Người ta ai cũng khát khao hạnh phúc nhưng nếu hỏi hạnh phúc là gì thì tùy theo quan điểm mỗi người về cuộc đời mà có những câu trả lời khác nhau. Đại thi hào Byron ( 1788 – 1824 ) của nước Anh cho rằng mình chỉ được hưởng có ba giờ hạnh phúc trong suốt cuộc đời. Trái lại với nhà phê bình văn học Kim Thánh Thán ( 1610 – 1661 ) đời nhà Thanh thì bất cứ lúc nào cũng có thể khoái vui. Mưa cũng vui mà nắng cũng vui, mùa hè đang lúc nóng nực nhễ nhãi mồ hôi trời bỗng nổi cơn mưa thế chẳng vui sao ? Mưa dầm suốt tháng trời bỗng hửng nắng chim hót líu lo thế chẳng vui sao ? Thánh Thán nói ba mươi ba nỗi vui đó chỉ có tính cách tượng trưng để ám chỉ ngoại cảnh là do tâm tạo. Tâm vui thì cảnh vui, tâm buồn thì cảnh cũng phải buồn. Thi sĩ Byron nói trong suốt cuộc đời gần năm mươi năm chỉ có được ba giờ vui đó là bởi tâm hồn ông quá ư tinh tế mẫn cảm, nhìn đâu cũng chỉ thấy sầu thấy khổ. Còn như Kim Thánh Thán với một cái nhìn trào lộng, ngay cả trước khi chịu lý hình chém ông vẫn có thể đùa cợt làm bộ như…than thở “ Chém đầu thì đau đớn lắm, tịch biên thì thê thảm lắm thế mà ngờ đâu Thánh Thán lại gặp cảnh này, kỳ lạ lắm thay, rồi cười mà chịu chết”.
Trường hợp hai danh nhân Byron của trời Tây và Thánh Thán của trời Đông chỉ là biệt lệ, nhưng nó cũng nói lên hai đặc tính của hạnh phúc đó là chủ quan và tương đối. Thánh Thán vui vì tâm ông vui còn Byron buồn vì tâm ông buồn. Điều ấy cho thấy hạnh phúc hay khổ đau tất cả chỉ là những khoảnh khắc diễn ra tùy theo tâm trạng lúc này lúc khác hoặc người này người khác trước những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống. Thánh Thán nói mưa cũng vui mà nắng cũng vui. Đang khi ấy có biết bao người làm nghề muối thì buồn nẫu ruột vì trời mưa. Ngược lại người làm nghề nông thì lại mong mưa như trẻ con mong mẹ về chợ. Mặt khác hạnh phúc xét cho cùng chỉ mang tính tiêu cực, hay nói theo kiểu triết lý thì khổ đau là điều kiện của hạnh phúc. Chỉ những ai đau khổ vì bệnh tật mới thấy cái nỗi sung sướng khi hết bệnh. Chỉ những ai đã từng điêu đứng khổ sở vì nợ nần mới thấy sung sướng sau khi đã thanh toán hết nợ. Ngược lại nếu có người cả đời không bệnh không hoạn thì chắc chắn cũng chẳng có cái sướng của người hết bệnh. Hoặc có người từ trong tấm bé đến lúc lìa đời sống trong cảnh giàu sang phú quý thì đâu có được cái hạnh phúc của người đói rét khi được có cơm ăn áo mặc v.v…
Hạnh phúc quả thật chỉ là chủ quan và tương đối. Dẫu vậy con người lại cứ tìm kiếm chạy theo những thứ hạnh phúc giả tạm đó một cách vô vọng. Đang nghèo thì nghĩ hết nghèo sẽ …sướng. Đang ở tù thì nghĩ nếu được phóng thích sẽ tự do. Đang bệnh thì nghĩ hết bệnh sẽ khỏe. Thế nhưng thực tế cho thấy có biết bao người bằng cách này cách kia có được tiền bạc đủ đầy nhà cao cửa rộng …nhưng nào có sướng ? Có người ở tù lâu năm nhưng khi được ra tù lại phải đối mặt với bao nỗi ê chề đau đớn = Vợ bỏ theo người khác, con mỗi đứa mỗi nơi, nhà của bị tịch biên v.v..người bệnh nghĩ hết bệnh sẽ khỏe nhưng bệnh này hết thì bệnh khác lại kéo đến bởi còn mang thân xác sao hết bệnh được ?
Bao lâu còn mang thân xác thì bấy lâu còn đau còn khổ bởi như Thánh Giacobe nói nó chỉ là một thứ giả tạm, có đấy rồi lại mất ngay đấy như giọt sương dưới ánh mặt trời “ Sự sống của anh em là chi ? Chẳng qua chỉ như một chút hơi nước hiện ra một lát rồi lại tan mất !!!” ( Gc 4, 14 ). Cuộc sống của con người sánh với vĩnh cửu thật vô nghĩa thế nhưng trong cái vô nghĩa ấy lại chứa đựng một cái vô giá bất diệt mà các bậc Thánh nhân đông tây kim cổ vẫn hết lòng tìm. Đức Khổng Tử nói “ Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ” ( Buổi sáng nghe được đạo buổi tối chết cũng cam lòng – Luận Ngữ – Thiên Lý Nhân IV ). Người đời mê chấp xác thân cho nó là thật có nên tìm đủ mọi cách để thỏa mãn = nào là ăn ngon mặc đẹp, nhà cao cửa rộng. nào là danh vọng địa vị chức quyền nhưng rồi tất cả đều qua đi trong tiếc nuối hờn tủi, nhất là trong giờ sau hết của cuộc đời. Thế gian sở dĩ buồn lo như thế là bởi họ đã không tìm cái đáng cần tìm như lời Đức Kito nói “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Ngài, còn mọi sự khác sẽ được thêm cho các ngươi. Vậy nên chớ có lo lắng chi về ngày mai. Vì ngày mai sẽ tự lo lắng cho ngày mai. Sự khó ngày nào đủ cho ngày ấy” ( Mt 6, 33 -34).
Lo cho ngày mai là nõi lo thường trực của con người không ai lại không lo, thế nhưng chính vì nỗi lo ấy mà người ta phải khổ. Chúa nói đừng có lo chi ngày mai, sự khó ngày nào đủ cho ngày ấy tức là Ngài nói lên sự thật rằng dù các ngươi có lo đến đâu thì cũng chỉ vô ích thôi. Tại sao ? Bởi vì ngày mai là cái bất định không thuộc về mình thì sao mà lo được ?. Đang khi ấy Chúa nói hãy lo tìm kiếm Nước Trời có nghĩa hễ ai cứ hết lòng tìm sẽ gặp bởi vì nước ấy là nước mầu nhiệm vốn sẵn có ở nơi mỗi người. Nước Trời là nước vinh quang đời đời bất diệt, nước ấy lại sẵn có ở nơi mình, đây quả thật là một phát hiện vô cùng hãn hữu cho những kẻ có lòng tin và …nghe được Tin Mừng “ Chúa Giesu sau khi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, có môn đệ đến hỏi Ngài = Sao Thầy phán cùng chúng bằng thí dụ như vậy ? Ngài đáp = đã ban cho các ngươi được biết những sự mầu nhiệm của Nước Trời song không ban cho họ. Vì hễ ai có thì cho thêm. Còn ai không có cũng sẽ bị cất luôn nữa. Vậy nên Ta nói cùng chúng bằng thí dụ vì họ nhìn mà không thấy, lắng mà không nghe cũng chẳng hiểu chi” ( Mt 12, 10 -13).
“ Hễ ai có thì cho thêm”, cái “ Có” mà Chúa nói đây là có đức tin. Điều kiện tiên quyết để…nghe Tin Mừng là phải có đức tin và lòng sám hối “ Thời đã mãn Nước ĐCT đã gần đến, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15). Lòng tin và việc ăn năn sám hối luôn song hành với nhau, thiếu đi điều nào thì điều kia không có giá trị. Sở dĩ cần phải tin và sám hối là bởi Nước Trời mà Đức Kito rao giảng là nước nội tại. Nước Trời ví như viên ngọc báu chìm lấp dưới đáy ao và để có thể tìm được nó thì trước hết cần phải tin là nó có ở đấy, sau nữa là phải làm sao cho nước được lắng trong mới có thể nhìn thấy nó. Bởi thế gian không có lòng tin nên không có cách chi…nghe được Tin Mừng. Còn với kẻ nào…nghe được thì Chúa gọi đó là có phúc “ Nhưng phúc cho mắt các ngươi thấy được, cho tai các ngươi nghe được. Quả thật Ta nói cùng các ngươi có nhiều tiên tri và người công chính đã ước ao điều các ngươi thấy mà chẳng được, ước ao nghe mà chẳng được nghe” ( Mt 13, 16 -17).
Sự ước ao thấy, nghe của các tiên tri và người công chính trong thời Cựu Ước cũng là một với ước vọng của đức Khổng bên trời Đông = buổi sáng nghe được Đạo, buổi tối chết cũng cam.
Tại sao nghe được Đạo lại là nỗi khát khao lớn như vậy ? Xin thưa bởi vì …nghe được Đạo cũng tức đã đạt tới tận nguồn hạnh phúc vô tận vô biên. Đức Kito rao giảng Tin Mừng Nước Trời có nghĩa Ngài đem đến cho con người niềm hạnh phúc vô tận vô biên khi nhận ra Nước Trời từ muôn thuở vốn sẵn đủ ở nơi mỗi người chỉ cần quay về là gặp. Tin và nhận ra Nước Trời ở nơi mình đó là quá trình cần thực hiện thông qua các mối phúc mà chúng ta vẫn gọi là Hiến Chương Nước Trời.
Mở đầu các mối phúc Chúa nói = Ai có lòng khó khăn ( nghèo khó ) ấy là phúc thật, vì chưng Nước ĐCT là của mình vậy” ( Mt 5, 3). Cần phân biệt người nghèo khó với tâm hồn nghèo khó. Người nghèo là người thiếu thốn của cải vật chất. Còn người có lòng nghèo khó là người không bám giữ vào của cải. Giàu nhưng không tham lam giữ tài sản, lại biết làm việc phụng sự Thiên Chúa, cứu giúp cho đời thì đó vẫn là người có tâm hồn nghèo khó. Tuy nhiên phân biệt như thế mới chỉ là …mặt nổi của tâm hồn nghèo khó mà Đức Kito muốn đề cập. Nghèo khó trong tính chất sâu xa của nó là không còn thấy có mình trong tư tưởng lời nói cũng như việc làm. Bao lâu còn thấy có mình ( Chấp ngã ) thì bấy lâu không thể không tham. Chẳng những tham lam tiền bạc của cải danh vọng địa vị mới là tham nhưng ngay cả tham về công phúc này nọ cũng vẫn là tham. Chính bởi vậy Chúa nói = Khi bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm” ( Mt 6, 3). Còn cho tay tả biết việc tay hữu làm là còn thấy có mình, còn thấy có mình thì Nước Trời không thể có ở nơi mình được.
Trong mối phúc thứ hai Chúa nói = Ai hiền lành ấy là phúc thật vì chưng sẽ được Đất ĐCT làm của mình vậy” ( Mt 5, 4). Hiền luôn đi đôi với Lành mà Lành có nghĩa là nhẫn nhục. Hiền mà chưa nhẫn nhục đó chưa thực là Hiền. Cần phải nhẫn cả ở nơi Thân Khẩu và Ý có nghĩa là cam chịu đau khổ mà không đối phó lại bằng lời nói hành vi hay tư tưởng. Đức Kito trên thập giá là Đấng đã cho chúng ta tấm gương nhẫn nhục tuyệt vời khi Ngài xin Chúa Cha tha cho quân dữ đóng đinh mình vì chúng lầm chẳng biết” ( Lc 23, 34 ). Có được đức nhẫn nhục như thế sẽ được Đất ĐCT. Đất ĐCT và Nước ĐCT vốn chỉ là một tuy nhiên Chúa ví hiền lành với Đất thì đất ở đây chính là cái tâm nhẫn nhục, nó có thể chịu đựng sự giày xéo, đâm chém mà không phản ứng. Tâm mà chịu được sự nhẫn nhục như thế mới là Đất ĐCT.
Trong mối phúc thứ ba Chúa nói = Ai khóc lóc ấy là phúc thật vì chưng sẽ được yên ủi vậy” ( Mt 5, 5). Khóc lóc cũng là sầu khổ, sự sầu khổ ở đây để chỉ cho những người công chính nhưng phải chịu đựng những bất công áp bức của người đời. Những con người ấy cần phải giữ lấy niềm tin còn có Đấng là chính sự công chính vẹn toàn sẽ yên ủi mình.
Trong mối phúc thứ tư Chúa nói = Ai khao khát nhân đức trọn lành ấy là phúc thật vì chưng sẽ được no đủ vậy” ( Mt 5, 6). Khao khát nói lên chí hướng mạnh mẽ, người thế gian cũng khao khát đấy nhưng họ chỉ khát khao tiền bạc địa vị danh vọng quyền lực…Hễ có khát khao là sẽ được, thế nhưng đối với tiền bạc danh vọng địa vị….chẳng những là những thứ phù phiếm mà còn đem lại bất hạnh. Trái lại khao khát nhân đức trọn lành thì sẽ được no đủ tức hạnh phúc viên mãn tròn đầy.
Trong mối phúc thứ năm Chúa nói = Ai thương xót người ấy là phúc thật. Vì chưng mình sẽ được thương xót vậy” ( Mt 5, 7).Con người sống trong bất cứ hoàn cảnh địa vị nào cũng phải cần đến sự thương xót. Thế nhưng chỉ những ai nhận thức được thân phận tội lỗi mình mới thực sự cần đến lòng thương xót của Chúa và khi đã nhận ra rồi thì khi ấy chúng ta mới có lòng xót thương đối với người nhất là những kẻ cứng cỏi vì thiếu vắng niềm tin. Càng thương xót người bao nhiêu thì càng được Chúa xót thương bấy nhiêu.
Trong mối phúc thứ sáu Chúa nói = Ai giữ lòng trong sạch sẽ được phúc thật. Vì chưng sẽ được thấy mặt ĐCT vậy” ( Mt 5, 8). Lòng sạch sẽ ám chỉ cho tâm thanh tịnh và tâm thanh tịnh ở đây cần phải thể hiện qua cả ba phương diện Thân Khẩu Ý. Thân thể phải được tắm gội sạch sẽ, áo quần phải đoan trang đứng đắn cho xứng nhi kỳ đức. Lời nói phải khoan hòa chân thật. Sau cùng ý là phần chi phối toàn thể lời nói hành vi thế nên cần không bị vẩn đục bởi tham sân si ngã mạn ganh ghét… Ý trong sạch đến chỗ thanh tịnh như thế cũng chính là Ý Cha được thể hiện, là thấy được bộ mặt thật xưa nay của mình (Bản Lai Diện Mục).
Trong mối phúc thứ bảy Chúa nói = Ai làm cho người hòa thuận ấy là phúc thật. Vì chưng sẽ được gọi là Con ĐCT vậy” (Mt 5, 9). Con người ngày nay hơn bất cứ thời nào đã trở thành lang sói với nhau. Từ cấp độ quốc gia cho đến từng mỗi cá nhân đâu đâu cũng chỉ thấy tranh chấp hận thù lường gạt. Tất cả nguyên do cũng chỉ vì đã không nhận ra được chân bản tính Con Thiên Chúa ở nơi mình. Làm cho người hòa thuận trong ý nghĩa của nó là đem tình thương yêu của Chúa đến cho mọi người bất luận là ai để họ nhận ra tất cả đều là Con Thiên Chúa là Hình Ảnh của Ngài (St 1, 26).
Trong mối phúc thứ tám Chúa nói = Ai chịu khốn nạn vì Đạo ngay ấy là phúc thật. Vì chưng Nước ĐCT là của mình vậy” (Mt 5, 10). Đạo ngay cũng là Đạo Thật, Đạo Chính. Chúa nói với các Tông Đồ trước khi nộp mình chịu chết “ Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên Thánh. Đạo Cha là Đạo Thật. Như Cha đã sai con đến thế gian thì con cũng sai họ đến thế gian. Con vì họ tự biệt ra Thánh hầu cho họ cũng nhận biết sự thật mà được nên Thánh” (Ga 17, 17 -19). Chúa truyền giảng Đạo Thật nhưng đồng thời cũng báo trước những ai theo Ngài sẽ bị bách hại “ Hãy nhớ lại lời Ta đã nói cùng các ngươi = Tớ chẳng hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Ta ắt cũng sẽ bắt bớ các ngươi” (Ga 15, 20).
Đạo Chúa tồn tại trong sự bách hại thế nhưng chưa có thời nào mà sự bách hại lại ghê gớm và tinh vi nham hiểm như thời cuối cùng này. Tính chất nham hiểm của nó là làm cho chúng ta không còn phân biệt đâu là thật đâu là giả “ Vả như trong dân sự đã có tiên tri giả dấy lên thì cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em. Họ sẽ ngầm đem tà giáo hãm hại vào, đến nỗi chối Chúa, đã mua chuộc họ tự mua lấy sự hư mất trong phút chốc. Sẽ có nhiều kẻ theo sự buông tuồng của họ, cũng bởi họ mà đường lẽ thật bị nhạo báng” ( 2P 2, 1 -2). Lời báo trước của Đức Kito về sự bách hại cũng như lời tiên tri của Thánh Phero về sự bội giáo thật sự đã xảy ra. Thế nhưng cũng do đó mà những ai còn giữ vững được đức tin chân thật sẽ là những kẻ được chúc phúc vì Nước Trời là của họ./.
Phùng Văn Hóa