Trong cuộc tọa đàm do báo La Croix (Pháp) tổ chức tại Roma ngày 24 – ó -2008 thảo luận chủ đề “ Tương lai nào cho Kito giáo Phương Tây ?”(xem Ns Cg &Dt số 161 tháng 5/2008) Đgm Bruno Forte , nhà thần học người Ý đã nêu ra hai lối nhìn bi quan . Một, nếu đồng hóa với nền văn minh Tây phương thì giáo hội thế nào cũng sẽ bị lụi tàn bởi lẽ rằng “..trong cái hiện đại của Phương Tây đã tiềm ẩn những khuynh hướng hủy diệt và tiến trình hoạt động của nó mang dấu ấn của một sự tất yếu và hai nếu chỉ có liên hệ với nó giống như người ở cùng trên một con tàu thì kết cục khi tàu chìm ắt hẳn cũng sẽ bị chìm theo, dù lụi tàn hay chết chìm thì cũng vậy thôi có gì khác đâu ?”
Thật ra chẳng phải cho tới cuộc tọa đàm này người ta mới suy đoán này nọ về cái chết của Kito giáo. Có người chất vấn.. “ Giáo hội có thể là một tượng đài lịch sử ? Emil Poulat trả lời: Người ta có thể nói đó là một tượng đài lịch sử bị đe dọa. Tôi nhớ đến một câu nói của Cyrano “ Bao giờ người ta đi tham quan nó ?” (Ns Cg&Dt số 0 tháng 12/1994).
Câu nói này hàm ý một sự thù ghét chua cay đối với Kito giáo. Nhưng dầu sao nó cũng phản ảnh cho thấy giáo hội hiện đang trải qua một cơn khủng khoảng quá ư nghiêm trọng đó là nạn tục hóa. Tục hóa nói cách dễ hiểu là người ta không còn tin rằng ngoài cõi sống này lại còn có một cõi sống nào khác nữa và như thế đương nhiên cũng chẳng làm gì còn có Thiên Đàng, có Hỏa ngục ? Đúc cố hồng y F.X Nguyễn văn Thuận nói giáo hội hiện đang phải đối mặt với năm thách đố mà thách đố hàng đầu nguy hại nhất đó là lối sống vô thần thực tế .
Trong xã hội ngày nay người ta sống như là không có Thiên Chúa hay nói một cách khác con người thời đại hoàn toàn dửng dưng với với tôn giáo. Điều này xét ra còn nguy hại hơn cả thù ghét, bởi ghét tức còn quan tâm. Cũng trong bài nói chuyện đó( Sống hăng say ơn gọi tận hiến) đức hồng y sau khi phân tích vấn đề đã nói đang có hiện tượng gọi là “ Trở về với cái thiêng liêng”( retour à essentiel) nhất là trong giới trẻ trí thức . Quả thực đúng là con người ngày nay khi phải giáp mặt với biết bao nhiêu là khốn quẫn cả về vật chất lẫn tinh thần cũng rất muốn quay về với cái thiêng liêng hiểu như là một đời sống tâm linh đích thực, nhưng phỏng chừng có được chăng ? Xin thưa rằng cũng có thể, tuy nhiên với một điều kiện đó là phải làm sao để con người tin rằng còn có đời sau, có Thiên Đàng , có Hỏa ngục và theo ngôn ngữ triết học thì đó là còn có cõi “ VỀ”.
Ngày nay nạn tục hóa không chỉ xảy đến cho Kito giáo nhưng còn cho cả Phật giáo. Với Kito giáo người ta chủ trương xây dựng Nước Trời trần gian. Còn Phật giáo cũng chẳng khác gì cũng là nhân gian Tịnh độ. Có vị thiền sư danh tiếng như cồn đã lớn tiếng trách cứ những người tu Tịnh độ mong mỏi cầu sanh Cực lạc thế này “ Khi nhà nước ta vận động toàn dân xây dựng đất nước giàu mạnh mà người tu Phật chúng ta chán ngán cõi này là đau khổ thì còn tinh thần đâu xây dựng đất nước? ( xem HT T. T. Từ – Ba vấn đề trọng đại trong đời tu của tôi) Một vị khác xem ra có vẻ … tinh tế bí hiểm hơn nhưng đại thể cũng chẳng hề muốn về Cực lạc chút nào “ Nếu tôi ngần ngại không muốn về cõi Cực lạc không chỉ vì bên cõi ấy thiếu cây khế, cây chanh mà cũng vì bên ấy thiếu sự có mặt của khổ đau” ( xem Nhất Hạnh Thiền hành yếu chỉ)
Đạo Chúa hay đạo Phật cứu cánh của nó đều nhắm đến mục đích giải thoát tức thoát khỏi khổ đau mà lại bảo rằng mình không muốn về Cực Lạc bởi nơi đó không có khổ thì thật chẳng biết nói sao? Muốn ở lại để xây dựng cõi trần ác thế này thành ra một thứ Nước Trời, một thứ Tịnh Độ dù là với kiểu luận lý thần học cao siêu nào đi nữa thì đó cũng chỉ là sự chối bỏ công ơn , bản hoài của Chúa, của Phật muốn cứu vớt chúng sinh ra khỏi chốn gian trần khổ ải này thôi.
Những lập luận tưởng chừng cao vời ấy trong thực chất không hơn không kém đó chỉ là viễn mơ không tưởng. Thử hỏi có ý hệ nào lại không là ảo tưởng dù nó có tồn tại hàng trăm năm, nào những Pax Romana, Pax China, Sionisme, chủ nghĩa đại đồng nay có còn gì chăng ? Với câu hỏi “ Tương lai nào cho Kito giáo phương Tây cùng với hướng giải quyết cho nó, một lần nữa cho thấy con người không bao giờ có thể thoát khỏi ảo tưởng. Chẳng hạn khi nói tới vai trò của giáo hội trong thế giới hôm nay, người ta đưa ra khẳng định “ giáo hội trở nên hiện thực hơn bao giờ hết, nó có khả năng làm cho tiến trình toàn cầu hóa có thể đạt tới viên mãn toàn diện nhờ niềm tin vào sự viên mãn của Đức Kito”(sic).
Giáo hội , Thân Thể mầu nhiệm với Đức Kito là đầu, các Kito hữu là chi thể hoàn toàn không hề dính dáng gì tới cái gọi là toàn cầu hóa ấy đâu bởi đơn thuần họ là những con cái của Lời Hứa và lời hứa ấy cũng là một với lời hứa đã ban cho tổ phụ Abraham . Đức Giehova phán cùng Abraham rằng “ Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến Xứ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân tộc lớn. Ta sẽ ban cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ trở thành một dân tộc lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi và ngươi sẽ trở thành nguồn phước đức” ( Stk 12, 1-3.)
Xứ mà Giehova Thiên Chúa hứa ban cho tổ phụ chính là Đất Hứa Canaan,tuy nhiên có hai cách hiểu, một theo nghĩa đen, môt theo nghĩa bóng( huyền nghĩa) về Đất Hứa. Với nghĩa đen thì Đất Hứa đó chính là Canaan miền đất đã được hứa ban cho tổ phụ “ Ta sẽ cho ngươi và dòng dõi ngươi xứ mà ngươi đang kiều ngụ tức toàn xứ Canaan làm cơ nghiệp đời đời”( Stk 17, 8).
Người Do thái xưa nay vẫn đinh ninh cho rằng đất Canaan vùng Trung đông ấy là… Đất mà Chúa đã hứa ban cho họ , điều ấy đã đành. Nhưng nếu chúng ta, những người chẳng phải dân Do thái mà cũng cho rằng như thế thì thật sự Đất Hứa với chúng ta chẳng chút liên hệ. Đây là một cái nhìn sai lầm khiến cho giữa Kinh Thánh Cựu ước và Tân Ước tách rời thành hai phần riêng rẽ chẳng liên hệ gì với nhau, đồng thời Thiên Chúa của Do thái giáo chẳng phải Thiên Chúa của Thiên Chúa giáo( Công giáo, Tin lành Chính thống ,và Hồi giáo ..”
Nếu Đất Hứa không phải là đất Canaan thì đất ấy có thể ở đâu? Đối với những người theo đạo Tin lành thì Đất Hứa ấy chính là…nước Mỹ “ Năm 1630 khi John Winthrop và các bạn bè theo phái Thanh giáo của ông lênh đênh giữa biển Đại Tây dương trên chiếc tàu Arbella để đến châu Mỹ họ không hề nghĩ mình là những người tị nạn tuyệt vọng chạy trốn nước Anh loạn lạc mà tự coi là một dân tộc được tuyển chọn đang trên đường đến Đất Hứa để xây dựng một thành Thánh Gierusalem mới…một thành phố trên đồi theo lệnh truyền của Chúa( tb Cg&Dt số 996 ngày 19/2/1995) Với người Tin lành thì nước Mỹ là Đất Hứa còn với Thần học tục hóa thì đó chính là Nước Trời trần gian. Nước Trời này cố nhiên không phải là Nước Trời mà Đúc Kito rao giảng. Do đó để xây dựng Nước Trời ở nơi cõi thế này, một mục sư Tin lành là Dietrich Bonhoeffer đã đề nghị “ Chúng ta cần đặt trọng tâm vào Thiên Chúa đau khổ và Tin mừng của Kito giáo không tôn giáo(Christianisme non religieux) Ns Cg&Dt số 161 tháng 5/2008.
Kito giáo không tôn giáo, đây đích thị là thứ tôn giáo của thời tục hóa. Với thứ tôn giáo này thì quả thực đức tin Công giáo đã hoàn toàn triệt tiêu lý do là vì với một một Thiên Chúa chết thì đức tin đâu còn nghĩa lý gì nữa “ Cái chết của Thiên Chúa hãy dành cho Nietzhe hình ảnh ấn tượng này, Tôi thích nói rằng chúng ta nhất là các nước gọi là phát triển của chúng ta( Tây phương) đã bước từ một thế giới đầy Thiên Chúa qua một thế giới ra khỏi Thiên Chúa. Trước đây Thiên Chúa có một vị trí quan trọng trong đời sống thường nhật. Còn nay thì trong các nước của chúng ta không còn như thế nữa( Ns Cg&Dt số 0 tháng 12/1994)
“Tây phương không còn như thế nữa” tức có nghĩa không còn tin Thiên Chúa hằng sống. Không tin có Thiên Chúa thì tất nhiên cũng chẳng làm gì còn có Đức Kito Đấng Thiên sai đến từ Thiên Chúa “ Ta chẳng tự mình mà đến , nhưng Đấng đã sai Ta là thật, Đấng ấy các ngươi không biết còn Ta thì biết Ngài vì Ta từ Ngài mà ra và Ngài đã sai Ta đến ( Ga 7, 28- 29).. Không tin Đưc Kito như đích thực Ngài… là , vì thế chúng ta cũng chẳng lạ gì cái việc họ đã phủ nhận Tin Mừng của Ngài để dựng đứng lên một quái thai gọi là Tin mừng Kito giáo không tôn giáo. Tin mừng, nghĩa sâu xa của nó phải là một cái Tin khiến cho kẻ nghe được Mừng được Vui. Sứ mạng của Đức Kito được sai đến chính là để rao giảng Tin Mừng Nước TC “ Ta cũng cần rao giảng Tin Mừng Nước TC cho các thành thị khác, vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 43.)
