VỀ CÁC PHÉP LẠ TRONG KINH THÁNH

          Có không ít người mất đức tin đưa đến xa rời tôn giáo chỉ vì không thể chấp  nhận các…phép lạ được ghi chép trong Kinh Thánh. Đang khi đó, có thể nói phép lạ là phần không thể thiếu cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước. Thật vậy, nếu không có các phép lạ thì làm sao có Cuộc Vượt Qua từ đất nô lệ Ai Cập  trở về đất hứa Canaan khi Đức Chúa Giehova trừng phạt Pharaon bằng chín tai vạ và phân rẽ Biển Đỏ  để cho Dân Chúa có thể đi qua cách dễ dàng ?

          Một phép lạ khác diễn ra trong Tân Ước cũng cần phải tin đó là sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ki Tô. Thánh Phao Lô nói, tin Chúa sống lại phải là nền tảng của việc sống đạo: “ Nếu Đức Ki Tô không sống đạo thì đức tin của anh em thật hão huyền và anh em vẫn sống trong tội của mình” ( 1C 15, 17 ).

          Đạo Chúa gọi những việc phi thường ấy là Phép Lạ. Còn Đạo Phật gọi là Thần Thông. Tất cả có 06 loại thần thông:

          1/- Thiên nhãn thông là năng lực không bị giới hạn bởi không gian. Có khả năng thấy được những vật thể mà mắt thường không thể thấy.

          2/- Thiên nhĩ thông là năng lực nghe không bị giới hạn bởi không gian và cường độ của âm thanh.

          3/-  Tha tâm thông là năng lực hiểu được suy nghĩ của người khác

          4/-  Thần túc thông là năng lực tới lui vô ngại. Có thể bay trên không trung hoặc du hành dưới nước, xuyên qua núi non, biến hóa ra thiên hình vạn trạng.

          5/-  Túc mạng thông là năng lực thấy rõ nhiều đời nhiều kiếp.

          6/-  Lậu tận thông là năng lực siêu xuất tam giới, tự tại giải thoát, hiểu rõ bản chất của đời sống và của vũ trụ.

          Ngoại trừ “ Lậu tận thông” thì năm thứ thần thông còn lại những đạo sĩ tích cực tu luyện lâu năm cũng có thể đạt được. Sở dĩ con người không thể có được thần thông là do nơi hai cái chấp này. Một là chấp xác thân vật lý  là mình. Hai là chấp tâm tưởng, nghĩ suy là mình.

          Một khi đã vướng vào hai cái chấp ấy thì không thể vượt thoát giới hạn của thế giới vật chất hiện tượng để bước sang thế giới vi tế được gọi là chiều không gian tâm linh.

          Muôn loài sống trong nhiều chiều không gian tuy khác nhau nhưng lại…chồng lên nhau. Không gian ba chiều chồng lên không gian hai chiều. Không gian bốn chiều chồng lên không gian ba chiều. Sống ở chiều không gian nào thì chỉ có thể…biết trong chiều không gian ấy. Bởi vậy, loài vật ngoại trừ loài chim chỉ có thể biết và sống trong không gian hai chiều là chiều dọc và chiều ngang chứ không thể biết đến chiều không gian sống của con người gồm có chiều dọc, chiều ngang và chiều cao…

          Cũng trong điều kiện như thế, con người do nơi tính chấp của mình nên không thể biết đến chiều không gian thứ tư hoặc cao hơn nữa. Chính trong chiều không gian tâm linh này, Đức Giê Su đã hiện thân nơi cõi thế gian để cứu độ loài người. Có nhận thức được điều ấy chúng ta mới hiểu được lời Chúa khi Ngài nói: “ Ta từ Cha mà đến thế gian lại lìa thế gian mà về cùng Cha” ( Ga 16, 28 ).

          Đạo Chúa là đạo cứu rỗi phần linh hồn: “ Hỡi anh em là con cái thuộc dòng dõi Apraham và là kẻ kính sợ Thiên Chúa trong anh em. Đạo về Sự Cứu Rỗi nay đã truyền đến cho  chúng ta rồi” ( Cv 13, 26 ). Là con cái thuộc dòng dõi Apraham tức là của những người có lòng tin và lòng tin ấy là tin sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng ở nơi mình.

          Để có được lòng tin Thiên Chúa ở nơi mình là điều rất khó, bởi đó cho nên rất cần có những…phép lạ hầu có thể  thực hiện Cuộc Vượt Qua đầy gian nguy hiểm trở. Cuộc Vượt Qua ấy trước hết là cuộc hành trình của dân Chúa  từ đất nô lệ Ai Cập trở về nơi  đất hứa Canaan.

          Để tiến hành Cuộc Vượt Qua đầy khó khăn gian khổ ấy như đã biết Đức Chúa Giehova đã cần đến nhiều phép lạ cả thể và phép lạ đầu tiên là dể dành cho tiên tri Moise, người lãnh đạo.

          Moise nói với Đức Chúa rằng dân sự chẳng có ai tin và vâng lời tôi đâu thì nghe Chúa phán: “ Trong tay ngươi cầm vật chi ? Thưa: Một cây gậy và Chúa phán tiếp: Hãy ném nó xuống đất đi. Người bèn ném xuống đất, gậy bèn hóa thành một con rắn. Moise chạy trốn nó, Đức Giehova bèn phán cùng Moise rằng: Hãy giơ tay nắm lấy đuôi nó, người đưa tay ra nắm thì nó hoàn lại cây gậy trong tay” ( Xh 4, 1 -5 ).

          Cũng chính với cây gậy ấy, Moise đã làm trước mặt Pharaon nhưng có một thuật sĩ riêng của vua cũng ném gậy biến thành rắn nhưng liền bị con rắn của Moise…nuốt mất. Như vậy, Đức Chúa đã dành cho Moise việc làm phép lạ

với mục đích là để cho Dân Chúa tin rằng ông đã được cắt cử làm người lãnh đạo. Đối với Chúa Giê Su cũng vậy, Ngài làm phép lạ không phải để thi thố quyền năng nhưng là để khơi gọi lòng tin nơi con người. Để khởi đầu cho ơn kêu gọi Chúa đã khiến  mấy ông thuyền chài trở nên những  Tông Đồ: “ Chúa nói với Si Mon: Hãy chèo ra nơi nước sâu mà thả lưới. Si Mon đáp: Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào hết. Dẫu vậy, theo lời Thầy tôi sẽ thả lưới. Thả xong họ vây bắt được một bầy cá lớn. Họ bèn ngoắt gọi  đồng bạn ở thuyền bên kia đến giúp. Chúng đến chở cá đầy cả hai thuyền đến nỗi gần chìm. Si mon Phê Rô thấy vậy bèn sấp mình xuống bên gối Chúa Giê Su mà nói: Chúa ôi ! Xin lìa khỏi tôi vì tôi là kẻ tội lỗi…

          …Vì người và hết thảy ở với ở với người đều sững sờ  về mẻ cá lớn vừa đánh được. Giacobe và Gioan hai con của Giebede là đồng bạn với Si Mon  cũng vậy. Chúa Giê Su bèn phán cùng  người  rằng: Đừng sợ, từ nay ngươi sẽ thành kẻ chài lưới người. Họ đem thuyền vào bờ rồi bỏ hết thảy mà theo Người” ( Lc 5, 4 -11 ).

          Cũng chính là với cái thấy…vượt không gian ấy, Chúa đã thấy Nathanael ngay cả khi chưa gặp mặt: “ Bởi đâu Thầy biết tôi ? Chúa đáp: Trước khi Philip gọi ngươi lúc ngươi ở dưới gốc cây vả Ta đã thấy ngươi. Nathanael thưa rằng: Rabi, Thầy là Con ĐCT và vua Itsraen” ( Ga 1, 48 -49 ).

          Chúa kêu gọi các Tông Đồ bằng cách tỏ lộ quyền năng của mình và cũng chính vì quyền năng ấy mà đã khiến cho người đàn bà xứ Samari tin vào Ngài. Sau khi nghe Chúa nói: Hễ ai uống nước Ta ban sẽ không bao giờ còn khát nữa, bà liền nói: Thưa ông xin cho tôi nước ấy để tôi không còn khát nữa  cũng không phải đi xa đến đây múc nữa. Chúa phán: Hãy đi gọi chồng ngươi rồi trở lại đây. Người đàn bà thưa: Tôi không có chồng, Chúa Giê Su lại phán: Ngươi nói tôi không có chồng  là đúng lắm vì ngươi đã có tới năm đời chồng còn người mà ngươi hiện có cũng chẳng phải là chồng ngươi, điều đó ngươi đã nói thật vậy” ( Ga 4, 5 -18 ).

