Về mối quan hệ giữa cái chết của Chúa Giêsu và việc thành lập Giáo hội

          Cơn khủng hoảng diễn ra trong Giáo Hội ngày càng trầm trọng: “ Hôm 14/3/2019, đức hồng y  Reinhard Marx, tgm Munich Fresing và là chủ tịch HĐGM  Đức đã tuyên bố rằng Giáo Hội Công Giáo ở Đức đang bắt đầu một “ Tiến trình công nghị” với hiệu lực ràng buộc để giải quyết những gì ngài nói là ba vấn đề chính nảy sinh từ cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ: Đó là luật độc thân linh mục. Giáo lý về đạo đức tình dục và chủ nghĩa giáo sĩ trị….

          ….Phản ứng về  đề nghị này của đức hồng y Mark, đức hồng y Rainer Maria Woelki của tgp Koln đã có một bài nhận  định đăng trên tờ First Things ngày 10/4/2019 với tựa đề: “ Hướng Nhìn Về Đức Ki Tô”:

          …Giáo hội mà làm gì ? Câu hỏi đơn giản và vô vị này vang lên ngày càng  thường xuyên hơn và nó thường được trả lời một cách thẳng thừng: Tôi không cần Giáo Hội ! Thượng Đế à ? Mục đích cuộc sống ư ? Chúng ta đến từ đâu  và chúng ta đi về đâu ? Thắc mắc làm gì ? Ngày càng có  nhiều người tự trả lời những câu hỏi  này hoàn toàn không màng đến Giáo Hội. Những người khác  cố quên đi những câu hỏi hiện sinh này khi có thể. Đối với nhiều người, rời khỏi Giáo Hội là hệ quả hợp lý  của sự không tin; Những  người khác thừa nhận Giáo Hội  tối thiểu cũng có một vai trò  xã hội nhất định nào đó, một  mục đích bác ái có thể hợp pháp hóa sự tồn tại của GH và có thể biện minh cho việc hỗ  trợ cho GH cho dù họ không dính líu  gì đến GH các giá trị Ki Tô giáo không sai, họ nói và GH thực  sự có giúp đỡ cho những người gặp khó khăn. Những người khác đánh giá GH  không hơn gì một yếu tố của truyền thống văn hóa chúng ta và là một chủ nhân quan trọng ( mang lại nhiều công ăn việc làm cho xã hội ). Thật đáng kinh ngạc và xấu hổ khi càng ngày càng ít người muốn nghe chính Thông  Điệp Cứu Độ. Họ không yêu cầu các Bí Tích và xem Phúc Âm là tin đồn phát xuất từ  lòng sùng đạo và Kinh Tin Kính  là tư duy  ma thuật. Rõ ràng các sứ giả của đức tin đã thất bại” ( Nguồn Vietcatholic News – 12/4/2019 Đhy Rainer Maria Woelki: GH không thể bị bắt nạt phải thay đổi đạo lý của mình ).

          Giáo Hội khủng hoảng hay nói  cách  khác Giáo Hội giống như một con tàu giữa phong ba  bão táp đại dương và người ta đang lũ lượt rời bỏ vì cho rằng nó sắp hòng… chìm nghỉm ! Rời bỏ con tàu sắp chìm. Điều ấy xem ra có vẻ  như là  giải pháp bắt buộc. Thế nhưng trong trường hợp  con tàu Giáo Hội hiện nay  cứ cho là  đang trong tình trạng…sắp chìm đi nữa thì liệu cái việc …rời bỏ ấy sẽ ra sao, cái gì chờ đón họ giữa  đêm đen mịt mùng bão tố cùng với lũ cá mập  vây quanh chực chờ cắn xé ?.

          Phần khác,  Giáo Hội có mặt ở nơi trần gian này đâu có phải để trả lời  cho những câu hỏi về Thượng Đế hoặc mục đích  đời sống con người đến từ đâu ? Đi về đâu ? Những vấn nạn triết học  đó hoàn toàn không có can hệ gì đến Giáo Hội hiểu như  một  con đường  thực hiện tâm linh “ Về Với Đấng Cha”.

          Giáo Hội quả thật là Con  Đường Tâm Linh nhưng Con Đường Tâm Linh ấy đã bị phá hủy cùng với chủ trương Đại Kết  và Hội Nhập Văn Hóa  của Công Đồng Vatican II. Nguyên nhân khiến  Đại Kết, Hội Nhập Văn Hóa  đưa đến phá hủy Con Đường Tâm Linh là vì  nó  làm mất đi  bốn tính chất  đặc thù của  Giáo Hội đó là: Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền.

          Một khi Giáo Hội  tự làm mất đi tính  Duy Nhất ấy thì sẽ không  cách chi chống đỡ được sự chia rẽ  ngày càng lan tràn và  đồng thời  cũng làm mất đi tính Thánh Thiện. Tại sao ? Bởi vì tính Thánh Thiện ấy  chỉ có thể có được  với sự chung lòng chung ý  phụng sự Đấng Thiên Chúa là Cha do Đức Ki Tô mạc khải.

          Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và kẻ nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ). Ngay từ ban đầu khi Giáo Hội chưa được thành lập thì Đức Ki Tô đã báo trước về sự kiện này. Đồng thời qua tông đồ Phê Rô, Chúa đã trao cho Giáo Hội sứ mạng bảo tồn  và thực thi sứ mạng ấy. Liền sau  khi Phê Rô tuyên xưng Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô thì Ngài nói với ông: “ Simon con Giona ơi ! Ngươi  thật có phước đó vì chẳng phải thịt và huyết bày tỏ điều đó cho  ngươi  đâu bèn là Cha Ta ở trên trời vậy. Còn Ta lại bảo ngươi rằng: Ngươi là Phê Rô Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó. Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Hễ  điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Hễ  điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 16 -20 ).

          Ở đây có một câu hỏi  quan trọng cần đặt ra đó là  vì  sao Chúa chỉ  trao chìa khóa Nước Trời cho một mình Phê Rô mà không  cho tập thể các Tông Đồ ? Câu trả lời xác đáng nhất đó chỉ có thể là để bảo đảm cho việc thực thi mạc khải  của Ngài về Đấng Cha nội tại ( Deus Abconsditus ). Cũng chính vì để bảo đảm cho việc thực thi mạc khải ấy, Đạo Công Giáo mới cần  có tính Tông Truyền tức  sự nối tiếp của  các đời Giáo Hoàng  từ vị giáo hoàng tiên khởi Phê Rô cho tới  tận ngày nay.

          Giáo Hội mang nơi mình sứ mạng  thực thi mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha. Thế nhưng ngay từ đầu khi được trao cho sứ mạng cai quản Giáo Hội tương lai  khi ấy  Phê Rô vẫn chưa nhận ra được nội dung của sứ mạng ấy là gì. Sao có thể quả quyết như vậy ? Đó là vì  ngay sau khi được trao sứ mạng thì Phê Rô đã bị Chúa quở trách nặng nề:

          “ Từ lúc đó Chúa Giê Su khởi tỏ  cho  môn đồ rằng: Ngài cần phải đi lên Giê rusalem, chịu khổ nhiều  nỗi bởi các trưởng lão, các thầy  tế lễ cả cùng các luật sĩ, kinh sư và bị giết rồi đến ngày thứ ba sẽ sống lại. Phê Rô nghe điều ấy thì đem Ngài ra mà trách: Chúa ơi ! ĐCT nào có nỡ vậy. Sự đó hẳn chẳng xảy đến cho Chúa đâu. Nhưng Ngài quay lại  mà phán cùng Phê Rô rằng: Ớ Sa Tan hãy lui ra đằng sau Ta. Ngươi làm cớ vấp phạm cho Ta. Vì  tâm ý ngươi chẳng chăm về việc ĐCT. Song chỉ chăm về việc loài người” ( Mt 16, 21 -23 ).

          Chúa nặng lời quở trách Phê Rô chẳng…chăm về việc ĐCT mà chăm về việc loài người đó là muốn ám chỉ đến sứ mạng giải thoát của Ngài khi đến thế gian. Phê Rô khi ấy vì chưa hiểu thế nên  cứ nghĩ công cuộc của  Đức Ki Tô đến để giải thoát dân Do Thái ra khỏi vòng nô lệ của đế quốc La Mã.

          Sự lầm lạc ấy  sẽ còn tiếp diễn  nơi các Tông Đồ ngay cả trước khi Chúa Ki Tô Phục Sinh về trời : “ Khi đã nhóm họp lại, họ hỏi Chúa Giê Su rằng: Thưa Chúa có phải đây là lúc Ngài khôi phục Nước Itsraen không ?” ( Cv 1, 6 ).

          Đương thời Chúa Giê Su nói mình sẽ bị người Do Thái giết chết nhưng sau ba ngày sẽ sống lại  nhưng  các Tông Đồ vẫn không tin hoặc không muốn tin bởi vì điều ấy trái ngược  với niềm tin  Đấng Messia của Do Thái thuở ấy. Thế rồi  Chúa vẫn bị  người ta  giết chết. Điều ấy khiến các Tông Đồ rất mực hoang mang sợ hãi.

          Câu chuyện của hai môn đệ trên  đường Em Mau  đã nói lên sự thất vọng  não nề  khi họ thổ lộ tâm tình  với   người khach  lữ hành  chính là Đức Ki Tô Phục sinh mà họ không biết: “ Việc Giê Su người Nazareth  vốn là một tiên tri có quyền năng trong việc làm và lời nói trước mặt ĐCT và cả dân chúng. Thế mà các thầy tế lễ cả cùng các quan quyền ta đã nộp Ngài để xử tử và đã đóng đinh trên thập tự giá. . Chẳng những thế thôi, song việc ấy xảy ra nay đã được ba ngày rồi” ( Lc 24, 19 -21 ).

          Để mở lòng mở trí cho hai môn đệ này, Chúa Giê Su đã dẫn chứng Kinh Thánh về cái chết của Ngài: “ Hỡi kẻ ngu dại có lòng chậm tin mọi lời  các tiên tri đã nói. Há chẳng cần cho đấng Ki Tô phải chịu những nỗi khổ nhục ấy rồi mới vào vinh hiển Ngài sao ?” ( Lc 24, 25 ).

          Chúa Giê Su cần phải chết một cái chết kinh hoàng rồi mới được phục sinh vinh hiển. Thế nhưng sự phục sinh vinh hiển ấy sẽ chẳng đem lại ơn ích gì  nếu Giáo Hội không được thành lập. Tại sao thế ? Bởi nếu giả thử  không có Giáo Hội  như một thể chế hữu hình  ở nơi trần gian này  thì biết lấy ai  để loan truyền từ thế hệ này  sang thế hệ khác về sự chết và sống lại của Chúa Giê Su cũng như làm chứng nhân cho Ngài  “ Các ngươi là chứng nhân về mọi việc đó” ( Lc 21, 48 ).

          Có thể nói Giáo Hội là tập hợp của những  Chứng Nhân. Hiểu như vậy chúng ta cũng có thể nói ngược lại: Nếu trong Giáo Hội không còn có  Chứng Nhân  thì đó không còn là Giáo Hội  Chúa Ki Tô nữa.

          Chúa đòi buộc phải có  Chứng Nhân  và thực tế lâu dài  từ thuở ban sơ cho đến ngày nay đã có vô vàn  Chứng Nhân can trường mà tiêu biểu nhất đó là các Thánh Tông Đồ các Thánh Tử Đạo của các quốc gia và đặc biệt là Thánh Phao Lô, người trước đó  ra  tay bắt bớ Đạo nhưng khi trở lại  đã  khẳng định: “ Vì tôi đã quyết định rằng ở giữa anh  em, tôi chẳng biết  sự gì khác ngoài Chúa Giê Su Ki Tô chịu đóng đinh trên thập tự giá” ( 1C 2, 2 ).

          Thánh Phao Lô không chỉ khẳng định bằng lời nói  nhưng đã dùng toàn bộ cuộc đời còn lại của ngài  để sống và truyền đạt chân lý Thập Giá Chúa Ki Tô cho người khác. Bởi đâu Thập Giá Chúa Ki Tô lại có sức lôi cuốn mạnh mẽ các bậc Thánh Nhân như thế ?  Đó là vì đây là  con đường đem đến sự giải thoát đích thực cho nhân loại  bằng việc Bỏ Mình “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình. Vác thập tự giá mình hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Chúa nói “ Bỏ Mình” điều ấy không có nghĩa là vẫn có “ Cái Mình” thật  nhưng theo Chúa thì phải…bỏ nó đi ! Hoàn toàn không phải vậy. Sở dĩ Chúa nói…Bỏ Mình là vì Cái Mình đó nó không thật có,  chỉ là  giả tướng, không  thật. Chính bởi  vì nó..giả nên mới có thể…bỏ nó. Còn nếu nó…thật có thì  không thể bỏ và bỏ  như thế để làm gì ?

          “ Cái Mình” hay cái Ta, Tôi, Ngã, Ego….tất cả chỉ là ảo tưởng do phân biệt ( Tội Nguyên Tổ ) mà có. Thế nhưng phàm phu không  một ai lại không chấp cho nó là thật và vì thế  đã gây  ra  tất cả phiền não khổ đau cho mình, cho người.

          Bao lâu  còn chấp lấy “ Cái Mình, Tôi, Ta, Ego…..” thì còn Tham, Sân, Si mà hễ còn Tham, Sân, Si  thì sẽ không bao giờ hết khổ. Tuy nhiên vấn đề ở đây là …Bỏ Mình theo Chúa thì chúng ta được cái gì ? Nếu  Bỏ Mình mà không được cái gì thì …bỏ đi để chi ? Đang khi đó  bỏ được Cái Mình  giả đi  thì sẽ được “ Cái Mình Thật” tức  nhận biết được cái phẩm vị Con Thiên Chúa cao cả  vốn vẫn hằng hữu ở nơi mình mà mình không hề hay biết. Đức Ki Tô  đến để  mạc khải cho con người về Đấng Cha có nghĩa hết thảy  đều là Con của Ngài do Ngài tác tạo ( St 1, 26 ).

          Được tác tạo là Hình Ảnh Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa nhưng do bởi vô minh che lấp nên đã không nhận ra. Nhưng khi Đức Ki Tô đến để mạc khải về chân lý ấy thì lại bị  người đời ghét bỏ và giết chết: “ Người Do Thái lại  lấy đá để ném Ngài. Chúa Giê Su phán rằng: Ta do Cha Ta đã  tỏ  nhiều việc lành cho các ngươi. Vậy vì việc nào  trong đó  các ngươi lại ném đá Ta ? Người Do Thái  đáp: Ấy chẳng phải vì việc lành nào mà chúng ta ném đá ngươi đâu. Nhưng vì ngươi  lộng ngôn và vì ngươi vốn là người  lại tự tôn là ĐCT” ( Ga 10, 31 -33 ).

          Đối với người Do Thái thì lộng ngôn là tội nặng nhất, đáng bị xử tử và cũng chính vì căn cứ vào tội ấy, thượng phẩm Cai Pha đã kết án chết cho Chúa Giê Su: “ Thầy tế lễ thượng phẩm bèn xé áo mình mà rằng: Nó đã lộng ngôn. Chúng ta còn cần chứng cứ gì nữa. Kìa các ngươi vừa nghe lời lộng ngôn  đó, các ngươi nghĩ thế nào ? Chúng bèn đồng thanh đáp: Nó đáng tội chết…” ( Mt 26, 65 -67 ).

          Chúa Giê Su bị người Do Thái  kết án  vì…tội lộng ngôn phạm thượng  đó là điều Kinh Thánh đã ghi chép không thể phủ nhận.  Thế nhưng  lại có quan điểm cho rằng Chúa Giê Su bị  người  La Mã  giết vì làm chính trị “ Cuối cùng con người ấy  đã bị bắt và xử tử. Nhưng tác giả  lập luận không phải tòa án tôn giáo Do Thái mà chính tòa án  Ro Ma đã ra lệnh bắt và kết án Đức Giê Su  vì cho Ngài là mối đe dọa  nghiêm trọng trong lãnh vực chính trị. Còn vai trò của  các nhà lãnh đạo Do Thái  chỉ là bắt nộp Ngài cho người Ro Ma” ( Lm Micae Trần Đình Quảng – Đức Giê Su trước khi có Ki Tô Giáo. Một nỗ lực hiện đại trở về với Đức Giê Su lịch sử ).

          Tại sao thần học lại có thể xuyên tạc Kinh Thánh cách trắng trợn  như thế khi cho rằng Chúa Giê Su bị người Ro Ma  kết án và giết chết  vì làm  chính trị ? Lý do chỉ có thể là vì thần học  đã không nhận ra  ý nghĩa  cũng như mục đích cái chết của Chúa Giê Su khi đến cõi thế gian này.

          Như đã biết, vào lúc  đương thời  không những Chúa đã nhiều lần báo trước về cái chết của Ngài mà còn ước ao nó đến “ Ta đến quăng lửa xuống thế gian. Ta còn ước mong phải chi lửa ấy được bùng lên. Ta còn một Phép Rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi được thành tựu. Các ngươi tưởng Ta  đến ban hòa bình trên trái đất  này sao ? Ta nói cùng các ngươi, chẳng phải vậy đâu bèn là sự phân rẽ vì từ nay về sau năm người trong một nhà sẽ phân rẽ nhau: Ba với hai, hai với ba. Họ sẽ phân rẽ nhau, cha với con trai, con trai với cha, mẹ với con gái, con gái với mẹ, mẹ chồng với con dâu, con dâu với mẹ chồng” ( Lc 12, 49 -53 ).

          Qua lời Chúa đây cho thấy Ngài khắc khoải chờ đón cái chết, một cái chết vì Tình  Yêu tận hiến cho phần rỗi nhân loại. Tuy nhiên có điều khó hiểu  tại sao Tình Yêu ấy không đem đến hòa bình lại là phân rẽ ? Lý do là vì Tình Yêu  Chúa đem đến là Tình Yêu của sự vô phân biệt  và đồng thời cũng chỉ có Tình Yêu ấy mới có thể khiến cho ta được làm Con Thiên Chúa “ Các ngươi đã nghe phán: Hãy yêu người  thân cận và ghét kẻ thù nghịch. Nhưng Ta nói cùng các ngươi. Hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi hầu cho các ngươi được làm con của  Cha các ngươi trên trời bởi vì Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho kẻ bất chính cùng kẻ công chính” ( Mt 5, 43 -45 ).

          Yêu thương kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình. Đây là  hành vi cao cả thể hiện tính chất vô ngã, bỏ mình mà Đức Ki Tô đòi hỏi ở nơi những kẻ muốn theo Ngài. Theo Chúa là để  bước đi trên Con  Đường Tình Yêu. Thế nhưng Con Đường Tình Yêu ấy lại hoàn toàn trái ngược với thế gian ( Ngược dòng mê lưu ) vì vậy không sao tránh khỏi bị thế gian ghen ghét “ Con đã ban  Đạo Cha cho họ mà thế gian ghen ghét họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian vậy. Con chẳng xin Cha cất họ khỏi thế gian nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi sự ác” ( Ga 17, 14 -15 ).

          Đạo Cha mà Đức Ki Tô ban cho nhân loại chỉ có thể thông qua  Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền. Sao có thể nói thế ? Bởi chỉ trong Giáo Hội đó mới có Đức Ki Tô…ở cùng theo như lời hứa “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ).

          Nói rằng Đức Ki Tô chỉ…ở cùng Giáo Hội Công Giáo đó hoàn toàn không phải là khiên cưỡng bởi lý do đơn giản là vì  chỉ  ở nơi đó mới có các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể cũng gọi là Bí Tích Tình  Yêu và Bí Tích Tình Yêu ấy làm sao có được nếu không do nơi cái chết của Chúa Giê Su trên thập giá ?

          Chúng ta có thể nói cách mạnh dạn rằng chính cái chết của Chúa Giê Su trên thập giá đã làm nên Giáo Hội hay nói cách khác  không có sự chết và phục sinh của Ngài thì Giáo Hội không thể khai sinh và hiện hữu trên  cõi thế  này. Một khi đã xác tín điều này thì mỗi người chúng ta cũng cần… chết đi như Chúa thì mới được cùng hưởng vinh quang với Ngài “ Vì anh em đã chết, sự sống anh em đã ẩn giấu  trong ĐCT nên khi nào Đấng Ki Tô  của chúng ta hiện ra thì bấy giờ anh em cũng sẽ được hiện ra với Ngài trong vinh hiển” ( Cl 3, 3 -4 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts