VỀ  BA  CỘT  TRỤ  CỦA  ĐẠO  CÔNG  GIÁO

          Trước khi đi vào trọng tâm bài giảng lễ, cha Zlako Sudac một linh mục trẻ ( 1971 ) người Croatia năng động và đầy thần khí ( Được Chúa ban năm Dấu Thánh ) đã kể lại giấc mơ của thánh Gioan Bosca đại ý:

          “ Trên một vùng biển rộng có nhiều con tàu, tất cả đang trong tình trạng chiến đấu. Nhô cao trên mặt biển có hai con tàu, một lớn một nhỏ ở khá gần nhau. Nơi con tàu lớn trên đầu cột trụ  là một Bánh Thánh, tại chân tượng có ghi: “ Ơn Cứu Độ các tín hữu”. Gần với cột trụ này là con tàu thứ hai và trên đầu cột trụ có Thánh Tượng Đức Trinh Nữ Hồng Phúc và tại chân tượng có ghi: “ Đấng Phù Hộ các giáo hữu”…

          …Ở giữa hai cột trụ này có một chiếc tàu uy nghi dường như là tâm điểm  cho các tàu khác tấn công, đức giáo chủ đứng tại tay lái của con tàu và các tàu địch đã xử dụng mọi cách để đánh đắm con tàu của đức giáo chủ khiến cho nó trở nên méo mó, biến dạng và đầy thương tích nhưng không bị chìm…

          Ba con tàu, thứ nhất tượng trưng cho Bí Tích Thánh Thể. Thứ hai cho Đức Maria và thứ ba cho Giáo Hội. Bài giảng lễ của cha Zlako Suda tại nhà Tĩnh tâm Bethany Retreat House vào năm 2009 tức cách nay 13 năm. Còn giấc mơ của Thánh Gioan Bosco ( 1815 – 1888 ) cách nay đã  hơn cả trăm năm  là lời tiên tri về cuộc chiến của giáo hội trước các thế lực sự dữ. Cuộc chiến cam go ấy, giáo hội chỉ có thể chiến thắng nếu biết dựa vào hai cột trụ là Chúa Giê Su Thánh Thể và Đức Maria, Đấng Phù Hộ các giáo hữu.

          Giáo hội hiện lâm cơn khủng hoảng trầm trọng mà nguyên nhân đưa đến  chính là vì đã  không còn lòng tin nơi Chúa Giê Su Thánh Thể. Đang khi đó  đức tin ấy lại là cốt lõi của việc sống đạo có nghĩa chỉ ở nơi lòng tin ấy mới đem lại Sự Sống Đời Đời: “ Như Cha Hằng Sống đã sai Ta và Ta sống bởi Cha thì cũng  thế, kẻ nào ăn Ta sẽ  sống bởi Ta vậy. Đây là bánh từ trời xuống, chẳng phải như thứ tổ phụ các ngươi ăn rồi cũng chết. Kẻ nào ăn bánh này sẽ sống đời đời” ( Ga 6, 57 -58 ).

          Lòng tin vào Chúa Giê Su Thánh Thể là cốt lõi của việc sống đạo bởi cũng chính với  lòng tin ấy, các tông đồ đặc biệt là Phê Rô đã ở lại với Chúa và vì thế giáo hội được thành lập. Chúng ta có thể đặt giả thiết, nếu  Phê Rô khi ấy  không ở lại và tuyên xưng Chúa Giê Su thì giáo hội sao  có thể thành lập ? Tuy nhiên, thực sự thì thánh Phê Rô đã…ở lại: “ Bởi cớ ấy có nhiều môn đệ đã bỏ Ngài mà đi, không còn theo Ngài nữa. Vậy nên Chúa Giê Su  hỏi mười hai tông đồ: Còn các ngươi cũng muốn bỏ đi ư ? Simon Phê Rô đáp: Thưa Chúa, chúng tôi biết đi đâu bây giờ ? Chúa  có lời ban sự sống  đời đời” ( Ga 6, 66 -68 ).

          Chính vì lòng tin mạnh mẽ của thánh Phê Rô mà ngài và các bạn đã…ở lại với Chúa và việc ở lại ấy sẽ còn được chứng minh bằng Tình  Yêu nồng nàn khi Chúa đã phục sinh: “ Vả khi họ ăn bữa sáng rồi, Chúa Giê Su hỏi Simon Phê Rô: Simon con Gioan, con có yêu mến Ta hơn những kẻ này chăng ? Phê Rô đáp: Thưa Chúa, phải, Ngài biết con yêu mến Thầy. Ngài phán: Hãy chăn dắt chiên con Ta. Ngài lại hỏi lần thứ hai: Simon con Gioan con có yêu mến Ta chăng ? Phê Rô đáp: Thưa Chúa, phải, Chúa biết con yêu mến Chúa. Hãy chăn dắt chiên Ta. Ngài lại còn hỏi lần thứ ba: Simon con Gioan con có yêu mến Ta chăng ? Phê Rô buồn rầu vì Ngài hỏi mình lần thứ ba: Con có yêu mến Ta chăng ? Người bèn đáp: Thưa Chúa, Ngài biết mọi sự, Ngài biết rằng con kính mến Ngài. Chúa Giê Su phán; Hãy chăn dắt chiên mẹ và chiên con của Ta” ( Ga 21, 15 -17 ).

          Chúa Giê Su đã gặng hỏi thánh Phê Rô tới  ba lần về lòng yêu mến. Điều ấy chứng tỏ lòng yêu mến Chúa cần thiết biết bao cho đấng chăn dắt đoàn chiên trong Hội Thánh. Tại sao ?  Bởi vì lương thực dành cho đoàn chiên  chính là Mình và Máu Thánh Chúa vừa là khởi nguồn vừa là sự tồn tại của Hội Thánh. Ngược lại một khi Chúa Giê Su Thánh Thể không còn được tôn thờ, yêu mến  thì giáo hội sẽ không còn sức sống thần linh đồng thời cũng chẳng còn lý do để tồn tại !!!

          Có nhiều hiện tượng cho thấy Bí Tích Thánh Thể ngày nay đã  bị hủy hoại và lăng nhục khi cho phép những người không tin và đang mắc tội trọng được Rước Lễ. Trong thánh lễ Chúa Ki Tô Vua ngày 20/11/2016 tại vương cung thánh đường Đức Bà Paris, người  ta đã cho 20 mục sư  mặc phẩm phục Tin Lành Rước Lễ. Lại nữa, Joe Biden đương kim TT và bà Nancy Pelosi, CT Hạ Viện Mỹ những người đã công khai ủng hộ phá thai, giết người  vẫn được khuyến khích cho Rước Lễ. Mới đây nhât, Mathieu Jalseran một linh mục nổi tiếng của Pháp đã cho phát hành video trong đó quay cảnh ông ta trong thánh lễ đã có những biểu cảm  bôi bác cười cợt khi đổ rượu lễ vào  chén. Cũng trong video này còn có một nữ tu trong trang phục váy ngắn cũn cỡn từ trong nhà mặc áo đi ra, giấu chai rượu lễ sau lưng v.v…

          Tất cả những trường hợp Phạm Thánh nghiêm trọng như thế đều được…bỏ qua cho thấy Bí Tích Tình Yêu này đã bị  nhạo báng  với  đầy ác ý. Cho phép hoặc dung túng  những người đang mắc tội trọng hoặc không tin được Rước Lễ đó là Tội Phạm Thánh cần bị kết án. Chúa Giê Su nói với thánh Gridget: “ Trên trần gian này không có hình phạt nào tương ứng  để trừng trị tội ấy. Thánh Ambrose cho rằng những người Phạm Sự Thánh khi vào nhà thờ thì ít tội  nhưng khi ra về thì tội chồng chất. Thánh Cyril còn viết những lời nghiêm khắc hơn: Những kẻ rước lễ phạm sự thánh đón đưa cả Sa Tan và Chúa Giê Su vào lòng. Sa Tan họ rước vào để cai trị. Còn Chúa Giê Su Ki Tô thì họ bắt Người phải hy sinh như một của lễ cho Sa Tan” ( Lm Stefano Manelli O.F.M Conv. Yêu Mến Chúa Giê Su Thánh Thể ).

          Phạm Sự Thánh là tội rất  nặng đáng bị kết án. Thế nhưng dường như giáo hội hiện nay lại…dung túng lý do chỉ vì đã không còn lòng tin nơi Chúa Giê Su Thánh Thể và để thay cho lòng tin ây lại tin rằng Chúa Giê Su là Đấng Tạo Hóa: “ Đối mặt với sự mở ra trước mắt chúng ta các chiều kích vô tận của vũ trụ, hành động đức tin lớn nhất đối với Ki Tô Hữu chúng ta không phải là tin rằng tất cả những điều này được tạo ra bởi Thiên Chúa mà là tin rằng: Muôn vật được tạo dựng nhờ Chúa Ki Tô và cho Ngài ( Cl 1, 16 ) rằng không có Người thì không có gì ( Ga 1, 3 ). Ki Tô Hữu có bằng chứng về Thiên Chúa thuyết phục hơn nhiều so với bằng chứng thu được từ vũ trụ: Đó là con người và cuộc đời của Chúa Giê Su Ki Tô” ( Nguồn Vietcatholic News – 04/12/2022 – J.B Đặng Minh An – Bài giảng Mùa Vọng 2022 của ĐHY Ramiero Cantalamesse trước giáo triều Ro Ma ).

          Cũng bởi quan niệm Chúa Giê Su là một với Đấng Tạo Hóa như thế nên người ta đã cho Đức Ki Tô là đấng Cứu Độ cho toàn thể thế gian. Trước đây giáo hội vẫn nhất trí với nguyên lý: “ Ngoài Hội Thánh không có ơn Cứu Độ ( Extra Ecclesiam nulla salus ). Nhưng nay thì không: “ Điều này không thể khiến chúng ta hài lòng và nó có lỗi với Chúa Ki Tô, tước đoạt của Ngài phần lớn  nhân loại. Người ta không thể tin rằng Chúa Giê Su là Thiên Chúa rồi giới hạn sự liên quan  thực sự của Ngài vào một phần rất hẹp duy nhất của nó. Chúa Giê Su là Đấng Cứu Độ Thế Gian ( Ga 4, 42 ). Chúa Cha đã sai Chúa Con “ Để thế gian nhờ Người mà được cứu độ ( Ga 3, 17 ). Thế gian không phải là một tập hợp ít người trên thế giới” ( Nguồn Vietcatholic News 04/12/2022 đã dẫn ).

          Nếu Chúa Giê Su là Đấng Cứu Độ Thế Gian không chừa một ai thì các Bí Tích nói chung và Bí Tích Thánh Thể nói riêng đâu còn nghĩa lý gì nữa ? Đang khi đó Bí Tích Thánh Thể  được gọi là Bí Tích Tình Yêu nhưng cũng là  mầu nhiệm đức tin, chỉ những ai tin và sạch tội trọng  mới có thể nhận lãnh: “ Chúa Giê Su phán: Ta là bánh của sự sống. Ai đến cùng Ta hẳn chẳng hề đói. Ai tin Ta hẳn chẳng hề khát. Nhưng Ta đã nói cùng các ngươi, các ngươi đã  thấy Ta mà còn chẳng tin. Phàm những kẻ Cha ban cho Ta, chắc đến cùng Ta, còn kẻ đến cùng Ta thì Ta hẳn chẳng bỏ ra ngoài đâu” ( Ga 6, 35 -37 ).

          Chỉ những ai Chúa Cha ban cho mới có thể đến được với Chúa Giê Su Thánh Thể và ơn ban ấy cũng chính là Ơn Gọi của Ki Tô Hữu: “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa một đức tin một phép rửa một Thiên Chúa là Cha mọi người, Ngài vượt trên mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6 ).

          Chỉ có một thân thể đó là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô: “ Ta là cây nho, các ngươi là cành ( nhánh ). Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì người ấy kết quả nhiều. Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta  thì bị ném ra như nhánh kia khô héo, rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa” ( Ga 15, 5 -6 ).

          Chúa nói: Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì sinh nhiều hoa trái đó chẳng phải để ám chỉ cho Bí Tích Thánh Thể  hay sao ? Mặt khác như Chúa nói nếu Cha không ban thì không ai có thể  đến cùng Ngài và việc …ban cho ấy chính là nhờ nơi Đức Maria, Đấng Đồng Công Cứu Chuộc.

          Có hai nguyên lý khiến chúng ta không thể không nhìn nhận tính chất Đồng Công Cứu Chuộc của Đức Maria. Một là Mình và Máu Thánh Chúa Ki Tô  chúng ta lãnh nhận cũng chính là Mình và Máu của Đức Maria bởi Ngài đã cưu mang và sinh hạ Chúa Ki Tô do quyền năng Chúa Thánh Thần: “ Khi Đức Maria thắc mắc với sứ thần Gabriel: Tôi không biết đến việc vợ chồng thì việc đó xảy ra thế nào được ? Thiên sứ đáp: Thánh Thần sẽ ngự đến trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà. Cho nên Đấng Thánh sinh ra phải gọi là Con Thiên Chúa” ( Lc 1, 34 -35 ).

          Nguyên lý thứ hai đó là mục đích việc sinh hạ Đấng Giê Su Cứu Thế  chính là để sinh những Người Con Thiên Chúa giống  như Ngài hay nói cách khác Chúa Giê Su là trưởng tử còn tín hữu chúng ta là những người em của Ngài: “ mVi2 những ai Người đã biết  từ trước thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” ( Rm 8, 28 -29 ).

          Nếu Đức Maria chỉ sinh hạ có một mình Chúa Giê Su…rồi thôi thì không thể có Hội Thánh  Chúa hiểu như là Nhiệm Thể Chúa Ki Tô mà mỗi người tín hữu chúng ta đều là chi thể. Chúng ta, những người lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và rồi được lớn lên trong Ơn Thánh, tất cả là nhờ ở nơi sự chăm sóc, bảo trợ của Đức Maria. Có thể nói không có Ngài là Mẹ Hiền thì không một ai có thể trưởng thành trong đức tin và lòng yêu mến Chúa.

          Về việc sinh hạ những Người Con Thiên Chúa, thánh Leo In Nativ nói: “ Cùng một năng lực của Đấng Tối Cao, cùng một tác động của Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Maria sinh ra Đấng Cứu Chuộc cũng làm cho  người tín hữu sinh ra trong nước tái sinh” ( MV Bernadot O.P – Mẹ Trong Đời Tôi ).

          Ngay từ khi lãnh nhận Phép Rửa như lời thánh Phao Lô nói chúng ta đều sống trong Chúa Ki Tô ( In Christo Jesu ). Thế nhưng việc…sống trong Chúa Ki Tô ấy  chẳng phải tất cả đều nhờ ở nơi Đức Maria hay sao ? Có thể nói những ai không có Đức Maria làm Mẹ thì cũng chẳng có Chúa Giê Su nơi tâm hồn mình !!!

          Hội đoàn Legio Mariae có câu châm ngôn rất ý nghĩa: “ Par Mariam Ad Jesum” ( Nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giê Su ). Người Do Thái xưa kia cũng như giáo hội ngày nay  vì không sùng mộ ( Đón tiếp ) Đức Maria  thế nên cũng đã  đánh  mất đức tin vào Chúa Giê Su Thánh Thể. “ Khi hai người đang ở đó thì Bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con rồi nằm trong máng cỏ vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” ( Lc 2, 6 -7 ).

          Từ chối Đức Maria thì cũng không thể có lòng tin nơi Chúa Giê Su Thánh Thể và như thế, giáo hội không cách chi tránh khỏi khủng hoảng  do việc Đại Kết gây ra. Đối tượng số một mà chủ trương Đại Kết nhắm tới  chính là Tin Lành, một giáo phái hoàn toàn chối bỏ Bí Tích Thánh Thể. Một khi đã chấp nhận Tin Lành  thì không thể không đưa  đến phá hủy Bí Tích Tình Yêu cũng là mầu nhiệm đức tin này ???

          Như đã biết, Bí Tích Thánh Thể vừa là nguồn cội vừa là lý do tồn tại của Đạo Công giáo là đạo dựa trên bốn đặc tính: Duy Nhất, Thánh Thiện, Công giáo và Tông Truyền. Bao lâu giáo hội còn  đặt nền tảng  trên bốn đặc tính ấy thì còn là cột trụ để cho mọi tín hữu nương tựa trên con đường thực hiện tâm linh đồng thời  chống trả được sự công phá của các thế lực sự dữ như lời Đức Giê Su Ki Tô phán với tông đồ Phê Rô: “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng: Ngươi là Phê Rô, Ta sẽ xây Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thắng được nó” ( Mt 16, 18 ).

          Chúng ta tin vào lời hứa của Chúa  nhưng đồng thời cũng phải sẵn sàng cho cuộc chiến vô cùng khốc liệt với Sa Tan tức con rắn xưa nơi Vườn Địa Đàng: “ Nó được phép giao chiến với Dân Thánh và thắng họ và nó được ban quyền  trên mọi chi tộc, mọi nước, mọi ngôn ngữ và mọi dân. Mọi người trên mặt đất sẽ thờ lạy nó. Đó là những người  từ thuở tạo thiên lập địa đã không được ghi tên trong Sổ Trường Sinh của Con Chiên đã bị giết. Ai có tai thì hãy nghe. Ai phải đi đày thì đi đày. Ai phải chết vì gươm  sẽ chết vì gươm. Đây là lúc Dân Thánh còn có đức tin và lòng kiên nhẫn” ( Kh 13, 7 -10 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts