Khi đến địa hạt Sê sa rê Philip, Chúa Giê Su hỏi các môn đệ: Người ta nói Con Người là ai ?. Câu hỏi ấy tuy đã cách xa hai ngàn năm nhưng nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Đối với các tín hữu thì danh xưng Chúa Giê Su Ki Tô đã trở thành rất quen thuộc, không tạo ra thắc mắc, khó khăn thắc mắc gì. Nhưng đối với Thần học thì đây lại là một nan đề hết sức nghiêm trọng cần giải quyết để rồi từ đó nảy sinh hai khuynh hướng đối chọi nhau. Một là khuynh hướng chia cắt, hai là không chia cắt.
Đại diện cho khuynh hướng chia cắt là Reimarus, trong tác phẩm “ Mục đích của Giê Su và các môn đệ”, ông cho rằng có một khác biệt cơ bản giữa giáo lý của Đức Giê Su và những điều các môn đệ dạy. Trong giáo huấn của Đức Giê Su không có mầu nhiệm, không có các điều khoản đức tin, chỉ có giáo dục luân lý và nhân bản, Việc rao giảng Nước Thiên Chúa của ông Giê Su hoàn toàn giống như quan niệm thiên sai của người Do Thái đương thời mong đợi một Vương Quốc trần thế phồn thịnh”.
Để phản bác khuynh hướng chia cắt ấy, thần học đưa ra quan niệm Thiên Chúa Tạo Hóa Nhập Thể Làm người: “ Đối với niềm tin của chúng ta, giữa Giê Su Nazareth và Con Thiên Chúa không còn một khoảng cách hữu thể nào nữa. Giê Su Nazaret là Con Thiên Chúa và Con Thiên Chúa đã trở nên Giê Su Nazareth. Giê Su Nazareth là con và mãi mãi là Con Thiên Chúa và từ lúc làm người, Con Thiên Chúa không bao giờ rời bỏ nhân tính của mình nữa” ( Đgm Phao Lô B.V. Đọc và các linh mục khác – Đức Ki Tô Hôm Qua Hôm Nay và Mãi Mãi ).
Với thần học thì Giê Su Nazareth là Con Thiên Chúa lại cũng chính là Ngôi Lời là Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên với quan niệm Đấng Tạo Hóa…làm người ấy thì chính lý trí thần học cũng không sao có thể chấp nhận: “ Một chủ vị vừa là Tạo Hóa vừa là tạo vật, vừa là Đấng dựng nên vừa là người được dựng nên là điều không thể hiểu đối với loài người chúng ta” ( Đgm Phao Lô B. V. Đọc Sđd ).
Nếu Chúa Giê Su vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật như thế thì Ngài…có chết hay không ? Chúng ta hãy xem thần học giải thích về vấn nạn này ra sao ?
Có nhiều quan điểm trái ngược về cái chết của Chúa Giê Su. Phái “ Ảo Thân Thuyết ( Doce’tisme ) không chấp nhận nhân tính đích thực của Đức Giê Su. Họ cho rằng thân xác của Ngài không là thân xác thực mà là loại thân xác thiêng liêng có vẻ bên ngoài là thân xác giống như thiên thần. Họ chối bỏ những hành vi nhân sinh được coi là bất xứng với thần tính ví dụ sự đau khổ và cái chết.”.
Trái với nhóm Ảo Thân Thuyết, nhóm Nhất Chủ Thuyết ( Monarchianisme ) đưa ra lý thuyết: Trong cõi vĩnh hằng Thiên Chúa là Cha còn trong công trình tạo dựng thì Ngài là Con và theo đó thì cái chết của Chúa Giê Su cũng chính là Chúa Cha chịu khổ nạn.
Đối với con người thì chết là điều gì đó hết sức đau khổ. Nhưng riêng với Chúa Giê Su thì đó còn là một cái chết kinh hoàng nhục nhã. Bởi đó Luthero cho rằng: Chính Đức Giê Su ý thức mình bị Thiên Chúa…chúc dữ ( A Deo se male dictum sentiat in conscientia ).
Chúa Giê Su dù là Thiên Chúa mà cũng…phải chết. Vậy mục đích của cái chết ấy là gì ? Theo thần học là để đền bù tội lỗi cho nhân loại: “ Vì thế, trong chương trình vừa yêu thương, vừa công thẳng của Thiên Chúa, Chúa Con đã nhập thể làm người để đền bù tội lỗi cho nhân loại. Vì là người, Đức Giê Su có thể đền bù tội lỗi cho nhân loại. Vì là Thiên Chúa, hành vi của Ngài có giá trị vô hạn. Do đó sự đền bù của Ngài thật là cân xứng và nhờ Ngài, Thiên Chúa đã tha án phạt cho nhân loại” ( Đgm Phao Lô B.V. Đọc – Sđd ).
Sự lúng túng của thần học, rút cục đã đưa đến một quan điểm hết sức sai lầm khi cho Chúa Giê Su là nhà hoạt động chính trị bất đắc chí và cái chết của Ngài là không sao tránh khỏi: “ Cuối cùng con người ấy đã bị bắt và xử tử. Như tác giả ( Albert Nolan ) lập luận, không phải tòa án tôn giáo Do Thái mà chính tòa án Ro Ma đã ra lệnh bắt và kết án Đức Giê Su vì cho Ngài là mối đe dọa nghiêm trọng trong lãnh vực chính trị. Còn vai trò của các nhà lãnh đạo Do Thái chỉ là bắt nộp Ngài cho người Ro Ma” ( Lm Micae Trần Đình Quảng – Đức Giê Su trước khi có Ki Tô giáo – Một nỗ lực hiện đại trở về với Đức Giê Su Lịch Sử ).
Nói rằng Chúa Giê Su bị kết án chết bởi tòa án Ro Ma chứ không phải tòa Do Thái. Rõ ràng đây là sự xuyên tạc Kinh Thánh trắng trợn, bởi ai cũng biết cả bốn Phúc Âm đều nói Chúa Giê Su bị bắt và kết án bởi tòa Cai Pha của người Do Thái cùng với một lý do hết sức rõ ràng: “ Thầy thượng phẩm bèn xé áo mình mà rằng: Nó đã lộng ngôn, chúng ta còn cần chứng cứ gì nữa. Kìa các ngươi vừa nghe nó nói lời lộng ngôn đó, các ngươi nghĩ thế nào ? Chúng đồng thanh đáp: Nó đáng tội chết, chúng bèn nhổ vào mặt Ngài, thoi Ngài, lại có kẻ vả Ngài mà nói rằng: Ki Tô ơi ! hãy nói tiên tri cho ta, ai đánh ngươi đó ?” ( Mt 26, 65 -68 ),
Sau khi đã kết tội chết cho Chúa Giê Su, người Do Thái bèn giải Ngài sang dinh tổng trấn Phi La Tô, ông ta có ý muốn tha Chúa Giê Su vì thấy Ngài không có tội gì nhưng dân Do Thái cứ một mực gào thét: Đóng đinh nó vào thập giá. Philato bèn giao Chúa Giê Su cho người Do Thái và lấy nước rửa tay trước mặt dân chúng và nói: Ta vô tội vì huyết của người công chính này, các ngươi hãy chịu lấy. Hết thảy dân chúng đều đồng thanh đáp. Huyết nó sẽ đổ lại trên chúng tôi và con cháu chúng tôi” ( Mt 27, 11 -25 ).
Tại sao người Do Thái muốn giết Chúa Giê Su cho bằng được, mặc dù Ngài đã làm nhiều phép lạ chữa trị bệnh tật và chính họ đã nhìn nhận Ngài là Đấng giảng dạy có uy quyền ? Chỉ khi nào trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này chúng ta mới có thể nhận ra sứ mạng của Chúa Giê Su, Ngài là ai, đến thế gian này để làm gì ?.
Ai ai rồi ra cũng phải chết nhưng không thể biết thời gian, ở đâu và cách nào ? Sở dĩ như thế bởi vì con người bị chi phối bởi Nghiệp Lực, sinh ra cũng do Nghiệp mà chết đi cũng do Nghiệp. Trái lại với Chúa Giê Su sinh ra và chết đi không phải do Nghiệp Lực mà là Nguyện Lực. Ngài từ Đấng Cha có nghĩa từ Thực Tại Thường Hằng Bất Sinh Bất Diệt mà đến và sau khi đã hoàn tất sứ mạng Ngài lại trở về với Cha: “ Ta ra từ Cha mà đến thế gian lại lìa thế gian mà về cùng Cha” ( Ga 16, 26 ).
Chúa Giê Su chẳng những …biết về cái chết mà còn biết rõ sẽ chết khi nào, cách nào và về tay ai: “ Đang khi Chúa Giê Su đi lên Giê rusalem, dọc đường Ngài đem riêng 12 Tông Đồ mà nói với họ rằng: Này chúng ta lên Giê rusalem, Con Người sẽ bị nộp cho các thầy tế lễ cả, các kinh sư, luật sĩ, họ sẽ định tội chết cho Người, nộp Người cho dân ngoại để họ chế diễu, đánh đòn và đóng đinh trên thập giá, đến ngày thứ ba Người sẽ sống lại” ( Mt 20, 17 -19 ).
