Phụ nữ thường quan trọng hóa vẻ đẹp bề ngoài: Làn da, trang phục, trang điểm, giày dép, vòng, nhẫn, dây chuyền, túi xách,… Nam giới cũng có cách “làm dáng” khác, chứ chẳng “vô tư” đâu mà chê phụ nữ. Có vẻ đẹp khác quan trọng hơn? Đó là sự tự tin, cứ là chính mình. Sự tự tin rất quan trọng và có sức thu hút, đừng đánh mất nó. Thật ra rằng vẻ đẹp không ở làn da mà ở tâm hồn, vẻ đẹp nội tâm này có thể giúp phát triển tình yêu và vẻ đẹp bề ngoài, dẫn tới sự tự tin – đời thường và tâm linh. Vả lại, điều đó có chiều kích tâm linh sâu sắc hơn. Tại sao Đức Mẹ tự tin và xinh đẹp? Vì Đức Mẹ khiêm nhường và thánh thiện. Vậy chúng ta cứ “bám chặt” vào Tà Áo Mẹ!
Vẻ đẹp này là sức hấp dẫn ở phụ nữ nào có “sức quyến rũ” – Kinh Thánh gọi là “hoa trái của Thần Khí”. Thánh Phaolô mô tả khá chi tiết: “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5:19-24). Đây là vài “nét” có ở một người tự tin:
YÊU THƯƠNG – Nhóm Pharisêu hỏi thử Chúa Giêsu xem điều răn nào trọng nhất, Ngài trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22:37-40). Yêu người NHƯ chính mình, chứ Ngài không bắt chúng ta yêu người HƠN mình. Cả chương 13 (gồm 13 câu) trong thư I Côrintô, Thánh Phaolô nói rất chi tiết rằng có được ơn nói tiên tri, biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, có đức tin đến chuyển núi dời non, nhưng không có đức mến thì cũng vô ích. Cũng vậy, có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, chịu thiêu đốt thân xác, nếu không có đức mến thì cũng vô ích. Thánh Phaolô kể ra một loạt các đức đối nhân: Nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không thù hận, không mừng khi thấy sự gian ác, vui khi thấy điều chân thật, tha thứ, tin tưởng, hy vọng, chịu đựng. Tất cả đồng quy về hai chữ Tình Yêu.
CHẤP NHẬN – Hãy tìm niềm vui hiện tại, đó là chấp nhận những gì mình hiện có. Cố NS Trịnh Công Sơn đã tâm sự: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Thế thôi, không cần nhiều đâu. Vả lại, chúng ta đã được Chúa giải thoát: “Những người được Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến Sion giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất” (Is 35:10). Cứ vui trong Chúa, và giúp người khác cũng vui lây!
CẦU NGUYỆN – Cầu nguyện giúp cõi lòng lắng đọng, không nhất thiết phải xin gì hoặc nói gì, chỉ cần im lặng và đặt mình trước mặt Chúa. Xin nhiều dễ “bị hố” lắm. Trong giao tiếp cũng vậy, nói nhiều càng dễ sai hơn. Thánh Vịnh cho biết: “Phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa; hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà” (Tv 34:14-15).
KIÊN NHẪN – Đức tính này rất quan trọng. Sự kiên nhẫn liên quan sự chịu đựng và sự kiềm chế. Kinh Thánh nói: “Người chậm giận thì đầy sáng suốt, kẻ nóng tính để lộ cái dại khờ” (Cn 14:29). Tục ngữ Việt Nam cũng nói: “Một câu nhịn, chín câu lành”. Vậy là lợi nhiều hơn hại. Đừng “liều lĩnh” mà cho rằng “một sự nhịn, chín sự… nhục”. Sách Huấn Ca khuyên: “Con đừng buông theo các tham vọng của con, nhưng hãy kiềm chế các dục vọng. Nếu con thoả mãn các tham vọng của mình thì con làm cho kẻ thù con thích thú” (Hc 18:30-31). Đó là sống trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
HIỀN LÀNH – Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4:1-2). Nhân đức này luôn có liên quan nhân đức khác. Người hiền lành thì không ác tâm, không ác tâm thì sẽ tử tế. Thật là khôn khéo, nhưng như vậy lại dễ kiêu ngạo, ảo tưởng, ngỡ mình “ngon” hơn người khác. Vì thế, hãy ghi nhớ: “Kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan; kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh; kẻ giàu có, đừng tự hào mình giàu có. Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này, là hiểu biết Ta. vì Ta là Đức Chúa, Đấng thực thi nhân nghĩa, công bình và chính trực trên mặt đất. Phải, Ta ưa thích những điều này” (Gr 9:23-24).
TRẦM THIÊN THU