1. LỜI CHÚA: Một hôm, khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (Mt 16,13-14).
2. CÂU CHUYỆN: TÁC HẠI CỦA DƯ LUẬN
Cách đây ít lâu, cái chết của một bé gái 3 tuổi người Ý tên là MY-RI-AM đã trở thành một dịp sám hối tập thể cho toàn nước Ý.Tang Lễ của em đã được tưòng thuật đầy đủ trên hệ thống truyền hình quốc gia. Nhiều người đã bày tỏ lòng thưong tiếc bằng việc mang hoa đến phúng viếng.Ngay cả tổng thống nước Ý cũng đã chính thức cáo lỗi vì những sự đau khổ mà quốc gia này đã gây ra cho gia đình em.
MY-RI-AM là con của ông bà Si-ni-a-chie mà cả hai người đều giáo sư. Vào tháng tư năm trước, khi thấy con gái có những triệu chứng khác thường, cha mẹ đã đưa con gái cưng đến khám tại một bệnh viện tư gần nhà. Sau khi khám xong, bác sĩ đã ghi vào bệnh án một lời nhận xét tỏ ý nghi ngờ bé Myriam có thể đã bị xâm phạm tiết hạnh. Sự việc đã mau chống được tòa án địa phương đặt vấn đề và mang ra xem xét.Rồi tờ “Ngưòi đưa tinh buổi chiều”, một tờ bào lớn nhất tại Ý đã cho đăng một bài điều tra về sự kiện này. Dưới ngòi bút sắc bén của phóng viên, bé My-ri-am được mô tả như một nạn nhân tí hon rất đáng thương và cha của em mặc nhiên bị coi là một tên bạo dâm đáng nguyền rủa. Riêng những ngưòi láng giềng trước đây đã chứng kiến người cha âu yếm đứa con cưng, thì giờ đây lại tin chắc ông chinh là thủ phạm đã hại đời đứa con thân yêu của mình.
Tuy nhiên, vì chưa tìm được bằng chứng cụ thể để kết tội, quan tòa đành ra lệnh cách ly bé My-ri-am với cha mẹ của em và truyền cho một cơ sở y tế quốc gia thực hiện tái khám. Rồi một điều bất ngờ xảy ra: Kết quả lần khám nghiệm này lại khẳng định một điều khác hẳn: Bé My-ri-am thực sự đã không bị hãm hại, mà chỉ là nạn nhân của một loại thuốc cảm cúm do cha mẹ em đã vô tình cho em sử dụng. Sau đó bé Myriam đựoc tòa ra lệnh trả về cho cha mẹ chăm sóc. Nhưng báo chí thì vẫn tiếp tục bôi nhọ danh dự của ông bố tội nghiệp. Một số người còn cho rằng: có thể cơ quan y tế quốc gia đã ăn hối lộ để kết luận như thế. Do không chịu đựng nổi dư luận ác nghiệt như vậy, ông bà Si-ni-a-chie đã tạm thời đưa bé My-ri-am về quê hương tại đảo si-ci-le trong một thời gian. Cũng tại nơi đây, các bác sĩ trong một bệnh viện nổi tiếng nhất vùng lại có cơ hội chẩn đoán bệnh tình của bé. Cuối cùng họ đã kết luận dứt khoát là: bé Myriam đã bị ung thư và bệnh đang ở thời kỳ cuối cùng, chứ không bị xâm phạm tiết hạnh như người ta đã lầm tưởng trứơc đó. Kể từ ngày ấy, danh dự của ông bố mới được phục hồi. nhưng đồng thời. cha mẹ của bé My-ri-am cũng phải đối diện với một thực tế phũ phàng là đứa con gái cưng của họ không còn sống được bao lâu nửa. Một buổi tối nọ, bé My-ri-am không chịu ngủ trong phòng riêng, mà cứ nhất quyết đòi được nằm chung với cha mẹ. Đêm ấy bé đã vĩnh viễn ra đi trong vòng tay âu yếm và nỗi đau buồn thương tiếc của cha mẹ và cái chết của em đã biến thành một cơ hội sám hối tập thể của toàn thể nước Ý, giúp mọi người có ý thức hơn về tác hại của dư luận tiêu cực đối với xã hội.
3. SUY NIỆM:
Câu chuyện trên là một trong muôn ngàn câu chuyện thường xảy ra giữa đời thường. Thực vậy, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về tác hại của dư luận xấu do những kẻ ganh ghét ác tâm gây ra. Hơn nữa, chúng ta cũng thành khẩn thú nhận lỗi lầm, vì nhiều lần chính chúng ta cũng hay xét đoán ý trái và kết án cáchj bất công cho người vô tội, rồi đến khi sự việc được sang tỏ thì họ đã phải gánh chịu bao nỗi đau khổ một cách bất công rồi… Trong cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, cũng phát sinh hai luồng dư luận đối lập là tin và không tin vào sự phục sinh của Người. Tin mừng Mat-thêu đã thuật lại về cách hành xử thiếu trung thực của các đầu mục dân Do thái khi nghe lính canh báo cáo về sự kiện phục sinh của Đức Giêsu như sau:
“Mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục: sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự. Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do thái cho đến ngày nay” (Mt 28,11-15).
Vậy dư luận hình thành như thế nào và có sức mạnh ra sao? Vai trò của dư luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng thế nào? Ta nên làm gì để hạn chế tác hại của dư luận xấu và phát huy ích lợi của dư luận tốt?
1. SỰ HÌNH THÀNH CỦA DƯ LUẬN:
Dư luận là một hiện tượng tâm lý, bắt nguồn từ một nhóm người, biểu hiện qua những lời phán đoán bình luận về một người hay một vấn đề nóng trong xã hội, được loan truyền từ người này sang người khác, từ nhóm này sang nhóm kia cách tự phát hay do ngụy tạo, nhằm đạt mục đích theo ý đồ của kẻ chủ mưu. Dư luận tốt và tích cực sẽ khích lệ người ta làm tốt hơn, đang khi dư luận xấu hay tin đồn nhảm lại làm mất uy tín và gây hậu quả nghiêm trọng cho người bị hại, như trường hợp cha của bé My-ri-am trong câu chuyện trên đã phải chịu.
2. SỨC MẠNH CỦA CÔNG LUẬN:
Dư luận một khi được các phương tiện truyền thông đại chúng tiếp sức sẽ biến thành công luận và biến thành sức mạnh to lớn, tác động sâu rộng đến ý thức và định hướng hành vi con người trong xã hội mà các biện pháp hành chính không sánh được như: tôn vinh “người tốt việc tốt”, phát huy truyền thống đạo đức và văn hóa, phê phán các hủ tục lạc hậu; đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực và suy đồi về đạo đức hoặc cổ vũ sự tiến bộ, bảo vệ thuần phong mỹ tục… Ngoài ra công luận còn hiến kế cho các người có trách nhiệm quản lý xả hội sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu cho các bế tắc đang tồn tại.
Giáo Hội ngày nay ý thức được sức mạnh và ích lợi của các phương tiện truyền thông đại chúng, nên luôn khích lệ con cái mình sử dụng internet như phương thế hữu hiệu để loan báo Tin Mừng và làm thành khí giới đương đầu với các thế lực thù địch đang gieo rắc những học thuyết lầm lạc và dâm ô trên các trang mạng xấu..
3. MẶT TRÁI CỦA NGHỀ LÀM BÁO:
Gần đây, nhiều người đã cảnh báo nguy cơ suy thoái đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận phóng viên khi đưa lên các trang mạng xã hội các tin tức chưa được xác minh, thiếu khách quan, chụp mũ, phán xét nghiệt ngã, nặng về tiêu cực, giật gân… nhằm câu độc giả. Chuyện “đánh hội đồng” một tổ chức, cá nhân bị “lâm nạn” là “chuyện thường ngày ở huyện”. Không ít tờ báo còn đưa lên báo những chuyện riêng tư bí mật của những người nổi tiếng, Những chuyện tình-tiền-tù-tội thay vì bị lên án thì lại được truyền bá rộng rãi nhanh chóng… Tất cả những tiêu cực ấy đã đến lúc cần phải được xem xét đánh giá và cấp thời chấn chỉnh.
4. CẦN PHẢI LÀM GÌ?
1) Về phía nhà báo: Để dư luận đem lại hiệu quả tích cực hữu hiệu thì các nhà báo trước tiên phải có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Bất cứ sai lầm nào của nhà báo cũng đều ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của ngành báo chí như người ta thường nói: “Nhà báo nói láo ăn tiền!”.
Tiếp đến các phóng viên cần hành nghề theo nguyên tắc: “Trung thực, khách quan và tôn trọng sự thật”. Nghề làm báo được coi là “quyền lực thứ tư” trong xã hội, nhưng các nhà báo chỉ thực sự được mọi người kính trọng khi viết bài do động cơ lành mạnh, thái độ nghiêm túc, tấm lòng trong sáng, không đòi hỏi người trong cuộc phải “biết điều” bằng phong bì lót tay hay “phục vụ” trên mức tình cảm bình thường.
Ngoài ra, bất cứ lỗi lầm nào của nhà báo cũng đều tác hại làm lệch lạc dư luận, nên những người có trách nhiệm cần áp dụng luật pháp nghiêm minh với những hành động sai trái khi đưa tin, thay vì chỉ xử lý qua loa không đủ sức răn đe đối với những “con sâu làm rầu nồi canh”này như hiện nay.
2) Về phía người bị hại: Khi bị kẻ xấu đưa tin lên báo, ta nên xử trí cách khôn ngoan theo lời Chúa dạy hơn là theo phản ứng tự nhiên như sau:
– Trước hết hãy xin ơn Thánh Thần giúp vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Suy nghĩ xem dư luận kia đúng sai thế nào? Nếu đúng, thì đó là tiếng Chúa và cần sửa lỗi ngay. Nếu sai, ta hãy bình tĩnh tự nhủ: Chuyện đâu còn đó, không cần phải làm ầm ĩ vì “cây ngay không sợ chết đứng”. Sau một thời gian dư luận sẽ tự tan biến.
– Tránh thái độ ăn miếng trả miếng đối với kẻ thù ghét làm hại mình, nhưng hãy cầu xin điều lành và làm ơn cho họ nhiều hơn để hóa giải hận thù và biến thù thành bạn theo lời Chúa dạy (x Mt 5,43-48)…
4. THẢO LUẬN: 1)Các tín hữu nên làm gì để góp phần vào sứ vụ loan báo Tin Mừng trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay? 2)Trong cuộc sống hàng ngày, bạn nên phản ứng thế nào khi nghe dư luận phê phán và nói xấu mình? Bạn nghĩ thế nào về lối ứng xử theo lời Chúa dạy nói trên?
5. LỜI CẦU: Cộng đoàn cùng đọc đoạn Tin Mừng và dâng lời cầu nguyện như sau:
– Chúa phán: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,3-5).
– LẠY CHÚA GIÊSU. Nhiều lần do bị tác động từ dư luận sai mà con đã vội lên án và cư xử bất công với người vô tội. Từ nay con quyết tâm sẽ không vội tin khi nghe những lời nói hành và vội kết án anh em khi chưa nghe họ giải thích. Xin cho con luôn xét đoán ý tốt cho nguời khác, để sau này con cũng được Chúa xét xử khoan dung với các lỗi lầm của con. Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn lắng nghe và đáp lại lời Chúa là Sự Thật, để luôn sống trung thực với Chúa và với anh em.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.
Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
_____________
LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com