Sở dĩ cái TIN mà Đức Kito rao giảng lại có thể khiến cho kẻ nghe được MỪNG ấy là bởi Chúa nói Nước ấy chẳng có ở đâu xa mà từ muôn thuở đã hiện hữu ngay ở nơi mình “ Nước TC không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng không thể nói đây này hay đó kia vì này Nước Chúa ở trong các ngươi”( Lc 17, 20-21). Nước Thiên Chúa là Nước cực cao sang vinh hiển mà nay lại nghe nước ấy hiện hữu ở nơi tâm hồn mình ,thử hỏi không mừng không vui sao được ?
Việc này cũng giống như kẻ nghèo cực kia đang lúc lang thang xin ăn bỗng có người nói cho biết trong vườn nhà mình có chôn giấu cả một kho tàng chất đầy ngọc ngà châu báu thì chẳng mừng vui lắm sao ? Trong dụ ngôn “Người con hoang đàng trở về” chính là ám chỉ cho trường hợp này. Tuy nhiên như chúng ta đều biết người con ấy chỉ quyết tâm trở về khi nó đã quá đói khổ “ Rất mong được lấy vỏ đậu của heo mà thồn cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho”( Lc 15, 16).
Khổ, có lòng cầu mong cho hết khổ, đó là bước khởi đầu trên con đường giải thoát. Bằng như khổ mà chẳng biết rằng mình khổ thì đối với việc giải thoát cũng vô phần. Tại sao thế ? Bởi vì gốc của khổ là tham ái, hễ còn tham còn ái thì sẽ chẳng bao giờ thoát được khổ. Chính bởi tham ái là gốc của khổ thế nên Giehova TC mới truyền lệnh cho tổ phụ Abraham phải rời khỏi quê hương vòng bà con thân thuộc bạn bè để lên đường tìm về Đất Hứa. Là con người, ai lại chẳng có tình quyến luyến mẹ cha anh em làng nước nhưng tất cả những thứ đó lại là những sợi giây ràng buộc tuy vô hình nhưng rất ư bền chặt hòng cột trói ta quẩn quanh trong biển đời sinh tử , tử sinh.
Khổ và cầu mong cho hết khổ đó là lẽ thường của con người và đây cũng chính là đầu mối của mọi thứ tín ngưỡng tôn giáo. Thế nhưng do bởi vô minh che lấp nên những việc cầu khẩn vái van ấy nếu không vì sợ sệt thì cũng chỉ nhắm tới những lợi lộc nhỏ nhen phàm trần. Cầu như thế không thể đẹp lòng Thiên Chúa, bởi lẽ Đại Nguyện của Ngài là muốn đem lại hạnh phúc viên mãn cho toàn thể nhân loại và cho từng mỗi một con người.
Vì vậy mặc dầu Giehova TC có hứa cho vào XỨ mà Ngài sẽ chỉ cho nhưng mà XỨ ấy lại chẳng phải đất Canaan hoặc một xứ sở đất nước nào ở trên mặt đất này “ Tuy vậy Ngài chẳng ban cho người cơ nghiệp gì trong xứ sở này, dẫu một bàn chân cũng không. Nhưng Ngài vẫn giữ lời hứa ban XỨ này làm cơ nghiệp cho người và dòng dõi người nữa. ( Cv 7, 5 ). Mặt khác, Giehova Thiên Chúa hứa cho Abraham làm tổ phụ của nhiều dân tộc nhưng mãi cho đến lúc ông đã quá già mà vẫn chưa có lấy nổi một mụn con và rồi đến khi có con thì lại có lệnh phải đem đi giết. Cuộc thử thách cho Abraham càng gẫm suy càng thấy thật là ghê gớm.
Phải từ bỏ quê hương mẹ cha anh em để đi đến một Xứ sẽ được chỉ cho, ấy vậy mà khi tưởng chừng đã được thì hóa ra lại chẳng phải “ một chỗ đặt bàn chân cũng không”. Hứa cho làm cha của một dân tộc đông như sao trời cát biển , ấy vậy mà khi có con lại phải vâng lời đem đi giết. Tình cảnh này đối với người đời phải nói là tuyệt vô hy vọng ấy vậy mà Abraham vẫn tin, chính điều ấy đã khiến cho ông trở thành tổ phụ của những kẻ tin.
Chúng ta ngày nay về phần máu huyết dĩ nhiên không thuộc chủng tộc Do thái nhưng đích thực vẫn là con cái của tổ phụ. Bởi đâu lại như thế ? Xin thưa đó là do tính chất kết nối giữa Cựu Ước và Tân Ước đúng như Thánh Augustino đã nói “ Tân ước giấu ẩn trong Cựu Ước, Cựu ước tỏ lộ trong Tân Ước( Novum testamentum in vetere latet et in Novo vetus patet). Toàn bộ Kinh Thánh ví như dòng sông mà Cựu ước là thượng lưu còn Tân ước là hạ lưu. Thế nhưng làm gì có cái gọi là hạ lưu nếu chẳng có thượng lưu ? Ngược lại nếu không có hạ lưu thì làm sao gọi được là thượng lưu? Thượng và hạ chỉ là tên gọi của một dòng lưu chuyển mà Đức Kito là Đấng trung gian nối kết duy nhất. Chính Ngài đã làm cho Cựu ước được tỏ lộ “ Đức Kito đã đến làm Thầy tế lễ thượng phẩm của sự tốt đẹp hầu đến đã trải qua Nhà Trại lớn hơn và trọn vẹn hơn không phải bởi tay con người làm ra nghĩa là không thuộc cõi thọ tạo này. Ngài cũng chẳng dùng huyết của dê đực và bò con bèn là dùng chính huyết mình mà vào Nơi Chí Thánh một lần đủ cả, làm nên sự cứu chuộc đời đời” ( Dt, 9, 11- 12.)
Qua đây ta thấy Đất Hứa mà Thánh Phao lô gọi là Nhà Trại ấy không phải là đất Canaan hay bất cứ một thứ vương quốc nào ở trên cõi trần này, nhưng đó phải là Nước Trời mầu nhiệm không do con người tạo lập. Nước ấy cũng tức là Nước Thiên Đàng, là Nhà Cha mà Đức Kito đã chịu chết để cứu chuộc chúng ta “ Lòng các con đừng bối rối, đã tin vào Thiên Chúa thì cũng hãy tin vào Ta nữa. Trong Nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Bằng chẳng vậy Ta đã nói cho các con rồi. Ta đi để sắm sẵn cho các con một chỗ rồi Ta sẽ trở lại đón tiếp các con về với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các con cũng sẽ ở đó” ( Ga 14, 1-3). Lại nữa, Đất Hứa cũng là một với Nước Thiên Đàng mà Đức Kito khi còn bị treo trên cây thập giá đã hứa cho kẻ trộm lành.. “ Ngay hôm nay ngươi sẽ được ở cùng Ta trên Nước Thiên Đàng..”( Lc 23, 43).
Ta phải hiểu cách sao về trường hợp này, một kẻ gian ác bị kết án chết treo trên thập giá lại có thể được cứu vớt hứa cho vào Thiên Đàng ngay ngày hôm nay..? Vậy thử hỏi Thiên Đàng đó ở đâu, có thể nào là một Nước sẽ được dựng xây trong tương lai vô định nào đó trên trái đất này chăng? Mặt khác kẻ gian ác ấy chắc chắn là chẳng có một chút công lênh gì theo cái nghĩa “ dấn thân vì công lý hòa bình bảo vệ sinh thái toàn cầu” như hiện giờ người ta đang hô hào (xem Ns Cg&Dt số 161 tháng 5/2008 ). Mặc dầu tên trộm cướp ấy dưới mắt thế gian chẳng hề có chút công lênh gì , nhưng đối với Thiên Chúa lại có đấy và có rất nhiều là đàng khác, chẳng vậy thì làm gì có được phúc lớn vào thẳng Nước Thiên Đàng? Công lênh ấy chỉ là do y ta có đầy đủ cả ba nhân đức: TIN – CẬY – MẾN .
Trong giờ phút lâm chung, cái khoảnh khắc vô cùng nguy nan ấy tên trộm đã thốt lên được một lời vô cùng quý giá “ Giesu ôi, khi Ngài đến trong Nước của Ngài xin nhớ đến tôi cùng”( Lc 23, 42). Ở đây ta thấy tên trộm rất biết thân biết phận chẳng dám xin được cứu mà chỉ xin được NHỚ đến thôi. Cũng giống như dụ ngôn hai người cùng lên đền thờ cầu nguyện, chính sự nhận mình là kẻ không xứng đáng mà đã đánh động được lòng thương xót của Chúa ( Lc 18, 9-14) Có tin mới cầu và cầu với tất cả lòng cậy trong , đó là tất cả cốt lõi của Đạo Cứu rỗi. Đạo này xem ra chỉ biết cậy dựa vào tha lực và như thế bất cứ ai ai cũng có thể thực hành miễn sao có đủ lòng Tin , Cậy , Mến .
. I/- Đức tin.
Tin, cậy, mến có thể nói đó là ba trụ cột làm nên Đạo Thánh Chúa mà xưa nay chúng ta vẫn gọi là ba nhân đức đối thần. Tuy nhiên vấn đề sẽ trở nên rối rắm phức tạp khi chúng ta suy gẫm về cái chữ … “THẦN” này.Có rất nhiều khác biệt về chữ Thần , cùng là thần thoại nhưng thần của Hylạp (Zeus, Jupiter, Titan v.v…) thì khác với thần của Trung quốc ( Bàn cổ, Nữ Oa …) Lại nữa các loại thần của Ấn độ giáo thì không có một chút liên hệ gì với các loại thần sông, thần núi, mặt trời, rừng ,cây đa cây đề, thành hoàng ….của các dân tộc khác.Tính chất khác biệt về các loại thần như thế không những chỉ có ở những tín ngưỡng dân dã chưa khai phóng mà còn thấy cả ở triết học. Thần trong triết học Trung Quốc gọi là Thiên hoặc Trời, Thượng Đế còn trong Thiên Chúa giáo cũng là Thiên Chúa, Thượng Đế với ngụ ý có một Đấng tối tôn tối thượng ngự ở trên chốn cao xanh ?
Dẫu vậy đó chỉ là những cái… tên xuông, những khái niệm chết khô hoàn toàn không có thực chất. Nếu chỉ là những cái tên xuông thì chúng chẳng thể có chút quan hệ gì với tâm linh tôn giáo. Có ai lại đi cầu khẩn tin tưởng nơi những khái niệm ấy làm gì ? Không tin, không cầu tức có nghĩa chẳng có “ Thần” nào để mà đối. Lời gở lạ của Nietzhe: Phải giết Thượng đế thì con người (siêu nhân ) mới có cơ xuất hiện chẳng những chỉ gây ảnh hưởng nơi triết hiện sinh vô thần mà còn cả với thần học ngày nay về cái chết của Thiên Chúa( Theologie de la mort de Dieu ). Thiên Chúa một khi đã bị chính Thần học khai tử thì tôn giáo trước mắt người đời thử hỏi còn có giá trị gì nữa ? Dẫu vậy, thực tế cho thấy nó vẫn có đấy và sẽ còn có bao lâu con người còn khát vọng tìm về với Đấng chính là Sự Sống, Sụ Sáng bất diệt. Nhân vấn nạn về sự sống lại, Đức Kito cho ta thấy Ngài nói thế nào về Thiên Chúa hằng sống “ Còn về kẻ chết sống lại thì Maisen đã tỏ ra trong đoạn chép về bụi gai khi người gọi Chúa là ĐCT của Abraham, của Isaac của Giacop. Ấy Ngài chẳng phải ĐCT của kẻ chết đâu, bèn là của kẻ sống. Bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37-38).
Đức Chúa Trời không phải Chúa của kẻ chết nhưng của kẻ sống. Vậy kẻ sống đó là những ai ? Hãy nghe chính Đức Kito giải thích “ Con cái đời này cưới gả song những kẻ kể là đáng được đời kia và được từ kẻ chết sống lại thì không cưới gả. Bởi họ không thể chết nữa vì họ đồng đẳng với thiên sứ và là con cái của ĐCT tức là con của sự sống lại” ( Lc 20, 34-36).Sự giải thích của Đức Kito thật quá rõ ràng , kẻ sống là những kẻ đã sống lại thật về phần linh hồn tức nhận biết mình là Con Thiên Chúa chứ không phải con cái xác thịt cũng tức là con cái ma quỷ. Khi nghe người Do Thái nói chúng tôi là con cái Abraham, thì Chúa nói “ Nếu các ngươi quả là con cái Abraham thì chắc đã làm công việc của Abraham, nhưng nay các ngươi tìm cách giết Ta là người lấy lẽ thật đã nghe biết nơi ĐCT mà nói cho các ngươi, Abraham thì chẳng hề làm điều đó…Các ngươi ra từ cha các ngươi là ma quỷ” ( Ga 39, 44”).
Nếu thực là con cái Abraham thì phải làm công việc của Abraham , vậy công việc ấy là việc gì ? Việc ấy chính là tin vào Lời Hứa “ Bởi đức tin Abraham khi được gọi bèn vâng lời ra đi đến chỗ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp. Người ra đi mà không biết mình đi đâu, bởi đức tin người kiều ngụ trong Xứ đã hứa như là trong xứ lạ. Ở trong trại với Isaac và Giacop là kẻ đồng thừa thọ cùng một lời hứa với mình, vì người trông đợi một thành có nền tảng mà Đấng kiến trúc và tạo lập thành ấy là ĐCT” ( Dt 11, 8-10).
Đức tin tôn giáo( chánh tín ) không phải cái gì đó vu vơ hão huyền nhưng thật sự cũng không thể lấy lý trí mà hiểu được. Bởi đó, Kieckegard ( 1813- 1855) ông tổ của triết hiện sinh hữu thần mới nói “ Đức tin là một điều nghịch lý, vì đặt cá nhân lên trên luật thông thường” (la foi est ce paradoxe suivant laquel l’individu est audessus du generall). Đức tin trước hết là của mỗi cá nhân không thể có một thứ đức tin kiểu chung chung nào đó và thứ đến nó vượt trên cả luân lý. Điều luân lý không thể chấp nhận nhưng với đức tin lại là thiết yếu. Chẳng có luân lý nào lại thuận tình cho việc giết con nhưng Abraham đã làm điều đó để vâng lệnh truyền của Thiên Chúa. Ông giết đứa con thừa tự rất mực thương yêu của mình nhưng vẫn tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa cho mình làm tổ phụ nhiều dân tộc và vì điều ấy ông được kể là công chính” (Stk 15, 6).
Trường hợp giết con của Abraham có khác với nhiều người, chẳng hạn thần thoại Hy lạp còn ghi danh tướng Agamemnen đã hy sinh con mình là nàng Iphighenic để làm nguôi cơn giận của nữ thần Diane. Hoặc Kinh Thánh có ghi chuyện tướng Jepte đã giết đứa con gái mình vì không thể lỗi lòi khấn với thần minh rằng sẽ giết kẻ nào ông gặp trước hết trên đường chiến thắng trở về. Công việc tuy giống nhau nhưng động cơ thì khác biệt, một đàng vì danh dự không thể nuốt lời hứa, một đàng vì tin yêu Thiên Chúa. Nếu vì danh dự mình thì cái được của nó chỉ là chút hư danh bèo bọt, trái lại vì tin yêu thì sẽ được Thiên Chúa trả lại chính cái bản tính mà mình đã đánh mất từ thuở đời đời “ Bởi đó Ngài đã ban cho chúng ta Lời Hứa rất quý báu hầu cho nhờ đó anh em được dự phần Thần Tánh vì đã thoát khỏi sự hư nát của thế gian do tư dục mà ra” ( 2P 1, 4 ).
II/- ĐỨC CẬY
Đức tin luôn phải gắn với đức cậy, lý do bởi vì tin ở đây có nghĩa là tin vào một lời hứa dù là của Thiên Chúa đi nữa thì đó cũng chỉ là cái điều chưa có, chưa thành tựu “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng, nhưng sự hy vọng đã thấy được được thì chẳng phải là hy vọng nữa; vì ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông”( Rm 8, 24-25). Vì chưa thấy mới cần phải tin, còn nếu đã thấy thì tin hay không đâu thành vấn đề. Nước Trời chính là cái chưa thấy, do đó khi Đức Kito rao giảng Nước Trời thì Ngài đòi buộc kẻ nghe phải có hai điều, đó là sám hối và lòng tin “ Thời đã mãn, Nước ĐCT đã gần đến, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”( Mc 1, 15).
Sở dĩ cần sám hối và lòng tin bởi vì Nước Trời mà Đức Kito rao giảng là một nước chưa thấy. Bởi chưa thấy nên cần phải tin nhưng tin thôi thì cũng chưa đủ mà cần phải sám hối lý do là vì Nước Trời là nước nội tại mầu nhiệm. Nước ấy như viên ngọc quý chìm lấp dưới đáy ao. Sám hối tội mình giống như làm lắng trong nước khiến ngọc được tìm thấy. Con người sống là sống bằng , sống với giác quan. Do đó nó chỉ có thể cảm nhận và hiểu biết những gì thuộc hiện tượng giới. Chúa nói Nước Ta chẳng thuộc thế gian này(Ga 18, 36)có nghĩa nó không nằm trong hiện tượng giới, vì vậy nên con người không thể thấy. Toàn bộ những gì giác quan có thể cảm nhận hoặc hiểu biết được đều giả hợp, có đấy mà liền không đấy, ngay cả đến thân mạng mình cũng vậy “ Chẳng qua chỉ như một chút hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan mất”( Gc 4, 14).
Mọi sự mọi vật ở thế gian này đều là giả có, thế nhưng vì mê lầm nên con người không ai lại không cho nó là thật. Do nơi chấp thân là thật nên ta hết lòng yêu vì nó, lo lắng cho nó từng chút một, hơi ốm hơi đau một chút là lo sốt vó. Trong tất cả những nỗi lo lắng sợ sệt ấy thì cái chết là nỗi lo kinh hoàng nhất, mặc dù chẳng ai có chút kinh nghiệm gì về nó. Mặt khác cũng bởi chấp tâm là thật nên ai cũng chỉ theo ý riêng mình, cho mình là rốn của vũ trụ. Sợ ốm đau nhưng vẫn cứ đau ốm, bệnh này chưa hết lại tới bệnh khác. Sợ chết nhưng rồi vẫn cứ lăn ra chết, bạo chúa Tần thủy Hoàng kia uy quyền lừng lẫy mà cũng chẳng có thuốc trường sinh nào cứu nổi! Tín hữu chúng ta cũng là những con người phải chịu những nỗi đớn đau khổ sở ấy, tuy nhiên chúng ta khác với người đời ở chỗ là còn có lòng hy vọng cậy trông vào Chúa, vào sự sống đời sau vô cùng “ Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dẫu người bề ngoài ngày càng hư nát còn người bề trong ngày càng đổi mới, vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm thời của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời vô lượng vô biên. Bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, vì những sự thấy được chỉ là giả tạm mà sự không thấy được mới là đời đời”( 2c 4, 16-17)
Thế gian tìm(chăm) sự thấy được để rồi gánh lấy hậu quả là đắng cay tủi nhục. Còn Kito hữu chúng ta tìm “ sự không thấy” để được nên cao trọng vinh hiển đời đời Dẫu vậy, tìm sự “không thấy” là việc hết sức khó khăn “ rất ít kẻ tìm được”( Mt 7, 14 ). Người đời để có được địa vị vinh hoa phú quý cũng chẳng phải là dễ, thế nhưng nếu so với việc thực hành tâm linh tức “ chăm sự không thấy” thì phải dám bỏ mình ( cái tôi) đi. Muốn bỏ được cái tôi thì phải thắng được mình mà một khi đã thắng được mình thì còn hơn thắng cả vạn quân. Có những người được đời xưng tụng là vĩ nhân nhưng vẫn chẳng thắng được mình. Một Jean Jacque Rousseau( 1712 – 1778) được tuyên dương là nhà đại giáo dục nhưng đã đem bỏ hết con cái vào cô nhi viện. Một Francis Bacon( 1561- 1626) nhà triết học có những tư tưởng cao siêu nhưng trong thực tế lại sống như một gã đê tiện v.v và v.v. Lý do thắng mình khó như thế bởi lẽ để thắng được mình thì cần phải vượt qua hai trở lực, một là những dục vọng ở nơi mình và hai là những kiến thức lầm lạc , càng thông minh, bác học bao nhiêu thì lại càng xa rời chân lý bấy nhiêu. Có nhận ra như thế mới hiểu được Lời Chúa “ Hễ ai chẳng nên như con trẻ thì chẳng được vào Nước Trời” ( Lc 18, 17).
Có biết bao nhiêu người xem ra có vẻ đạo đức thánh thiện nhưng trước mặt Chúa chỉ là những kẻ tội đồ bởi họ chỉ theo ý riêng mình. Con đường đến với những “sự không thấy” chẳng những chỉ khó mà còn không thể đối với những ai chỉ biết cậy dựa vào sự khôn ngoan thế gian, triết học này nọ. Nhưng đối với những kẻ không dám cậy mình mà chỉ biết hết lòng trông cậy vào lượng nhân từ vô lượng vô biên của Chúa thì khó lại trở thành dễ lý do bởi vì khi ấy “ sự không thấy” tức Thần Tánh, tức Nước Trời mầu nhiệm lại đã trở thành “ sự thấy được” tức Đất Hứa, tức Cõi Thiên Đàng cực vui cực lành. Tựu chung tất cả chỉ là lòng Chúa xót thương “ Ngài muốn thương xót ai thì thương xót và muốn làm cứng cỏi ai thì làm”( Rm 9, 18).
III/- ĐỨC MẾN
Nếu đức tin luôn phải gắn với đức cậy thì đức tin ấy lại chỉ có thể duy trì và trưởng thành trong đức mến (Gal 5, 6.) .Không có đức mến làm nền thì đức tin ấy cũng hóa ra vô ích “ Dẫu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ nhưng không có tình thương yêu thì tôi trở nên như đồng la kêu lên chập chõa vang tiếng. Dẫu tôi có được ơn nói tiên tri biết đủ các lẽ mầu nhiệm và mọi tri thức, dẫu tôi có đức tin đến nỗi dời núi được nhưng không có tình thương yêu thì tôi cũng chẳng ra gì. Dẫu tôi có đem cả của cải của tôi mà chẩn tế, lại bỏ thân chịu lửa đốt song không có tình yêu thương thì điều đó cũng chẳng ích gì cho tôi”( 1C 13, 1-3).Đức mến sở dĩ vô cùng quan hệ như thế bởi lẽ đó chính là Bản Thể( Subtance ) là Yếu tính( Essence) của Đạo như lời thánh Gioan “ Thiên Chúa là Tình Yêu”( 1Ga 40, 8.)
Thiên Chúa một khi đã là Bản Thể thì Bản Thể ấy có thể tồn tại ở đâu nếu chẳng phải là ở nơi tôi, nơi anh, nơi mỗi một người bất kể kẻ thiện, kẻ ác ? Thiên Chúa là Bản Thể Tình Yêu còn con người đã được tạo dựng nên giống “ Hình Ảnh Người” và như vậy Người là CHA chúng ta chứ còn gì nữa ? Thiên Chúa quả thực là Cha nhưng nào có ai biết và vì không biết thế nên con người chẳng những không nhận ra nhau là anh em mà còn coi nhau như những quân thù nghịch. Jean Paul Sartre ( 1905 – 1980 )nói “ Tha nhân là địa ngục cho tôi”.
Lý do khiến triết gia hiện sinh vô thần này có lời phát biểu quá ư nặng nề như thế bởi ông hoàn toàn phủ nhận con người không có bản tính. Nói một cách khác, con người phải tự tạo lấy bản tính cho mình. Quan điểm vô thể tính( Neantise) này của triết hiện sinh có thể nói nó chính là đề cương cho công cuộc xây đựng Nước Trời Tục Hóa. Thay vì phải tin cùng với lòng ăn năn sám hối để trở về với Nước Trời( Mc 1, 15 )cũng chính là Bản Thể mình thì người ta lại hô hào nhau xây dựng nó bằng cái gọi là “ lòng nhân” một trong năm đức ( nhân nghĩa lễ trí tín) của Khổng giáo.
Cổ xúy “ lòng nhân” để hòng xây dựng Nước Trời. Thực chất đây chỉ là hậu quả tất nhiên do bởi đã đánh mất ơn gọi của người tín hữu “ Chỉ có một Thân Thể( giáo Hội) một Thánh linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin môt phép rửa, một ĐCT là Cha mọi người, Ngài vượt trên mọi người và ở trong mọi người”( Eph 4, 4-6). Thiên Chúa là Cha, cũng có thể gọi là Thượng Đế vì Ngài vượt trên mọi người…Đồng thời cũng chính là Đất Hứa, là Nước Trời, Nước Thiên Đàng vì Ngài ở trong mọi người.
Tất cả những cái DANH vừa nêu, đều để ám chỉ cho một thực thể duy nhất đó là Bản Tâm Vô Phân Biệt vốn vẫn hằng hữu ở nơi mỗi người. Con người sống là sống bằng , sống với giác quan, bởi vậy nó cũng chỉ nhận hiểu được những gì mang tính chất hình danh sắc tướng. Đang khi ấy, bản tâm vô phân biệt cũng tức là Đạo trong quan niệm của minh triết Đông phương là cái không thể gọi tên, không thể nói( Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh )( ĐĐK chương một) . Vậy thử hỏi làm sao con người có thể nhận biết để trở về?
Đạo Chúa giải quyết cách rốt ráo việc trở về ấy thông qua con đường Tình Yêu “Nếu các ngươi chăm chỉ nghe các điều răn Ta truyền cho các ngươi ngày nay, hết lòng hết ý kính mến Giehova ĐCT ngưới và phụng sự Người thì Ta sẽ cho mưa mùa thu và mưa mùa xuân xuống thuận thì trong XỨ các ngươi. Ngươi sẽ thâu góp ngũ cốc , rượu và dầu của ngươi. Ta cũng sẽ khiến đồng ruộng ngươi sanh cỏ cho súc vật ngươi. Ngươi sẽ ăn và được no nê. Các ngươi hãy khá cẩn thận kẻo lòng mình bị dụ dỗ xây bỏ Chúa mà hầu việc các thần khác và quỳ lạy trước mặt chúng nó chăng. E cơn thịnh nộ của Đức Giehova sẽ phừng lên cùng các ngươi, Ngài sẽ đóng các từng trời lại, nên nỗi chẳng có mưa nữa. Các ngươi sẽ vội chết mất trong XỨ tốt tươi này là XỨ mà Đức Giehov ban cho các ngươi” (Đnl 11, 13-15.)
Ở đây ta thấy ngôn ngữ biểu tượng của Kinh Thánh thật vô cùng phong phú: XỨ để chỉ cho TÂM, tức cũng là Thực Tại Thiên Chúa , là Nước Chúa …Còn ngũ cốc, rượu và dầu…ám chỉ những phước báu mà con người sẽ thu đoạt được khi hết lòng quay vào bên trong (XỨ) để lắng nghe, yêu thương phụng sự chính Chân Tâm Bản Tính mình . Ngược lại cứ mê muội phóng tâm chạy theo ngoại vật( các thần khác: tiền tài, danh vọng, chức quyền…) thì ắt sẽ không khỏi bị hủy diệt .
Yêu thương phụng sự Đấng Chúa ở nơi mình sẽ được phước đức vô kể. Trái lại thì bị hủy diệt, cái lẽ nhân quả báo ứng này không bao giờ sai chạy dù chỉ một hào ly. Thế nhưng một vấn nạn không thể không đặt ra, làm sao tôi có thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng “ chẳng một ai từng thấy biết bao giờ”( Ga 1, 18). Quả là tôi cũng rất muốn điều ấy nhưng hầu như không thể được. Thật sự thì yêu mến Thiên Chúa hoàn toàn không thuộc lãnh vực cảm tính, nếu bằng giác quan mà ta có thể yêu mến thì Thiên Chúa ấy không hơn không kém cũng chỉ là một thứ sự vật như bao sự vật khác mà ta có thể sở hữu. Phần khác, yêu mến Thiên Chúa không thể bằng cảm giác nhưng cũng không thể dùng lý trí để suy luận về Ngài. Cái mà con người có thể suy được ấy thuần túy chỉ là một thứ ý tưởng , một khái niệm nào đó về Ngài chứ tuyệt nhiên không phải Ngài đúng như Ngài là ( Chân Như). Con người chúng ta sống bằng giác quan, nhưng lại không thể dùng giác quan để yêu mến TC, vậy biết phải làm sao đây ? Đức Kito đã cho ta câu trả lời “ Ai yêu thương Ta thì vâng giữ giới răn Ta. Cha Ta sẽ yêu thương người, chúng ta cùng đến và lập cư nơi người”( Ga 14, 23)
Yêu mến Thiên Chúa bằng cách tuân giữ các giới răn của Ngài đó là một việc dễ mà khó, khó mà dễ. Nói dễ bởi vì để thực thi giới răn yêu thương, Thiên Chúa đâu có đòi hỏi con người phải có tài cán lỗi lạc hoặc tu trì chay tịnh nghiêm ngặt gì. Người già cả, ốm đau bệnh hoạn quanh năm hoặc thiếu niên trai tráng cũng có thể hết lòng mến yêu Thiên Chúa được. Tuy nhiên lại rất khó bởi vì Thiên Chúa đòi hỏi trong tất cả lời nói tư tưởng việc làm cần phải bỏ mình. Làm phúc bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm ( Mt 5, 3 ) . Đọc kinh cầu nguyện thì đừng có phô trương, phải vào phòng kín đóng cửa lại( thu thúc lục căn ) mà cầu. Yêu thương thì phải yêu thương cả kẻ thù nghịch cùng mình( Mt 5, 43).
Như vậy con đường yêu mến Thiên Chúa tất nhiên không thể tách rời việc bỏ mình. Có bỏ được mình thì mới có thể yêu mến cho thật được. Tại sao vậy? Bởi vì mến Chúa thì phải yêu người mà yêu người thế nào được nếu cứ còn khư khư ôm chặt lấy “ cái tôi”? Bỏ mình và yêu mến TC luôn phải song hành với nhau, nhưng có một điều quan hệ nên nhớ đó là cốt tủy của Đạo Chúa hệ tại ở lòng yêu mến chứ không phải ở nơi cái sự bỏ mình. Cứ chăm chắm bỏ mình ( tu Thiền phá ngã chấp)mà không có lòng yêu mến thì kết quả dù có đạt được thì cũng chỉ là cái Vô Tâm.Cùng đích của Đạo Chúa tất nhiên không thể tìm thấy ở nơi cõi thế gian này nhưng hoàn toàn cũng chẳng phải là cái gì đó không không tịch diệt. Cùng đích ấy Thiên Chúa Đấng là thành tín( Dt 10, 23.) đã hứa cho tổ phụ thế nào thì giờ đây trong thời Tân Ước này Đức Kito cũng đoan chắc với chúng ta như vậy “ Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ, khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại đón tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó”( Ga 14, 2-3 )
Phùng Văn Hóa