          Chính bởi Chúa Giê Su đã…thấy được quá khứ của bà nên  mới tin Ngài  quả thật là Đấng Tiên Tri đồng thời bà trở về nói với các người dân trong làng và họ đã đến gặp gỡ Chúa, sau đó nói với bà rằng: Nay chúng ta tin không phải vì lời ngươi nói bèn chính chúng ta đã nghe và biết rằng ấy thật là Cứu Chúa của thế gian” ( Ga 4, 42 ).

          Chúa dùng quyền năng để khiến con người có lòng tin nơi Đấng Cứu Độ nhưng phần khác cũng là để củng cố đức tin nơi các Tông Đồ: “ Chúa đem Phê Rô, Giacobe và Gioan là em người lánh riêng lên núi cao. Người biến hình  trước mắt họ, mặt người sáng chói như mặt trời, áo Người sáng như là ánh sáng. Kìa có Moise và Elia hiện ra  đàm đạo cùng  Người….

          …Đang khi Người còn nói, kìa có một đám mây sáng rực và từ trong đám mây có tiếng phán rằng: Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Hãy nghe lời Người” ( Mt 17, 1 -6 ).

          Chúa tỏ lộ quyền năng là để khơi gợi lòng tin nơi con người chứ không phải  để thi thố quyền năng. Bởi vậy có nhiều trường hợp Ngài  từ chối không làm phép lạ: “ Bấy giờ có mấy văn sĩ và người Phariseu  thưa cùng Ngài rằng: Thưa Thầy chúng tôi muốn xem một phép lạ của Thầy. Ngài đáp: Dòng dõi gian ác, dâm loạn này cầu một phép lạ nhưng sẽ chẳng có phép lạ nào ngoài phép lạ Giona vì như Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm thì Con người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm vậy” ( Mt 12, 38 -40 )

          Nhân vì việc tiên tri Giona sống ba ngày ba đêm trong bụng cá, Chúa Giê Su nói đến cái chết và sự phục sinh của Ngài và chính sự Phục Sinh ấy là một phép lạ lớn lao cả thể mà Chúa đòi buộc chúng ta phải tin và làm chứng: “ Hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu. Còn ai không tin thì bị định tội. Những kẻ tin sẽ có các dấu lạ này kèm theo. Họ sẽ nhân danh Ta mà đuổi quỷ, nói tiếng lạ, bắt rắn, uống nhằm thuốc độc thì cũng chẳng hại gì. Đặt tay trên kẻ đau yếu  thì kẻ ấy được khỏi” ( Mc 16, 15 -18 ).

          Lời Chúa Ki Tô Phục Sinh đều đã ứng nghiệm cho những ai thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Sau Lễ Ngũ Tuần, Thánh Phê Rô rao giảng bằng tiếng Do Thái  nhưng những người thuộc các tộc người  khác lại nghe được bằng tiếng nói của tộc mình và ngay sau bài giảng của ngài thì đã có tới ba ngàn  người đã chịu phép rửa chỉ trong một ngày. Ngoài phép lạ  đó ra Thánh Phể Rô còn làm cho một kẻ chết sống lại ( Cv 9, 40 -41 ).

          Tin nơi Chúa Giê Su Đấng Cứu Độ và cố gắng thực thi lời Ngài trong   đời sống thường nhật. Điều ấy sẽ khiến cho ta được biến cải trong đời sống tâm linh và chính sự biến cải đó chẳng phải là một…phép lạ hay sao ? Khi xưa Chúa nói sẽ chẳng có phép lạ nào ngoài phép lạ Giona sống ba ngày trong bụng cá thì ngày nay cũng vậy. Chúng ta không cần tìm hiểu có hay không có phép lạ  để rồi đến nỗi đã phải xa lìa Chúa là nguồn của Ơn Cứu Độ: “ Trong Người, anh

em đã được chịu Phép Rửa không phải do tay người phàm nhưng là của chính Đức Ki Tô có sức lột bỏ con người tội lỗi của anh em. Anh em đã được mai táng cùng  với Đức Ki Tô thì cũng sẽ được sống lại với Ngài” ( Cl 2, 11 -12 )./.

Phùng  Văn Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts