Về  “DỤ  NGÔN  NƯỚC  TRỜI”

          Bởi Nước Trời là mầu nhiệm khôn tả thế nên khi rao giảng trước đám đông, Chúa Giê Su chỉ dùng Dụ Ngôn hay còn gọi là Thí Dụ hầu ứng nghiệm lời tiên tri:“ Ta sẽ mở miệng mà nói thí dụ. Ta sẽ thốt ra những điều đã được giấu kín từ  Buổi Sáng Thế” ( Mt 13, 34 -35 ).

          Những điều giấu kín từ Buổi Sáng Thế nay đã được Chúa Giê Su rao giảng đó chính là Nước Trời mầu nhiệm. Với mầu nhiệm ấy thì chỉ những người…biết nghe mới có thể nhận hiểu. Trái lại, Chúa nói: “ Đã ban cho các ngươi được biết những sự mầu nhiệm của Nước Trời. Song với những  kẻ khác thì dùng Dụ Ngôn hầu cho họ xem mà không thấy, nghe mà không hiểu” ( Lc 8, 10 ).

          Đối với mầu nhiệm Nước Trời, tại sao xem mà không thấy, nghe mà không hiểu ? Đó là vì người ta đã dùng cái Tâm Phân Biệt để hòng hiểu biết cái điều không thể suy tư, lý giải. Sau khi rao giảng trước đám đông, Chúa Giê Su quay lại hỏi các môn đệ: “ Các ngươi có hiểu mọi điều đó chăng ? Môn đệ thưa: Hiểu và Ngài lại phán: Vì vậy mọi kinh sư đã trở nên môn đệ của Nước Trời  ví như  chủ nhà kia đem vật  mới và cũ trong kho mình ra” ( Mt 13, 44 -45 ). Môn đệ tuy trả lời…Hiểu nhưng thật ra khi ấy các vị chưa thực hiểu về mầu nhiệm Nước Trời và nếu có  thì cũng chỉ là cái hiểu về mặt ngôn từ, văn tự  mà thôi ! Sao có thể nói khi ấy các môn đệ chưa hiểu ? Bởi nếu đã hiểu  thì họ không bao giờ  lại  có thể  đưa ra câu hỏi trước khi Chúa Ki Tô Phục Sinh về trời: “ Đây có phải là lúc Chúa khôi phục Nhà Itsraen hay không ?” ( Cv 1, 6 ).

          Giữa việc khôi phục Nhà Itsraen và Nước Trời mà Chúa Giê Su rao giảng là hai việc hoàn toàn khác nhau. Một đàng muốn lập lại Nước Itsraen thì phải làm sao đánh đuổi được quân xâm lược Ro Ma ngày đó. Một đàng Nước Trời lại chỉ có thể đạt được bằng lòng tin và việc sám hối ăn năn: “ Thời đã mãn. Các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 )

          Mặt khác cũng vì chưa hiểu mầu nhiệm Nước Trời nên hai người con của Giebede là Giacobe và Gioan mới đến bên Chúa mà thưa: “ Thưa Thầy, chúng tôi muốn hễ điều gì chúng tôi xin  thì Thầy làm cho cả. Ngài hỏi: Các ngươi muốn Ta làm gì cho các ngươi ? Họ thưa: Xin cho chúng tôi được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả trong Nước Vinh Hiển của Thầy. Nhưng Chúa Giê Su đáp: Các ngươi không hiểu điều mình xin” ( Mc 10, 36 -38 ).

          Hai tông đồ ấy đã không hiểu điều mình xin bởi vì Nước Trời không giống các nước thế gian. Để đến được…Nước ấy thì cần trải qua nhiều đau khổ. Bởi vậy Chúa hỏi tiếp: “ Các ngươi có thể uống được chén Ta uống, chịu được Phép Rửa mà Ta chịu hay  chăng ? ( Mc 10, 38 ).

          Chén Chúa uống là chén đắng, còn Phép Rửa của Ngài là cái chết nhục nhã trên thập giá. Phải chịu nhiều đau khổ như Chúa  mới vào được Nước Trời. Sở dĩ như thế bởi vì Nước Trời là mầu nhiệm cả thể như  Đức Ki Tô nói: “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi: Có nhiều tiên tri và người công chính đã ước ao thấy điều các ngươi thấy mà không được thấy. Ước ao nghe điều các ngươi nghe mà  chẳng được nghe” ( Mt 13, 16 -17 ).

          Nhiều tiên tri và kẻ công chính ( Thời Cựu Ước ) ước ao thấy mà chẳng được đó là thấy Đấng Cứu Độ xuất sinh ra đời. Còn ước ao nghe mà chẳng được nghe đó là nghe Ngài rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Sau  khi Chúa rao giảng Tin Mừng, có tông đồ hỏi  Ngài  ý nghĩa của Dụ Ngôn ấy là gì ? Ngài đáp:“Thí dụ ấy là vầy:

          “ Hạt giống là Lời Chúa, những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi ma quỷ đến cất ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận nhưng họ không có gốc rễ. Họ chỉ tin nhất thời thôi và khi gặp thử thách  thì thối lui. Hạt rơi vào bụi gai đó là những kẻ nghe nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không thể đạt tới mức trưởng thành. Hạt rơi vào đất tốt đó là những kẻ nghe Lời Chúa rồi lấy lòng thành thực, nhẫn nại mà kết quả” ( Lc 8, 11 -15 ).

          Hạt rơi bên vệ đường, ám chỉ cả cho những người vô thần hoặc tuy…có đạo đấy nhưng không tin Chúa Giê Su  là Đấng Cứu Độ thế nên dù có nghiên cứu, tìm hiểu nhưng chỉ với mục đích để bác bỏ Kinh Thánh cho đó là hoang đường, mê hoặc thì Lời Chân Lý không bao giờ có thể thấm nhập.

          Hạt  rơi trên đá, sỏi ám chỉ những kẻ khi nghe Lời Chúa, vui vẻ tiếp nhận  và cũng tin đấy  nhưng khi có ai khích bác  này nọ hoặc đưa ra những lập luận xem ra có vẻ nghiêm túc thì lại đánh mất niềm tin vào Chúa, vào giáo hội…

          Hạt rơi trong bụi gai ám chỉ những kẻ có lòng tin Chúa, cố gắng thực hành Lời Chúa nhưng khi gặp những khó khăn trong đời sống, thất nghiệp, ốm đau, hoàn cảnh gia đình ly tán hoặc ngược lại bất ngờ đổi đời được giàu sang, phú quý thì lại…quên Chúa không còn lễ lạy, kinh hạt gì nữa…

          Hạt rơi vào đất tốt ám chỉ những kẻ sống trong môi trường gia đình đạo hạnh hoặc dòng tu, chủng viện, được trau dồi huấn luyện đời sống đức tin, những con người ấy nhờ Ơn Chúa sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp…

          Nguyên nhân quan trọng khiến Chúa rao giảng Tin Mừng Nước Trời  cho quần chúng, đám đông  bằng Dụ Ngôn bởi vì họ chỉ  có thể tiếp nhận qua con đường giác quan, mắt thấy tai nghe. Trong khi đó Nước Trời là Thực Tại Tâm, con người chỉ có thể đạt được bằng đức tin và việc sám hối ăn năn. Giữa lòng tin và việc sám hối ăn năn có một mối tương tác hữu cơ mật thiết. Lòng tin có được triển nở hay không  là do ở việc ăn năn, chừa cải tội mình. Trái lại không có lòng tin thì việc sám hối ăn năn đâu còn nghĩa lý gì nữa ?

          Ngày nay con người chẳng mấy ai còn có đức tin mà nếu nói là…có thì lòng tin ấy chỉ là vu vơ, mờ nhạt hoàn toàn không phải đức tin như Chúa đòi hỏi là tin vào Tin  Mừng của Ngài ! Lý do không còn đức tin, bởi chính thần học đã phá đổ đức tin ấy bằng cách đưa ra một thứ Nước Trời…Tục Hóa thế này: “ Loan báo Tin Mừng  cũng là một thành phần của công trình giải thoát. Nội dung của nó là Nước Thiên Chúa đã đến. Đến cho người nghèo không còn nghèo. Người bị áp bức thoát ách khốn khổ” ( Đgm Phao Lô Bùi Văn Đọc và các LM khác – Đức Giê Su Ki Tô Hôm Qua, Hôm Nay và Mãi Mãi ).

          Với một thứ Nước Trời…Tục Hóa như thế thì đức tin chỉ là vô nghĩa và khi con người đã không còn đức tin  thì đời sống của họ sẽ không còn có  nơi nương tựa để cho ma quỷ mặc sức lôi kéo vào các con đường xấu ác ( Ác Đạo ) mà không biết.

          Để biết  ma quỷ ở đâu ra trong khi không còn lòng tin vào Chúa. Chúng ta hãy nghe tiếp… Dụ Ngôn Cỏ Lùng: “ Nước Trời giống như người kia gieo  hạt giống tốt trong ruộng mình. Khi người ấy ngủ thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào ruộng lúa rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông thì cỏ lùng  cũng xuất hiện. Đầy tớ mới thưa cùng chủ mình rằng: Thưa ông, không phải ông đã gieo lúa trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy ? Ông đáp, kẻ thù của ta đã làm đó ! Đầy tớ nói: Vậy ông có muốn chúng tôi nhổ hết đi không ? Đừng ! Sợ rằng khi nhổ cỏ lùng các anh lại nhổ lầm cả lúa, cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi. Còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” ( Mt 13, 24 -30 ).

          Qua Dụ Ngôn này cho thấy, người gieo giống tốt là Chúa Giê Su Ki Tô, Ngài đến để rao giảng Tin Mừng Nước Trời cùng với việc làm hầu đạt đến Thực Tại Mầu Nhiệm ấy: “ Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết. Rồi từ đó Tin Mừng Nước Trời được rao giảng ra. Ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).

          Chúa nói…phải nỗ lực mà vào thì “Vào” ở đây chỉ có thể là  thể nhập vào trong Tâm mình. Tuy nhiên để có thể thực hiện việc thể nhập ấy thì không có cách nào khác ngoài việc Bỏ Mình: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, hàng ngày vác thập giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Thập giá cũng gọi là khổ giá. Vác thập giá mình tức vì Chúa, vui lòng chịu đựng những  khổ đau không thể không có trong cuộc đời này. Có tin Chúa mới có thể theo Chúa bởi vì theo Chúa thì phải vác thập giá như Chúa. Điều ấy thế gian không thể bởi nó đã đụng chạm đến bản ngã thâm sâu của con người. Bản Ngã ấy đã hình thành ngay khi nguyên tổ cố tình…ăn Trái Cấm: Đức Chúa Giehova phán với con rắn: “ Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Còn cây biết phân biệt điều thiện, điều ác thì chớ hề ăn đến. Bởi một mai ăn  vào  chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).

          Đức Chúa đã phán rõ ràng như thế nhưng nguyên tổ vẫn…cứ ăn để rồi  bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng và sẽ mãi mãi trôi lăn trong kiếp sinh tử, tử sinh nếu không có lời hứa cho trở về với điều kiện  phải trải qua một cuộc chiến cam go với Sa Tan dưới quyền lãnh đạo tối cao của Người Nữ Maria: Đức Chúa phán với con rắn: “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ nghịch thù nhau. Dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày, còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).

          Trong Dụ Ngôn, Chúa nói kẻ thù đã gieo hạt giống cỏ lùng vào ruộng và kẻ thù ấy chính là Sa Tan, nó đã thành công trong việc…gieo cho nguyên tổ cái nhân ( Hạt ) rất xấu là sự phân biệt thiện ác. Lý do phân biệt thiện ác là xấu, ác bởi vì chính từ đó mà đã hình thành nên bản ngã con người luôn luôn thấy có một Cái Ta cao quý, đáng tôn trọng hơn mọi Cái Ta khác !

          Sau khi Sa Tan tức kẻ thù  đã gieo cỏ lùng vào  Ruộng Tâm con người thì nó…bỏ đi có nghĩa con người hầu như đã hoàn toàn quên đi sự  có mặt của nó trong cuộc sống đời này. Thật vậy, sự quỷ quyệt nhất của Sa Tan đã gây được ở nơi con người đó là nó hoàn toàn không có  mặt ???

          Chúa nói trong Dụ Ngôn là đang  khi ông chủ ngủ thì  thì kẻ thù đến gieo  hạt cỏ lùng. Ngủ quên đó là vô minh. Khi con người sống trong vòng trói buộc của vô minh thì không bao giờ có thể  nhận ra sự thật để rồi cứ để cho Sa Tan,

 cái tên lừa dối ấy dẫn dắt đến cái chết đời đời là Hỏa Ngục mà không hề hay biết.

          Chúa Giê Su có lần đã vạch mặt chỉ tên Satan, đứa quỷ quyệt. Ngài nói với người Do Thái: “ Các ngươi ra từ cha các ngươi  là ma quỷ và các ngươi muốn làm theo tư dục  của cha các ngươi. Từ ban đầu nó là kẻ giết người, không đứng trong lẽ thật  vì trong nó không có lẽ thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói vì nó vốn là kẻ nói dối cũng là cha của sự ấy” ( Ga 8, 44 ).

          Sự nói dối đáng sợ  nhưng cũng vô cùng tinh vi của Sa Tan  đã được thể hiện nơi tính duy lý của con người. Có thể nói, cái tính chất duy lý ấy đã làm phát sinh ra cái gọi là Triết Học Ánh Sáng tại Đức vào thế kỷ 18 và để hiện thực triết học này là Nhóm Bách Khoa ( Encyclopediste ) gồm các triết gia hàng đầu của Pháp như Diderot, Monstesquieu, Voltaire, Buffon, Holbach v.v…

          Đối tượng đánh phá của nhóm này chính là Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và trong cách mạng 1789, người ta đã triệt hạ các thánh đường , chiếm lĩnh  Vương Cung Thánh Đường Notre Dame  de Paris, đổi tên thành đền thờ Thần Lý Trí !!!

          Từ não trạng Duy Lý ấy  đã phát sinh giáo phái Tin Lành và điều ấy cũng không lạ gì khi các nhà thần học của họ như Paul Tillich, Harvey Cox, Vahanian v.v…đã nêu cao chủ trương Tục Hóa khiến ảnh hưởng đến giáo hội Công giáo hiện nay cách nghiêm trọng.

          Cuộc chiến của Người Nữ Maria  với Sa Tan dường như đã bước vào giai đoạn cuối cùng với những lần hiện ra liên tiếp của Ngài trong hai thế kỷ gần đây tại Lộ Đức, Phatima, Akita ( Nhật Bản ) Na Du ( Hàn Quốc ) Mễ Du ( Nam Tư ) với nước mắt pha máu đã nói lên tính chất vô cùng khẩn trương trong thời cuối  Ơn Cứu Độ.

          Trong tất cả những lần hiện ra của Đức Mẹ, Ngài đều nài xin con cái tức dòng dõi Người Nữ hãy sám hối và cầu nguyện bằng Chuỗi Mân Côi bởi đó là vũ khí đối trị tuyệt vời  của Duy Lý hầu tránh án phạt nặng nề của Thiên Chúa. Án phạt ấy dành cho Ngày Tận Thế, Chúa Giê Su trong Dụ Ngôn Cỏ Lùng gọi là… Mùa Gặt.

          Trong Mùa Gặt ấy, các thiên sứ  sẽ gom hết cỏ lùng tức con cái ma quỷ, bó lại từng bó mà đốt đi trong lửa Hỏa Ngục. Còn lúa tức dòng dõi Đức Maria thì cho vào kho lẫm là Nước Thiên Đàng, hưởng  vinh phúc  đời đời./.

Phùng  Văn  Hóa

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts