VẤN  ĐỀ  THIÊN  CHÚA  TẠO  DỰNG

            Từ thời thượng cổ sơ khai cho đến thời văn minh hiện đại, vấn đề Tạo Hóa hiểu như nguyên nhân sinh thành vạn vật vẫn là đề tài gây tranh luận chưa có lời giải. Trước những mãnh lực thiên nhiên như bão tố, lũ lụt, động đất, núi lửa phun trào v.v…khiến cho con người không khỏi hãi hùng, khiếp sợ và tin rằng hẳn phải có một…đấng nào đó làm ra để rồi từ đó phát sinh những hình thái cầu cúng vái van hầu làm nguôi cơn giận của thần linh  ?

            Mặc dầu nỗi khiếp sợ trước những  hiện tượng thiên nhiên ấy không còn nhưng khi tâm thức con người đã bước sang giai đoạn biết suy tư gọi là triết lý thì việc tìm biết về  nguyên ủy  ấy vẫn  cứ …còn đó. Triết lý là đặt vấn đề và vấn đề muôn thuở được đặt ra từ Đông sang  Tây vẫn là về nguyên ủy  của vũ trụ, vạn vật.

            Nho giáo cho nguyên ủy ấy là Lý Thái Cực, Ấn Độ giáo cho là Brahman, Lão Tử cho là Đạo. Còn Tây Phương Hy Lạp cổ thời Thales ( 624 – 546 ) cho là Nước. Heraclite ( 1541 – 484 ) cho là  Lửa v.v…

            Triết học  khác biệt nhau khi trình bày về nguyên ủy  vũ trụ. Còn  các tôn giáo hữu thần  cho nguyên ủy ấy  là  Đấng Tạo Hóa. Dân gian gọi là… Ông Trời là Ngọc Hoàng Thượng Đế v.v…

            Vấn đề  Thần Học  Tạo Dựng đã được đặt ra từ lâu vào Thời Trung Cổ  nhưng nay dưới ảnh hưởng của các khoa Ki Tô Học, Giải Thích Kinh Thánh cũng như các khoa thiên văn, địa chất, cổ sinh vật học v.v… thì vấn đề Thiên Chúa   Tạo Dựng  đã bị đặt lại một cách gay gắt:

            “ Qua lịch sử Giáo Hội, việc tuyên xưng chân lý  về Thiên Chúa  Tạo Dựng đã gặp phải hai trào lưu đối nghịch. Một đàng là Thuyết Phiếm Thần ( Pantheismus ): Đồng hóa Thiên Chúa với vũ trụ. Đàng khác là Thuyết  Nhị Nguyên ( Dualismus ) muốn đặt vũ trụ vật chất ra khỏi tầm kiểm soát  của Thiên Chúa bởi theo họ, vật  chất tự bản chất là xấu xa cho nên không thể nào do chính Thiên Chúa tốt lành đã làm ra song là do một thần khác” ( Nguồn: Conggiao. Info 25/5/2015 – Bình Hòa O.P – Ý nghĩa  của lòng tin vào TC Tạo Dựng và những vấn đề hiện đại ).

            Trước hai thứ thuyết, đồng hóa Thiên Chúa với vũ trụ và  cho vật chất là thứ xấu xa không thể do một đấng Thiên Chúa tốt lành  tạo dựng, thần học Ki Tô giáo hiện nay nói gì ?

            1/- Chống lại Thuyết Phiếm Thần: “ Khi tuyên xưng rằng vũ trụ này không phải là Thiên Chúa. Ki Tô giáo đã mở đường cho sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật. Thực vậy, khi đối chiếu với các nền văn hóa và các tôn giáo trên hoàn cầu, người ta nhận thấy rằng sở dĩ  khoa học và kỹ thuật  tiến được là nhờ Ki Tô giáo. Tại sao vậy ? Lý do tại vì  nhiều tôn giáo  cho tinh tú, nắng mưa, sông núi tính cách  thần linh. Từ đó con người sợ sệt khi đứng trước thiên nhiên vũ trụ, không dám đụng đậy tới thổ thần, địa thần, thần hà bá v.v…Với một tâm trạng như vậy thì làm sao mà dám khai phá rừng rú, xông pha mạo hiểm ? Đối lại, đức tin Ki Tô giáo nói rằng  cái vũ trụ này không phải là thần thánh gì cả. Nó do Thiên Chúa đã làm ra và ban cho con người, vì vậy đừng sợ đụng tới nó.

            2/- Chống lại Thuyết Nhị  Nguyên

            “ Khi tuyên xưng rằng vũ trụ do bàn tay Thiên Chúa tạo thành, người tin nhận được niềm lạc quan, hy vọng. Thực vậy, một khi  biết rằng  tất cả những gì Chúa làm ra đều tốt thì con người sẽ cảm thấy tự tin, tìm cách khám phá ra lẽ tốt của các sự vật, tìm hiểu  những định luật điều hành  của chúng. Ngược lại, nếu đặt vũ trụ vật chất ở trong  tay một ác thần thì chắc chắn con người sẽ rơi vào tuyệt vọng bởi vì không thể lường trước được  những trò chơi xấu của ông ta” ( Nguồn: Conggiao.Info 25/5/2015 – Bình Hòa O.P đã dẫn ).

            Trước hết, cần khẳng định trong Đạo Công Giáo chưa bao giờ có việc tuyên xưng rằng vũ trụ này không phải là Thiên Chúa hoặc tuyên xưng rằng vũ trụ này do bàn tay Thiên Chúa tạo thành. Cái gọi là…tuyên xưng ấy thực ra chỉ là một thứ…bịa đặt của thần học  về Đấng  Tạo Hóa  mà nay đã bị chính thần học …khai tử ( Theologie de la mort de Dieu ).

            Sở dĩ quan niệm Đấng Tạo Hóa bị…khai tử, bởi nó trước sau vẫn chỉ là…quan niệm. Đang khi đó quan niệm về Thiên Chúa thì đâu có phải là Thiên Chúa  như  thực tại Ngài là ? Ta có quan niệm về cái nhà thì đó đâu có phải là cái nhà trong thực tại  hoặc ta có quan niệm về 1000 đôla  nhưng nó đâu có giá trị gì dù chỉ  là  01 đô la có trong túi ?

            Cái lầm lớn nhất của thần học từ trước đến nay  đó là đã lấy quan niệm để thay cho thực tại. Cũng vì sự lầm lẫn cực kỳ tai hại đó  mà người ta đã đưa ra những lập luận phải nói là hết sức…ngớ ngẩn  khi cho rằng nhờ có Ky Tô giáo mà khoa học và kỹ thuật được tiến bộ hoặc nhờ tuyên xưng vũ trụ do bàn tay Thiên Chúa tạo dựng, người tín hữu mới có được niềm lạc quan, hy vọng ???

            Chưa nói đến khoa học, kỹ thuật có đem lại hạnh phúc cho con người hay ngược lại mà chỉ nói đến lãnh vực đức tin. Làm sao có thể phủ nhận   thực tế đó là đức tin ngày càng xuống dốc thê thảm !. Cũng vì sự mất đức tin ấy,  Giáo Hội hầu như đã mất  phương hướng sống đạo !

            Cả trong lãnh vực  tôn giáo cũng như đời thường, một khi con người  mất  đi  phương hướng sống  thì kể như đời sống ấy…nắm chắc phần thất bại ? Làm sao tín hữu có thể có được niềm lạc quan, hy vọng với một thứ Thiên Chúa chỉ có trong quan niệm ?

            Để giải quyết bất cứ cơn khủng hoảng nào dù là kinh tế, chính trị hay tôn giáo thì cần phải biết cái nguyên nhân gây ra cho nó. Không biết nguyên nhân mà muốn giải quyết đó chỉ là…ảo vọng. Nguyên nhân đưa đến khủng hoảng  trong Giáo Hội như đã nói đó là  đã …lầm  quan niệm với Thực Tại. Đấng Tạo Hóa chỉ là cái quan niệm của thần học và quan niệm này sở dĩ hình thành và phát triển là do công trình của Philon Le Juif ( Phỏng năm 20 trước và 40 năm sau TL ) nhằm Dung Hòa Mạc Khải với Lý Trí.

            Người Do Thái quan niệm Kinh Thánh là do Thiên Chúa mạc khải còn Lý Trí là của triết Hy Lạp. Đối với mạc khải  thì cần có đức tin  nhưng một khi đã…dung hòa với lý trí  thì chỉ có lý trí còn đức  tin thì…biến mất. Tại sao ?  Bởi vì  đức tin siêu việt hiện tượng giới. Còn Lý  Trí  chỉ bó hẹp trong phạm vi của hiện tượng  tức cõi trần  này mà thôi.

            Bởi đức tin đã…biến mất thế nên kể từ đó việc giải nghĩa Thánh Kinh  tất cả chỉ là Duy Lý  tức theo nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral ). Với nghĩa này, Thiên Chúa  tất nhiên phải là Đấng Thiên Chúa Tạo Dựng ( Tạo Hóa ) nên trời đất muôn vật cả vô hình lẫn hữu hình: A đam – Eva là hai con người đầu tiên  sống trên trái đất…

            Mặc dù quan niệm Đấng Tạo Hóa là của triết Hy Lạp, cụ thể là của PlaTon và Aristote ( Phỏng 384 – 322 ) nhưng nó  chỉ được du nhập vào Tây Phương Công Giáo  vào đầu TK 13 với hai triết gia Hồi Giáo là Avicenne và Averroes. Cũng chính vì sự du nhập là của  Hồi giáo đặc biệt là Maimonid ( 1135 – 204 ) người  đã biên soạn rất nhiều sách  về Aristote để dung hòa quan điểm này khi nói: “ Aristote là thế giá ở dưới gầm trời. Còn mạc khải Do Thái là thế giá ở trên trời cao” ( L.T. Nghiêm – LSTHTP Q. 2 ).

            Thoạt đầu Giáo Hội thời đó cấm đọc Aristote nhưng về sau lại coi ông như là tiên tri của Đức Ki Tô ngang hàng với Thánh Gioan Tiền Hô: “ Proecursor Christi in  rebus naturlibus, sicut Joannes Baptista in rebus gratituitis ).

            Khi cho Aristot là…tiền hô trong lãnh vực thiên nhiên còn Thánh Gioan là tiền hô trong lãnh vực ơn sủng thì đã mặc nhiên có…hai Đức Ki Tô ? Đang khi đó  chỉ có một Đức Ki Tô: “ Đức Gie Su Ki To  hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời vẫn chỉ là một” ( Dt 13, 8 ).

            Chính Đức Ki Tô muôn đời chỉ là một ấy là Đấng đã mạc khải về Chúa Cha: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết  Cha” ( Lc 10, 22 ).

            Biết Cha ở đây hoàn toàn không phải là cái biết của Lý Trí Phân Biệt nhưng là cái biết của Tình Yêu Vô Phân Biệt. Do bởi lẽ đó nên nói không thể…dung hòa  Mạc Khải với Lý Trí bởi vì mạc khải của Đức  Ki Tô  là về Đấng Cha…nội tại cũng là Bản Thể Tình Yêu ở nơi mỗi người.

            Tình Yêu chỉ có thể đáp trả bằng tình yêu và tình yêu ở đây là Tình Yêu Vô Phân Biệt: “ Các ngươi đã nghe phán: Hãy yêu người thân cận và ghét kẻ thù nghịch. Nhưng Ta nói cùng các ngươi: Hãy yêu kẻ thù nghịch cùng mình và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ  các ngươi” ( Mt 5, 43 -44 ).

            Đức Ki Tô truyền dạy chúng ta phải yêu mến kẻ thù nghịch và đó không chỉ là lời dạy…xuông nhưng chính Ngài đã thực hiện Tình  Yêu lớn lao đó: “ Chẳng ai

 có sự thương yêu lớn hơn là vì bạn hữu mà bỏ mạng sống mình. Ví thử các ngươi làm theo điều Ta truyền cho thì các ngươi là bạn hữu của Ta” ( Ga 15, 13 -14 ).

            Chúa Giê Su Ki Tô vì Tình  Yêu đến nỗi đã hiến mạng sống mình vì ta. Chính vì Tình Yêu hiến thân đó, chúng ta tuyên xưng Ngài là Đấng Cứu Chuộc chứ chẳng có ai  lại…tuyên xưng rằng vũ trụ này do bàn tay Thiên Chúa tạo thành ???

            Thiên Chúa …tạo thành vũ trụ thì nào có liên hệ gì đến tôi, đến anh và hết thảy mọi người  ? Thay vì  Thiên Chúa Tạo Dựng  thì phải nói: Tất cả  do Tâm Tạo ( Vạn  Pháp Duy Tâm Tạo ).  Sở dĩ nói “ Vạn Pháp Duy Tâm Tạo” bởi vì  muôn sự muôn vật ( vạn pháp ) chẳng phải đều có …tên của nó nào là nhà cửa, bàn ghế, trăng sao, mặt trời, mặt trăng, ông A bà B chị C v.v…và v.v. đều có cái tên của nó mà tất cả những cái tên  ấy chẳng phải là do chúng ta …đặt ra ( Tâm tạo ) hay sao ?

            Đối với muôn sự muôn vật đã vậy, còn trong lãnh vực tâm linh thì Tâm cũng tạo ra Thiên Đàng, Địa Ngục và tất cả tội, phúc cũng đều do ở nơi Tâm. Chỉ  theo nghĩa “ Vạn Pháp Duy Tâm Tạo” ấy  chúng ta mới có thể giải thích được nguyên nhân của mọi tội, phúc. Trái lại với quan niệm Tạo Hóa thì không.

            Nếu bảo rằng  Thiên Chúa tạo dựng nên tất cả thì chẳng lẽ Hỏa Ngục lại không phải do Ngài …tạo nên hay sao nhưng nếu Hỏa Ngục là do Thiên Chúa…tạo  thì sao có thể nói  Ngài tốt lành được.? Nhà văn Leon Bloy nói một câu không phải  không…có lý: “ Nếu có Hỏa Ngục đời đời thì  việc tạo dựng kể như thất bại” Bruno Chenu – Thiên Chúa  trong TK 21 ).

            Nếu Thiên Chúa hiểu như là Tình Yêu ( 1Ga 4, 8 ) thì không  bao giờ tạo ra Hỏa Ngục, vậy thì cái gì tạo ra ? Xin thưa là do Nghiệp Dữ tạo ra. Nghiệp  do sự tác tạo có chủ ý của Thân, Khẩu, Ý. Sự tác tạo lâu ngày chày tháng  sẽ tạo nên cái nghiệp cho người đó. Một người tốt nghiệp sư phạm, dạy học nhiều năm tháng sẽ thành cái nghiệp thầy giáo. Một bác thợ  quanh năm đục đẽo, cưa  xẻ  đã tạo cho mình nghề thợ mộc v.v…

            Làm cùng một nghề thì gọi là …đồng nghiệp, nghề và nghiệp luôn đi đôi với nhau. Trong lãnh vực tâm linh  cũng có hai thứ Nghiệp: Nghiệp Lành và Nghiệp Dữ. Một người ưa làm việc lành phúc đức, siêng năng lần hạt, làm việc Tông Đồ sẽ

tạo cho mình một thứ Nghiệp Lành để hưởng hạnh phúc đời này và đời sau. Trái lại một  người  chỉ biết có mình, say sỉn chửi mắng, đánh đập vợ con, sì ke ma túy, trộm cắp, chửi cha, mắng  mẹ sẽ tạo cho mình Nghiệp Dữ  để rồi  bị đày trong Hỏa  Ngục muôn kiếp.

            Nghiệp là do mình tạo ra chứ  chẳng phải do…một đấng nào khác, bởi vậy thi hào Nguyễn Du nói: “ Đã  mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa”.

            Nghiệp cũng có hai, một là nghiệp cá nhân gọi là Biệt Nghiệp, ai làm nấy chịu. Hai là nghiệp chung gọi là  Cộng Nghiệp. Cơn đại dịch Covid 19 ghê gớm đang tác yêu, tác quái hiện nay đó chẳng phải là hậu quả  tội lỗi của con người thời nay  gây  ra hay sao ?

            Không thể cầu khẩn, van xin mà có thể…hết  được  Nghiệp, duy chỉ  cố gắng  tu thân tích đức  mới có thể…chuyển được Nghiệp mà thôi. Vì vậy …chuyển Nghiệp chính là mục đích của việc …tu hành và việc tu hành ấy  vẫn có thể thực hiện trong thời…giãn cách xã hội này dù rằng không có nhà thờ, không có Thánh Lễ,  công tác Tông Đồ gì cả. Tuy nhiên như đức cha Giu Se Đinh Đức Đạo nói: “ Cốt tủy của cuộc đời Tông Đồ không hệ tại ở chỗ mình có thể làm tốt, làm đẹp cho thế giới nhưng là dụng cụ để Thiên Chúa  có thể chúc phúc cho nhân loại” ( Linh Đạo Tu Sĩ  Xuân Lộc ).

            Các Thánh Damien, Teresa Calcutta, Maximilien Kolbe v.v… Các ngài đều là những dụng cụ của Thiên Chúa  cho thế giới hiện đại  và mỗi người trong chúng ta  cũng có thể làm được như vậy  trong phạm vi nhỏ hẹp của mình nơi gia đình, chợ búa, công ty, xí nghiệp v.v…

            Ai ai cũng có thể…làm như các Thánh miễn là làm trong tình “ Mến Chúa, Yêu Người”. Thánh Gioan Vianey, quan thầy  các cha xứ nói một lời đầy ý nghĩa: “ Nếu đến lúc chết, tôi thấy không có gì cả và tôi đã lầm cả cuộc đời. Điều đó chẳng ăn nhằm gì đối với tôi. Tôi sẽ hài lòng nếu đã lầm vì luôn  tin vào Tình Thương”./.

Phùng  văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts