Về lời tuyên xưng của Thánh Phêrô

          Chúa Giê Su hỏi các Tông Đồ: “ Người ta nói Con  Người là ai ? Họ thưa: “ Người thì nói là Jean Baptite, kẻ khác lại nói  Gieremia hay một tiên tri nào đó. Ngài hỏi tiếp: Còn các ngươi thì nói Ta là ai ?. Simon Phê Rô thưa rằng: Ngài là Đấng Ki Tô, Con ĐCT Hằng Sống. Chúa Giê Su  phán cùng người rằng: Simon con Giona, ngươi có phước đó vì chẳng phải thịt và huyết  bày tỏ điều ấy cho ngươi đâu bèn là Cha Ta ở trên trời vậy” ( Mt 16, 13 -17 ).

          Người đời vì không nhận biết thế nên đã đánh giá không đúng  về Chúa Giê Su, bởi vậy Ngài mới gặng hỏi các Tông Đồ: “ Còn các ngươi thì nói Ta là ai ?”

          Như một trực giác, thánh Phê Rô đã mau mắn trả lời đúng như Ý Chúa và được Ngài khen ngợi đồng thời hứa  trao cho cai quản Hội Thánh với năng quyền tuyệt đối: “ Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Sự gì ngươi cầm buộc dưới  đất thì trên trời cũng cầm buộc. Sự gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 19 ).

          Ấy vậy mà liền sau đó khi nghe Chúa nói Ngài  cần phải lên Giêrusalem chịu khổ nhiều nỗi với các trưởng lão thì Phê Rô  đã lên tiếng can ngăn và bị Chúa quở trách nặng nề: “ Sa Tan, hãy lui ra đằng sau Ta. Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta vì tâm ý ngươi chẳng chăm việc ĐCT. Song chỉ chăm về việc loài người” ( Mt 16, 23 ).

          Vừa được Chúa khen vì đã trả lời  đúng Ý Chúa thì nay lại bị Chúa quở trách vì chỉ…chăm việc loài người có nghĩa  đã chẳng hiểu biết chi về sứ mạng của Đức Ki Tô khi đến cõi thế này.

          Không những Phê Rô lầm mà các Tông Đồ khác cũng vậy: “ Khi đến Cabenaum, khi đã vào nhà rồi thì Ngài hỏi họ rằng: Lúc đi đường các ngươi đã bàn tán chi với nhau ? Nhưng họ đều làm thinh vì dọc đường họ đã tranh luận với nhau ai là lớn hơn ? Ngài bèn ngồi kêu mười hai Tông Đồ lại mà phán:  Nếu ai muốn làm đầu thì phải làm rốt hết và làm tôi tớ cho mọi người” ( Mc 9, 33 -35 ).

          Muốn làm lớn thì phải làm tôi tớ cho mọi người. Điều này thật khó hiểu và sự khó hiểu ấy  các Tông Đồ vẫn chưa thể…thông ngay cả khi Chúa đã sắp sửa về trời. Sao có thể nói thế ? Bởi vì trong tâm trí, họ vẫn đinh ninh Chúa là Đấng Messia đến để giải thoát dân Do Thái: “ Khi đã nhóm lại họ hỏi Ngài rằng: Thưa Chúa có phải đây là lúc Ngài khôi phục nước Itsraen chăng ? ( Cv 1, 6 ).

          Sự lầm tưởng về Đức Ki Tô chỉ thực sự chấm dứt với các Tông Đồ khi Chúa Thánh Thần đến với họ: “ Vào  ngày Lễ Ngũ Tuần, tất cả các Tông Đồ  đã nhóm lại một chỗ. Thình lình có tiếng từ trời đến như gió lốc thổi ào ào  đầy cả nhà họ ngồi.  Lại có lưỡi như lửa hiện  đến chia ra đậu trên mỗi người trong họ.  Hết thảy đều được  đầy dẫy Thánh linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác theo như Thánh Linh cho họ nói” ( Cv 2, 1 -4 ).

          Được đầy Ơn Thánh Linh, kể từ đó các Tông Đồ mạnh dạn  rao giảng cho Dân Chúa về niềm tin Chúa Giê Su chính là Đấng Ki Tô: “ Vậy các Tông  Đồ ra khỏi Công Hội  đều lấy làm vui mừng  vì mình được kể là xứng đáng chịu nhục vì Danh Giê Su. Mỗi ngày tại đền thờ hoặc ở trong các nhà, họ không ngớt dạy và giảng Giê Su là Đấng Ki Tô” ( Cv 5, 41 -42 ).

          Đấng Ki Tô mà các Tông Đồ giảng dạy hoàn toàn không giống như quan niệm Messia của người Do Thái. Đối với dân Do Thái thì Đấng messia là một thứ thần linh oai dũng xuất hiện để đánh đuổi quân xâm lược  hầu đem lại vinh quang cho đất nước họ.  Đang khi đó, các Tông Đồ trưng dẫn Kinh Thánh, rao giảng  về một Đức Ki Tô chịu chết và sống lại để trở nên nguồn Ơn Cứu Độ cho muôn dân, muôn nước: “ Vậy vì người ( Vua Đa Vit ) là tiên tri và biết ĐCT đã  thề hứa với mình rằng sẽ dấy lên một Đấng trong dòng dõi mình để ngự trên ngôi mình nên người đã thấy trước điều này mà nói về sự sống lại của Đấng Ki Tô rằng: Ngài chẳng bị bỏ lại trong Âm Phủ, xác thịt Ngài cũng  chẳng thấy sự hư nát. Giê Su này, ĐCT  đã khiến được sống lại và chúng tôi thảy đều là chứng nhân về sự đó” ( Cv 2, 30 -32 ).

          Tuyên xưng Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô, nhất thiết cần  đi đôi với việc làm chứng cho Ngài, thế nhưng việc làm chứng ấy không thể không đưa đến cái chết. Tại sao ? Bởi vì  Chúa đến để rao giảng Sự Thật, mọi người được sinh ra  đều là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ) nhưng thế gian vì u mê  không thể chấp nhận và vì thế mà đã giết Chúa như một tên tội phạm.

          Đạo Chúa là đạo của những chứng nhân khởi  từ việc tuyên xưng Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô để rồi đã có biết bao con người  sẵn sàng chịu chết cho đức tin ấy: “ Những người đó bởi đức tin đã chế phục các nước, thi hành sự công chính được lời hứa, bịt mồm sư tử, dập tắt mãnh lực của lửa hừng, thoát khỏi lưỡi gươm, yếu  đuối mà lại được mạnh mẽ. Trong cuộc chiến tranh càng tỏ ra dũng mãnh, đánh tan đạo quân dị bang. Có đàn bà được người chết của mình sống lại. Có kẻ khác lại bị thử thách như bị chế diễu, đòn vọt, xiềng xích và lao tù nữa. Họ bị ném đá, cưa xẻ, cám dỗ, chem. Giết, mặc áo da chiên da dê, lưu lạc, bơ vơ, chịu túng ngặt hoạn nạn, ngược đãi, phiêu lưu trong đồng vắng, trong hầm tối dưới lòng đất vì thế gian không xứng đáng cho họ” ( Dt 11, 33 -38 ).

          Thế gian không xứng đáng bởi vì đó là chốn giả tạm, dẫy đầy  khổ đau. Tuyên xưng Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô mục đích là để cho ta  có được niềm hy vọng hầu thoát ra khỏi chốn  lưu đày này: “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng. Nhưng sự hy vọng đã thấy được  thì chẳng phải là hy vọng vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư  ? Song nếu chúng ta hy vọng điều  mình chưa thấy thì mới nhẫn nại mà  đợi trông” ( Rm 8, 24 -25 ).

          Có cho thế gian là chốn lưu đày thì người có đạo mới mong được giải thoát, ngược lại thì không. Trong cái  Thời Tục Hóa này, một khi  đã Giải Thiêng  thì đâu còn niềm hy vọng nào nữa và như thế  Lời Tuyên Xưng Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô  đâu còn ý nghĩa gì ?: “ Nếu chúng ta chỉ có hy vọng trong Đức Ki Tô ở đời sống này mà thôi thì trong tất cả mọi người chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết” ( 1C 15, 19 ).

          Hơn bao giờ hết, người Công Giáo chúng ta đang bị thù ghét, bách hại và sự bách hại ấy diễn ra dưới mọi hình thức từ thô sơ cho đến tinh vi xảo quyệt: “ Shaun King, nhà tranh đấu cho phong trào đòi quyền sống cho người da đen ( BLM ) kêu gọi dẹp bỏ tất cả các tượng Chúa Giê Su, Mẹ Maria, các Thánh với lý do  vì hắn cho các tượng đó  nói lên quyền lực tối thượng của người da trắng ( Nguồn Conggiao. Info – 23/6/2020 – Thanh Quảng – Một thế giới loạn: Đòi dẹp bỏ tất cả tượng Chúa, Mẹ và các Thánh ).

          Sự bách hại nếu chỉ diễn ra  ở cái phần hình tướng như thế  thì kể ra cũng chẳng có gì đáng sợ. Cái đáng sợ nhất  đó là  do nạn Tục Hóa  khiến cho người tuy gọi là….có đạo  nhưng đã không còn đức tin vào Chúa Giê Su, Đấng Cứu Độ. Một khi  không còn đức tin như thế thì con người sẽ không  thể…nại đến Lòng Thương Xót Chúa  hầu được cứu.

          Chúa nói với  Thánh Nữ Faustina: “ Linh hồn nào kêu nài đến Lòng Thương Xót của Cha đều làm Cha  sướng vui. Với những linh hồn ấy Cha sẽ rộng ban nhiều Ơn Thánh cho họ hơn họ kêu xin. Cha không thể trừng phạt ngay cả một tội nhân khốn nạn nhất nếu họ biết kêu xin Lòng Thương Xót Cha. Ngược lại Cha sẽ Thánh hóa họ nơi Lòng Thương Xót vô cùng và khôn sánh của Cha. Con hãy viết rằng: Trước khi Cha đến như Thẩm Phán Chí Công, tiên vàn Cha sẽ mở rộng cánh cửa Xót Thương của Cha. Ai khước từ không bước qua cánh cửa Xót Thương sẽ phải bước qua cánh cửa Công Bình của Cha” ( NK Tông Đồ LTX 1146 )

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts