VẤN  ĐỀ  BẢN  TÍNH  TRONG  TRIẾT/THẦN HỌC

          Theo Bertrand Russel, triết gia đương đại thế kỷ hai mươi thì từ khởi thủy, triết học đã nêu lên hai mục tiêu khác nhau nhưng lại có liên hệ mật thiết với nhau đó là muốn tìm cho biết cái chi là căn nguyên vũ trụ để tồi  từ đó khám phá ra đường lối  giáo hóa con người. Trong mối liên hệ mang tính hữu cơ ấy, chúng ta thấy nơi mỗi nền triết học cả Đông lẫn Tây  đều nêu lên Vấn Đề Bản Tính. Và từ trong những khác biệt hay tương đồng ấy mà đã nảy sinh ra các đường lối hành động cũng khác nhau và thường là đi đến xung đột.

          I/- Đông phương với quan niệm về Tính

          Bàn về Tính của Đông phương, chúng ta không thể không đề cập tới hai nền đạo thống của Trung Hoa. Một là Nho Học của Khổng Tử, hai là Đạo Học của Lão Tử.

          Ngay từ cổ thời, khái niệm về “ Đạo” đã được nói tới trong Kinh Thi: “ Nhân tâm duy nguy, đạo Tâm duy vi” ( Lòng người hay nghiêng ngả. Tâm đạo  hay tế vi ). Tế vi không phải là không có nhưng nó rất tinh tế, giác quan không thể cảm nhận.

          Theo quan niệm của Khổng Tử, thoạt kỳ thủy vũ trụ chỉ là một khối hỗn mang. Thế nhưng trong cái khối hỗn mang ấy lại có cái Lý vô hình, rất linh diệu , rất cường kiện gọi là Thái Cực. Ta tuy không thể biết được cái bản thể  của Lý ấy nó như thế nào. Song ta có thể xem sự biến hóa của vạn vật mà biết được cái động thể của Lý ấy.

          Cái động thể của Lý Thái Cực, Khổng Tử cho đó là Thiên Mệnh: “ Thiên Mệnh chi vị tính, suất Tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo. Đạo dã giả bất khả tu du ly dã, khả ly phi đạo dã”( Trời phú cho gọi là Tính, theo Tính gọi là đạo, sửa đạo gọi là giáo. Đã là Đạo thì không giây phút nào xa lìa ra được. Nếu xa lìa ra được thì không còn là Đạo ).

          Mạnh Tử về sau cũng cho Thiên Mệnh là Tính: “ Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính dã. Tri kỳ tính tắc tri thiên hỹ. Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính, sở dĩ sự thiên dã. Yểu thọ bất nhị, tu thân dĩ sĩ chi, sở dĩ lập mệnh dã” ( Biết hết cái tâm của mình là biết cái tính của mình vậy. Biết cái tính của mình là biết trời vậy. Giữ cho còn cái tâm của mình, nuôi cái tâm của mình là để thờ trời vậy. yểu thọ không thay đổi, sửa mình mà đợi là lập mệnh vậy ).

          Cả Khổng Tử và Mạnh Tử đều chủ trương Tính Thiện sẵn có ở nơi mình, bởi đó cho nên Trình Y Xuyên ( 1033 – 1107 ) mới đưa ra thuyết  Vạn vật đồng nhất thể:“ Nhất nhân chi tâm tức thiên địa chi tâm, nhất vật chi lý tức vạn vật chi lý, nhất nhật chi vận tức nhất tức chi vận” ( Tâm hồn của một người là tâm hồn của trời đất. Cái lý của một vật là cái lý chung của cả vạn vật. Vận chuyển của một ngày là vận chuyển của một hơi thở ).

          Một khi vũ trụ, vạn vật đều ở trong ta thì đạo của người quân tử là phải trở về để thấy được cái vui thú của lòng mình: “ Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên” ( Vũ trụ vạn vật đều đầy đủ ở trong ta, chỉ cần quay về mà thành thật với mình thì chẳng còn gì vui hơn ).

          Đang khi cả Khổng lẫn Mạnh đều chủ trương Tính Thiện thì Tuân Tử, tuy là một…cự tử trong Nho Giáo nhưng lại nêu quan điểm Tính Ác: “ Nhân chi tính ác, kỳ thiên giả ngụy dã” ( Tính của người là ác. Những điều thiện là do người làm ra). Chữ “Ngụy” ở đây không phải là giả dối, hư ngụy nhưng cần phải hiểu… là do con người làm ra.

          Từ đó ông cắt nghĩa thêm thế nào là…ngụy:“ Bất khả học, bất khả sự, nhi tại nhân giả, vị chi Tính. Khả học nhi năng, khả sự nhi thành chi tại nhân giả, ư chi ngụy”( Không học mà hay, không làm mà thành ở người gọi là Tính. Có học mới hay, có làm mới thành ở người là ngụy).

          Bởi cho Tính con người là…ác  vì vậy, Tuân Tử nêu lên chủ trương: “ Cố quân tử kính kỳ tại kỷ giả, nhi bất mộ kỳ tại thiên giả. Tiểu nhân thố kỳ tại kỷ giả nhi mộ kỳ tại thiên giả. Quân tử kính kỳ tại kỷ giả, nhi bất mộ kỳ tại thiên giả, thị dĩ nhật tiến giả. Tiểu nhân thố kỳ tại kỷ giả nhi mộ kỳ tại thiên giả, thị dĩ nhật thoái dã” ( Cho nên người quân tử chỉ kính cái ở mình mà không mến cái ở trời, thế nên ngày một tiến. Kẻ tiểu nhân thì bỏ cái ở mình  mà mến cái ở trời thế nên ngày một lui vậy ).

          Hai quan điểm xem ra có vẻ trái ngược thế nhưng bên nào cũng có cái lý của nó. Bên Tính Thiện thì nói về Tính Tiên Thiên. Còn bên Tính Ác thì nói về Tính Hậu Thiên. Mặt khác lời bàn của Tuân Tử cũng chẳng phải không có lý bởi kẻ tiểu nhân bỏ cái ở mình mà mến cái ở trời thì trời đây thuần túy chỉ là cái khái niệm chứ không phải thực tại !

          Mặc dù không nói rõ về Tính như Nho Học nhưng Đạo Học cũng bàn về lãnh vực này còn cao thâm hơn  cho Tính là…Tịnh: “ Trí hư cực, thủ tịnh đốc. Vạn vật tịnh tác. Ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân. Các phục quy kỳ căn. Quy căn viết tịnh thi vị viết phục mạng. Phục mạng viết thường” ( Đến chỗ cùng cực hư không. Là giữ vững được trong cái Tịnh. Vạn vật cùng đều sinh ra, ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi ! Mọi vật trùng trùng, đều trở về cội rễ của nó. Trở về cội rễ gọi là Tịnh ấy gọi là Phục Mạng. Phục Mạng gọi là “ Thường” ( Lão Tử ĐĐK chương 16 ).         Giữa cái…Học về Tính Thiện  và Trí Hư Cực tuy có thô, tế khác nhau nhưng cũng vẫn cùng một nguồn và kêu gọi con người trở về với  cái nguồn đó ( Phục Mạng ).

          II/- Tây phương với quan niệm về Tính.

          Quan niệm Tính của Tây phương thể hiện qua hai nền triết học, một của Duy Lý một của Hiện Sinh:

  • Triết Duy Lý Hy Lạp:

Như đã biết, mục đích của triết học là tìm cho biết về cái nguyên nhân

sinh thành vũ trụ vạn vật. Triết Hy Lạp được phân ra hai ranh giới, trước và sau thần thoại gọi là vũ trụ luận theo thần minh luận và vũ trụ luận theo thiên nhiên vật lý.

          Theo Thần Minh Luận ( Theogonie ) thì nguyên nhân tạo thành vũ trụ là do các thần và trên hết là thần Chaos tượng trưng cho vũ trụ lúc còn hỗn mang giống như Lý Thái Cực của Nho Học nhưng thực ra theo nguyên ngữ Hy Lạp thì phải hiểu….thần Chaos đó như một cái hố trống toang ( Vide be’ant ) chưa có gì xuất hiện giống như quan niệm Tánh Không của Phật giáo ?

          Tiếp theo là hai thần Eros và Gaia tượng trưng cho quá trình sinh trưởng và tuần hoàn của vũ trụ như thuyết Âm Dương của Kinh Dịch. Sau đó là Vũ trụ luận theo thiên nhiên vật lý. Với Thales ( Phỏng 624 – 546 ) thì nguyên chất sơ bản đó là Nước. Với He’raclite ( 544 – 484 ) đó là Biến Dịch ( Panta Rei ), tất cả vừa có vừa không một trật. Theo quan điểm này thì vũ trụ vừa là nhất vừa là đa và chính sự dằng co, đối địch ấy mới là yếu tố cầu tạo sự nhất trí cho nhất thể…

          Trong sự đối nghịch của các sự vật này còn có một yếu tố căn bản khác đó là Logos là sự sống chung giữa những đối nghịch. Quan niệm về Logos đã ảnh hưởng sâu sắc đến thần học sau này do sự dung hòa giữa đức tin và lý trí do Philon le Juif khởi xướng.

          Bởi cho Logos là căn nguyên của vũ trụ thế nên quan điểm của triêt học Duy Lý đã đưa ra định  nghĩa “Tính” của con người chính là Lý Trí “ Người là con vật biết suy lý” ( L’home est l’Animal raisonnable ). Với câu định nghĩa về con người như thế, triết Duy Lý đã bị triết gia Hiện Sinh ( Heidegger ) phê phán kịch liệt:“ Nền móng câu định nghĩa đó là thú vật ( Zoologique ). Chính trong khung cảnh của câu định nghĩa trên mà đã kiến tạo nên quan niệm con người của Âu Tây  tất cả những gì là tâm lý, luân lý, tri thức luận, nhân bản. Đã từ lâu chúng ta bị xiêu bạt trong mớ lộn xộn những ý tưởng và khái niệm mượn từ trong các môn đó. Là vì cứ sự nó đã đặt nền móng trên một câu định nghĩa sa đọa” ( Kim Định – Nhân Bản ).

          Cả một nền triết học ( Duy Lý ) đã hóa ra hư hỏng và bị phê phán chỉ vì  câu định nghĩa về bản tính con người. Thế nhưng sự phê phán ấy rút cục lại đưa đến một sự nghịch thường khác  đó là chối bỏ hoàn toàn bản tính con người.

  • Triết Hiện Sinh

Chính vì chối bỏ bản tính mà F. Nietzhe ( 1844 – 1900 ) đã cho rằng con người chỉ là cái thân xác vật lý này thôi và cũng chính vì thế, triết Hiện Sinh Vô Thần đã miệt thị  tôn giáo đến thảm hại và cho rằng phải…giết chết Thượng Đế đi để cho con người siêu nhân ( Surhomme ) có  cơ xuất hiện.

Triết Hiện Sinh phủ nhận Bản Tính ở nơi con người hay nói đúng hơn, theo J.P. Sartre thì “ Bản Tính đến sau Hiện Sinh” có nghĩa con người phải tự phát minh ra mình tức ai muốn sống  sao thì sống. Một khi đã phủ nhận  không có bản tính thì đời sống con người chỉ là một chuỗi những dự phóng và dự phóng căn bản nhất đó là hoài vọng muốn làm Thượng Đế ( de’sir d’Etre ).

Chối từ bản tính thì không cách chi giải quyết được vấn đề cốt lõi Sinh Tử của con người, như vậy với Sartre “Con người sinh ra không lý do, sống vì nhu nhược và chết do ngẫu nhiên”.

III/- Thần học với quan niệm về Tính

Thật ra không có chi phân biệt triết và thần học bởi vì nói cho đúng thần học chỉ là thứ…phó sản của triết. Nên nhớ triết học của Arristote và của Kinh Viện thời Trung Cổ có tên là triết học về vũ trụ ( Philosophie de la nature ) và câu định nghĩa đưa ra cho thấy  sự bất phân định đó:“ La philosophie est la science des choses par leurs causes supremes”.

Lấy nguyên nhân để giải nghĩa thì cái nguyên nhân tối cao đó nếu hiểu là Thượng Đế là Thiên Chúa thì đó phải chăng cũng là Logos, cái Lý Tính làm nên muôn vật ? Thế nhưng cái gọi là Lý Tính ( Logos ) ấy lại…ở bên ngoài vạn vật  tức…ngoài con người và đây là vấn đề hết sức nhiêu khê của thần học cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết.

Cũng vì cách hiểu của thần học xưa nay như thế nên trong bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ đều dịch Ngôi Lời ( Logos ) là Thiên Chúa: “ Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa”.

Ngôi Lời ám chỉ cho Ngôi Hai Thiên Chúa cũng là khái niệm Logos trong triết Hy Lạp và Ngôi Lời được hiểu là Lý Tính, đây chính là bản tính của con người và đã bị triết Hiện Sinh cực lực phê phán. Tuy nhiên chính cái sự phê phán ấy  đã đưa đến kết luận rằng  con người chẳng có bản tính gì cả ???

Quả thật, thần học không mảy may đả động gì đến bản tính con người. Đang khi đó Chúa Giê Su lại có tới hai bản tính: Bản tính Thiên Chúa và Bản tính loài người. Thế nhưng với quan niệm Chúa Giê Su có hai bản tính như thế mà đã khiến  Giáo Hội triền miên lâm vào khủng hoảng:

Phái “ Ảo Thân Thuyết ( Doce’tisme ) không chấp nhận nhân tính của Chúa Giê Su. Họ cho rằng thân xác của Ngài không là thân xác đích thực mà là một loại thân xác thiêng liêng giống như các thiên thần.

Phái “ Nhất Chủ Thuyết ( Monarchianisme ). Với nhóm này Chúa Cha và Chúa Con chỉ là những danh xưng tương ứng với nhau. Trong cõi vĩnh hằng Thiên Chúa là Cha và trong công cuộc tạo dựng, Ngài là con. Như thế đối với Chúa Con cũng  chẳng có bản tính Thiên Chúa và tính loài người chi hết.

Phái Ario cho Chúa Cha là Đấng tuyệt đối siêu việt đối với Chúa Con. Chúa Con thấp hơn Chúa Cha về bản tính, uy quyền và vinh quang. Chúa Con được gọi là Thiên Chúa  thực ra là một vị thần linh…thấp hơn.

Những cuộc khủng hoảng về Tính của thần học không có cách chi giải quyết  lý do bởi vì từ bấy lâu nay vẫn giải theo nghĩa…mặt chữ ( Sens Litteral ) về Đấng Tạo Hóa mà không biết rằng ngay trong khởi đầu Sách Sáng Thế, con người đã được tạo dựng là Hình Ảnh Thiên Chúa ( St 1, 26 ).

Được tạo dựng là Hình Ảnh Thiên Chúa tức mang phẩm vị Con Thiên Chúa đây  chính là Bản Tính  con người chứ còn gì nữa ? Bất cứ ai ai dù là bậc Thánh Nhân  hay kẻ phàm phu tục tử cũng đều được tạo dựng là Hình Ảnh Thiên Chúa. Chúa Giê Su đích thực là Con Thiên Chúa từ Cha mà đến nhưng Ngài cũng là Trưởng Tử đầu mùa: “ Vì những ai Thiên Chúa đã biết từ trước thì Người cũng đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” ( Rm 8, 29 -30 )

Chúng ta cũng mang phẩm vị Con Thiên Chúa giống như Chúa Giê Su, không khác một mảy, duy có điều khác đó là Ngài chân nhận ra điều ấy còn chúng ta thì không: “ Cha công chính ơi ! Thế gian chẳng từng biết Cha. Song Con đã biết Cha và những kẻ này( Các Tông Đồ ) cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho họ biết Danh Cha lại còn tỏ cho họ biết nữa hầu cho sự thương yêu của Cha  đem lòng thương yêu Con được ở trong họ và Con cũng ở trong họ nữa” ( Ga 17, 25 -26 ).

Nếu có được sự hiệp nhất thì Chúa Giê Su và ta cũng  đồng một thể tánh: “ Còn ai liên hiệp với Chúa thì đồng một thể tánh với Ngài”( 1C 6, 17 ). Chính đồng một thể tánh như thế chúng ta mới có thể nhận ra tính chất Thiên Nhân Tương Dữ để qua Đức Ki Tô hầu trở về với Cha như Chúa Ki Tô Phục Sinh nói với bà Madalena:“ Ta lên cùng Cha Ta cũng là Cha các ngươi. Về cùng Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các ngươi”( Ga 20, 17 ).

IV- Phật Học với quan niệm về Tính

Phật Học ở đây chủ về Đại Thừa nói về hai  Tính căn bản. Một là Tinh Biết, hai là Tính Duyên Khởi.

  • Về Tính Biết

Đạo phật được gọi là Đạo Giác Ngộ trong đó Giác là Biết còn Ngộ là gặp.

Người …gặp được Tánh Biết gọi là Giác Giả. Đức Thích Ca Mâu Ni vì đã thấu triệt chân lý nên được gọi là Đấng Toàn Giác. Để nhận ra Tính Biết vốn hằng hữu ở nơi mình thì cần phân biệt Chân Tâm và Vọng Tâm. Chân Tâm là bản chất chân thật của mỗi người. Còn Vọng Tâm là các thứ tư tưởng hay thay đổi, không ngừng sinh diệt.

          Nói theo danh từ nhà Phật thì Chân Tâm là Thể  tức cái Nguồn Cảm Biết. Còn Vọng Tâm là sáu cái Cảm Biết nơi Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý. Có thể lấy ví dụ cho dễ hiểu. Vọng Tâm như các hình tướng bàn, ghế, giường, tủ v.v…Còn Chân Tâm là nguyên liệu như các chất gỗ, sắt, nhựa v.v…Lại nữa, Chân Tâm là nguyên liệu như là bột. Còn Vọng Tâm như các loại bánh mì, bánh quy bánh phở v.v…

          Chất cây, sắt, nhựa ở trong tướng bàn, ghế, tủ, giường ….Bột ở trong các hình bánh đã được nặn, đúc. Chân Tâm cũng vậy nó ở trong mọi tư tưởng nhưng lại không nhất định phải là tư tưởng nào. Chân Tâm là thể tức Tánh Biết không bao giờ thay đổi, còn Vọng tâm thì thay đổi sinh diệt trong từng sát na. Tánh Biết khi còn là đứa trẻ con và Tánh Biết của một người già lão gần đất xa trời cũng vẫn là một không khác.

          Tánh Biết không thay đổi và là nguồn phát sinh mọi  thứ cảm biết kể cả tư tưởng. Thế nhưng người đời lại chỉ sống với các thứ cảm biết mà hầu như…quên hẳn không nhớ rằng Tánh Biết vẫn sẵn đủ ở nơi mình. Sở dĩ con người chỉ sống theo các cảm biết mà không nhớ rằng mình có Tánh Biết là bởi chấp cho rằng mình có một Cái Ngã độc lập, tự tánh khác với những …Cái Ngã khác.

          Cái tính chấp ngã của con người đã có từ nguyên thủy và đây cũng chính là Tội Nguyên Tổ là…tội phân biệt thiện ác cần được nhận ra như một thứ biểu tượng minh triết. Sau khi A Dam – Eva…ăn trái cấm thì liền bị đuổi ra khỏi  Vườn Địa Đàng có nghĩa khi Tâm khởi phân biệt thì liền đánh mất thực tại. Khi thấy một bông hoa mà không khởi phân biệt đẹp, xấu, đắt, rẻ thì ta đang có…thực tại Hoa. Trái lại hễ khởi lên niệm phân biệt đẹp, xấu, đắt, rẻ thì không còn thực tại Hoa như… nó là nữa.

          Chấp Ngã, thấy có một Cái Ta độc lập tự tánh đó là vô minh căn bản của con người. Đang khi đó Đạo Phật là Đạo Giải Thoát bằng chủ trương Vô Ngã. Không cái gì…Có như một tự thể độc lập, tất cả đều do Duyên Khởi với nhau mà gọi là…có.

  • Về tính Duyên Khởi.

Duyên Khởi là định luật uyên áo của vũ trụ do Đức Phật Thích Ca khám

phá ra trong cơn đại định qua mười hai nhân duyên: Vô Minh – Hành – Thức – Danh Sắc – Lục Nhập – Xúc – Thọ – Ái – Thủ – Hữu – Sanh và Lão Tử.

          Nhiều tôn giáo khác cũng có nói  tới  tính chất Nhân Quả nhưng duy chỉ  Đạo Phật mới đề cập tới Duyên như một yếu tố quan trọng để cho Nhân thành ra Quả. Để một hạt giống gieo xuống đất và mọc lên thành cây thì cần có những điều kiện thích ứng như: Độ ẩm, ánh sáng, không khí, hoặc không bị sâu bọ cắn xé v.v…

          Những điều kiện cần có ấy gọi là Duyên và hễ nó …duyên với cái gì sẽ thành ra cái đó. Một ly nước nếu …duyên ( vắt ) một miếng chanh vào sẽ thành ra ly nước chanh. Một ly nước chanh nếu bỏ vào muỗng đường sẽ thành ly nước chanh đường v.v…

          Cái lầm lớn nhất của triết Duy Lý là đã không nhận ra tính chất Duyên Khởi này để rồi cứ mãi tìm cái chi là căn nguyên tạo và gán cho căn nguyên ấy là Đấng Tạo Hóa thuần chỉ là khái niệm. Không có cái chi là căn nguyên hay nói đúng hơn, vũ trụ này được tạo  bởi nhiều căn duyên, điều kiện khác nhau mà thành.

          Trong lãnh vực thiên nhiên vật lý đã vậy còn trong tôn giáo cũng không khác, tất cả đều do Duyên Khởi. Khởi với điều thiện sẽ được điều thiện. Khởi với điều ác sẽ  gặp ác:“ Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ ý tạo. Nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau như xe chân vật kéo. Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ ý tạo. Nếu với ý thanh tịnh, nói lên hay hành động, an lạc bước theo sau như bóng không rời hình” ( Kinh Pháp Cú – Phẩm Song Yếu ).

          V- Giải quyết cơn khủng hoảng

          Để giải quyết bất cứ cơn khủng hoảng nào dù là chính trị, kinh tế hay tôn giáo thì trước hết cần tìm ra cái nguyên nhân gây ra cho nó và chỉ khi nào biết được nguyên nhân thì mới mong có kết quả, ngược lại thì không.

          Giáo hội đang khủng hoảng và tính chất cuả  nó là vô cùng sâu sắc  bởi vì đây  là cuộc khủng hoảng về…Thiên Chúa. Hiện đang có một nền thần học  gọi là sự cáo chung của Thiên Chúa ( Theologie de la mort de Dieu ). Thần học này  khởi xướng bởi Bonhoeffer một mục sư Tin Lành người Đức bị chết trong trại cải tạo Đức Quốc Xã năm 1945. Tư tưởng của ông được đúc kết trong các lá thư từ trong tù gửi ra bên ngoài. Khi sống trong trại, ông nhận thấy không thể nói về Chúa  như trước kia được nữa vì nói như thế không cảm kích được lòng người và hầu như không có ảnh hưởng thiết thực nào trong đời sống bất công đau khổ người ta phải gánh chịu cả…

          Không thể nói về Thiên Chúa như trước đây được nữa bởi lẽ Thiên Chúa ấy không hơn không kém chỉ là những khái niệm chết khô chẳng…ăn nhập gì đến đời sống con người. Với một thứ Thiên Chúa như thế thì cần gì phải tin ? Nhưng  nếu không tin  thì sống tôn giáo  nào đâu  được ích lợi  gì?

          Đức tin là cánh cửa mở vào Đạo và để mở được cánh cửa ấy thì nhất thiết cần phải có lòng tin nơi Đức Giê Su Ki Tô bởi vì Ngài là con đường duy nhất dẫn đưa ta đến Đấng Cha: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Chính Chúa Giê Su khẳng định Ngài là con đường duy nhất dẫn đến Đấng Cha. Vậy thử hỏi chúng ta có tin vào điều ấy không ? Câu trả lời ở đây dường như là…không. Thật vậy, nếu tin thì không thể nói đến Đại Kết hay hội nhập văn hóa gì cả. Lý do đơn giản là vì hễ có Đại Kết có HNVH  thì không thể có lòng tin vào Chúa như là con đường duy nhất !!!

          Không những Chúa khẳng định mình là con đường duy nhất  mà  còn nói những người đến trước Ngài chẳng hạn các triết gia lừng danh Heraclit, Socrate, Phaton, Aristote v.v…đều là những quân trộm kẻ cướp: “ Vậy Chúa Giê Su lại phán cùng chúng nữa rằng: Quả thật Ta nói cùng các ngươi, Ta là cửa của chiên. Hết thảy những kẻ đã đến trước Ta đều là quân trộm cướp nhưng chiên không nghe chúng nó” ( Ga 10, 7 -8 ).

          Lý do Chúa nói những kẻ đến trước Ngài đều là quân trộm cướp bởi những gì họ  nói, viết ra thuần chỉ là những khái niệm chết chẳng giúp ích gì cho Sự Sống Đời Đời. “ Văn tự làm cho chết, chỉ thần khí mới làm cho sống” ( 2C 3, 6 ). Văn tự ở đây ám chỉ cho đủ thứ triết học đông tây kim cổ, chẳng những chúng không đem lại sự sống đích thực mà còn tạo ra những mâu thuẫn, những mối dị đoan làm hư hỏng  xã hội, con người.

          Tôn giáo là con đường thực hiện tâm linh bởi đó không thể đồng hóa với triết/thần học. Tuy nhiên triết/thần học lại đóng một vai trò hết sức quan trọng bởi vì nó chính là một thứ …thượng tầng kiến trúc của đời sống đức tin. Để triết/thần học có thể xứng với tính chất thượng tầng kiến trúc ấy thì cần nhận ra tính Duyên Khởi, Nhân Quả trong tôn giáo để rồi từ đó hướng dẫn Dân Chúa thực hiện ba nhân đức đối thần: Tin, Cậy, Mến hầu có thể sống niềm hy vọng đời sau vĩnh cửu trên  Thiên Đàng.

          Bàn về Bản Tính trong triết/thần học tất cả cũng không ngoài mục đích  để cố gắng khơi gợi ra hướng sống đạo trong thân phận của một Ki Tô Hữu ( Christophores ). Về danh xưng này, chúng ta không thể không suy gẫm lời giáo phụ Tertullien: “ Người ta không sinh ra là Ki Tô Hữu nhưng mà…trở thành Ki Tô Hữu”./.

Phùng  Văn  Hóa

Để ghi nhớ cuộc điện đàm với đức cha chánh Gioan – CT/UBGL&ĐT ngày 10/3/2022.

 

 

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts