Với hai sự kiện sắp diễn ra trong tháng Mười này. Một là Công Đồng Vùng Amazone và hai là Công Nghị mang tính ràng buộc của Giáo Hội Đức, Giáo Hội Công Giáo sẽ bước vào cao trào mới của cơn khủng hoảng mà nguyên nhân gây ra cho nó chính là vì Thiên Chúa đã bị…lãng quên.
Nhân dịp cho ra mắt cuốn “ The Day is Now Far Spent nghĩa là Ngày Sắp Tàn, ĐHY Robert Sarat, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã dành cho phóng viên Edward Pentin thường trú tại Ro Ma của tờ National Catholic Register một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài nói:
“ Tôi muốn mở lòng mình ra mà chia sẻ một điều chắc chắn này: Cuộc khủng hoảng sâu sắc mà Giáo Hội đang trải qua trên thế giới và đặc biệt là ở Phương Tây là kết quả của sự lãng quên Thiên Chúa. Nếu mối quan tâm đầu tiên của chúng ta không phải là Chúa thì mọi thứ khác sẽ sụp đổ. Tại gốc rễ của tất cả các cuộc khủng hoảng dù là nhân chủng học, chính trị, xã hội hay văn hóa hay địa chính trị có sự quên lãng tính tối thượng của Thiên Chúa…
…Như đức thánh cha Benedicto XVI nói trong cuộc họp của ngài với thế giới văn hóa tại đại học Bernadins vào ngày 12/9/2008 ( quarere Deum ), việc tìm kiếm Thiên Chúa chú tâm đến Thiên Chúa như một Thực Tại thiết yếu chính là trục trung tâm mà trên đó tất cả các nền văn minh và văn hóa được xây dựng. Điều gì đã tạo nên nền văn hóa Âu Châu, đó là việc tìm kiếm Thiên Chúa và sẵn sàng để cho mình được tìm thấy bởi Người, lắng nghe Người, vẫn là nền tảng của mọi nền văn hóa thực sự và là điều kiện không thể thiếu cho sự sống còn của nhân loại chúng ta. Trái lại từ khước Thiên Chúa hoặc thờ ơ hoàn toàn với Người là thái độ ( đưa tới ) diệt vong của nhân loại” ( Nguồn Vietcatholic. News – 28/9/2019 – Đặng Tự Do – ĐHY Robert sarat: Những người hứa hẹn cách mạng và thay đổi tận gốc trong GH chỉ là các tiên tri giả ).
Như ĐHY Robert Sarat nói: Cuộc khủng hoảng sâu sắc mà GH đang trải qua là kết quả của sự lãng quên Thiên Chúa. Nhận định này hoàn toàn chính xác. Thế nhưng thử hỏi sự…lãng quên ấy đã diễn ra khi nào và dưới hình thức nào ?
Để giải quyết bất cứ cuộc khủng hoảng nào, dù là kinh tế, chính trị hay tôn giáo thì điều kiện trước hết là phải biết được cái nguyên nhân gây ra cho nó. Cuộc khủng hoảng của Giáo Hội hiện nay nói riêng và của thế giới nói chung đều bắt nguồn từ sự…lãng quên Thiên Chúa, hiểu như đó là một thứ Thực Tại nội tại ở nơi mỗi người.
Thực Tại ấy nơi Đạo Phật cho đó là Phật Tánh Như Lai. Nơi Đạo Chúa là Tình Yêu. Cũng cùng một Thực tại ấy, Lão Tử gọi là Đạo: “ Đạo khả đạo, phi thường Đạo. Danh khả danh, phi thường Danh” ( Đạo ( mà ta ) có thể gọi được, không ( còn ) phải là Đạo “thường”. Danh ( mà ta ) có thể gọi được, không ( còn ) phải là Danh “ thường” – ĐĐK – chương một ).
Chữ “ Thường” ở đây là thường hằng, bất biến. Đạo mà ta có thể nói ra, gọi tên là gì thì đó không còn là Đạo…thường hằng nữa. Đối với Danh cũng vậy, nếu gọi tên ra được thì đó không còn là…Danh thường hằng.
Tuy rằng “ Đạo” không thể…nói, không thể gọi tên nhưng “ Đạo” ấy lại cần phải truyền bá, phải rao truyền ra cho mọi người biết. Bởi nếu không thì làm sao con người có thể…biết Đạo mà làm theo Đạo ?
Biết và làm theo Đạo đó là tôn chỉ của tôn giáo. Đối với Đạo Phật thì tôn chỉ ấy là Giác Ngộ Bản Tánh. Còn trong Đạo Chúa như lời Thánh Gioan nói đó là nhận biết Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu ở nơi mình: “ Hỡi kẻ yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương lẫn nhau, Vì sự thương yêu đến từ Thiên Chúa. Hễ ai thương yêu thì sanh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Ai chẳng thương yêu thì không nhận biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu” ( 1Ga 4, 7 -8 ).
Thánh Gioan nói Thiên Chúa là Tình Yêu có nghĩa Tình Yêu chính là Bản Thể của con người. Nói đến Bản Thể ( Substance ) cũng gọi là Yếu Tính ( Essentiel ) là cái gì đó không thể chia chẻ, phân ly chẳng hạn như tánh của Nước là Ướt. Dù Nước ở thể nào, thể lỏng, thể hơi hay thể dắn ( nước đá ) thì tánh của nó vẫn là…Ướt.
Tình Yêu như một Bản Thể, đó là Tình Yêu Vô Phân Biệt. Chúa Giê Su diễn tả Bản Thể Tình yêu ấy là một Thiên Chúa Vô Phân Biệt: “ Nhưng Ta nói cùng các ngươi: Hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi. Hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi trên trời. Bởi vì Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. mưa cho kẻ công chính cùng kẻ bất chính” ( Mt 5, 44 -45 ).
Chúa nói để các ngươi được làm con Cha trên trời. Đó là một thứ…tùy thuyết dùng cho người nghe khi ấy có thể chấp nhận. Tuy nhiên cũng vì không nhận ra đó chỉ là…tùy thuyết thế nên từ bấy lâu nay trong niềm tin tôn giáo vẫn cứ cho Thiên Chúa Cha là Đấng…ở trên trời. Xem ra trong một giai đoạn nào đó có thể là …dài, niềm tin tôn giáo cần phải nương tựa vào một Đấng Cha…trên trời tức trong không gian vật lý. Thế nhưng sự nương tựa ấy chẳng những không thể đưa đến một đức tin trưởng thành mà còn tạo ra những cơn khủng hoảng triền miên. Tại sao ? Bởi vì khi ấy Giáo Hội đứng trên phương diện thần học đã không còn tìm kiếm Thiên Chúa và để thay vào đó là cố công tìm đủ thứ lý lẽ để chứng minh cho sự hiện hữu của Thiên Chúa Tạo Hóa.
I/- Thần học với việc chứng minh Thiên Chúa hiện hữu.
Đối với thần học thì không hề có sự tìm kiếm một Đấng Thiên Chúa Ẩn Giấu ( Deus Abconsditus ) mà chỉ …quay quắt với việc chứng minh cho sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Chính bởi vậy, thần học mới có cho mình định nghĩa thế này: “ Triết/thần học là khoa học về vạn vật. Lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” (( Le philosophie est la science des choses par leurs causes supreme ).
Nguyên nhân tối cao ở đây chính là Đấng Tạo Hóa hay còn gọi là Đệ Nhất nguyên Nhân hay Đệ nhất Động Cơ, Hữu Thể Tuyệt Đối v.v…Chung quy Đấng Tạo Hóa thuần túy đó chỉ là một thứ quan niệm thần học và quan niệm này sở dĩ hình thành là do nơi sự dung hòa giữa Đức Tin với Lý Trí của PhiLon Le Juip, một triết gia Do Thái sinh khoảng năm 20 TCN.
Chính là với sự…dung hòa này mà đã phát sinh quan niệm Đấng Tạo Hóa của Aristote nổi trội trong thời Trung Cổ đến nỗi triết gia Hy Lạp này đã được Giáo Hội thời đó phong là Tiền Hô ngang hàng với Thánh Gioan: “ Proecursor Christi in rebus naturalibus, sicut Joannes baptista in rebus gratuitis” ( Tiền hô của Đức Ki Tô trong những gì thuộc lãnh vực thiên nhiên không khác gì Joan Baptiste trong lãnh vực ân sủng ).
Lý do khiến Aristote được phong là tiền hô trong lãnh vực thiên nhiên bởi vì quan niệm Đấng Tạo Hóa đã được Giáo Hội hoàn toàn chấp nhận. Thế nhưng với quan niệm này thì Thiên Chúa chỉ được quan niệm như một sức mạnh kiểu “ Đệ Nhất Động Cơ” để làm cho trời đất vận hành, bởi đó vị …Thần Động Cơ này không cần biết gì đến vũ trụ cũng như không lo lắng “ Thiên hựu” ( Providence ) gì cho thế giới” ( Xem L.T. Nghiêm – LSTHTP Q.2 ).
Với Đấng Tạo Hóa như một thứ….Thần Động Cơ không cần biết gì đến vũ trụ cũng chẳng quan tâm gì đến thế giới thì làm sao mà không bị con người…lãng quên ? Chẵng những…lãng quên mà người ta còn muốn loại trừ thứ Thiên Chúa của quan niệm này bằng một thứ thần học gọi là Thần Học về cái chết của Thiên Chúa ( Theologie de la mort de Dieu ).
Phải…giết chết Thiên Chúa đi để con người được…sống. Đó là chủ trương của triết học Hiện Sinh vô thần mà tiêu biểu cho nó là F. Nietzche ( 1844 -1900 ) Thượng Đế đã chết rồi, phải giết Thượng Đế đi thì con người siêu nhân mới có cơ xuất hiện và con người siêu nhân ấy thay vì lấy Thiên Chúa làm cứu cánh thì lại phụng sự trái đất: “ Từ nay nhân đức của anh em chỉ để phụng sự ý nghĩa của trái đất mà thôi. Nhờ đó, tất cả mọi sự sẽ có một giá trị mới. Tôi cậy vào anh em, anh em phải là những vị sáng tạo” ( T.T. Đỉnh – THHS ).
Ảnh hưởng của triết gia vô thần này, tuy vậy không phải là nhỏ. Trái lại nó là cơ sở của trào lưu Tục Hóa đang lan tràn trong Giáo Hội cụ thể là Công Đồng Vùng Amazone và Công Nghị có tính ràng buộc của GH Đức: Bãi bỏ Luật Độc Thân Linh Mục. Phong chức Linh Mục cho phụ nữ. Cho phép kết hôn đồng giới. xét lại giáo lý đạo đức Tính Dục v.v…
II/- Thiên Chúa không thể chứng minh nhưng cần tìm kiếm
Có điều hết sức quan trọng đó là nếu Thiên Chúa có thể chứng minh bằng thần học thì đương nhiên Mạc Khải của Đức Ki Tô không còn cần thiết: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Nói Đức Ki Tô mạc khải có nghĩa là Ngài vén tấm màn ( Mạc ) để chỉ ( Khải ) cho biết về một Đấng Thiên Chúa chẳng ai từng thấy biết ( Ga 1, 18 ). Đức Ki Tô mạc khải cho biết về Đấng Thiên Chúa chưa ai từng thấy biết và đòi hỏi con người cần hết lòng tìm kiếm mới gặp: “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” ( Mt 6, 33 ).
Trong việc tìm kiếm này thì hẳn nhiên người ta chỉ đi tìm một cái chi đó chưa thấy, chưa gặp. Chứ còn như đã thấy, đã gặp thì đâu có cần tìm kiếm ? Tuy vậy, Thiên Chúa vừa là Đấng Ẩn Giấu lại vừa mong mỏi được con người tìm kiếm: “ Các ngươi hãy tìm Ta và sẽ gặp được khi các ngươi tìm kiếm hết lòng. Đức Giehova phán: Ta sẽ cho các ngươi tìm được” ( Gr 29, 13 ).
Có tìm mới gặp, không tìm thì không thể gặp. Sống đạo là sống cuộc tìm kiếm và Thánh Augustino chính là con người như vậy: “ Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con vì Chúa. Bởi đó tâm hồn con còn xao xuyến mãi cho đến khi được nghỉ yên nơi Ngài”.
Đấng Thiên Chúa mà chúng ta cần được…nghỉ yên đó chỉ có thể là Bản Thể Tình Yêu. Bởi đó, ý nghĩa việc tìm kiếm không phải là tìm cái chi bên ngoài nhưng là trở về với chính mình. Theo quan niệm của minh triết Đông Phương thì sự trở về ấy gọi là Phản Phục tức trở về cái nơi mà nó xuất phát: “ Phản giả, Đạo chi động ( Cái động của Đạo là trở ngược lại ). Đạo Phật chủ trương Giác Ngộ thì sự Giác Ngộ ấy chẳng qua cũng là để gặp lại và sống với Tánh Biết vốn dĩ sẵn đủ không thêm không bớt ở nơi mình.
Tìm kiếm để trở về và việc trở về trong Đạo Chúa là về với Đấng Thiên Chúa Bản Thể Tình Yêu đã được …nêu ra từ thời Cựu Ước xa xưa: “ ngày nay Ta bắt trời và đất làm chứng cho ngươi rằng: Ta đã đặt trước mặt các ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và nguyền rủa. Vậy hãy chọn sự sống hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống. Thương mến Giê hova ĐCT ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài và trìu mến Ngài vì Ngài là sự sống ngươi và làm cho ngươi được sống lâu đặng ở trên Đất mà Đức Giê hova đã thề hứa ban cho các tổ phụ ngươi là Apraham, Ysaac và Gia Cop” ( Đnl 30, 19 -20 ).
Theo cách hiểu thông thường thì Đất được hứa ban cho các tổ phụ là miền đất Canaan. Thế nhưng đất Canaan ấy chỉ là hình bóng của Nước Trời mầu nhiệm nội tại trong Tân Ước. Đồng thời Đất ở đây cũng chính là Chân Tâm Thường Trú là Bản Thể Tình Yêu của mỗi người.
Từ ngàn xưa Đức Chúa Giê hova đã đưa ra hai con đường: Những ai đi theo Con Đường Tình yêu thì sẽ có được Sự Sống viên mãn đời đời. Ngược lại sẽ phải diệt vong trong chốn khốn nạn đời đời. Ấy vậy mà Dân Chúa đã không tuân giữ Giới Răn Yêu Thương đến nỗi đã phải đối diện với nguy cơ diệt vong nếu không có Đức Ki Tô đến để thiết lập một Giao Ước mang một ý nghĩa hoàn toàn mới: “ Điều răn của Ta đây này. Các ngươi hãy yêu thương lẫn nhau cũng như Ta đã yêu thương các ngươi. Chẳng ai có sự yêu thương lớn hơn là vì bạn hữu mà bỏ mạng sống mình. Ví thử các ngươi làm theo điều Ta truyền cho thì các ngươi là bằng hữu của Ta. Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ vì tôi tớ chẳng biết điều chủ mình làm. Nhưng Ta gọi các ngươi là bằng hữu vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều Ta đã nghe ở nơi Cha ta” ( Ga 15, 12 -15 ).
Chúa Giê Su gọi những ai biết tuân giữ giới răn Yêu Thương của Ngài là bằng hữu tức Ki Tô Hữu. Bởi đó hễ đã mang danh Ki Tô Hữu thì phải cố gắng sống đời sống yêu thương bằng cách….Bỏ Mình đi: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình. Vác thập tự giá mình hàng ngày mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ được. Bởi chưng, được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ? ( Lc 9, 23 -25 ).
Với Chúa, để yêu thương chân thật thì phải …bỏ mình tức bỏ…” Cái Tôi” đi. Không bỏ được “ Cái Tôi” mà nói yêu thương đó chỉ là giả dối. Tại sao ? Bởi vì…Bỏ Mình có nghĩa là bỏ đi hai cái chấp. Một là chấp cho xác thân này là mình. Hai là chấp cho tâm tưởng, nghĩ suy này là mình.
Bao lâu còn chấp cho xác thân là mình thì không thể không tham lam đủ thứ: Tham ăn, tham ngủ, tham tài, tham sắc v.v…Phải chăng cũng chính vì cái tham ấy mà người ta đòi cho linh mục…có vợ. Đòi xét lại đạo đức tính dục v.v…
Lại nữa cũng vì chấp tâm tưởng, nghĩ suy này là mình thế nên con người chỉ làm theo ý riêng mình mà không vâng theo Ý Chúa. ĐHY Robert Sa Rat phê phán những ai muốn áp đặt ý kiến cá nhân mình như là chân lý thì đó là những tiên tri giả và họ không đoái hoài gì đến lợi ích của đoàn chiên.
Có “ Bỏ Mình” đi mới có thể yêu thương tha nhân như chính mình được. Đạo lý này thật cao cả nhưng cũng vô cùng thiết yếu đúng như lời đức thánh cha Benedicto XVI nói, đó là điều kiện không thể thiếu cho sự sống còn của nhân loại chúng ta ngày nay.
Thế nhưng làm sao có thể …bỏ được mình nếu không tin Thiên Chúa là Đấng nội tại trong ta, là Bản Thể của ta ? Mặt khác cũng chính vì Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu trong ta như thế nên Ngài chẳng bao giờ…quên: “ Sion từng nói rằng Đức Giê hova đã lìa bỏ ta, Chúa đã quên ta ! Thế nhưng đàn bà há dễ quên con mình sao ? Dẫu đàn bà có quên con mình đi nữa thì Ta cũng chẳng quên ngươi đâu” ( Is 49, 14 -15 ).
Thiên Chúa không bao giờ…quên, còn con người lại cứ …quên để rồi sống trong vô minh lầm lạc, tự rước lấy hết tai họa này đến họa tai khác cho mình. Dẫu thế, bởi vì Thiên Chúa không quên nên trong thời cuối cùng này Ngài vẫn dủ Lòng Thương Xót ban cho nhiều phương thế hầu cho ta có thể…nhớ đến Ngài.
Kêu cầu Danh Thánh Chúa, đó là phương thế chẳng những hữu hiệu lại còn dễ dàng để được Nhớ đến Chúa, chỉ cần ta có sự kiên trì, nhẫn nại. Việc kêu cầu Thánh Danh ấy chúng ta có thể thực hiện bằng Kinh Mân Côi hoặc Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót mà Chúa Giê Su đã mạc khải cho Thánh Nữ Faustina.
Thiên Chúa chẳng bao giờ quên. Còn phần ta nếu cũng luôn nhớ đến Ngài thì chắc chắn thế nào cũng gặp và sự gặp gỡ ấy chẳng phải với một Đấng nào khác nhưng là Đấng ta luôn mong nhớ, kêu cầu./.
Phùng Văn Hóa