Phải chăng đã có sự thay đổi về việc TU của Đạo Công Giáo? “ Trong quan niệm cổ truyền tại Việt nam đi tu có nghĩa là từ bỏ đời. Thế nhưng người ta thấy từ Công Đồng Vaticano II ra như giới tu sĩ đi ngược lại = Thay vì bỏ đời, lánh đời họ lại chủ trương “ Vào Đời”. Tại sao lại có sự thay đổi ấy ? Có lẽ phải thêm rằng không những có người chủ trương “ vào đời” mà lại còn phải “ yêu đời” nữa. Để hiểu sự thay đổi ấy, thiết tưởng không những chúng ta phải xem lại sự tiến triển của thần học tại Âu Tây về những giá trị trần thế, nhưng cần phải xét lại cái quan niệm đi tu tại Á Đông của mình. Chúng ta phải nhìn nhận rằng ngôn ngữ và tư tưởng của chúng ta chịu ảnh hưởng của Phật giáo không nhỏ tỷ như chính cái chữ “ TU”. Phàm ai bỏ gia đình để dâng mình cho Chúa đều gọi là đi tu, không phân biệt là tu làm linh mục hay làm tu sĩ; trong khi mà thần học Ki Tô giáo phân biệt hai ơn gọi ấy = Ơn gọi làm linh mục nhắm đến việc phục vụ cộng đoàn qua các tác vụ; còn ơn gọi làm tu sĩ nhắm đến sự trọn lành đức ái. Chính vì không hiểu sự khác biệt ấy nên nhiều người không hiểu được tại sao có chuyện đòi xét lại luật độc thân của linh mục. ở Việt nam mình coi các linh mục cũng là thầy tu nên đương nhiên là phải giữ độc thân rồi. Thế nhưng theo quan điểm thần học, các linh mục “ triều” hay muốn dịch sát nghĩa hơn = linh mục “ đời” ( sacularis ) không phải là tu sĩ. Theo tôi nghĩ thì sở dĩ người Việt mình không phân biệt được sự khác biệt về hai ơn gọi như vậy là tại vì trong Phật giáo không có sự khác biệt về đường tu. Đã tu thì phải bỏ gia đình, bỏ đời” ( Nguồn Lamhong.Org 08/12/2014. Lm Giuse Phan Tấn Thành OP. Hiểu sống đức tin: Đi tu là bỏ đời hay vào đời ? )
Cho rằng chủ trương TU của Phật giáo phải bỏ gia đình, bỏ đời thì khác với Công giáo. Nói như thế chẳng những không hiểu chi về Đạo Phật mà cũng chẳng biết đúng về Đạo Công giáo. Chính bởi không hiểu nên tác giả bài báo mới đòi …xét lại cái quan điểm của người Công giáo cho rằng phàm ai bỏ gia đình để dâng mình cho Chúa đều gọi là đi tu không phân biệt tu làm linh mục hay tu làm tu sĩ. Mặt khác cho rằng ơn gọi làm linh mục là nhắm đến việc phục vụ cộng đoàn qua các tác vụ còn ơn gọi làm tu sĩ nhắm đến sự trọn lành đức ái, như vậy phải chăng chỉ tu sĩ mới nhắm đến trọn lành đức ái còn linh mục thì không ? Nếu làm linh mục mà không nhắm đến sự trọn lành thì làm linh mục đó chẳng qua chỉ như một thứ …nghề như bao nghề khác hay sao ?
Linh mục hoàn toàn không phải là một thứ nghề hay viên chức mà đó là ơn gọi cao cả nhắm mục đích để Thánh hóa mình và Thánh hóa người khác. Để theo đuổi được ơn gọi này thì nhất thiết cần phải có sự từ bỏ và sự từ bỏ ấy không những chỉ là gia sản sự nghiệp mà còn cả những tình cảm luyến ái cha mẹ, con cái thậm chí đến cả mạng sống mình “ Ai yêu mến cha hoặc mẹ hơn Ta không đáng cho Ta. Ai yêu mến con trai con gái hơn Ta không đáng cho Ta. Ai không vác thập giá mình mà theo Ta thì chẳng đáng cho Ta. Ai tìm mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được” ( Mt 10, 37 -39).
