Tuổi thơ trong ly loạn

          Sau bao năm tháng dằng dặc xa quê, nay có dịp trở về. Khung cảnh dĩ nhiên đã đổi khác nhiều. Không còn những con đường đất rợp bóng tre pheo. Không còn những mái nhà tranh lấp ló bên ao vườn. Ôi ! Những ngày xa xưa ấy đã qua lâu rồi mà trong tôi vẫn in đậm một thời thơ ấu…  loạn ly.

          Quê tôi là một Xóm Giáo nhỏ ven sông Hồng. Tuy là họ…lẻ nhưng cũng có cha, có thầy…Có lễ lạy, kinh nguyện  sớm chiều. Lũ nhỏ chúng tôi ngày ngày đến lớp do hai thầy già Nhã và Đại  dạy  a.b.c, đánh vần ê, a trong gian nhà tường gạch  mái ngói rêu phong gọi là Nhà Quan Cư đối diện  nhà thờ. Sau này lớn lên một chút thì có thầy Văn ở trên ĐCV về giúp xứ tiếp tục dạy một nhóm nhỏ chúng tôi khoảng hơn chục đứa có cả một anh…lơn lớn người bên lương.

          Trong ký ức xa xăm, tôi không còn hình dung ra ngôi nhà thờ cũ ngày đầu tiên trong đời được bế ẵm đến đó rửa tội như thế nào chỉ nhớ lại khi đã lên sáu lên bảy đi học thì ngôi nhà thờ  đang xây dang dở, mới có nhà mặc áo và hai bức tường. Ngày thường và chủ nhật cha cho lễ tại gian nhà dãy kế bên.

          Vì là đất bãi nên  năm nào lũ cũng về ngập tràn lai láng đến tận đầu hè. Ấy vậy mà chủ nhật  cha vẫn cho lễ. Người ta từ các họ Xuân Vân, Đoài Thôn, Phú Châu. Hát Môn…vẫn chèo thuyền nan  về  dự lễ. Tiếng chào hỏi nhau, cười nói thật  vui….

          Nước lên được ít ngày thì rút dần để lại những  con ngõ lầy lội. Còn nhớ cái ngõ…lầy nhất là lối vào nhà ông quản Huyền bố của MC  Nguyễn Ngọc Ngạn nổi tiếng bây giờ. Hàng đêm, lũ nhỏ chúng tôi tay cầm guốc, sắn quần đến bẹn, dắt díu nhau đến nhà ông quản để học kinh, học bổn.

          Vào cái tuổi gần đất xa trời này. Chắc hẳn ai mà  chẳng đôi lần  nhớ lại cái thuở đầu đời ấy với cha với mẹ, anh chị em ruột thịt với xóm làng thân yêu cùng với  bao kỷ niệm  có khi êm đềm mà cũng có khi nhớ lại  mà thấy đau …quặn cả lòng.

          Tuy ở ven sông nhưng cũng  cách khoảng hơi xa  gần một tiếng đi bộ. Lần đầu tiên cùng với mấy  con bà Sửu ( Ông ấy bị đi tù  trên mạn ngược không biết từ bao giờ ) dẫn đi tắm sông. Dòng sông vào mùa này hơi cạn nhưng  mỗi khi gợi nhớ lại tôi  vẫn thấy  dòng sông ký ức ấy có một cái gì đó…mênh mang không biết từ đâu đến và rồi  xuôi mãi về đâu, về đâu ?

          Rồi  những buổi chiều mùa xuân trời se se lạnh. Tôi theo anh Mạc con  bác  chánh Sinh  đi thả bò ngoài Vườn Thánh. Anh chỉ được học biết đánh vần nhưng có duyên kể chuyện. Chuyện gì cũng biết nhất là chuyện ma quỷ, thần tiên  mà tôi rất thich. Hai anh em nằm xấp mình trên cỏ, thoáng nhìn về dãy núi Ba Vì mờ ảo xa xa trong nắng chiều hiu quạnh. Núi và sông trong đời, tôi  đã không biết bao lần đi qua, có khi chui  cả vào trong lòng  nó, nhưng  sao chẳng có sông nào núi nào  thơ mộng như núi sông quê tôi.

          Làng tôi là …làng tề. Ban ngày thì quốc gia ban đêm thì Việt Minh du kích mò về. Bố là phó chương coi sóc bốn hay năm họ lẻ quanh  quanh. Còn ông anh thì đóng lính trong bốt Kim Lũ cách làng vài cây số. Cả bố và anh không đêm nào dám ngủ ở nhà. Xóm Giáo  có mấy người  đã bị bắt  đi tù mãi trên mạn ngược….

          Còn nhỏ nên tôi không để ý gì  đến chiến tranh đang bao trùm trên quê hương nhưng nó vẫn  có mặt ngay trong cái xóm nhỏ nghèo ấy. Còn nhớ  chỉ trong khoảng thời gian ngắn thôi mà  đã có hai  người chết trận. Anh Xuân con bác Thụ  bị du kích phục giết khi đi tuần đêm trên đê Kim Lũ. Một người  họ Phú Châu không biết chết trận ở đâu nhưng được trên tỉnh đem về.

          Sau hai cái tang đau đớn ấy, lại xảy ra một vụ  khác  kinh hoàng. Chẳng biết nghe được tin gì cả Xóm Giáo  kéo nhau sang  chạy trốn núp trong nhà thờ Phú Châu và ngay nửa đêm hôm đó  du kích bao vây gọi loa kêu tên mấy người ra hàng ( Trong số có cả bố tôi ). Bên trong  nhà thờ đánh trống  thùng thùng liên hồi. Được một lúc thì có tiếng lựu đạn nổ chát chúa, tiếng kêu gào khóc lóc, kêu  Tên Cực Trọng rầm rĩ.  Tảng sáng, người ta bó chiếu khiêng ra thì đó là hai anh em ông Báu ( chết ) ông Khanh máu chảy đầm đìa ở mặt, không biết cáng đi  đâu mấy ngày thì chết…

          Tang tóc bao trùm Xóm Giáo. Các buổi kinh, lễ sớm chiều vẫn  thường lệ nhưng dường như ai đó đều mang cái  vẻ ẩn nhẫn chờ đợi một điều gì đó ghê gớm sắp diễn ra ? Một  lần kia mấy đứa chúng tôi đang ngồi học trong nhà xứ thì thầy Văn nghiêm nét mặt nói cứ  học bình thường, không đi ra đi vào….Chúng tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì thì  lát sau ngó qua cửa sổ nhìn xuống  phía dệ vườn che khuất bởi những tán cây um tùm thấy  một toán quân rất đông đầu đội mũ cối tay  lăm lăm cầm súng  lặng lẽ  nối nhau đi hàng một. Đây là lần đầu tiên   nhìn thấy Việt Minh  và trong ánh mắt mỗi người dường như có  điều gì đó  bất an, sợ sệt…

          Chiều nọ, đang còn ở Bách Lộc, nghe người ta nói máy bay bỏ bom gần lắm ra xem. Có  chiếc khu trục cứ vòng lên bổ xuống. Không nghe tiếng nổ nhưng từng cụm khói đen ngòm bốc lên. Người ta xì xào bàn tán. Người thì nói làng này làng kia nhưng rồi chỉ mấy ngày sau thì biết đích xác đó là Vĩnh Thọ làng tôi !

          Người chết nhiều lắm mà phần lớn lại là …người bên lương. Họ không biết chạy đi đâu hơn là vào nhà thờ xứ và thế là cả mấy gian nhà dãy  nơi làm lễ tạm đã bị bỏ bom tan tành….Ít ngày sau thì bố cho người đón tôi về để cùng với mẹ và mấy người bà con trong họ sửa soạn di cư vào Nam.

          Trở về làng, một quang cảnh thê lương hiện ra. Xóm ngõ hoang tàn, những  rặng  tre xanh tốt ngày nào nay đã bị …phạt ngang đổ gục tứ phía hoặc xác xơ như những bó nan trắng tua tủa đưa lên trời. Tôi đánh bạo mò lên khu nhà thờ, cha đi đâu vắng, thầy Văn cũng đã bỏ đi không biết từ bao giờ ?.  Khu nhà dãy đổ cháy ngổn ngang  nhưng có điều lạ là cái Nhà Quan Cư nơi  học hành của bọn trẻ con chúng tôi  vẫn còn đó lặng lẽ và buồn thảm.

          Trời còn sớm tinh mơ, mẹ  gọi dậy sang nhà bác gổ Thụ. Ở đó đã thấp thoáng nhiều người, có cả anh Mạc. Lặng lẽ ăn cơm rồi lầm lũi ra đường cái quan hương về phía Chợ Bãi. Có lẽ chẳng một ai hôm đó nghĩ rằng sẽ không  khi nào mình còn trở lại cái nơi sinh thành này nữa !

          Đến Phùng thì trời đã gần trưa, bố đón vào nghỉ tại nhà một người bà con xa và ở đó mấy ngày chờ xe  lên Hà Nội. Ban đêm anh Mạc rủ ra khu ruộng mía bạt ngàn ngồi chơi hóng mát. Phía xa xa, một vùng ánh sáng tỏa lên không trung, anh  bảo  Hà Nội  đó…Tôi cứ đăm đăm nhìn về hướng đó và thầm nghĩ …đây hẳn là Thiên Đàng…

          Mấy ngày sau thì có xe đón và tất cả đều được đưa vào các dãy nhà tôn ở khu Ô Chợ Dừa. Sáng sáng, ngó ra đường thấy từng đoàn xe kéo  màu đen  do người ta  chầm chậm kéo đi. Nghe nói  trên các thùng xe ấy toàn là phân người…

          Ở đó ít lâu thì lại được chuyển lên  khu nhà Dòng Chúa Cứu Thế. Nơi đây đã có  rất đông người từ khắp nơi tụ về…Chỗ thì nấu ăn  khói lên nghi ngút chỗ thì  tắm giặt, phơi phóng quần áo tứ tung…

          Ông anh rể tương lai muốn tỏ ra thông thạo, dẫn tôi với anh Mạc đi chỗ này chỗ kia…Đến hồ Ha Le xem người ta bày ngổn ngang bàn ghế, giường ,tủ…toàn là những cái lạ mắt  chưa bao giờ nhìn thấy. Chỉ có người bán  mà hình như chẳng có người mua. Mặt nước hồ xuống thấp, rác trôi lềnh bềnh ven hồ….

          Dẫn đi loanh quanh mỏi cả chân vừa đói lại vừa khát khô cả cổ….Bỗng có anh  chàng  vai đeo thùng miệng liên hồi rao…Kem Cẩm Bình đây, kem Cẩm Bình đây. Ông anh mua cho mỗi người một phong kem bọc giấy. Bóc ra mút lấy mút để, tôi và Mạc nhìn nhau như muốn nói  thật chưa bao giờ trong miệng lại có cái gì…lạnh mà lại ngọt ngon đến thế !

          Thế rồi đoàn người Di Cư đã được  các cha của từng địa  phận hướng dẫn sắp xếp lên tàu ra Hải Phòng. Qua cầu Gia Lâm một quãng xa, người ta xì xào trỏ tay qua cửa sổ cho thấy ngọn cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xám xa xa…Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng và  rồi lá cờ ấy đã có mặt khắp nơi khắp chốn trên đất nước này. Chỉ thấy…cờ đỏ và cờ đỏ “ Tôi bước đi, không thấy  phố, không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên  màu cờ đỏ” ( Trần Dần ).

          Tàu đến bến vào  chiều xẩm. Cả đoàn người   đông đảo  được  các ban trật tự dẫn lên  chiếc tàu buôn năm sao  sừng sững to lớn của Pháp. Đoàn Hưng Hóa được các cha Hân già, cha Hạnh, cha Thiện….dẫn đầu  đến ở một khoang và được phát cơm nóng cá hộp ngay sau đó.

          Sáng hôm sau tôi và  Mạc rủ nhau lên boong cao nhất ngắm biển. Ôi ! Biển khơi bao la không bờ không bến. Từng lọn sóng bạc đầu nhấp nhô tít tắp tận đàng xa cứ nhô lên trắng xóa rồi lại tan ngay vào đại dương xanh biếc. Hít mãi cái hương biển vào đầy trong phổi, thấy khỏe khoắn  quá chừng….Nhớ đến cái lần đi tắm sông lần đầu ấy cứ tự hỏi không biết nó từ đâu về và rồi sẽ về đâu ? Nhưng   trong cái giây phút đứng trên boong tàu này  thì tôi  biết rằng: Dòng sông nào thì cũng  chảy về biển khơi thôi. Chẳng phải  giờ này mình đang ở giữa biển khơi mênh mông đó sao ?

Phùng  Văn  Hóa

Để tặng anh Phạm Đình Nhiên, người cùng quê.

Chia sẻ Bài này:

Related posts