Sau hai mươi thế kỷ, đến nay Do Thái Giáo vẫn không công nhận Chúa Giê Su là Đấng Cứu Thế và như vậy tất nhiên họ cũng chẳng có khái niệm gì về Kinh Thánh Tân Ước của Ki Tô Giáo. Kinh Thánh Do Thái Giáo được gọi là Tanakh gồm 24 quyển chia làm 03 phần: 1/- Sách Lề luật ( Torah ) gồm 05 cuốn. 2/- Sách Ngôn Sứ ( Neviim ) gồm 08 cuốn. 3/- Sách Các văn Phẩm ( Ketouvim ) gồm 11 cuốn. Còn Ki Tô Giáo thì lấy Kinh Thánh của Do Thái Giáo cộng với 04 Sách Phúc Âm, các Thánh Thư kể cả Sách Khải Huyền của Thánh Gioan gồm 73 cuốn.
Như vậy KT của Ki Tô Giáo gồm Cựu Ước lẫn Tân Ước như chúng ta vẫn hiểu thật ra không có quan hệ gì với KT của Do Thái Giáo vì KT của họ vẫn cứ là Tanakh tức phủ nhận Tân Ước. Với việc phủ nhận này cho thấy không những không thể có mối quan hệ nào giữa KT Do Thái giáo và KT Ki Tô giáo mà ngay cả KT Ki Tô giáo cũng chẳng có mối quan hệ nào giữa Cựu và Tân Ước, lý do là vì đã chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi triết học Hy Lạp:
“ Các giáo phụ đã phát triển cách đọc Kinh Thánh này như một cách giải quyết một vấn đề hóc búa mà Hội Thánh sơ khai phải đối mặt: Làm thế nào để chúng ta đọc cả Cựu Ước và Tân Ước cùng một lúc ? Nếu Chúa Giê Su thực sự là Lời của Thiên Chúa, làm thế nào chúng ta tìm thấy Ngài trong các sách hàng trăm năm trước khi Ngài ra đời ? Một số người như Marcion khẳng định chúng ta không thể tìm thấy Chúa Giê Su Ki Tô vì Thiên Chúa của Cựu Ước là một Đấng hoàn toàn khác với Cha của Chúa Giê Su Ki Tô. Những người khác từ Thánh Phao Lô trở đi đã thấy những hình bóng, lời tiên tri và những điềm báo về Chúa Giê Su Ki Tô xuyên suốt Cựu Ước ? ( Nguồn ĐBĐM 19/7/2022 – Phê Rô Phạm Văn Trung – Cách hiểu Cựu Ước báo trước Tân Ước theo Thánh Bonaventura ).
Làm thế nào để đọc cả Cựu Ước và Tân Ước cùng một lúc có nghĩa đọc được cả hai phần này mà không thấy có gì khác biệt ? Thế nhưng rõ ràng là người ta lại thấy Thiên Chúa của Cựu Ước hoàn toàn khác với Đấng Cha của Chúa Giê Su Ki Tô trong Tân Ước !
Quả thật có sự khác biệt lớn lao giữa Thiên Chúa của Cựu Ước và Đấng Cha của Chúa Giê Su Ki Tô trong Tân Ước và nguyên do sự khác biệt ấy như đã nói là do ảnh hưởng của triết học Hy Lạp, cụ thể là sự dung hòa giữa mạc khải ( Do Thái giáo ) và Lý Trí ( Triết Hy Lạp ) của Philon le Juif:
“ Theo đó người ta nhận thấy rằng Philon muốn thực hiện một tổng hợp giữa những lý thuyết của tiên tri Moise, triết gia Platon và Zenon. Với ông Kinh Thánh nói những chân lý nhưng dưới hình thức ẩn dụ ( Sous une forme allegorique ) vì thế sau này một môn đệ của Philon mới nói rằng Platon là một tiên tri Moise nói tiếng Hy Lạp” ( L.T. Nghiêm – LSTHTP Q. II ).
Như vậy, Thiên Chúa của Cựu Ước theo cách diễn giải của Philon hoàn toàn chỉ là Thiên Chúa của quan niệm và quan niệm ấy vẫn còn ảnh hưởng mãi cho đến ngày nay mặc dù sau đó trong thời Trung Cổ, St Thomas đã theo quan niệm Đấng Tạo Hóa của Aristote chứ không phải của Platon nhưng dẫu sao đó vẫn chỉ là Thiên Chúa của quan niệm !
Với một đấng Thiên Chúa của quan niệm như thế thì làm sao không khác biệt với Đấng Cha của Chúa Giê Su Ki Tô trong Tân Ước ? Mặt khác với Ki Tô Học ngày nay, người ta lại cứ muốn tìm Chúa Giê Su Ki Tô chứa đựng trong Kinh Thánh như là một thứ…Ngôi Lời ( Logos ): “ Tóm lại, theo Lebreton: Tất cả những chức vụ khác nhau ấy của Ngôi Lời đều được quy chiếu vào một nền tảng sau đây: Giữa Thiên Chúa hoàn hảo vô hạn và vũ trụ nhỏ mọn, Ngôi Lời là trung gian giúp trao đổi tư tưởng và hành động. Quan niệm “Ngôi Lời” của St Jean đã cảm hứng nhiều ở Philon” ( L.T. Nghiêm SĐD ).
Chủ trương tìm kiếm Thiên Chúa cũng như Chúa Ki Tô chứa đựng trong Kinh Thánh là sai lầm nghiêm trọng của thần học trong bấy lâu nay và cũng vì thế không cách gì nhận ra mối quan hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước. Tại sao ? Bởi một lẽ rất đơn giản là vì Kinh Thánh không chứa đựng Thiên Chúa hoặc Chúa Ki Tô, nhưng là các Giao Ước. Cựu Ước là Giao Ước Cũ còn Tân Ước là Giao Ước Mới.
Hai Giao Ước này có thể ví như thượng nguồn và hạ nguồn của cùng một dòng sông. Sở dĩ có hạ nguồn là bởi có thượng nguồn nhưng nếu thượng nguồn mà không…thông ( chảy về ) với hạ nguồn thì bất quá cũng chỉ là một cái hồ nước đọng. Trái lại hạ nguồn mà không…thông với thượng nguồn thì tất không khỏi bị cạn kiệt. Bởi Do Thái giáo không chấp nhận Tân Ước thế nên cứ mãi là Do Thái giáo và không còn là Dân Riêng Thiên Chúa ! Ngược lại Ki Tô giáo nếu không nhìn nhận Cựu Ước như một nguồn mạch thì cũng không thể có đời sống tâm linh !
Như vậy, để có thể…đọc được Cựu Ước thì phải có Tân Ước. Trái lại, đọc Tân Ước thì không thể không có Cựu Ước. Thánh Augustin đã nói lên ý này cách xác đáng: “ Tân Ước giấu ẩn trong Cựu Ước. Cựu Ước tỏ lộ trong Tân Ước” ( Novum testamentum in vetere latet, et in Novo vetus patet ). Có ba Giao Ước chúng ta chỉ có thể nhận ra khi liên hệ Cựu Ước với Tân Ước:
I/- Giao Ước thành lập Dân Riêng
Đức Chúa Giehova phán với Apram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến xứ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi và làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2 ).
Cho đến bây giờ, người ta vẫn cho rằng dân Do Thái là Dân Riêng của Thiên Chúa. Tuy nhiên nếu hiểu như thế thì sẽ không sao hiểu được tại sao dân tộc này đã bị các dân tộc lân bang bắt làm nô lệ và cho đến tận bây giờ vẫn không hề nhận biết Chúa Giê Su là Đấng Cứu Thế ? Chúng ta chỉ có thể hiểu điều này một khi đã nhận ra Thiên Chúa có mục đích gì khi thành lập Dân Riêng: Đức Chúa phán với Moise khi ở trên núi Si Nai:“ Các ngươi đã thấy điều Ta làm cho người Ai Cập, Ta chở các ngươi trên cánh chim ưng làm sao và dẫn các ngươi đến cùng Ta thế nào ? Vậy bây giờ nếu các ngươi vâng lời Ta và giữ những sự Giao Ước Ta thì trong muôn dân các ngươi sẽ thuộc riêng về Ta vì cả thế gian đều thuộc về Ta. Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ cùng một dân tộc Thánh cho Ta. Bấy nhiêu lời đó, các ngươi sẽ nói lại cùng dân Itsraen” ( Xac 19, 4 -6 ).
Khi thành lập Dân Riêng, Thiên Chúa muốn họ trở nên một Dân Tộc Thánh với mục đích để tìm kiếm Ngài: “ Ngài do một người mà làm nên mọi dân tộc trong loài người để ở khắp mặt đất, định niên hạn và cương giới cho chỗ ở của họ cốt để họ tìm kiếm Thiên Chúa hầu mong gặp được Ngài dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi người. Vì trong Ngài chúng ta sống và tồn tại như một vài thi nhân của các ông đã viết rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài. Vậy chúng ta đã là dòng dõi của Thiên Chúa thì chớ nên tưởng rằng: Thần Tánh Thiên Chúa giống như vàng bạc hay là đá bởi nghệ thuật và tưởng tượng của người ta chạm trổ nên” ( Cv 17, 26 -29 ).
Thiên Chúa hoàn toàn không giống như các thần tượng bằng vàng, bạc hay gỗ đá nhưng là Đấng Nội Tại trong mỗi người. Chính bởi lẽ đó, cần một Giao Ước Mới: “ Chúa phán: Kìa ngày đến Ta sẽ cùng Nhà Itsraen và Nhà Giu Đa lập một Giao Ước Mới không phải theo như Giao Ước mà ta đã lập với tổ phụ họ trong ngày Ta cầm tay họ dẫn ra khỏi xứ Ai Cập vì họ không giữ sự giao ước Ta nên Ta không kể đến họ. Chúa lại phán: Này là Giao Ước Ta sẽ lập với Nhà Itsraen: Sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp Ta trong tâm, ý họ, ghi tạc nó vào lòng. Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ và họ sẽ làm Dân Ta” ( Dt 8, 8 -10 ).
II/- Giao Ước Ban Đất Hứa
Cùng với việc thành lập Dân Riêng, Thiên Chúa còn ban Đất Hứa cho Dân Ngài: “ Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi và cùng hậu tự ngươi trải qua các đời, ấy là giao ước đời đời hầu cho Ta làm Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi. Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi xứ mà người đang kiều ngụ tức toàn xứ Canaan làm cơ nghiệp đời đời. Vậy Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ” ( St 17, 7 -8 ).
Miền Canaan thuộc trung đông ngày nay hoàn toàn không phải là Đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ phụ. Tại sao ? Bởi vì miền đất ấy vào thời Apraham vẫn thuộc về các sắc dân du mục như Hetit, Amorit , Pheresit, Giebusit v.v…dân Itsraen sau khi từ đất Ai Cập trở về đã đánh chiếm miền Canaan nhưng chỉ ở đó được hơn bốn trăm năm trong sự tranh chiến liên miên với các nước lân bang và rồi đã bị phân sáp làm nô lệ mãi đến năm 1948 sau đệ nhị thế chiến do sự bảo trợ của vương quốc Anh và Mỹ mới dần dần quy tụ thành quốc gia như hiện thấy…
Mặc dù vậy, quốc gia Itsraen cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới cũng chẳng có gì là bền vững lâu bền, tất cả rồi củng như các nền văn minh trước đó cũng đã sụp đổ, tiêu vong. Đang khi đó Đất mà Thiên Chúa hứa ban là chốn vĩnh cửu đời đời:
“ Hỡi Đức Giehova ! Ngài đưa dân ấy lập nơi núi cơ nghiệp Ngài tức là chốn ngài đã sắm sẵn để làm nơi ở của Ngài. Hỡi Chúa là Đền Thánh mà tay Ngài đã lập, Đức Giehova sẽ cai trị đời đời kiếp kiếp” ( Xac 15, 17 -18 ).
Dân Do Thái không thực hiện Giao Ước bởi vì họ cố chấp trong đường lối mình:“ Vậy, đã có lời hứa để lại về việc vào sự nghỉ ngơi của Ngài thì chúng ta hãy lo sợ, kẻo e có ai trong anh em dường như hụt hẫng đi chăng ? Vì thật Tin Mừng đã giảng cho chúng ta cũng như cho họ nhưng đạo họ đã nghe đó không ích chi cho họ bởi vì đạo ấy không nhờ đức tin mà được dung hiệp với kẻ nghe. Vì chúng ta là kẻ đã tin đều được vào sự nghỉ ngơi ấy đúng như Thiên Chúa đã phán: Ta bèn thề trong thịnh nộ Ta rằng: Họ chẳng hề vào sự nghỉ ngơi của Ta dẫu công việc đã xong từ buổi sáng thế” ( Dt 4, 1 -3 ).
Vì không tin, thế nên dân Do Thái đã không thể vào được Sự Nghỉ Ngơi tức Đất Hứa dẫu công việc đã xong từ buổi sáng thế. Sự Nghỉ Ngơi ấy chính là một, không khác với Nước Trời mầu nhiệm.
III/- Giao Ước Ban Đấng Cứu Thế
Để có thể vào được Đất Hứa, Dân Chúa trong thời Cựu Ước cần được đặt dưới quyền của thủ lãnh Moise. Còn trong thời Tân Ước bởi vì Đất Hứa ấy chính là Thực Tại Tâm thế nên cần có Đức Ki Tô dẫn đường chỉ lối. Trong cuộc Vượt Qua từ đất nô lệ Ai Cập trở về đất Canaan dưới quyền thủ lãnh Moise chỉ là hình bóng của Nước Trời thế nên Đức Chúa đã hứa với Moise sẽ ban cho một Đấng Tiên Tri.
Moise nhắc lại lời Đức Chúa để nói với dân sự rằng: “ Từ giữa anh em ngươi, Giehova ĐCT ngươi sẽ lập lên một Đấng Tiên Tri giống như ta. Các ngươi khá nghe theo Đấng ấy. Đó là điều chính các ngươi đã cầu Giehova ĐCT ngươi tại Horep trong ngày nhóm hiệp mà rằng: Cầu xin tôi chớ nghe tiếng Giehova ĐCT tôi nữa và chớ thấy đám lửa hừng này nữa e tôi chết mất chăng ? Bấy giờ Đức Giehova phán cùng ta rằng: Chúng nó nói có lý, Ta sẽ lập lên cho chúng một Đấng Tiên Tri như ngươi, thuộc trong anh em chúng. Ta sẽ lấy các lời Ta để trong miệng Người thì Người sẽ nói cho chúng mọi điều Ta phán dạy Người” ( Đnl 8, 15 -18 ).
Sẽ ban cho một Đấng Tiên Tri giống như Moise có nghĩa cũng có sứ mạng dẫn dắt Dân Chúa trong Cuộc Vượt Qua nhưng có những điểm khác căn bản sau đây:
Trước những khó khăn, trở ngại. Moise tỏ ra ngần ngại vì chưa biết đường: “ Vậy bây giờ nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin cho tôi biết đường của Chúa để cho tôi biết Chúa và được ơn trước mặt Ngài” ( Xac 33, 13 ). Còn Đức Ki Tô thì khẳng định: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 )
Moise không được thấy Thiên Chúa, Ngài nói với ông: “ Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt Ta vì không ai thấy mặt Ta mà còn sống” ( Xac 33, 20 ) Còn Đức Ki Tô thì thấy Thiên Chúa như thực Ngài Là: “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài nhưng Ta biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi vậy” ( Ga 8, 55 ).
Moise chết nhưng vẫn chưa vào được nơi Đất Hứa: “ Ngày nay ta được 120 tuổi. Không thể đi ra đi vào được nữa và Đức Giehova có phán cùng ta rằng: ngươi không đi qua sông Gióc Đan này đâu” ( Đnl 31, 2 ). Còn Đức Ki Tô thì sau ba ngày chôn trong mồ đã sống lại về cùng Cha. Ngài nói với Madelein: “ Ta lên cùng Cha Ta cũng là Cha các ngươi. Ta lên cùng Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các ngươi” ( Ga 20, 17 ).
Lại nữa, cả Moise cũng như Chúa Giê Su cũng có mẹ nhưng mẹ của Moise chỉ là một… vú nuôi còn Mẹ của Chúa Giê Su vừa là Mẹ phần xác nhưng cũng là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc khi Ngài được Simeon tiên báo về nỗi đau đớn phải chịu: “ Còn ngươi, một thanh gươm sẽ đâm thấu tâm hồn ngươi để ý tưởng của nhiều tâm hồn được bày tỏ” ( Lc 2, 35 ). Mẹ đau đớn cùng cực khi dưới chân Thánh Giá nhưng vẫn đứng vững để nhận lời trăn trối của Đức Ki Tô: “ Hướng về Gioan, người môn đệ Chúa yêu, Chúa nói với Mẹ mình: Kìa là con Bà. Đoạn Ngài phán cùng môn đệ ấy rằng: Kìa là Mẹ con, từ giờ đó người môn đệ ấy đã rước Bà về nhà mình” ( Ga 19, 26 -27 ).
Gioan từ giờ đó đón Đức Mẹ về nhà còn chúng ta để nhận lãnh Ơn Cứu Chuộc cũng cần đón Đức Maria về nhà tâm hồn mình để được Ngài đào luyện, chăm sóc trên những nẻo đường Tông Đồ. Vai trò của Đức Maria vô cùng quan trọng bởi Ngài chính là người Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan. Đức Chúa phán với con rắn: Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).
Dân Riêng Thiên Chúa chính là dòng dõi Người Nữ và dòng dõi này dưới quyền lãnh đạo tối cao của Đức Maria sẽ chiến đấu và chiến thắng dòng dõi Sa Tan là những Phản Ki Tô đang lan tràn quấy phá khắp giáo hội hiện nay: “ Ai là kẻ nói dối, há chẳng phải là kẻ chối Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô sao ? Kẻ chối luôn Cha và Con ấy là Antichrist. Hễ ai chối Con thì cũng không có Cha. Ai nhận Con thì cũng có Cha nữa. Còn về phần các con, điều các con đã nghe từ ban đầu thì hãy cứ để ở trong lòng luôn. Nếu điều các con đã nghe từ ban đầu cứ ở trong lòng thì các con cũng sẽ cứ ở trong Con và ở trong Cha. Đây là lời mà Ngài đã hứa cho chúng ta tức là Sự Sống Đời Đời” ( 1Ga 2, 22 -25 )./.
Phùng Văn Hóa