Sống ở đời ai lại không yêu mến cha mẹ hoặc con cái mình thế nhưng với những con người có ơn gọi lại khác. Chúa đòi buộc họ phải biết vượt qua những tình cảm sâu nặng ấy hầu có thể bước đi trên con đường tìm kiếm chân lý. Đã có biết bao tấm gương rạng rỡ về sự từ bỏ. Chẳng hạn Thánh Phan Xi Cô Assisi ( 1181 – 1226 ) thuộc gia đình buôn bán giàu có đã quyết lòng sống ơn gọi dù bị chính người cha ruột mình bỏ tù, sau đó còn bị dẫn đến trước mặt đức cha địa phận như một đứa con bất phục. Thánh nhân đã can đảm khước từ mọi quyền lợi lẫn của cải, cả đến áo quần đang mặc trên người cũng cởi ra nốt để trả lại. Chẳng hạn Thánh Alphongso ( 1696 – 1787 ) một luật sư rất trẻ xuất thân từ gia đình danh giá vọng tộc nhưng đã sớm từ bỏ công danh sự nghiệp để dấn thân trên con đường phụng sự Thiên Chúa cứu rỗi các linh hồn.
Hai vị Thánh vừa nêu là những đấng sáng lập dòng và chính là từ nơi các dòng tu ấy mà đã nảy sinh vô vàn vô số ơn gọi đem lại cho Giáo Hội nhiều ơn ích không thể kể xiết. Có thể nói Giáo Hội có tồn tại và phát triển trong ơn Thánh hay không tất cả cũng là nhờ ở những con người đã nghe được lời mời gọi của Chúa và quyết lòng sống theo ơn gọi đó.
I/- Tu là sống Ơn Gọi
Có nhiều ơn gọi khác nhau. Có ơn gọi làm linh mục. Có ơn gọi sống bậc gia đình. Có ơn gọi sống đời truyền giáo. Có ơn gọi sống đời ẩn tu v.v..Dù rằng ơn gọi có khác nhưng tất cả đều nhắm đến một mục đích đó là siêu xuất thế gian để bước vào cõi sống bất diệt đời đời. Nói cách rõ ràng thì ơn gọi chính là lời mời gọi của Đức Ki Tô cho những kẻ Ngài tuyển chọn hay còn gọi là Ơn Thiên Triệu. Ngay từ buổi đầu vừa ra công khai truyền đạo Chúa đã mời gọi các Tông Đồ và các ông đã mau mắn theo Ngài sau một mẻ cá nhiều đến sững sờ. Chúa phán cùng họ “ Đừng sợ, từ nay ngươi sẽ là người chài lưới người. Họ đem thuyền vào bờ rồi bỏ hết thảy mà theo Ngài” ( Lc 5, 10 -11).
Chúa nói chài lưới người là để ám chỉ cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Sứ mạng này tất yếu sẽ đem đến cho các tông đồ nhiều khổ đau cả thể xác lẫn tinh thần. Trước khi nộp mình chịu chết Đức Ki Tô đã báo trước khổ nạn mà các Tông đồ sẽ phải chịu đồng thời trấn an họ “ Các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế gian nhưng hãy vững lòng vì ta đã thắng thế gian” ( Ga 16, 33). Tại sao rao giảng Tin Mừng lại luôn có hoạn nạn kèm theo ? Xin thưa là bởi Tin Mừng ấy rao giảng những điều hoàn toàn trái ngược với thế gian. Người đời chỉ yêu kẻ yêu mình còn Tin Mừng lại nói phải yêu kẻ thù nghịch cùng mình. Người đời đòi trả thù nhưng Tin Mừng lại nói = Đừng chống trả kẻ ác trái lại hễ ai vả má hữu ngươi hãy đưa má kia cho họ luôn ( Mt 5, 38 -39).
Rao giảng những điều trái ngược với thế gian tất sẽ bị thế gian ghét bỏ. Thế nhưng chính sự ghét bỏ ấy mới làm cho chân lý Tin Mừng sáng tỏ. Sự thường không ai muốn khổ đau cho mình. Nhưng với những người có ơn gọi và nhiệt thành sống ơn ấy thì khổ đau lại là nguồn vui Ơn Cứu Độ. Thánh Phao lô một con người trước đây đã từng bách hại Đạo Thánh Chúa cách dữ dội nhưng khi được ơn trở lại thì đã hãnh diện vì được chịu khổ vì Tin Mừng “ Cũng vì Tin Mừng đó mà ta đã được lập làm người truyền đạo, sứ đồ và giáo sư. Lại cũng vì cớ ấy mà ta đã chịu những nỗi khổ này. Dẫu vậy ta chẳng hổ thẹn đâu, vì ta biết Đấng mà ta đã tin rồi. Cũng tin chắc rằng Ngài có thể giữ sự ta đã phó thác cho Ngài đến ngày đó” ( Tm 1, 11 -12). Lý do khiến Thánh Phao Lô có thể vui lòng chịu mọi khổ đau khi rao giảng Tin Mừng là vì ngài…biết đấng mà ngài đã tin. Tin Đức Ki Tô cũng có nghĩa là tin con đường Cứu Độ là đường về với Chúa Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6). Sở dĩ Đức Ki Tô cần khẳng định cách dứt khoát như thế là vì duy chỉ Ngài mới thấy biết về Cha, còn hết thảy phàm nhân chúng ta thì không “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài nhưng Ta biết Ngài. Nếu Ta nói rằng ta không biết Ngài thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi vậy. Song Ta biết Ngài, cũng giữ Đạo Ngài” ( Ga 8, 55).
Đức Ki Tô…biết về Cha và cái sự biết ấy là…biết về một Thực Tại vượt ngoài mọi thứ suy luận. Cái biết của con người là cái biết của tri thức nhưng chính cái biết ấy đã khiến cho Thực Tại bị khuất lấp. Con người thông qua thần học tưởng rằng đã biết Thiên Chúa là đấng này đấng nọ nhưng hoàn toàn không phải, đó chỉ là những ý tưởng mà người ta có về Thiên Chúa chứ chẳng phải Thiên Chúa như Ngài là. Cũng bởi không biết Thiên Chúa đúng như Ngài là thế nên rút cục thần học đã giết bỏ Ngài ( Theologie de la mort de Dieu ). Một khi Thiên Chúa bị khai tử thì con đường về với Chúa Cha đương nhiên cũng chẳng thể còn. Thập giá Đức Ki Tô vì thế mà bị thế gian khinh miệt “ Vì lắm kẻ ăn ở như tôi đã ghe phen nói với anh em, lại khóc mà nói nữa rằng họ là thù nghịch với thập giá Đức Ki Tô, kết cục của họ là hư mất, thần của họ là cái bụng. họ lấy sự nhơ nhuốc mình làm vinh hiển. Họ chí hướng những sự thuộc về đất” ( Pl 3, 18 -19).
Ngày nay hơn bao giờ hết, người ta đang ra sức cổ võ tuyên dương cho cái gọi là Tự Do, Nhân Bản, Nhân Quyền nhưng thực chất đó chỉ là những danh từ sáo rỗng hòng che giấu âm mưu tiêu diệt con người cả về phần xác lẫn phần hồn. Phần xác thì chấp nhận cho ly dị phá thai hôn nhân đồng tính, chết êm dịu v.v..Còn phần hồn thì chủ trương tự do, phá hỏng Mười Điều Răn ĐCT, sáu Luật Điều Hội Thánh. Tính chất hủy diệt ấy ngày càng tinh vi khó mà nhận biết nếu không đặt hết niềm tin vào Đức Ki Tô đấng là đường là sự thật. Thánh Phao Lô cũng như toàn thể các Thánh cũng chỉ nhờ vào niềm tin ấy mới có thể sống ơn gọi của mình.
Các Thánh là những người đã tin tưởng và sống hết mình với ơn gọi. Còn về phần tín hữu, chúng ta có thực tâm sống với Ơn Gọi của mình hay không ? Quả thực không ai trong chúng ta từ khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy lại không mang nơi mình Ơn Gọi làm Ki Tô hữu “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa một đức tin một Phép Rửa. Một ĐCT là Cha mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6). Chỉ có một Thân Thể đó là Thân Mình Đức Ki Tô cũng là Giáo Hội Công Giáo Tông truyền do Chúa thiết lập. Trong Thân Mầu Nhiệm đó tất cả các Ki Tô Hữu đều là những chi thể mà đã là chi thì phải gắn chặt với thân mới có sự sống “ Ta là cây nho các ngươi là cành. Ai cứ ở trong Ta thì nấy kết quả nhiều. Vì ngoài ta các ngươi không thể làm gì được” ( Ga 15, 5).
Ngoài Chúa Ki Tô không ai có thể làm chi được có nghĩa không thể đến được với Chúa Cha. Thật vậy để có thể…đến ( gặp được ) với Đấng Cha thì phải xoay cái tâm trở ngược vào bên trong bởi lẽ Đấng ấy chẳng có ở đâu khác ngoài bản tâm mỗi người. Chính bởi Thiên Chúa là Đấng…ở bên trong như thế nên mới cần phải có đức Ki Tô dẫn đường chỉ lối, chúng ta mới có thể đến gặp gỡ với Ngài được. Đức Ki Tô là Đấng dẫn đường còn chúng ta những Ki Tô Hữu là người có Ơn Gọi cần phải bước theo Ngài trong từng bước chân nghĩa là từ trong tư tưởng. Chúa đòi buộc những ai theo Ngài thì phải từ bỏ và tính chất của sự từ bỏ ấy phải diễn ra ngay từ trong tư tưởng bởi chưng tư tưởng là cái gốc của hành động..
II/- Tu là chuyển nghiệp
Tu tức là sửa và việc sửa ấy bao giờ cũng là sửa từ cái hư hỏng thành cái tốt. cái sai thành cái đúng. Cái xấu thành cai đẹp v.v… Trong vấn đề TU này, trước hết cần nhận ra cái hư cái sai cái xấu…mới có thể sửa. Có nhận ra nhà mình hư hỏng dột nát mới sửa. Có nhận ra lời nói mình trước đó sai mới sửa lại cho đúng. Các bà có nhận ra thân thể mình xấu, già mới tìm đến thẩm mỹ viện để căng da mặt, sửa cái cằm cái mũi, hút bớt mỡ bụng, nâng cao bộ ngực …..Những việc tu sửa trên đây thuộc lãnh vực vật chất. Còn trong tâm linh đó là sự chuyển hóa từ chỗ mê lầm đến chỗ tỉnh ngộ. Mục đích Ơn Gọi là để chúng ta từ chỗ mê đến chỗ tỉnh. Phê Rô và các bạn đang đánh cá thì được Chúa Giê Su mời gọi và ông đã bỏ tất cả để theo Ngài. Giả thử không theo Chúa thì các ông ấy vẫn chỉ là những người đánh cá tầm thường vô danh nơi cái xó biển heo hút ấy. Thế nhưng Phe Rô đã theo Chúa và sau này trở nên thủ lãnh Giáo Hội vang danh toàn cầu. Giả thử Phao Lô qua biến cố Đa Mat không trở lại thì vẫn chỉ là người đi bắt đạo và sống mãi trong thù hận tăm tối. Nhưng Phao lô đã tin theo Chúa trở thành người truyền đạo, sứ đồ và giáo sư đầy tràn khôn ngoan Thánh đức. Giả thử Mattheu không nghe theo lời kêu gọi của Chúa thì vẫn chỉ là viên thu thuế tối ngày bận bịu với những con số vô tri. Nhưng ngài đã trở thành một trong bốn Thánh sử mà không giờ phút nào tên ngài không vang lên khắp nơi khắp chốn địa cầu.
Dù là người chài lưới, thu thuế hay luật sư .v.v..thì đó cũng chỉ là cái nghề để kiếm sống. Chữ nghề luôn đi đôi với chữ nghiệp gọi là nghề nghiệp. Nghề nào thì nghiệp đó. Trong lãnh vực đời sống thì nghề chài lưới có cái nghiệp của nghề chài lưới. Nghề luật sư có cái nghiệp của nghề luật sư v.v…Trong lãnh vực tâm linh làm lành có cái nghiệp lành, làm ác có cái nghiệp ác. Mặc dù như thế, nghiệp là cái không cố định. Một người có thể chuyển từ nghề này sang nghề khác mà nghề đã thay thì nghiệp cũng thay đó là lẽ tất nhiên. Người làm ác có thể chuyển hóa thành người lành nếu có cơ duyên. Những việc chuyển ác ra lành hay ngược lại lành ra ác đó tất cả đều do tỉnh hay mê. Tỉnh thì chuyển ác ra lành còn mê thì chuyển lành ra ác. Cùng một Ơn Gọi nhưng Giu Đa thì khác với các Tông Đồ còn lại. Giu Đa được kêu gọi nhưng đã phản bội tức từ lành chuyển sang ác. Ngược lại Phê Rô Phao Lô Mattheu …đã tỉnh ngộ theo Chúa đến cùng để được hưởng hết quả lành này đến quả lành khác và quả lành tối thượng đó là nhận biết Đấng Cha cũng là Sự Sống Đời Đời “ Sự sống đời đời là nhận biết Cha tức Chân Thần Duy Nhất cùng Gie Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ).
Tạo nghiệp nào sẽ có quả đó, Các Thánh vì tạo nghiệp lành nên đã được hưởng quả lành. Tuy nhiên để tạo được nghiệp lành là điều rất khó nếu không có Chúa. Lý do tạo nghiệp lành khó là bởi con người không làm chủ được mình “ Vả tôi biết rằng trong tôi tức là ở trong xác thịt tô chẳng có điều gì lương thiện. Vì lòng muốn thì ở nơi tôi nhưng quyền lực làm điều thiện thì lại không có. Cho nên điều thiện tôi muốn thì tôi không làm. Còn điều ác tôi không muốn thì tôi lại làm. Song nếu tôi làm điều tôi không muốn thì chẳng còn phải là tôi làm điều đó bèn là tội lỗi ở trong tôi” ( Rm 7, 18 -20).
Tại sao điều thiện muốn làm lại không làm, điều ác không muốn làm lại làm ? Nguyên nhân tất cả là do nơi Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt ( St 3, 15 ). Chính cái tội phân biệt này mà đã hình thành nên một “ Cái Tôi” ảo tưởng. Từ lời nói hành vi cho đến ý nghĩ không có bất cứ thứ gì mà không gắn liền với “ Tôi” = Tôi đi, tôi nói, tôi nghĩ…Chính từ những “ Cái Tôi” ấy mà phát xuất ra những cái tôi yêu tôi ghét, tôi muốn tôi vui tôi buồn…..Sở dĩ điều thiện tôi muốn mà lại không làm còn điều ác không muốn lại làm là bởi đã bị “ Cái Tôi” đó dẫn dắt. Vấn đề quan trọng đặt ra cho việc TU đó không phải là để tiêu diệt “ Cái Tôi” ( Thật ra làm sao có thể diệt “ Cái Tôi” chỉ là ảo tưởng đó. Nó đã không thật có thì làm sao mà diệt ? ) nhưng là chuyển hóa nó. Mặt khác không ai có thể…tự chuyển hóa mình bởi như thế là vô lý. Thánh Phao lô một bậc thầy về tâm linh sau biết bao nỗ lực chuyển hóa mình để rồi đã phải thốt lên “ Ôi tôi là kẻ khốn nạn biết chừng nào. Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể hay chết này ? Cảm tạ ĐCT chỉ nhờ vào Chúa Giesu Ki Tô Chúa chúng ta” ( Rm 7, 24 -25).
Chỉ nhờ vào Chúa Giesu Ki Tô con người mới có thể chuyển hóa được mình. Lịch sử Giáo Hội đã ghi nhận biết bao những con người TU, những Dòng Tu. Các Thánh Ẩn Tu như Thánh An Tôn ( 251 – 356) Thánh Phan Xi Cô Assisi ( 1181 – 1226 ) đấng sáng lập Dòng Khó Khăn. Thánh Ignatio Loyola ( 1491 – 1556 ) đấng sáng lập Dòng tên. Thánh Đa Minh, đấng sáng lập Dòng Thuyết Giáo. Thánh Alphongso de Liguori ( 1696 – 1787 ) đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế v.v..Mỗi đấng Thánh dĩ nhiên có đường lối phương pháp của mình nhưng tất cả đều lấy Đức Ki Tô để làm mẫu mực noi theo. Mẫu mực ấy hết thảy không ngoài con đường vâng theo Thánh ý Thiên Chúa “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta rằng = Lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được Nước Trời đâu. Nhưng chỉ kẻ nào làm theo Thánh Ý Cha ta mà thôi. Trong ngày đó nhiều người sẽ nói cùng Ta rằng. Lạy Chúa chúng tôi há chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao ? Nhân danh Chúa mà đuổi quỷ sao và nhân danh Chúa làm nhiều việc quyền năng sao ? Khi ấy ta sẽ công bố với họ rằng Ta chẳng hề biết các ngươi ớ những kẻ làm ác kia !!!” ( Mt 7, 21 -23).
Nhân danh Chúa nói tiên tri, trừ quỷ, làm nhiều việc quyền năng….tất cả những việc ấy đối với thế gian thực là lớn lao nhưng với Chúa lại là ác. Tại sao thế ? Bởi vì tất cả việc họ làm ấy đó chỉ vì “ Cái Tôi” mà làm. Còn vì “ Cái Tôi” mà làm thì đối với Chúa bị coi là ác. Trái lại chỉ khi nào bỏ được “ Cái Tôi” thì Thánh ý Chúa mới được thể hiện. Sự thể hiện của Thánh ý tất cả hệ tại ở giới răn yêu thương “ Có luật sư hỏi = Thưa Thầy trong luật pháp, điều răn nào trọng nhất. Chúa đáp = ngươi hãy hết lòng hết linh hồn hết ý chí mà thương yêu Chúa là ĐCT ngươi. Ấy là điều răn lớn và đầu nhất. Còn điều thứ hai cũng vậy, ngươi hãy thương yêu kẻ lân cận như mình. Cả luật pháp lẫn tiên tri đều tóm lại trong hai điều răn ấy” ( Mt 22, 35 -40).
Mục đích của giới răn yêu thương là để thể hiện Thánh ý Thiên Chúa. Thế nhưng làm cách sao để thể hiện Thánh Ý đó mới là điều cốt lõi của việc TU. Như đã biết TU có nghĩa là sửa, là chuyển hóa và sự chuyển hóa này phải bắt nguồn từ trong tư tưởng. TU mà không nhận ra sự chuyển hóa đó từ trong tư tưởng thì đó chỉ là TU…mù. Vất vả khó nhọc nhiều mà chẳng thể nào có ơn ích. Trong thời Tục Hóa này người ta không còn tin sự hiện hữu của Thiên Chúa nữa và vì thế con đường đưa đến Thiên Chúa đương nhiên cũng bị phế bỏ. Không có con đường tâm linh để thực hiện, có nghĩa là không TU, Giáo Hội làm sao có thể tránh khỏi khủng hoảng ? Mặc dầu vậy nơi nào tội lỗi càng nhiều thì ân sủng Chúa càng chứa chan. Đức Mẹ vì tình thương yêu vô bờ bến qua Thánh phụ Đa Minh Ngài đã trao cho nhân loại một vũ khí cực kỳ hữu hiệu hầu chiến đấu và chiến thắng Sa Tan đó là Kinh Mân Côi.
Kinh Mân Côi là một Phép TU ( Phép lần hạt )và phép TU này thích hợp cho hết thảy mọi người. Người già, trẻ con, người ốm yếu nằm trên giường bệnh hay người bận công kia việc nọ cũng đọc được. Nơi nhà thờ cùng với cộng đoàn hay một mình trong đêm khuya thanh vắng cũng đọc được. Đọc ra tiếng hay đọc thầm cũng được. Người trí thức người bình dân thất học cũng đều đọc được cả. Kinh Mân Côi xưa nay vẫn được Giáo Hội xưng tụng là mầu nhiệm và sỡ dĩ được coi là mầu nhiệm như thế là nhờ ở hai tính chất. Một là rất dễ thực hành và hai là cái sức chuyển hóa của nó. Đọc một Kinh Kính Mừng có ơn ích của một Kinh Kính Mừng. Đọc năm chục Kinh Kính Mừng có ơn ích của năm chục Kinh Kính Mừng. Đọc suốt cả đời cho đến hơi thở cuối cùng thì không ai lại không được Chúa Giesu, Đức Mẹ và các Thánh đón rước đưa vào Thiên Đàng hưởng muôn vàn ơn phúc lộc. Kinh Mân Côi mầu nhiệm như thế chỉ cần chúng ta vững tin, đơn sơ mà đọc, đừng có thêm thắt, đừng có suy có niệm gì cả bởi chưng có ai yêu mà còn suy còn tính bao giờ ?
Phùng Văn Hóa