Nhờ vào các phương tiện giao thông nhanh chóng, thuận lợi, mạng internet kết nối toàn cầu, điện thoại truyền hình v.v…Thế giới dường như ngày càng ..thu hẹp lại. Người ta ngồi tại nhà nhưng vẫn có thể tổ chức được những buổi hội thoại diện đối diện, trao đổi về những vấn đề này khác dù cách xa nhau cả ngàn cây số. Thế nhưng có nghịch lý này là con người ngày nay có thể rất gần gũi về mặt không gian, thời gian nhưng lại vô vàn cách biệt về ý hệ về quan điểm lập trường v.v…
Sự khác biệt về ý hệ tất nhiên đưa đến xung đột và điều ấy đã được lịch sử nhân loại chứng minh bằng các cuộc chiến tranh lớn nhỏ ngay cả trong các tôn giáo. Ai cũng biết xung đột chia rẽ chẳng thể đem lại bất cứ ích lợi gì. Ấy vậy tại sao người ta vẫn cứ chia rẽ hận thù để làm khổ cho nhau ?
Mặt khác người đời chia rẽ tranh chấp nhau…đã đành nhưng đối với các tôn giáo cũng vẫn còn có sự chia rẽ hận thù là điều không thể chấp nhận. Phải chăng cũng chính vì nhận thức như thế nên các tổ chức tôn giáo mới hội họp nhau lại để bàn về các phương thức đối thoại hầu tìm cho ra một tiếng nói chung ?
Phật giáo tại Mỹ mới đây đã tổ chức buổi hội thảo n hằm mục đích tìm ra một thứ tôn giáo thế giới làm nền tảng tâm linh chung cho con người. ( Xem GSTS Trần Quang Thuận. Đối thoại giữa các tôn giáo và học thuyết ).
Làm sao có được nền tảng tâm linh chung cho con người, đó không phải chỉ là ước vọng của GSTS Phật tử Trần Quang Thuận nhưng cũng là của Giáo Hội Công Giáo và các hệ phái Tin Lành. Đối với Giáo hội Công giáo thì ước vọng ấy được gọi là Đối Thoại lien Tôn. Còn của Tin Lành là Đại Kết.
Thông điệp Redemptoris Missio số 55 đã nói về đối thoại giữa các tôn giáo như sau: Đối thoại Liên Tôn là một phần trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Hiểu như là một phương pháp và phương tiện hiểu biết lẫn nhau và làm cho nhau nên phong phú. Đối thoại không đối lập với sứ mạng truyền giáo. Thực ra nó lien kết đặc biệt với nhiệm vụ này và là một trong những biểu hiện của nó. Giáo hội không thấy có sự xung khắc nào giữa rao giảng về Chúa Ki Tô và tham gia vào các cuộc đối thoại lien tôn. Thay vào đó Giáo hội cảm thấy cần thiết phải liên kết cả hai trong bối cảnh truyền giáo. Hai yếu tố này vừa phải duy trì được sự lien kết sâu sắc đồng thời cũng phải giữ được những đặc trưng phân biệt rõ ràng”.
Đúng là đối thoại không đối lập với sứ mạng truyền giáo. Hơn nữa có thể nói truyền giáo gắn liền với đối thoại. Truyền giáo mà không có đối thoại thì sẽ không thể đưa đến kết quả. Tuy nhiên chúng ta cần đặt vấn đề đâu là nội dung của việc Truyền Giáo ?
Có phải chăng là rao giảng Chúa Ki Tô hay là về Tin Mừng của Ngài ? Chúa Ki Tô không khi nào nói phải rao giảng về Ngài nhưng là về Tin Mừng của Ngài “ Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho khắp muôn dân thiên hạ. Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị luận phạt” ( Mc 16, 15 -16 ).
Ngay từ thuở sơ khai cũng như mãi cho đến tận CĐ Vatican 2 Giáo hội vẫn vâng theo lệnh truyền của Chúa rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa “ Phao Lô vào nhà hội rao giảng cách dạn dĩ luôn trong ba tháng, biện luận và khuyên dỗ những điều về Nước Thiên Chúa” ( Cv 19, 8 ).
Rao giảng Tin Mừng chỉ có thể là rao giảng về Nước Thiên Chúa chứ không phải về Chúa Ki Tô. Nói rằng rao giảng Chúa ki Tô nhưng thực chất Ki Tô đó chỉ là một thứ quan niệm của thần học, hoàn toàn chẳng lien hệ gì đến Ki Tô trong thực tại Ngài Là. Cũng vì chủ trương rao giảng một thứ Ki Tô của quan niệm như thế nên đã đưa đến sự hình thành cái gọi là phong trào Đại Kết của những người Tin Lành.
Sở dĩ có…Đại Kết là vì sự phân hóa trầm trọng của các hệ phái Tin Lành và nguyên nhân của sự phân hóa ấy là vì người ta đã chủ trương một thứ Ki Tô của quan niệm “ Có thể lấy năm 1910 như khởi điểm của phong trào Đại Kết cận đại. Vào năm ấy một đại hội của các Hội Truyền Giáo Tin Lành ( World Missionary Conference ) được tổ chức tại Edinburgh ( Scotland ). Lý do đưa đến việc tổ chức Đại Hội là thực trạng chua chat của các sứ truyền giáo khi mà các giáo đoàn trẻ chất vấn những nhóm thừa sai “ Tại sao các ông đều rao giảng một Đức Ki Tô như nhau mà các ông lại chia rẽ thành bao nhiêu là phe nhóm nào là Episcopalist nào là Luteranist nào là Episcopalist ? Tại sao các ông vừa mang cho chúng tôi Tin Mừng của Đức Ki Tô mà vừa mang theo các sự phân hóa từ Âu Mỹ sang đây làm gì ?
Vấn đề đặt ra cho các hệ phái Tin Lành đưa đến Đại Kết cũng chẳng khác gì với Giáo Hội Công giáo trong vấn đề Liên Tôn tức đối thoại với các tôn giáo ngoài Ki Tô giáo. Lý do là vì cả hai việc Đại Kết và Liên Tôn đều…có vấn đề. Chung quy cũng chỉ vì đã chủ trương rao giảng một thứ Ki Tô của quan niệm. Lấy Ki Tô của quan niệm ra để đối thoại với các tôn giáo chẳng những không thể đưa đến kết quả mà còn làm lung lay đức tin của người Công giáo.
Tại hội nghị Liên Tôn tổ chức tại Bangkok từ ngày 7 đến 12/2/2001. Linh mục Donald J. Goergen O.P đã trình bày tham luận trong đó phân tích mối tương quan giữa Đối Thoại và Truyền giáo như sau:
“ Chẳng có gì mới mẻ khi nói rằng Giáo Hội từ sau CĐ Vatican 2 đang học cách bước đi với hai chân. Một chân là công bố tính ưu việt của Đức Giê Su Ki Tô. Đây là hai cực mà “ Đối thoại và rao truyền một tài liệu lien kết giữa Hội Đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn với Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc. Làm sao chúng ta có thể cùng lúc vừa khẳng định các tôn giáo và các nền văn hóa vừa đồng thời loan báo về Đức Ki Tô ? Đối thoại và rao truyền có thể cùng là những chiều kích đích thực của Giáo Hội không ? Tận sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta có niềm hy vọng Đối Thoại Liên Tôn dẫn đến sự hoán cải hay không ?
Giáo hội đặt ra vấn đề đối thoại Liên Tôn và việc Truyền Giáo cách đây đã hơn nửa thế kỷ, vậy kết quả ra sao ? Riêng tại Việt Nam có người đưa ra nhận định như sau: “ Có hai điều mà người Công giáo Việt Nam thua xa anh em Tin Lành và thẳng thắn mà nói thì người Công giáo phải bái phục anh chị em Tin Lành. Đó là việc các tín hữu Tin Lành siêng năng học hỏi Kinh Thánh và rất nhiệt thành, tin tưởng phó thác vào Chúa trong công cuộc Truyền Giáo.
…..Linh mục An Tôn Nguyễn Ngọc Sơn đã đặt vấn đề cho mình và cho cả Giáo Hội VN nhân dịp Đại Hội Truyền Giáo Á Châu đang diễn ra ở Chieng Mai ( Thái Lan ) như sau:
…..Nhìn vào Giáo Hội VN trong suốt 45 năm qua tỷ lệ người có đạo ngày càng giảm sút so với dân số cả nước. Vào năm 1960 tỷ lệ đó là 7, 17 %. Cuối năm 2015 chỉ còn 7, 04%. Chúng ta sống đạo như thế nào mà không làm tăng thêm được 1% dân số Công giáo ? Trong khi đó công cuộc truyền giáo của anh em Tin Lành lại đáng cho chúng ta suy nghĩ. Ở Việt Nam từ 400.000 tín hữu vào năm 1999 đã tăng lên 1.200.000 vào năm 2005 nghĩa là đã tăng gấp 03 lần chỉ trong có 6 năm.” ( Nguồn Gieronimo Nguyễn Văn Nội – 05/10/2018 – Đối thoại Đại kết và Liên Tôn để truyền giáo ).
Không thể căn cứ vào những con số thống kê để mà đánh giá công cuộc Truyền Giáo của Giáo Hội VN. Mặt khác, ngợi ca người Tin Lành rất siêng năng học hỏi Kinh Thánh và rất nhiệt thành tin tưởng phó thác vào Chúa Ki Tô. Điều ấy chẳng khác nào …lăng nhục người Công giáo là những người không hiểu biết chi về Kinh Thánh đồng thời cũng chẳng có đức tin và sự nhiệt thành trong việc truyền giáo !!!
Nếu quả như vậy thì người Công giáo phải nghĩ thế nào về cái đạo mà mình vẫn tuyên xưng là Duy Nhất, Thánh Thiện, Công giáo và Tông Truyền ? Đạo Công giáo còn được gọi là Đạo Cứu Rỗi “ Hỡi anh em là con cái thuộc dòng giống Ap Ra ham và là kẻ kính sợ Thiên Chúa trong anh em. Đạo về sự Cứu Rỗi nay đã truyền đến cho chúng ta rồi” ( Cv 13, 26 ).
Như vậy để thuộc về Đạo Công Giáo nhất thiết cần có hai điều kiện. Một là thuộc dòng dõi Ap Raham. Hai là phải có lòng kính sợ Thiên Chúa là Đấng Nội Tại ở nơi mình ( Trong anh em ). Những ai thuộc dòng dõi Ap Ra ham đều là những kẻ có đức tin “ Vậy anh em phải biết rằng kẻ nào có đức tin. Kẻ ấy là con cái của Ap raham” ( Gl 3, 7 ). Có thể nói chỉ người Công giáo mới có đức tin chân thật bởi lẽ họ thuộc về Đạo Tông Truyền do chính Đức Ki Tô thiết lập ( Mt 16, 18 ) ngoài ra tất cả đều không phải.
Điều kiện thứ hai, để là người Công giáo chân chính thì phải có lòng yêu mến kính sợ Thiên Chúa Đấng ở nơi mình. Thế nhưng để có được lòng yêu mến đó thì không thể không có mạc khải của Đức Ki Tô bởi duy chỉ Ngài mới có được sự nhận biết Thiên Chúa “ Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và kẻ nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Một khi Chúa đã khẳng định như thế thì hẳn nhiên phải đúng như vậy. Điều này có nghĩa không có tôn giáo nào cũng như triết học nào có thể khiến cho con người có được sự nhận biết Thiên Chúa ngoài mạc khải của Đức Ki Tô. Nhận ra như vậy để cho thấy trong việc đối thoại chúng ta chỉ có thể thành công khi biết y cứ nơi mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha Nội Tại ( Deus Abconsditus ).
Căn cứ nơi mạc khải cũng có nghĩa cần tuyệt đối tin tưởng ở nơi Chúa và chỉ khi ấy chúng ta mới có thể sẵn sàng để đối thoại “ Nếu anh em phải vì sự công chính mà chịu đau khổ thì có phước. Chớ sợ điều họ sợ cũng đừng bối rối nhưng hãy nhìn nhận Đấng Ki Tô là Đấng Thánh để làm Chúa trong lòng anh em và anh em phải luôn sẵng sang trả lời mọi kẻ chất vấn anh em về sự hy vọng trong anh em một cách nhu mì hiền hòa kính trọng” ( 1P 3, 14 -15 ).
Người Công Giáo được kêu gọi để sống niềm hy vọng vào đời sau “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng một Chúa một đức tin một Phép Rửa một Thiên Chúa là Cha mọi người, vượt trên mọi người suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -6).
Hy vọng trong cuộc sống đời sau có nghĩa là vào hưởng Nước Thiên Đàng phúc lạc đời đời. Niềm tin ấy thế gian cho là ảo vọng là thuốc phiện đầu độc quần chúng nhân dân v.v..Thế nhưng đối với người Công giáo niềm tin ấy là hết sức chân thật và nó đã được bảo đảm bởi vô vàn vô số chứng nhân suốt từ thời Cựu Ước cho đến nnay. Đối với những chứng nhân ấy thì việc đối thoại cũng là một với truyền giáo. Hay nói cách khác có đối thoại thành công thì truyền giáo mới kết quả.
Tấm gương đối thoại thành công nhất trong thời đại này ở quê hương Việt Nam chúng ta có thể kể đến đức cha FX nguyễn Văn Thuận, dù ở trong lao tù CS ngài vẫn thu phục được những người canh giữ mình khiến họ nhận ra được chân lý của Đạo Công Giáo. Ngoại trừ trường hợp của đức cha Thuận, chắc hẳn còn rất nhiều những chứng nhân vô danh thầm lặng khác. Vâng, phải đúng là như vậy thì lời tiên báo của Chúa Giê Su khi sắp thành lập Hội Thánh mới …ứng nghiệm “ Còn Ta lại bải ngươi rằng ngươi là Phê Rô Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thắng được nó” ( Mt 16, 18 )./.
Phùng Văn Hóa.