Người đời chẳng một ai muốn chết dù rằng đã chứng kiến biết bao cái chết của người thân cũng như xa lạ. Cái chết dường như chỉ đến với…người khác chứ mình thì…vô can. Còn về phần Chúa Giê Su, không những Ngài biết rõ mà còn tỏ ý ước ao nó: “ Ta đến quăng lửa xuống thế gian. Ta còn ước chi hơn là nó được bùng cháy lên. Nhưng có một Phép Rửa mà Ta phải chịu. Ta khắc khoải biết bao cho đến chừng được thành tựu” ( Lc 12, 49 -50 ).
Khắc khoải, ước ao cho cái chết của chính mình. Đây quả thật là chí nguyện của một Đấng Cứu Độ, bởi lẽ Ngài biết chỉ có cái chết hiến tế ấy mới có thể hoàn thành Ơn Cứu Độ: “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi. Nếu hạt lúa mì chẳng gieo xuống đất mà chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó chết đi thì kết quả nhiều” ( Ga 12, 24 ).
Chúa phải chết thì mới trở nên nguồn Ơn Cứu Độ cho nhân loại và đây chính là thực thi nguyên lý “ Thân Diệt Đạo Thành”. Lời của Chúa Giê Su đã ứng nghiệm hết sức rõ ràng vào Bí Tích Thánh Thể sau này. Thử hỏi nếu Chúa không chết một cái chết hiến tế như vậy thì làm sao có Chúa Phục Sinh mà Chúa không Phục Sinh thì làm sao có Giáo Hội cùng với Bí Tích Thánh Thể ?
Chúa Giê Su nhất thiết cần phải chết để cho ta có được Sự Sống Đời Đời. Nhưng vấn đề quan trọng cần đặt ra đó là tại sao Chúa lại phải nhận lãnh dù là tự nguyện một cái chết cực kỳ bi thương như thế ?
Nhà thần học Albert Nolan cho biết Chúa Giê Su thực lòng không muốn chết nhưng Ngài cũng biết không thể sống lén lút mãi như thế được: “ Ngài phải lựa chọn hoặc sống lén lút hoặc xuất đầu lộ diện. Nếu sống lén lút, Ngài không thể gây cho người ta niềm tin vào Nước Thiên Chúa như Ngài đã từng làm. Còn xuất đầu lộ diện để tiếp tục sứ vụ thì chắc chắn phải chết. Đức Giê Su đã chọn giải pháp thứ hai và quả cảm đi lên Giê rusalem bởi vì đó là cách duy nhất để tiếp tục phục vụ nhân loại, cách duy nhất để ngỏ lời với thế gian” ( Lm Micae Trần Đình Quảng – Sđd ).
Đức Ki Tô đến thế gian có phải để …phục vụ nhân loại nhân loại hay không, phục vụ ai, cách nào ? Trước tòa án Philato, Chúa Giê Su đã công khai đáp trả: “ Nước Ta chẳng thuộc thế gian này, ví bằng Nước Ta thuộc về thế gian này thì thần bộc Ta chắc sẽ chiến đấu để Ta khỏi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng nay Nước ta chẳng thuộc đời này. Philato hỏi: Thế thì ngươi là vua sao ? Chúa Giê Su đáp: Đúng như ngươi nói Ta là vua, cốt vì cớ ấy mà Ta sinh ra, cũng vì cớ ấy đến thế gian để làm chứng cho sự thật. Hễ ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Ta” ( Ga 18, 36 -37 ).
Chúa Giê Su khẳng khái nói với Philato, Ngài là vua nhưng đây là…vua tâm hồn chứ không phải là..vua thế gian. Vua thế gian với quyền uy của nó chỉ là hư ảo, giả dối. chỉ có vua tâm hồn mới có giá trị bởi vì vua ấy đem lại Sự Thật cho con người.
Chúa Giê Su đem đến Sự Thật cho thế gian nhưng oái oăm thay thế gian lại không tiếp nhận mà còn giết bỏ Ngài: “ Người Do Thái lại lấy đá ném Ngài, Chúa Giê Su hỏi; Ta do Cha mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi, vậy vì việc nào trong đó mà các ngươi lại ném đá Ta ? Người Do Thái đáp: Ấy chẳng phải vì một việc lành nào mà chúng ta ném đá ngươi nhưng vì lộng ngôn và vì ngươi vốn là người mà lại dám tự tôn là ĐCT” ( Ga 10, 31 -33 ).
Chúa Giê Su chưa bao giờ xưng mình là Thiên Chúa, trái lại luôn nhận mình được sai đến và nói theo như lệnh truyền: “ Bởi Ta chẳng nói tự mình, bèn là Cha sai Ta phải nói điều chi và giảng điều chi” ( Ga 12, 49 ).
