Chúa Giê Su báo trước cuộc khổ nạn cùng với sự mất lòng tin nơi các Tông Đồ: “ Này giờ sắp đến, thật đã đến rồi, các ngươi sẽ tan tác, ai đi đường nấy, bỏ Ta lại một mình. Nhưng ta không có một mình đâu, vì Cha ở cùng Ta. Những điều đó Ta đã nói cho các ngươi hầu cho các ngươi được bình an trong Ta. Các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế gian nhưng hãy vững lòng vì Ta đã thắng thế gian” ( Ga 16, 32 -33 ).
Chúa nói Ngài đã thắng thế gian và việc ấy chẳng phải là đã thắng ba cơn cám dỗ hay sao ? “ Bấy giờ, Đức Giê Su được thần khí dẫn vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ, Ngài ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày và sau đó Ngài thấy đói. Quỷ cám dỗ bèn nói với Ngài rằng: Nếu Ngài là Con Thiên Chúa thì hãy bảo hòn đá này trở nên bánh mà ăn đi. Ngài đáp: Có lời chép rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Sau đó quỷ quỷ đem Ngài vào thành thánh Gierusalem đặt trên nóc đền thờ mà nói: Nếu Ngài là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống đi vì có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền thiên sứ nâng đỡ ngươi trong tay, kẻo ngươi vấp chân trên đá chăng ?…
…Chúa Giê Su phán: Cũng có lời chép rằng: Ngươi chớ thử Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi. Quỷ lại đem Ngài lên núi rất cao, chỉ cho thấy các nước thế gian cùng sự vinh hoa của các nước ấy mà nói: Nếu Ngài sấp mình thờ lạy tôi thì tôi sẽ cho Ngài hết thảy mọi sự này. Chúa Giê Su bèn phán cùng nó rằng: Ớ Sa Tan, hãy cút đi vì có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Ngài thôi. Thế rồi quỷ bỏ Ngài mà đi và có các thiên thần đến hầu hạ Ngài” ( Mt 4, 1 -11 ).
Trước khi ra công khai giảng đạo, Chúa Giê Su đã đến chịu phép rửa với Gioan tại sông Gióc Đan rồi sau đó thì vào hoang địa để chịu sự cám dỗ của Sa Tan . Sự kiện này có liên hệ mật thiết đến công cuộc rao giảng Tin Mừng của Ngài sau này.
Cuộc đối đáp giữa quỷ Sa Tan và Chúa Giê Su diễn ra khi cả hai cùng trưng dẫn Kinh Thánh nhưng ý nghĩa thì hoàn toàn khác nhau. Quỷ nói với Chúa: “ Nếu Ngài là Con Thiên Chúa thì hãy biến hòn đá này trở nên bánh mà ăn cho khỏi đói. Chúa đáp: Con người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng còn do lời Thiên Chúa phán ra” ( Đnl 8, 3 ).
Điều Chúa nói ám chỉ con người gồm có hai phần, xác và hồn, cả hai cần được nuôi dưỡng mới có thể sống. Để nuôi dưỡng phần xác thì cần có cơm ăn áo mặc. Còn phần hồn thì không thể thiếu Lời Chúa. Hai phần này tuy cũng quan hệ như nhau nhưng nếu chỉ biết …lo cho phần xác mà quên phần hồn thì có ích lợi gì đâu khi phải đối diện với cái chết không ai tránh khỏi. Khi người ta đến tìm gặp Chúa, Ngài nói: “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi, các ngươi tìm Ta chẳng phải đã thấy những dấu lạ bèn vì đã được ăn bánh no nê. Chớ làm việc vì đồ ăn hay hư nát nhưng vì đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời là thứ Con người sẽ ban cho các ngươi” ( Ga 6, 26 -27 ).
Lương thực Chúa nói đây chính là Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể. Chúa đã chiến thắng cám dỗ của quỷ Sa Tan bằng cách không thi thố quyền năng biến hòn đá ra bánh ăn nhưng qua cái chết đau thương, Ngài đã hóa nên lương thực thần linh chính là Thịt và Máu Ngài.
Tiếp đó, quỷ nói với Chúa Giê Su khi đưa Ngài lên nóc đền thờ: “ Nếu Ngài là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống sẽ có thiên thần đỡ nâng. Chúa đáp: “ Ngươi chớ thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi” ( Tv 91, 11 -12 ).
Con người xưa nay khi gặp tai họa hoặc bất công xã hội thường trách cứ Thiên Chúa không ra tay cứu vớt mà không biết rằng họa hay phúc tất cả đều do tự mình chiêu cảm, hễ có nhân thì ắt có quả: “ Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Người thiện do chứa thiện mà phát ra điều thiện . Kẻ ác do chứa ác mà phát ra điều ác” ( Mt 12, 34 -35 ).
Cuối cùng quỷ đưa Chúa lên núi cao, chỉ cho thấy vinh hoa các nước thế gian và nói, nếu Ngài sấp mình thờ lạy tôi thì tôi sẽ cho hết thảy những vinh hoa này. Chúa phán: “Này, Sa Tan hãy cút đi, ngươi phải thờ lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người” ( Đnl 6, 13 ).
Chúa Giê Su đã vượt thắng cám dỗ vì Ngài biết cái gọi là các nước thế gian cùng với vinh hoa của nó chỉ là giả trá, không thật. Thế nhưng con ngươi vì vô minh, điên đảo lại chấp cho nó là thật có nên mới phải chuốc lấy muôn vàn đắng cay khổ nhục mà không biết. Cứ xét ngay thân người thì đủ rõ, nó chỉ là …cái túi chứa khổ, bởi vậy Lão Tử nói: “ Sở dĩ ta có mối họa lớn là vì ta có thân. Nhược bằng không thân thì đâu có khổ ? ( Ngô sở dĩ hữu đại hoạn, giả vị ngô hữu thân. Cập ngộ vô thân, ngô hữu hà hoạn ? ( ĐĐK chương 13 ).
Khổ nhưng lại không biết là khổ thế nên cái khổ càng thêm trầm trọng. Chúa Giê Su chỉ sau khi vượt thắng ba cơn cám dỗ, Ngài mới khởi sự công cuộc rao giảng Tin Mừng: “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).
Giữa việc sám hối và lòng tin nơi Tin Mừng có một sự quan hệ mật thiết. Càng sám hối tội mình bao nhiêu thì càng có lòng tin vào Tin Mừng bấy nhiêu. Ngược lại thì không cách chi có thể tin vào chân lý cao cả đó. Tại sao ? Bởi vì Tin Mừng của Đức Ki Tô là về Nước Trời mầu nhiệm nội tại: “ Người Pharisi hỏi Chúa Giê Su về Nước Thiên Chúa chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước Thiên Chúa không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia vì này Nước Thiên Chúa ở trong ( Lòng ) các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).
Đã có sự hiểu lầm rất lớn về Nước Thiên Chúa…chừng nào đến này. Với các Tông Đồ thì Nước Thiên Chúa đến đồng nghĩa với việc khôi phục nhà nước Itsraen. Các ông nhóm lại và hỏi Chúa ngay trước khi Ngài phục sinh về trời: “ Thưa Chúa có phải đây là lúc Ngài khôi phục nhà Itsraen hay không ?( Cv 1, 6 )
Với thần học hiện nay thì hoàn toàn phủ nhận Nước Trời mầu nhiệm để thay vào đó là Nước Trời…tục hóa: “ Loan báo Tin Mừng cũng là một thành phần của công trình giải thoát. Nội dung của nó là Nước Thiên Chúa đã đến, đến cho người nghèo khổ và bị áp bức. Nền tảng của nó là các mối phúc ( Lc 6, 20 ). Nước Thiên Chúa này ở ngay giữa thế gian khi người nghèo không còn nghèo, người bị áp bức thoát ách khốn khổ”( Lm Micae T. Đ. Quảng – Đức Giê Su trước khi có Ki Tô giáo. Một nỗ lực trở về với Đức Giê Su Lịch Sử ).
Cái gọi là Nước Thiên Chúa…đã đến cho người nghèo khổ và bị áp bức này thì đâu có gì khác với Thiên Đường Trần Gian ( viễn mơ ) của người CS Liên Xô trước đây và nó cũng có khác gì các nước thế gian mà quỷ đã cám dỗ Chúa Giê Su ?
Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng có nghĩa, Ngài nêu lên sự thật này là Nước Trời đã hiện hữu ngay nơi tâm hồn mỗi người, chỉ cần sám hối ăn năn và lòng tin thì sẽ gặp được. Mặt khác Chúa Giê Su chịu sự cám dỗ chẳng những vì Ngài mà còn cho mỗi người: “ Vì chính mình Ngài đã chịu khổ trong khi bị cám dỗ nên có thể cứu giúp những kẻ bị cám dỗ vậy” ( Dt 2, 18 ).
Ma quỷ chỉ cám dỗ những ai quyết chí theo đuổi con đường Nên Thánh chứ còn với những kẻ sống theo đam mê dục vọng thì cần gì nó phài cám dỗ nữa ? “Vậy tôi nói rằng, hãy nhờ Thánh Linh mà bước đi thì anh em chắc không chiều theo xác thịt vì xác thịt ưa muốn trái với Thánh Linh và Thánh Linh trái với xác thịt. Hai đàng trái nghịch nhau, khiến cho anh em không thể làm được điều mình muốn làm” ( Gal 5, 6 -7 ).
Xu hướng xác thịt thì luôn trái với sự soi dẫn của thần khí Chúa bởi vì…xác thịt luôn hướng chiều về những sự thế gian. Còn thần khí thì hướng vào bên trong, bởi vậy đời sống tâm linh thì nhất thiết cần sự nhẫn nại: “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì đâu còn là hy vọng nữa. Vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại đợi trông” ( Rm 8, 21 -25 ).
Người ta sống ở đời không ai lại không có cho mình niềm hy vọng nào đó. Tuy nhiên tất cả những hy vọng ấy nếu chỉ đặt để trong phạm vi cõi đời này thôi thì rút cục chỉ đưa đến thất vọng. Lý do là vì con người không ai không phải đối diện với cái chết và như thế chẳng phải như triết gia Hiện Sinh Vô Thần, Jean Paul Sarte nói “ Đời người là một đam mê vô ích hay sao ?
Trong niềm tin tôn giáo thì không như vậy, bởi lẽ là con cái Thiên Chúa, chúng ta một khi đã bền lòng chống trả mọi chước cám dỗ thì chắc chắn sẽ được Đức Ki Tô cứu vớt trong ngày Ngài quang lâm đã gần: “ Chính Thánh Linh cùng tâm linh chúng ta đồng chứng thực chúng ta là con cái Thiên Chúa. Lại nếu đã là con thì cũng là kẻ thừa tự tức kẻ thừa tự của Thiên Chúa và là đồng thừa tự với Chúa Ki Tô, miễn là chúng ta đồng cam chịu khổ với Ngài hầu cho cũng được đồng vinh hiển với Ngài” ( Rm 8, 16 -17 )./.
Phùng Văn Hóa