – sau khi dâng lễ sáng – trở về không gian nhỏ bé của căn phòng Nhà Nghỉ Dưỡng, thắp điếu thuốc thói quen cố cựu, lơ mơ nhìn lên vòm trời mờ sương và chợt thấy bóng trăng cuối Giêng bập bềnh giữa những vừng mây trôi …
22 tháng giêng Âm Lịch hôm nay – ngày 18 / 2 / 2017 – ngày an táng Đức Cố Giám Mục Phao-lô NGUYỄN VĂN HÒA…
Những điểm nhấn của cuộc đời Giám Mục có lẽ ngắn gọn thôi:
-
1975 – ngày 14/2/2017 : có mặt tại Nha trang – Khánh Hòa trong vai trò Mục Tử
-
2001 – 2007 : Chủ Tịch HĐGMVN nhiệm kỳ VIII và IX
-
14/2/2017: an nghỉ trong Chúa
Bấy nhiêu để văng vẳng niềm vui với ca từ:
Từ khi trăng là nguyệt
Vườn xưa lá xanh tươi
Đàn chim non lần hạt
Cho câu kinh bước tới – Nguyệt Ca – TCS
Dĩ nhiên người nhạc sĩ họ Trịnh có cái duyên với Nguyệt Ca của mình…và nghe nói khi sáng tác Nguyệt Ca, đã có lần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp gỡ nhà thơ Bùi Giáng để ngỏ ý – không nói rõ ra – nhưng muốn đề cập đến chút đỉnh “tác quyền” của câu thơ “ trăng là nguyệt”…Nhà thơ Bùi Giáng đã khéo léo từ chối cho rằng trăng hay nguyệt thì cũng là của dân gian, của Trời, của Phật…và Trời hay Phật…thì cũng là Giáng hay Sơn…Dĩ nhiên “ trăng là nguyệt” của Bùi Giáng khác xa và khác lắm với “ trăng là nguyệt” của Trịnh Công Sơn…
Từ khi trăng là nguyệt…
Từ khi mỗi thực tại được nhận biết đúng với cái giá trị thật của thực tại ấy…mà – đơn giản – có thể nói cách nôm na rằng: nó là nó… chứ không thể là gì khác nữa…thì:
Vườn xưa lá xanh tươi
Đàn chim non lần hạt
Cho câu kinh bước tới
Nói theo người trong Đạo thì là “ Trong Tinh Thần và Chân Lý ” : châm ngôn mục tử của Giám Mục Phao-lô.
Ngài đã và lúc nào cũng là như thế…
Là như thế đến độ hơi quá nghiêm khắc với chính mình…và làm cho những người quanh mình cũng thấy cần sự nghiêm chỉnh…Và đấy cũng chỉ là “ Trong Tinh Thần và Chân Lý” đó thôi…
Không biết trước đây thì sao, nhưng từ khi người viết xếp chút hành trang đến cư trú tại Nhà Nghỉ Dưỡng Linh Mục Giáo Phận Nha Trang – ngày 7/9/2015 – thì đã có ngài ở đấy rồi…Ở đấy và có mặt trong hầu hết những sinh hoạt chung của Nhà Nghỉ Dưỡng từ Nhà Nguyện đến Nhà Cơm…Ở đấy, có mặt, nhưng không còn được linh hoạt như xưa nữa và có vẻ “mệt” với cả những gì thích thú nhất…Có lần hỏi: Đức Cha có còn thích tiếng đàn piano – nhạc cụ thuần tay ngày xưa – nữa không?Ngài trả lời gọn lỏn: Không!Ù tai lắm!
Dù sao sự có mặt vẫn làm cho…
Vườn xưa lá xanh tươi
Đàn chim non lần hạt
Cho câu kinh bước tới
Mà quả thực là “Vườn xưa lá xanh tươi”…Ít có ngôi nhà nào ở thành phố Nha Trang có nhiều màu xanh như Nhà Nghỉ Dưỡng Linh Mục…Thì cũng phải thôi: ở cái thời tấc đất tấc vàng, mấy ai nghĩ đến chuyện hoang phí khoảng không gian rộng cho cây cối…Cũng từ đấy mà lá gan thiên nhiên và lá gan con người ngày một chai cứng, vàng vọt…
“ Vườn xưa lá xanh tươi”…nên – may quá – vẫn còn “ Đàn chim non lần hạt” chí cha chí chách mỗi ngày,dù chỉ là loài chim sẻ – loài chim hiền hòa nhỏ bé, tiếng kêu lách chách lách chách không nhiều âm, nhiều điệu, nhưng cũng khó tìm đâu ra được một không gian yên ổn để ẩn náu nếu không có những bóng cây xanh Nhà Nghỉ Dưỡng…Và chầm chậm thôi…từng “ Câu kinh bước tới”…từng bước và từng ngày…Những câu kinh – lặng lẽ, âm thầm – làm nhịp cho bước chân lập chập ở tuổi trên bát tuần và cũng đã từng làm nhịp cho cả một đời Mục Tử…
Nhớ lại sau khi nhạc sĩ họ Trịnh
Bước tới hư vô khoác áo như chân long lanh
Giọt lệ long lanh giọt lệ thiên thu – Giọt lệ thiên thu – TCS
vào năm 2001…thì – có dịp trên một chuyến xe – người viết hỏi: Đức Cha nghĩ sao về Trịnh Công Sơn? Trầm ngâm một lúc, ngài nói: một tâm hồn ray rứt đi tìm chân lý…
Vậy là trăng vẫn là nguyệt và nguyệt vẫn là trăng: điều gì là như thế thì mãi mãi là như vậy – chân, thiện, mỹ…Có thể hôm nay – giữa lao đao bạc tiền – con người “quên” đi nhiều thứ “vẫn là thế” của thế giới thơ và nhạc, thế giới tâm và linh…
Cái “quên” này – tội nghiệp – đưa đến chết chóc khi
Từ trăng thôi là nguyệt
Mải mê đá thôi lăn
Vườn năm xưa vừa mệt
Cây đam mê hết nhánh
Không đâu – với những người tin, những người sống “ Trong Tinh Thần và Chân Lý” – thì trăng không bao giờ thôi là nguyệt, bởi vì họ sẽ được nghe những lời tâm tình mặn nồng:
“ Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ tạo thiên lập địa.Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” [………]
“ Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy.” ( Mt 25 , 34 – 40)
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp