Ứng dụng Lời Chúa vào cuộc sống

          Người đời vẫn thường nói học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì cái học đó là vô bổ. Đối với đời sống thế gian đã vậy còn đời sống tâm linh cũng không khác. Lời Chúa cần phải đem ra thực hành, ứng dụng trong cuộc sống mới đem lại ơn ích. Đức Ki Tô nói “ Vậy hễ ai nghe lời Ta đây mà làm theo  thì sẽ như người cất nhà mình trên đá tảng. Có mưa tuôn, nước đổ, gió thổi bổ vào nhà ấy song nó không sập vì đã lập trên đá. Còn hễ ai nghe lời Ta đây mà không  làm theo thì ví như kẻ ngu dại cất nhà mình trên cát. Có mưa tuôn, nước đổ, gió thổi đập vào nhà ấy sẽ bị sập, đổ nát rất lớn” ( Mt 7, 24 -27 ).

          Qua dụ ngôn này cho thấy  người khôn ngoan là người  biết đem Lời Chúa ra thực hành, trái lại đó là ngu dại. Tất cả các Thánh dù có khác biệt về không gian thời gian nhưng cũng gặp nhau ở một điểm đó là  biết đem Lời Chúa ra áp dụng thực hành trong đời sống.

          Tấm gương sáng rỡ về việc thực hành Lời Chúa, chúng ta phải kể đến Thánh An Tôn ẩn tu ( 251 – 356 ). Sau khi cha mẹ lần lượt qua đời. Chàng An Tôn trong một Thánh Lễ Chủ Nhật nghe cha chủ tế đọc bài Phúc Âm đến đoạn kể: Có người hỏi: Thưa Thầy tôi phải làm chi để được sống đời đời ? Chúa đáp: Nếu anh muốn vào cõi sống thì hãy tuân giữ các giới răn. Người thanh niên ấy nói: Tất cả những điều ấy tôi đã tuân giữ. Vậy còn phải làm gì nữa không ? Chúa phán: Nếu anh muốn nên hoàn thiện thì hãy về bán hết tài sản anh có mà bố thí cho người nghèo thì anh sẽ được một kho tàng trên trời rồi hãy theo Ta” ( Mt 19, 16 -21 ).

          Lời Chúa đánh động  tâm hồn An Tôn và chàng trai trẻ ấy đã làm theo để rồi trở nên một đại Thánh. Cũng một Lời Chúa ấy chúng ta đã nghe không biết bao nhiêu lần . Thế nhưng thử hỏi nào có mấy ai làm theo ? Nếu làm theo thì đã  nên Thánh  hết cả rồi  chứ đâu có…lần khân mãi ở chốn  trần gian khổ ải này  làm chi ?

          Trong việc nên Thánh do biết nghe theo, thực hành Lời Chúa tưởng như  là điều đương nhiên. Thế nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Tại sao ? Bởi vì giữa việc nghe và thực hành lời Chúa là cả một vấn đề lớn  của triết học Đông Tây  kim cổ. Thực vậy bên trời Đông  từ lâu người ta đã đặt ra vấn nạn  Tri Dị Hành Nan hay  Tri Nan hành Dị và rồi cuối cùng Vương Dương Minh ( 1472 – 1528 ) đưa ra thuyết Tri Hành Hợp Nhất “ Người đời nay học vấn nhân vì đã phân  Tri Hành ra làm hai việc cho nên khi có một cái niệm phát động tuy là bất thiện nhưng bởi chưa thi hành lại không tìm cách ngăn cấm. Ta nói cái thuyết Tri Hành Hợp Nhất chính là để người ta hiểu được chỗ nhất niệm phát động tức là Hành rồi” ( T.T. Kim  Nho Giáo – Quyển hạ ).

          Về cái quan niệm Tri tức là Hành của Vương Dương Minh tuy còn có điều phải bàn. Thế nhưng xét trên phương diện triết học thì phải nói đó là một phát kiến đáng kể. Trái lại với triết học  đương đại  thì lại hoàn toàn phủ nhận cái Biết ( Tri ) mà chỉ có  Sống ( Hành ) mà thôi.

          Câu minh triết “ Hãy biết về cái chính mình mày” ( Connais Toi – Toi Même ) triết Hiện Sinh phê phán như sau: Đột nhiên dưới cái nhìn soi mói của Nietzche người ta nhận thức một lối khác. Đại để họ khởi đầu ví Socrate với người dẫn trẻ đến vườn rồi bảo vào mà không chỉ cửa. Bảo …biết mày mà không chỉ  phương pháp nên môn sinh người thì vào sinh vật học như Aristote. Platon thì vào thế giới lý niệm. Tất cả mong mỏi tìm biết, nhưng rút cục như Faust phải đi đến chỗ bán linh hồn để mua tri thức mà không đạt được. Chỉ vì  một sự nhấn mạnh  không đặt trên Sống mà lại trên Biết “ Connais et non vis” và như thế là nổ ra một trào lưu mới: Chống Biết để Sống. Eveille toi et vis “ Mày ơi hãy thức dậy mà sống” ( Kim Định – Nhân Bản ).

          Chống Biết để Sống, nói như thế có nghĩa chẳng cần có cái Biết ( Tri ) mà chỉ  có cái Sống ( Hành ). Thế nhưng  vấn đề ở chỗ là làm sao để Sống  nếu không Biết ( Tri )  sống để làm gì và sống như thế nào ? Chủ trương không cần Biết chỉ cần Sống  nhưng lại chẳng biết sống để  làm gì, sống như thế nào thế nên  đã đẩy  thế giới Tây Phương và phần còn lại chịu ảnh hưởng của nó  rơi vào khủng hoảng  không lối thoát.

          Thần học một thứ…phó sản của triết duy lý cũng không phải ngoại lệ  tức cũng  rơi vào hoàn cảnh không Sống Lời Chúa mà chỉ  chuyên chú vào việc giải nghĩa Kinh Thánh “  Ngày nay việc giải nghĩa các bản văn Kinh Thánh vẫn là vấn đề được quan tâm đặc biệt và tạo ra những cuộc bàn luận quan trọng. Trong những năm vừa qua các cuộc tranh luận thậm chí còn mang những chiều kích mới. Vì Kinh Thánh có tầm quan trọng cơ bản đối với đức tin Ki Tô giáo, đối với đời sống của Hội Thánh và đối với những tương quan giữa các Ki Tô Hữu với các tín hữu theo tôn giáo khác nên Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng đã được yêu cầu xác định vấn đề này” ( UBKT Giáo Hoàng – Việc giải thích KT trong HT ).

          Kinh Thánh xưa nay vẫn được  hiểu là  Lời Chúa. Tuy nhiên có điều nên nhớ là việc giải nghĩa Kinh Thánh không những không phải là Sống mà còn làm cho người ta không có cách chi  hiểu được.  Giải nghĩa không phải là sống, điều này có thể ví như khi chúng ta ngồi vào bàn ăn là để…ăn chứ không phải để giải nghĩa này nọ về các thức  ăn trên bàn.  Chỉ ăn mới no chứ giải nghĩa về thức ăn  thì  no sao được ?

          Lại nữa  việc giải nghĩa Kinh Thánh như Giáo Hội hiện đang chủ trương  khiến  không ai hiểu được Lời Chúa mà còn gây ra tình trạng …lộn xộn tranh cãi  bất tận  giữa các phương pháp  khác biệt “ Một số người cho việc có nhiều  phương pháp và nhiều lối tiếp cận là dấu hiệu  cho thấy sự phong phú nhưng một số người khác lại có cảm tưởng đó là một tình trạng lộn xộn vô cùng” ( UBKTGH – Sđd ).

          Tình trạng…lộn xộn và đưa đến  việc bất đồng giữa những phương pháp tiếp cận Kinh Thánh  khác nhau là điều không sao tránh khỏi bởi chưng tất cả đều chỉ biết dựa vào cái tri thức mà người ta đã học hỏi ở nơi các khoa các viện nghiên cứu hoặc những  nhà thần học  nọ kia  chứ hoàn toàn không phải ở nơi Chúa.

          Chân lý luôn luôn là một không thể có hơn một chân lý mà là chân lý bao giờ. Mặt khác chân lý không bao giờ bị hạn cuộc bởi ngôn ngữ hoặc suy tư lý luận,  nó  chỉ nên được hiểu như là một thứ ký hiệu chỉ đường  chứ không phải đích điểm mà con người nhắm tới. Một khi đã chấp vào ngôn ngữ lý luận  thì sẽ không bao giờ đạt tới chân lý “ Văn tự làm cho chết. Chỉ thần khí mới làm cho sống” ( 2C 3, 6 ).

          Thần khí đây chính là Lời Chúa. Chỉ  sống  Lời Chúa mới làm cho ta  sống còn việc giải nghĩa Kinh Thánh dù bằng phương pháp nào đi nữa  thì nó cũng  chỉ khiến ta  ngày càng xa rời chân lý. Mặc dầu vậy việc  giải nghĩa nếu hiểu như là việc tìm hiểu nghiên cứu  Kinh Thánh  nói riêng và  triết học nói chung  xét ra  lại là việc  hết sức cần thiết cho việc ứng dụng Lời Chúa vào cuộc sống nhất là trong thời đại giao lưu hội nhập văn hóa  hôm nay.

          Để cho việc hội nhập  tức đem Lời Chúa  vào cuộc sống  sinh nhiều ơn ích thì  người  Công giáo chúng ta  nhất thiết cũng cần  trải qua một tiến trình  gồm thâu trong ba giai đoạn kết hợp nhuần nhuyễn  gọi là Văn – Tư  và Tu.

 

I/-  VĂN

          Ai cũng biết  trong mỗi Thánh Lễ luôn gồm có hai phần. Một là Phụng Vụ Lời Chúa. Hai là Phụng Vụ Thánh Thể. Hai phần này có liên hệ mật thiết với nhau không thể tách rời. Lời Chúa là ánh sáng dẫn đường để ta đến với Chúa Giê Su trong Bí Tích Thánh thể. Ngược lại qua Chúa Giê Su Thánh Thể sẽ cho ta hiểu được Lời Ngài. Được nghe Lời Chúa, được thấy Chúa hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể đó là một ân phúc lớn lao “ Phước cho mắt các ngươi vì thấy được, cho tai các ngươi  vì  nghe được. Quả thật Ta nói  cùng  các ngươi, có nhiều tiên tri và người công chính đã ước ao thấy điều  các ngươi thấy mà chẳng được thấy. Ước ao nghe  điều các ngươi nghe mà chẳng được nghe” ( Mt 13, 16 -17 ).

          Những lời Chúa nói đây ám chỉ các tiên tri  các người công chính trong thời Cựu ước đã  ước ao được thấy Đấng Cứu Thế ra đời,  được nghe những lời Ngài giảng dạy. Thế nhưng  nếu chỉ hiểu theo…nghĩa hẹp như vậy  thì điều ấy nào có liên hệ gì tới chúng ta ngày  nay đã cách xa thời Chúa cả ngàn năm ?

          Các tiên tri các người công chính ước ao được thấy Chúa được nghe Lời Chúa vì  khi ấy Đức Ki Tô  chưa đến. Còn giờ đây Chúa đã đến,  thử hỏi chúng ta có  cái tấm lòng ước ao thấy Chúa và nghe lời Ngài không ?

          Mỗi khi nghe Lời Chúa qua các bài đọc trong Thánh Lễ bằng nỗi khát khao, đó là chúng ta đã có được cái phúc…Nghe Chúa. Mỗi khi lên Rước Lễ với tất cả lòng tin yêu đó là chúng ta đã có được cái phúc….Thấy Chúa. Trái lại khi nghe các bài đọc và rồi sau đó lên Rước Lễ chỉ với cái tâm trạng thờ ơ như một  thói quen thôi  thì  chúng ta không thể nghe và thấy Chúa được.

          Nghe hay còn  gọi là…tiếp cận Lời Chúa là việc rất ư quan hệ  đến sự nhận biết. Bởi đó Chúa Giê Su nói: “ Hãy coi chừng về cách các ngươi nghe. Vì hễ ai có thì sẽ  cho thêm. Còn hễ ai không có, dẫu điều họ tưởng mình đã có cũng sẽ bị cất luôn nữa” ( Lc 8, 18 ). Có hai cách nghe hoặc để sinh ơn ích hoặc không. Nghe Lời Chúa với sự chú tâm ( cầm lòng cầm trí ) thì người ấy đã có lại được  cho thêm. Còn nghe với sự phân tâm ( chia trí ) thì sẽ bị cất đi cả những gì  tưởng rằng  đã có.

          Sở dĩ việc lắng nghe Lời Chúa sinh nhiều ơn ích như thế  là vì đó chính là  do sự nhớ nghĩ, huân tập. Nhớ cái gì sẽ có cái đó. Nhớ việc ác sẽ có sự ác. Nhớ việc thiện sẽ có sự thiện. Chúng ta cần phải luôn  nhớ Chúa  bởi vì Ngài là Đấng vô cùng thiện hảo “ Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao” ( Tv 33, 9 ).

 

II/-  TƯ

          Blaise Pascal ( 1623 – 1662 ) danh nhân nước Pháp có câu nói nổi tiếng: “ Con người là cây sậy có tư tưởng”. Lời này ngụ ý  cho thấy  mặc dầu mang thân phận yếu đuối dòn mỏng như cây sậy trước gió nhưng con người lại vượt trên muôn loài bởi vì nó biết suy tư về lẽ sống cuộc đời và về chính mình. Sự suy tư nâng con người lên nhưng cũng chính sự suy tư ấy khiến cho cho nó phải quay quắt khổ sở vì tự thâm tâm biết rằng mình không chỉ là cái xác thân vật chất này và đời sống này cũng không bao giờ có thể làm cho mình được hoàn toàn thỏa mãn.

          Chính bởi có sự suy tư ấy  mà chàng thanh niên giàu có kia mới  có lần đến hỏi Chúa Giê Su:  Thưa Thầy tôi phải làm chi để được sống đời đời ? Câu hỏi của người thanh niên chứng tỏ anh ta  không thể an tâm với cuộc sống đủ đầy của mình. Thế nhưng dù cũng muốn vượt thoát ra khỏi cái đời sống tầm thường chỉ biết có mình ấy nhưng anh ta lại không có can đảm từ bỏ “ Vì người này có tài sản nhiều lắm” ( Mt 19, 22 ).

          Con người dù giàu dù nghèo, dù có địa vị hay không có địa vị cũng có lúc phải đặt những câu hỏi có tính suy tư về mình về cuộc đời. Tuy nhiên những suy tư ấy có thể chỉ trong thoáng chốc và rồi cũng bị vùi lấp bởi muôn vàn những nỗi cơ cực  lắng lo của cơm áo gạo tiền, tranh danh đoạt lợi v.v..

          Bản thân triết/thần học cũng là một thứ suy tư…nhưng suy tư của triết/thần học chỉ là một thứ suy tư ….để suy tư có nghĩa nó không  hề có mục đích để tìm kiếm chân lý. Nói cách khác cái gọi là chân lý của triết/thần học  chỉ là cái “ Phải Có” trong triết học Kant do khả năng kết luận của lý trí ( La raison est le pouvoir de conclure ). Không tìm kiếm chân lý như đáng phải tìm thế nên “ Siêu Hình cổ điển hình như đã giải quyết vấn đề trước khi nó đặt vấn đề. Triết học trở thành một trường dạy phi nhân bản ( deshumanisation ) bởi nó chỉ cốt sao theo đuổi chân lý tuyệt đối và một ý nghĩ “ thật” về vật chất đầu tiên” ( Kim Định  – Nhân Bản ).

          Cái gọi là “ Vật chất đầu tiên” đây chính là Đấng Tạo Hóa hay còn gọi là Đệ Nhất Nguyên Nhân, Đệ Nhất Động Cơ trong quan niệm  thần học Duy Lý. Có thể nói toàn bộ  khoa Siêu Hình ( Metaphygique ) của Tây Phương chỉ là để chứng minh cho “ Cái Phải Có” tức Đấng Tạo Hóa  ấy mà thôi. Một khi đã bám vào  “ Cái Phải Có” thì lẽ đương nhiên  chấm dứt sự tìm kiếm và như thế chân lý sẽ không bao giờ sáng tỏ. Chân lý không thể nào là “ Cái Phải Có”, nó cần  hết lòng tìm kiếm qua con đường tu tập.

 

III/-  TU

          Như đã biết thời nay là thời Hội Nhập Văn Hóa và sự hội nhập ấy dù muốn hay không  Đạo Công giáo cũng không thể thoái thác. Thế nhưng làm sao có thể hội nhập  nếu mỗi người  không biết ứng dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống ? Nếu Lời Chúa quả thật là đường soi bước chân tôi. Là ánh sáng cho đường lối tôi” ( Tv 119, 105 ) thì ứng dụng Lời Chúa vào đời sống của chính mình là điều không thể không làm.

          Ánh sáng tức là trí tuệ, chúng ta nghe một điều gì dù là Lời Chúa  cũng phải suy tư thẩm xét  xem lời ấy có giá trị  ứng dụng vào đời sống thế nào v .v…Đang khi nghe thì  không suy nhưng nghe rồi thì phải ngẫm phải suy. Mặc dầu vậy những ngẫm suy ấy  sẽ chẳng đem lại kết quả gì nếu không muốn nói đó chỉ là …nghĩ quẩn nếu không có sự tu tập, hành trì.

          Ý nghĩa của sự tu tập chính là  một cuộc chuyển hóa chính mình “ Vậy anh em phải lột bỏ con người cũ về cách ăn ở trước  kia là người càng ngày càng bị bại hoại bởi tư dục lừa dối. Lại phải đổi mới trong tinh thần của tâm trí mình mà mặc lấy con người mới là người đã được dựng nên y theo ĐCT trong sự công chính và sự Thánh khiết của Lẽ Thật” ( Ep 4, 22 -24 ).

          Con người cũ là người còn sống theo sự buông lung của xác thịt. Còn con người mới là người  sống theo sự kêu gọi của Chúa “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo” ( Mt 16, 24 ).

          Từ bỏ mình có nghĩa là bỏ đi “ Cái Tôi”. Cái tôi hoàn toàn không có thực chất đó chỉ là ảo tưởng do cái  chấp mà có. Ứng dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống có nghĩa là trước mỗi sự việc chúng ta cần  nhớ đến  và làm theo  “ Đừng thề gian nói dối. Song các ngươi nên nói: Phải, phải, không, không. Còn quá lời ấy đều bởi kẻ ác mà ra” ( Mt 5,  36 -37 ).

          Thấy có một “ Cái Tôi” đó là tất cả nguồn cơn của mọi giống tội. Chúa truyền dạy bỏ “ Cái Tôi” bằng cách hãy yêu thương kẻ thù nghịch cùng mình “ Các ngươi đã nghe phán: Hãy  yêu người thân cận  và ghét kẻ thù nghịch. Nhưng Ta nói cùng các ngươi. Hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi. Hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi  trên trời.” ( Mt 5, 43 -44 ).

          Yêu kẻ thù nghịch, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình….đó là những điều hết sức  khó khăn. Tuy nhiên đây không phải là  thách đố không thể vượt qua. Bằng chứng là Chúa Giê Su và rất nhiều đấng Thánh của Người đã làm và đã được phần thưởng trên Nước Trời vĩnh cửu. Ứng dụng Lời Chúa trong cuộc sống dầu có khó khăn đến mấy nhưng nếu  biết nhờ vào ơn Chúa chúng ta cũng sẽ làm được “ Ơn Ta đủ cho con vì quyền năng của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” ( 2C 12, 9 )./. 

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts