Có nhiều dấu hiệu cho thấy Ngày Chúa đến đã gần: “ Này hãy học thí dụ nơi cây vả, vừa lúc nhành non, lộc nứt thì các ngươi biết mùa hạ đã gần. Cũng vậy khi các ngươi thấy mọi điều ấy thì khá biết rằng Con Người đã gần, thật như đang ở ngưỡng cửa” ( Mt 24, 32 -33 ).
“Mọi điều” Chúa nói ứng dụng vào ngày nay đó là những thiên tai, dịch bệnh, nguy cơ chiến tranh ngày càng hiển hiện và nhất là Đạo Công Giáo đã và đang bị bách hại một cách khốc liệt từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. Các cuộc biểu tình bạo động diễn ra trong mấy tuần nay tại Mỹ, hàng loạt các nhà thờ bị tấn công, đốt phá, cướp bóc: “ Những kẻ phá hoại liên tục tấn công nhà thờ chính tòa Denver trong nhiều đêm biểu tình và bạo loạn cuối tuần qua, Nhà thờ và nhà xứ đã bị phun sơn với các khẩu hiệu bài Công Giáo, chống cảnh sát, hô hào vô chính phủ v.v…
Tại Trung Cộng, theo lệnh Tập Cận Bình, toàn bộ Thánh Giá trên nóc nhà đều bị triệt hạ và bên trong, ảnh của hắn ta phải được treo phía trên ảnh tượng Chúa !( Nguồn Thế Giới Nhìn Từ Vatican 02/6/2020 ).
Sự bách hại từ…bên ngoài ấy xem ra có vẻ dữ dội nhưng lại không nguy hại bằng …bên trong qua việc hồng y chống hồng y, giám mục chống giám mục. Công Nghị Đức và Úc công khai muốn tách khỏi Giáo Hội để lập nên một GH…mới. Sự kiện gần đây nhất là giám mục Nguyễn Văn Long ( Úc ) đã gọi GH là con cá chết thối rữa từ đầu đến chân cần…xóa bàn làm lại v.v…Lại nữa Bí Tích Thánh Thể thì bị xúc phạm nghiêm trọng khi người ta cho 20 ông mục sư Tin Lành rước lễ tại nhà thờ chính tòa Paris trong ngày lễ Chúa Ki Tô Vua ( 20/11/2016 ).
Có thể nói sự bách hại đối với Đạo Công Giáo như là điều gì đó…đương nhiên không thể không xảy ra đúng như lời Chúa báo trước: “ Ví bằng thế gian ghét bỏ các ngươi thì hãy biết rằng họ đã ghét bỏ Ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc là sẽ yêu mến kẻ thuộc về mình. Nhưng vì các ngươi không thuộc thế gian. Song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi” ( Ga 15, 18 -19 ).
Nếu người Công Giáo…không thuộc thế gian thì nhất định chúng ta phải thuộc về một cõi giới nào khác và đó là…cõi Thiên Đàng đời đời.
Sở dĩ những kẻ bách hại Đạo Công Giáo dù là …ngoài hay trong đó là vì họ thuộc về thế gian dù dưới bất cứ danh nghĩa nào: Duy vật vô thần hay hữu thần. Theo Thánh Phao Lô, họ là thù nghịch của thập giá Chúa Ki Tô: “ Vì lắm kẻ ăn ở như tôi đã ghe phen nói với anh em, cũng khóc mà nói với anh em nữa rằng họ là thù địch với thập giá Chúa Ki Tô, kết quả của họ là hư mất, thần của họ là cái bụng, họ lấy sự nhơ nhuốc mình làm vinh hiển, họ chí hướng những gì thuộc về đất” ( Pl 3, 18 -19 ).
Những kẻ thuộc thế gian, cao rao những lý tưởng mà họ cho là cao cả như Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái nhưng thực chất đó chỉ là những khái niệm…rỗng tuếch. Họ kêu gọi Tự Do nhưng chỉ đem đến tù ngục. Bình Đẳng chỉ đem đến tranh chấp, phân ly. Bác Ái chỉ đem đến hận thù, ghen ghét…
Tại sao những cái gọi là…lý tưởng ấy chỉ là lừa bịp nhưng lại hấp dẫn con người ta đến thế ? Đó là vì người đời không thể có được niềm tin rằng ngoài thế giới vật chất hữu hình, hữu hoại này ra còn có một thế giới khác đầy tràn bình an, hạnh phúc thế gian không bao giờ có thể có được.
Về cõi Thiên Đàng, Chúa Giê Su nói: “ Nơi đó các con sẽ mãi mãi sống trong vĩnh cửu. Thế gian chỉ là một bóng đen và sẽ tan biến còn Thiên Đàng không qua đi bao giờ. Nơi đó các con sẽ sum vầy với Cha của các con. Người còn là Chúa Trời của các con nữa. Chớ gì các con hiểu được cái hạnh phúc tuyệt diệu đang chờ đợi các con…
…Nghe như thế, các con cũng không ngần ngại mà bảo rằng: Với tôi, tôi chẳng có đức tin. Tôi không tin cuộc sống nào khác…
…Các con không có đức tin à ? Nếu các con không tin nơi Cha thì tại sao các con lại ngược đãi Cha ? Tại sao các con nhao nhao lên chống báng Lề Luật của Cha và khai chiến với những kẻ yêu mến Cha ? Các con muốn Tự Do tại sao các con lại không để những kẻ khác được Tự Do ? Các con không tin ở cuộc sống vĩnh cửu à ? Vậy các con hãy nói cho Cha xem, các con đã sống hoàn toàn hạnh phúc nơi trần thế rồi chưa ? Các con chẳng cảm thấy cần một cái gì mà các con không thể tìm gặp nơi cõi tạm này ư ? ( Tiếng Gọi Tinh Yêu – Thông Điệp Của Trái Tim Chúa Giê Su gửi cho thế giới qua chị Josepfa Menendez ( 1890 – 1923 ) Dòng Trái Tim Chúa Giê Su ).
Chẳng những người đời không tin ngoài thế giới này còn có một thế giới nào khác mà còn phỉ báng những ai có đức tin vào sự hiện hữu của Thiên Đàng đời sau. K. Mác cho niềm tin tôn giáo là một thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng lao động để họ quên đi cái tình cảnh bị bóc lột của giới chủ tư bản. F. Nietzch ( 1844 – 1900 ) lại còn lớn tiếng hô hào trở về với trái đất: “ Hãy làm như tôi, hãy đem những nhân đức lạc đường về với trái đất. Phải, hãy đem nhân đức trở về với thân xác và cuộc sống để nhân đức của anh em làm cho trái đất có ý nghĩa, nghĩa nhân bản” (T.T. Đỉnh Triết Học Hiện Sinh ).
Lời hô hào trở về với trái đất để chủ trương một chủ nghĩa Nhân Bản đã ảnh hưởng đến trào lưu Tục Hóa của GH Công Giáo sau này. Tục Hóa có nghĩa là Giải Thiêng ( De’sacralisation ) và phải chăng chính vì cái việc…Giải Thiêng ấy, Giáo Hội đã tự làm mất đi tính chất dẫn đạo, là ánh sáng, là muối ướp ( Mt 5, 13 -14 ) cho đời ?
Giáo Hội Chúa Ki Tô được lập ra với đầy đủ năng quyền: “ Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 19 ).
Chúa trao năng quyền cho Thánh Phê Rô, vị giáo hoàng tiên khởi ấy cũng chỉ có mục đích để dẫn đưa Dân Chúa vào Thiên Đàng. Như vậy, Giáo Hội qua các Linh Mục được Thánh Hiến hẳn nhiên là có một vain trò vô cùng quan trọng thay mặt Chúa để dẫn dắt Dân Người. Thế nhưng giờ đây các vị ấy thay vì là người dẫn dắt theo như Ý Chúa, lại làm gương mù gương xấu khiến con đường đức tin ngày càng trở nên mù mịt.!
Con đường đức tin lại trở thành con đường Nhân Bản, lấy con người làm gốc để thay cho Thiên Chúa và như thế Thiên Chúa đã bị…lãng quên hay nói đúng hơn, người ta đã…giết bỏ Thiên Chúa ( The’ologie de la mort de Dieu ).
Thiên Chúa một khi đã bị…giết chết thì làm sao người có đạo có thể tin vào sự hiện hữu của Thiên Đàng ? Thế nhưng Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, sao có thể…giết được ? Người ta chỉ có thể…giết chết một thứ TC khái niệm còn Thiên Chúa của các tổ phụ thì không: “ Thiên Chúa của Apraham, của Isaac và của Giacop. Ấy Ngài chẳng phải là Thiên Chúa của kẻ chết đâu bèn là của kẻ sống. Bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38 ).
Thiên Chúa là Đấng ai cũng vì Ngài mà sống bởi vì đó là Đấng Nội Tại trong mỗi người. Một khi Thiên Chúa đã nội tại như thế thì Thiên Đàng cũng là một thứ Thực Tại mang tính nội tại, làm sao có thể khác ?
Để hiểu Thiên Đàng như là Thực Tại như thế, chúng ta cần dựa theo nguyên lý Tam Giới Duy Tâm. Vạn Pháp Duy Thức của nhà Phật. Tất cả muôn sự, muôn vật đều được quyết định ở nơi Tâm:
Phật do tâm thành, Đức do tâm chứa, Công do tâm tu, Phước do tâm ra, Họa do tâm tạo, Tâm làm ra Địa ngục, Tâm làm ra Thiên Đường, Tâm làm ra chúng sanh, hễ tâm chánh thì thành Phật, Tâm tà thì thành ma, Tâm từ là người của trời, Tâm ác là của La sat. Cái tâm là hạt giống của hết thảy tội phước. ( Kim Cang Luận ).
Bởi Tâm là hạt giống của hết thảy tội, phước thế nên ở đây ta thấy vai trò của tôn giáo là hết sức quan trọng trong việc tạo lập Thiên Đàng. Thật vậy cũng chính trong vai trò ấy mà tôn giáo hoàn toàn khác biệt với triết học ở chỗ. Một đàng để giải thích thế giới. Một đàng để tìm kiếm Thực Tại siêu việt khỏi thế giới.
Cuộc khủng hoảng của Giáo Hội Công Giáo mà nguyên nhân gây ra cho nó chính là vì đã đồng hóa với triết học. Chúng ta biết triết học Aristote và của Kinh Viện thời Trung Cổ có tên là triết học về Vũ Trụ ( Philosophi de la nature ) Bởi đó mới có câu định nghĩa: “ Triết học là khoa học về vạn vật lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” ( La philasophi est la science des choses par leurs causes supremes ).
Thần học trong bấy lâu nay chỉ loay hoay với việc tìm cách chứng minh sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa thế nên đã bỏ qua con đường tâm linh cũng là ơn gọi của người Công Giáo: “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một ĐCT là Cha mọi người.Ngài vượt trên mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -6 ).
Được gọi đến một hy vọng đó là Nước Thiên Đàng đời sau cũng là một không khác với Nhà Cha của Chúa Giê Su: “ Lòng các ngươi chớ bối rối, đã tin ĐCT thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở. Bằng chẳng vậy Ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó” ( Ga 14, 1 -3 ).
Chúa đi chịu chết để…sắm cho mỗi người chúng ta một chỗ trên Thiên Đàng. Ngài chết đi giống như hạt lúa mì gieo xuống để sinh hoa kết quả là phần rỗi các linh hồn. Cũng chính qua cái chết hiến tế đó, Giáo Hội đã được thành lập cùng với các Bí Tích. Các Bí Tích là nguồn ơn sủng của Đức Ki Tô chỉ có một mục đích là để dẫn đưa chúng ta về Thiên Đàng. Thế nhưng để về được Thiên Đàng thì trước hết cần phải tin có Thiên Đàng. Không tin có Thiên Đàng thì làm sao về được Thiên Đàng ?
Thế nhưng tin có Thiên Đàng lại là điều rất khó nhất là trong cái thời Tục Hóa cao độ này bởi hai trở ngại sau đây:
Một là vì con người sống là sống bởi giác quan. Đang khi đó giác quan lại chỉ cho là…có những gì nó cảm nhận. Chỉ khi mắt nhìn thấy vật ( Người ngợm, nhà cửa, xe cộ, núi non, sông ngòi….) mới cho là có vật. Chỉ khi nào tai nghe tiếng ( âm thanh trầm bổng, ồn ào, rú rít…) mới cho là có tiếng. Đối với mũi ngửi, lưỡi nếm, thân đụng chạm cũng vậy. Nhưng với cõi Thiên Đàng, bởi vì giác quan không thể cảm nhận, thế nên người đời mới không cho là …nó có !.
Trở ngại thứ hai là Thiên Đàng có thể…có ở đâu trong không gian vật lý này ? Trong thời đại khoa học, thiên văn hết sức tiến bộ này con người đã lên được mặt trăng và sắp lên Sao Hỏa thì việc chấp nhận…có Thiên Đàng lại càng không thể.
Đúng là giác quan không thể chấp nhận có Thiên Đàng nhưng cái mà giác quan cảm nhận ấy nó…có thật không ? Cái nhà mình nhìn thấy đó nó …có thật không ? Nhìn cái nhà mà cho là nó…có, đó là cái nhìn của phàm phu chấp cho nó là vậy chứ không phải vậy. Dưới cái nhìn ( Quán chiếu ) của nhà Thiền thì cái gọi là nhà đó chỉ là tổng hòa của các duyên…gạch, ngói, sắt thep, công thợ ….Rời bỏ các duyên ấy ra thì chẳng còn chi là …nhà !
Với cái nhà đã vậy còn với muôn vật từ vũ trụ, trăng sao, mặt trời cho đến con người, con vi rút…cũng vậy cũng chỉ là do duyên hợp lại gọi là…có, duyên hết thì gọi là mất là chết.
Trong cõi thế gian thì không phải chỉ có vật chất mới do duyên hợp mà ngay cả trong lãnh vực tư tưởng cũng thế cũng là do duyên hợp mà có các quan niệm, các ý hệ này nọ. Không có bất cứ một quan niệm hay ý hệ nào lại có thể tồn tại độc lập chơ vơ một mình….
Trái lại Thiên Đàng là cõi vượt ngoài mọi cảm nhận cũng như quan niệm của con người bởi vì đó là …cõi không do con người tạo lập: “ Nhưng Đức Ki Tô là Đấng làm thầy tế lễ thượng phẩm của sự tốt đẹp hầu đến, đã trải qua các Nhà Trại lớn lớn hơn và trọn vẹn hơn không phải bởi tay người ta làm ra nghĩa là không thuộc cõi thọ tạo này” ( Dt 9, 11 ).
Thiên Đàng là một Thực tại vượt ngoài cảm nhận giác quan cũng như suy luận, chỉ đức tin mới có thể đạt đến. Nhưng vấn đề ở đây là đức tin vào Nước Thiên Đàng có thể nào chỉ là ảo mộng hay không ?
Câu hỏi này cần được đặt ra trong thời Tục Hóa mà ngay cả người Công giáo dường như nay cũng chẳng còn tin có Thiên Đàng, Hỏa Ngục ? Sở dĩ có được lòng tin vào sự hiện hữu của Thiên Đàng là do Đức Ki Tô truyền dạy bằng việc rao giảng Nước Trời. Chúa nói việc rao giảng ấy là một sứ mạng được trao bởi Chúa Cha: “ Ta cũng cần rao giảng Tin Mừng Nước TC cho các thành thị khác vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 43 ).
Một khi Chúa đã nói sứ mạng của Ngài là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời thì làm sao chúng ta lại không tin có Thiên Đàng ? Mặt khác đức tin là nền tảng của tôn giáo nhưng đức tin ấy chỉ có thể nảy sinh bằng việc làm tức bằng việc cầu nguyện, hy sinh bác ái. “ Đức tin không có việc làm là đức tin chết” ( Gc 2, 17 ).
Một điều khác để chứng tỏ đức tin vào Nước Thiên Đàng là phải có lòng ước nguyện được về sinh sống ở đó. Trong các kinh nguyện Công Giáo cổ xưa trước đây hầu hết đều có câu kết là xin cho được về hưởng Nhan Thánh Chúa đời đời. Dẫu vậy đó có thể chỉ có ở ngoài môi miệng còn thực tâm thì chẳng có Nguyện gì cả ?
Nguyện là nguyện vâng theo Thánh Ý Chúa để Ngài dẫn đưa ta về sinh sống đời đời với Ngài trên Thiên Đàng. Tuy nhiên tại sao lại phải …nguyện được về Thiên Đàng như thế ? Đó là vì đời sống ở cõi thế gian này quá ư khổ não. Khổ vì những nhu cầu xác thân không được thỏa mãn. Khổ vì ngoại cảnh bất như ý, nóng bức, lạnh rét bất thường lại còn chiến tranh, dịch bệnh liên miên và cái khổ lớn lao nhất là phải chết bỏ lại sự nghiệp dang dở, vợ yếu con thơ v.v…
Thế gian thì vô thường khổ đau như vậy còn Thiên Đàng thì lại tràn đầy phước lạc, ngay cả cái danh từ …khổ cũng không bao giờ nghe đến, muốn ăn có ăn muốn mặc có mặc, ung dung tự tại chỉ cần nghĩ đi đâu thì liền đến đó tức thì.
Thánh Phao Lô kể lần kia, ngài đã được đưa lên Thiên Đàng: “ Tôi biết một người trong Đức Ki Tô, cách 14 năm trước đây đã được cất lên tới tầng trời thứ ba. Hoặc trong thân thể hoặc ngoài thân thể tôi không biết, có ĐCT biết được cất lên đến Lạc Viên, nghe những lời không thể nói mà người nào cũng chẳng được phép nói” ( 2C 12, 2 -4 ).
Được nghe những lời không thể nói ra khi trở lại trần gian. Những lời Thánh Phao Lô được nghe ấy có thể là của Chúa Ki Tô giảng giải về những chân lý cao siêu mà vì nhiều lý do Ngài chưa thể nói ra vì có nói ra người đời cũng không sao hiểu nổi.
Để thể hiện ước nguyện về Thiên Đàng thì cần gắn với thực hành. Không thực hành thì ước nguyện ấy không thực. Ngày nay khi đức tin hầu như đã biến mất thì việc thực hành tôn giáo hoặc chỉ còn là một thứ hình thức hoặc biến thành những suy niệm thần học vô bổ, chẳng ai áp dụng.
Tình trạng bỏ đạo, thờ ơ với đạo tại các nước phương Tây, cái nôi của Đạo Công Giáo trước đây là rất phổ biến mà nguyên nhân là vỉ mất đức tin Công Giáo nghĩa là không còn tin có Thiên Đàng, Hỏa Ngục. Mất đức tin đó là dấu chứng của Ngày Chúa đến: “ Không biết ngày Ta đến có tìm được đức tin trên mặt đất này không ?” ( Lc 18, 8 ).
Có những điềm báo trước Ngày Chúa đến và một trong những điềm ấy là sự xuất hiện những tiên tri giả hay còn gọi là Phản Ki Tô ( Antichrist ).” Hỡi các con bé nhỏ, giờ cuối cùng là đây. Các con đã nghe nói rằng Antichrist phải đến mà nay đã có nhiều Antichrist dấy lên rồi, bởi đó nay là thời cuối cùng. Họ từ chúng ta mà ra nhưng chẳng phải thuộc về chúng ta vì nếu thuộc về chúng ta thì hẳn cứ ở với chúng ta. Song vì họ đã đi hầu tỏ ra họ thảy đều không thuộc về chúng ta đâu” ( 1Ga 2, 18 -19 ).
Theo Thánh Gioan thì Antichrist là những kẻ chối không nhìn nhận Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô. Hiểu như vậy thì Phản Ki Tô ngày nay không phải là ít. Họ có thể là những hồng y, giám mục, những nhà thần học danh tiếng v.v… Trong Giáo Hội mà có nhiều Phản Ki Tô như thế thì làm sao tránh khỏi hoang mang trong Dân Chúa ? Họ biết tin tưởng vào đâu bây giờ ? Trong tình cảnh bi đát như thế thì ngay cả Thánh Lễ, nguồn ơn sủng vô giá rồi đây cũng có thể…biến dạng không còn là nơi Chúa Giê Su Thánh Thể ngự trị.!
Qua dụ ngôn quan án và người đàn bà góa, Chúa Giê Su cho thấy giá trị của sự bền lòng cầu nguyện:“ Vậy ĐCT há chẳng thân oan cho tuyển dân Ngài là những kẻ đêm ngày kêu cầu Ngài. Dẫu Ngài đã nín nhịn bấy lâu rồi ư ? ( Lc 18, 7 ).
Từ lâu Thiên Chúa…nín nhịn chờ đợi những tuyển dân của Ngài khi đã bao phen lỗi nghĩa bất trung cùng Ngài. Thế nhưng dù thế nào chúng ta vẫn bền lòng cầu nguyện nhất là bằng Chuỗi Mân Côi thì không bao giờ Chúa lại …bỏ ta trong giờ phán xét theo như lời hứa ( thứ 28 ): “ Mẹ sẽ gìn giữ, bảo vệ những người ấy khi Chúa giáng lâm lần thứ hai”./.
Phùng Văn Hóa