Đúng là Chúa Giê Su không bao giờ xưng mình là Thiên Chúa nhưng nội cái việc gọi Thiên Chúa…là Cha cũng đủ để cho người Do Thái khép Ngài vào tội lộng ngôn phạm thượng. Người Do Thái coi Thiên Chúa như là Đấng Chí Tôn Vô Đối không một thần linh nào có thể sánh được.
Chúa đến để khai mở Sự Thật và Sự Thật đó chính là mỗi người đều được sinh ra là Hình Ảnh TC là Con TC ( St 1, 26 ) nhưng chỉ vì u mê, ám chướng nên không nhận ra. Sau khi người Do Thái ném đá khép tội lộng ngôn, Chúa Giê Su dùng Kinh Thánh đáp trả họ: “ Trong Luật Pháp các ngươi há chẳng chép rằng: Các ngươi là thần hay sao ? Nếu Chúa gọi những kẻ được nghe Đạo ĐCT là thần ( Mà KT không thể bãi bỏ được ) thì ta đây đã được biệt ra Thánh và sai xuống thế gian nói rằng Ta là Con ĐCT thì cớ sao các ngươi lại nói Ta là lộng ngôn ?” ( Ga 10, 34 -36 ).
Chúa Giê Su viện dẫn KT để nói rằng những kẻ được nghe Đạo là thần tức Con Thiên Chúa. Thế nhưng chỉ đến khi Đức Ki Tô đến để mạc khải thì chân lý ấy mới được tỏ ra: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Biết Cha ở đây không phải là cái biết của tri thức phân biệt nhưng là cái biết của Tình Yêu vô phân biệt. Lấy tri thức phân biệt ( Thần học Duy Lý ) để hòng nhận biết Thiên Chúa thì cũng chẳng khác nào việc trèo cây tìm cá ( Duyên mộc cầu ngư ) làm sao có được ?
Thần học từ bao thế kỷ nay vẫn tìm cách chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa để rồi vẫn hoàn toàn xa lạ với mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha nội tại khi cho rằng: “ Tuyên xưng Thiên Chúa là Cha không phải là coi thường, đặt Thiên Chúa ngang hàng với con người nhưng là tỏ lòng yêu mến và kính trọng, ước mong cho Thiên Chúa được vinh danh. Thánh Ý TC được thực hiện” ( Đgm Phao Lo B.V. Đọc Sđd ).
Cho đến giờ này Thiên Chúa đối với thần học vẫn chỉ là một thứ khái niệm chẳng có quan hệ gì đến mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha nội tại ( Deus Abconsditus ). Gọi là Đấng…nội tại bởi vì đó là Thực Tại siêu việt khỏi mọi thứ ngôn ngữ lý luận. Thực Tại ấy cũng là một không khác với Nước Trời mầu nhiệm: “ Có người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng không nói được: Đây này hay đó kia, vì này Nước ĐCT ở trong các ông” ( Lc 17, 20 -21 ).
Đức Ki Tô rao giảng Nước Trời mầu nhiệm và Ngài gọi đó là Tin Mừng có nghĩa những ai nghe, nhận được cái Tin báo rằng Nước Trời vốn vẫn hiện hữu ở nơi mình thì sẽ phát khởi được lòng Mừng Vui khôn tả. Điều này có thể ví như có gã ăn xin kia đang lang thang thì có người tốt bụng báo nơi túp lều rách nát của anh có chôn giấu một kho châu báu. Người ấy tin và mau mắn trở về, ra công đào bới với hy vọng có ngày sẽ được giàu sang, phú quý tột bực.
Người ăn xin đó chính là chúng ta những con người đang trên đường tìm kiếm chân lý. Còn …người tốt bụng kia chính là Đức Ki Tô. Vấn đề là chúng ta có tin và hết lòng thực hành những điều Chúa truyền dạy thông qua Giáo Hội của Ngài hay không ?
Tin Chúa đã chết cho phần rỗi mình, niềm tin ấy thật khó biết bao cho các Tông Đồ khi xưa nhưng cũng cho cả chúng ta ngày nay đang chờ đợi Ngày Chúa Đến: “ Chúa Giê Su biết họ muốn hỏi Người, bèn nói rằng: Các ngươi hỏi lẫn nhau về điều Ta nói: Còn ít lâu các ngươi sẽ chẳng thấy Ta, rồi ít lâu nữa các ngươi sẽ lại thấy Ta đó ư ? Quả thật Ta nói cùng các ngươi, các ngươi sẽ khóc lóc than van còn thế gian sẽ vui mừng. Các ngươi sẽ buồn sầu nhưng sự buồn sầu của các ngươi sẽ đổi ra sự vui mừng” ( Ga 16, 19 -20 ).
Phùng Văn Hóa