Giáo Hội gắn liền một cách hữu cơ với các Bí Tích. Sở dĩ có Bí Tích là vì có Giáo Hội, ngược lại có Giáo Hội là để cử hành các Bí Tích. Thật vậy chúng ta cứ thử tưởng tượng ngày nào đó không còn Thánh Lễ nghĩa là không có linh mục để cử hành Thánh Lễ thì sao, đó có phải là Giáo Hội của Đức Ki Tô hay không ? Tuy nhiên mối quan hệ khắn khít ấy đã bị phá vỡ khi người ta đặt dấu hỏi về nguồn gốc các Bí Tích “ Từ thời cải cách Tin Lành cho tới thời đại tân tiến đầu thế kỷ XX vấn đề thành lập các Bí Tích đã không có ưu tư nào khác ngoài việc kiểm thực nguồn gốc làm nảy sinh ra các Bí Tích. Tuy với các lý do khác nhau, một đàng các nhà cải cách Tin Lành và các thần học gia tân thời cùng đồng ý cho rằng nguồn gốc của các Bí Tích hay ít nhất một phần lớn các Bí Tích là do sáng kiến của Giáo Hội đã bỏ điều kiện cộng đoàn đức tin đích thực của mình để tự cơ cấu hóa thành tổ chức tôn giáo thì đàng khác chính truyền Công Giáo đã luôn luôn khẳng định rằng chính ý muốn của Chúa Ki Tô là nguồn gốc của các Bí Tích” ( Nguồn Linh Tiến Khải – Các Bí Tích và nền thần học Bí Tích ).
Đối với Tin Lành và các thần học gia…tân thời thì Bí Tích chỉ là sáng kiến của Giáo Hội Công Giáo để tự cơ cấu thành ra một tổ chức chặt chẽ có phẩm trật, có các tín điều buộc ngặt phải tin, không tin thì không được rỗi linh hồn ! Mặc dầu vậy đức tin ấy hiện thời đã bị đặt lại một cách gay gắt mà nguyên nhân sâu xa là vì người ta đã thay thế việc thực hiện tâm linh bằng con đường dấn thân lịch sử “ Trước hết là cuộc khủng hoảng trong thói quen lãnh nhận các Bí Tích. Việc phản đối thực hành Bí Tích có các nguồn gốc trong môi trường những người không tin. Sự kiện những người không tin không lãnh nhận Bí Tích và không hiểu các Bí Tích là chuyện bình thường dễ hiểu thôi. Nhưng điều gây vấn đề đó là phán đoán của họ đối với lòng đạo đức của Ki Tô hữu khởi hành từ việc phân tích thói quen của các tín hữu lãnh nhận các Bí Tích. Họ nói rằng việc thực hành này thường phản bội một quan niệm rất cao quý về Thiên Chúa và một loại tương quan tôn giáo, trong đó con người tìm lèo lái Thiên Chúa và tới lần mình nó lại bị lèo lái. Thường xuyên họ coi đó chỉ là việc đơn sơ trung thành với một truyền thống đã lỗi thời rồi vì dầu sao đi nữa nó cũng làm thành một cái cớ để biện minh cho một thái độ thôi dấn thân lịch sử và để dồn cho Thiên Chúa giải pháp các vấn đề mà trên thực tế chúng phải được giải quyết bởi con người” ( Nguồn Linh Tiến Khải – Tương lai Của Các Bí Tích ).
Theo quan niệm thần học thì việc lãnh nhận các Bí Tích theo truyền thống Giáo Hội dạy đó chỉ là cái việc…lỗi thời cần phải được thay thế bằng việc dấn thân lịch sử hòng xây dựng thế giới này ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Với quan niệm như thế thì Bí Tích có thể đóng vai trò gì trong việc gọi là dấn thân lịch sử hay không ?. Câu trả lời là hoàn toàn không. Thử hỏi việc siêng năng xưng tội rước lễ nói riêng và lãnh nhận các Bí Tích nói chung thì có quan hệ gì tới việc đấu tranh công bằng xã hội, hoặc cải tạo môi trường v.v…?
Cho rằng việc lãnh nhận các Bí Tích chỉ là thói quen theo truyền thống chẳng giúp gì cho việc dấn thân mang tính xã hội để rồi chê trách gạt bỏ đời sống tôn giáo. Điều ấy chẳng những làm thiệt hại vô cùng tới phần tâm linh mà ngay cả đến phần luân lý cũng bị phá hủy. Tại sao ? Bởi thực tế cho thấy những người siêng năng xưng tội rước lễ dù chỉ là theo truyền thống mà người ta gọi là ngoan đạo ấy cũng đều là những con người chất phác ngay lành, họ có ảnh hưởng tích cực không nhỏ tới gia đình, hàng xóm láng giềng, cơ quan trường học …tức với xã hội rồi. Tuy nhiên ảnh hưởng ấy vẫn chưa đủ, lý do bởi vì nó chưa đáp ứng được nhu cầu tâm linh ở nơi con người.
Tôn giáo hoàn toàn không phải triết học nhưng đồng thời cũng không phải một thứ lý thuyết xã hội. Lầm tôn giáo với triết học tất yếu sẽ đưa đến hoặc một thứ Thiên Chúa của khái niệm hoặc sẽ …giết chết Ngài bằng thần học ( Théologie de la mort de Dieu ). Còn như đánh đồng Thiên Chúa với một thứ ý hệ nào đó thì không có cách chi thoát khỏi tục hóa. Hiện nay nạn tục hóa đã ảnh hưởng một cách nặng nề tới đời sống Bí Tích của Giáo Hội “ Thứ nhất yêu sách coi Ki Tô giáo là một tôn giáo đời hóa tới độ yêu cầu loại bỏ tất cả mọi sinh hoạt phụng tự lễ nghi không tìm thấy nền tảng nào trong các văn bản Kinh Thánh mà giáo huấn của Chúa Ki Tô và thực hành của Giáo Hội thời khai sinh đã truyền lại cho chúng ta. Thứ hai các nền thần học của sự tục hóa và tháo bỏ sự Thánh thiện cho thấy rõ ràng tính cách không phù hợp sâu xa của chúng với Ki Tô giáo tại nhũng nơi để yểm trợ cho sự trung thành lớn hơn với tính cách đời với lịch sử bằng cách giảm thiểu Ki Tô giáo thành một nền luân lý đạo đức, một xã hội học, một nền chính trị. Các nền thần học này quên rằng Ki Tô giáo tự nó và trước hết là một lịch sử. Luân lý đạo đức, xã hội học và chính trị mà với nó tín hữu Ki Tô có thể trung thành với lịch sử không nảy sinh từ một giáo thuyết hay một ý thức hệ nhưng từ lịch sử cứu độ nghĩa là từ tổng thể các can thiệp cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện trong thời gian và trong không gian và chúng đạt tới tột đỉnh nơi chính Chúa Ki Tô” ( Nguồn Linh Tiến Khải – Nền thần học đứng trước cuộc khủng hoảng của việc lãnh nhận các Bí Tích).
Đành rằng tôn giáo một khi bị giảm thiểu thành luân lý, đạo đức xã hội hay chính trị thì nó ắt phải chết. Thế nhưng nếu cho Ki Tô giáo là lịch sử cứu độ sẽ được thực hiện trong không gian thời gian và chúng đạt tột đỉnh nơi Chúa Ki Tô thì đây cũng chỉ là quan điểm mang tính ảo tưởng của thần học. Con người do bởi tính chất vô minh nên nó hoàn toàn sống trong ảo tưởng = lấy giả làm thật, lấy khổ làm vui. Chính bởi vậy công cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô là đem đến Sự Thật để giải thoát cho nhân loại “ Nếu các ngươi cứ ở trong Đạo Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -33).
Đức Ki Tô nói con người sẽ được giải thoát khi nhận biết Sự Thật. Điều này cho thấy công cuộc Cứu Độ của Chúa không có liên quan gì với bất cứ một nền luân lý đạo đức cũng như ý hệ chính trị nào nhưng cũng hoàn toàn không phải là viễn mơ bên ngoài đời sống. Lý do bởi vì Sư Thật cần nhận biết ấy chẳng có ở đâu xa mà ngay tại cõi lòng mỗi người “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Giêsu là Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu rỗi” ( Rm 10, 8 -9 ).
Đạo Chúa dựa trên nền tảng đức tin, do đó gọi là Đạo Đức Tin. Thế nhưng đức tin ngày nay hầu như biến mất khi người ta đề ra cái gọi là dấn thân lịch sử thay cho việc tìm kiếm Thiên Chúa. Có sự khác biệt sâu xa giữa tôn giáo và triết học thế này = một đàng là tìm kiếm, một đàng là khẳng định. Bởi chưa thấy chưa gặp nên vẫn còn tìm, trái lại khẳng định đương nhiên chấm dứt việc tìm kiếm đang khi chưa thấy chưa gặp. Triết học Kant cho rằng khẳng định thực chất chỉ là khả năng kết luận ( la raison est le pouvoir de conclura ) mà khả năng kết luận là đi từ quan niệm này sang quan niệm khác chứ không hề nhắm đến thực tại. Thần học từ bấy lâu nay chỉ là trá hình của Triết Duy Lý bởi vậy Thiên Chúa trước sau vẫn chỉ là những quan niệm thế này thế khác chứ không phải đúng như thực tại Ngài Là. Để có thể gặp gỡ Thiên Chúa như thực tại Ngài Là ( Ego sum qui sum ) thì nhất thiết phải trong đức tin mà tìm “ Vì kẻ đến cùng Thiên Chúa cần phải tin rằng Ngài thực hữu và là Đấng ban thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài. Bởi đức tin Noe được Chúa mách bảo về những điều chưa thấy, động lòng kính sợ mà sắm sửa một chiếc tàu để cứu nhà mình, bởi đó người định tội cho thế gian và trở nên kẻ thừa thọ sự công chính theo đức tin” ( Dt 11, 7 ).
Vì Noe tin nên mới làm theo lời Thiên Chúa truyền dạy vì thế đức tin tuy thiết yếu nhưng nó cần phải gắn với việc làm, nếu không đức tin ấy chỉ vô ích. Cuộc khủng hoảng các Bí Tích như hiện nay đang thấy chính là vì đã không có sự thực hành nghĩa là không sống các Bí Tích. Người ta có thể thường xuyên xưng tội rước lễ nhưng nếu chỉ để giữ luật hoặc theo thói quen thì đó không phải là “ Sống”. Để gọi là sống các Bí Tích thì cần thực hiện điều mình tin. Tin Phép Giải Tội khiến mình sạch tội nhưng nếu không xưng thú hết mọi tội lỗi cũng như dốc lòng chừa cải thì tội không thể khỏi. Tin Chúa ngự trong Phép Thánh Thể nhưng nếu không giữ lòng thanh sạch và tìm đến gặp gỡ yêu mến Ngài trong mỗi Thánh Lễ thì lòng tin ấy có ích gì đâu ? Tin và làm Phép Hôn Phối nhưng nếu không giữ lòng trung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc yếu đau thì cũng chẳng ích lợi gì. V.v…
Trong tính chất sâu xa của việc sống Bí Tích đây chính là thực hiện giới răn yêu thương của Đức Ki Tô “ Ai có các điều răn của Ta và giữ lấy ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta cũng thương yêu người và tỏ chính minhỳ Ta cho người” ( Ga 14, 21).Giới răn quan trọng bậc nhất là Tình yêu Thương nhưng Tình Yêu ấy chẳng phải để dành cho ai khác mà là Chúa Giêsu ở nơi mình. Dẫu vậy làm sao chúng ta có thể yêu thương Chúa nếu không có Đức Maria làm Mẹ ? Quả thật mỗi người tín hữu chúng ta đều được sinh ra trong Bí Tích Rửa Tội, lớn lên trong Bí Tích Thêm Sức, được cvhữa lành trong Bí Tích Giải Tội và nhất là được sống đời đời nhờ Bí Tích Thánh Thể “ Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Nếu ai ăn bánh ấy sẽ sống đời đời. Còn Bánh Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian ấy là thịt ta” ( Ga 6, 51 ).
Nếu chúng ta tin Chúa đã lấy Máu Thịt Ngài để dưỡng nuôi linh hồn mình thì cũng không thể chối bỏ sự thật = Thịt Máu ấy là của Đức Maria, từ nơi Đức Maria mà hình thành. Nêu lên chân lý này là để cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của Đức Maria trong việc “ Sống” các Bí Tích. Nói cách khác không ai có thể thực hành Bí Tích với lòng tin yêu nếu không cậy nhờ Đức Mẹ và chúng ta cần phải biết ơn Ngài. Thánh Phêro Đamiano nói “ Anh em hãy suy xét chúng ta mắc ơn Mẹ Thiên Chúa biết chừng nào và chúng ta phải tạ ơn Người bao nhiêu sau Thiên Chúa vì đã ban cho ta ơn huệ cao cả đến thế. Thân xác Chúa Ki Tô mà Mẹ đã sinh ra, đã cưu mang trong dạ, đã vấn trong tã, nuôi bằng sữa mình với bao âu yếm và nặng tình mẫu tử để chúng ta được chịu lấy nơi bàn thờ. Ta uống chính Máu Ngài nơi Bí Tích Cứu Chuộc. Thật không có lời phàm nào có sức ca ngợi đấng ban thân xác cho vị Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người. Danh dự chúng ta tặng Người có thể nào đi nữa cũng vẫn còn kém xa các công đức của Người đã dọn cho ta Thịt Máu tinh sạch nuôi dưỡng chúng ta” ( Mv Bernado O.P – Mẹ Trong Đời Tôi) ./.
Phùng Văn Hóa
Trà Cổ – Ngày mồng một Tết Giáp Ngọ – 2014.