VỀ  SỰ  SỐNG  VÀ  CÁI  CHẾT

          Dù có được giải quyết hay không thì vấn đề sự sống và cái chết  của mỗi người vẫn được đặt ra từ cổ chí kim, từ đông sang tây cho cả tôn giáo lẫn triết học. Đạo giáo ( Lão giáo ) cho rằng con người được sinh ra  từ sự hòa hợp  hai khí âm và dương. Do khí tụ lại mà sinh và khí tan thì chết. Do đó họ tìm cách sao cho khí tụ lại mãi sẽ được trường sinh bất tử.

          Với Khổng giáo vì chỉ muốn giải quyết vấn đề của người sống, thế nên khi Tử  Lộ, học trò của đức Khổng hỏi về mối liên hệ giữa sống và chết thì ngài nói: Chưa biết sống thì làm sao biết được chết ( Vị tri sinh an tri tử ) ?

          Triết Hiện Sinh, J.P. Sartre dứt khoát cho rằng: Chết là hết đời, con người chỉ là đam mê vô ích. Đang khi đó Phật giáo  cho rằng sống và chết là hai mặt của một vấn đề. Tất cả là do…duyên, duyên hợp lại gọi là sống, trái lại duyên tan gọi là chết.

          Riêng với giáo hội Công giáo, trong mấy thập niên  gần đây vì muốn bảo vệ sự sống, chống lại nạn phá thai nên đã ra sức bảo vệ sự sống với lập luận cho rằng: Ngay từ khi mới được thụ thai đã là một con người, vì vậy phá thai là tội giết người đáng bị lên án: “ Trong huấn thị Donum Vitae  do Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin  ban hành ngày 22/2/1987, giáo hội Công giáo một lần nữa tái khẳng định lập trường không thay đổi  về việc tôn trọng phôi thai người đã có từ lâu trong truyền thống giáo hội. Ngay từ giây phút thụ sinh, sự sống của mỗi người phải được tôn trọng cách tuyệt đối vì con người là thụ tạo duy nhất trên trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính nó và linh hồn của mỗi người được Thiên Chúa trực tiếp tạo thành”.

          Cần bảo vệ sự sống ngay từ giây phút thụ sinh bởi đó đã là một con người. Quan điểm này của giáo hội là hoàn toàn xác đáng, không có chi phải bàn. Tuy nhiên có một vấn đề cần đặt ra: Nếu bảo rằng khi vừa thụ sinh đã là  con người tức một sinh mệnh thì sinh mệnh…người ấy từ đâu mà có nếu không phải từ trong kiếp trước đã kết nối với tinh cha huyết mẹ mà thành ?. Thế nhưng vấn đề trở nên rắc rối  chính là quan niệm  cho sinh mệnh ấy là do Thiên Chúa ban và phú cho một linh hồn ?

          Nếu quả sự sống là do Thiên Chúa ban thì sự…ban cho ấy tất nhiên phải đồng đều cả về hình thức lẫn phẩm chất nhưng trong thực tế lại không như vậy. Có những bào thai chỉ sống được  một vài tháng rồi chết gọi là…xẩy thai. Hoặc có những bào thai mang dị tật hoặc quái thai. Lại nữa với những cas bị hiếp dâm và cái thai ấy hoàn toàn không do mong muốn của người mẹ và nhất định muốn phá bỏ đi  thì đó có phải là được Thiên Chúa…ban cho hay không v.v và v.v…

          Cho rằng sự sống nói chung và phôi thai nói riêng là do Thiên Chúa ban vì vậy không thể chấp nhận. Để giải thích về sự khác biệt cả trong hình thức lẫn phẩm chất các thai nhi. Khoa học viện dẫn đến quy định chặt chẽ của …Hệ Gen: “ Hợp tử ( Trứng thụ tinh ) có đầy đủ tất cả các mã số di truyền ( Hệ Gen người ) là cơ sở cho quá trình  phát triển người trong tương lai về tiềm năng, hợp tử có chứa một  mọi thứ cần thiết  cho sự phát triển của bào thai thành người trưởng thành và có ý thức. Hệ Gen chính là bản thiết kế và cũng là tác nhân hiệu quả  gây ra quá trình phát triển  người” ( Nguồn Gioitreconggiao – Lm Trần Mạnh Hùng STD – Quan điểm của GHCG về sự sống con người ).

          Hệ Gen là một phát minh khoa học hết sức quan trọng ảnh hưởng  đến nền y học hiện đại. Không những thế nó còn có thể được áp dụng trong cả lãnh vực tâm linh  và đó chính là…Nghiệp.  Thật vậy nếu Hệ Gen quyết định về sức khỏe cũng như tật bệnh thì chính Nghiệp cũng là cái quyết định về số phận cũng như xu hướng  thiện, ác của con người.

          Nhận định như vậy để cho thấy không phải  Đấng Tạo Hóa ( Thiên Chúa ) quyết định số phận mỗi người nhưng là …Nghiệp. Nghiệp hay nói đúng hơn gọi là Nghiệp Thức. Chúng ta vẫn quan niệm con người gồm bởi hai phần, phần xác và phần hồn. Phần xác là cấu tạo hợp thành của bốn yếu tố ( Tứ Đại ): Đất, Nước, Lửa, Gió. Khi bốn yếu tố ấy  hòa hợp thì gọi là sống. Khi bốn yếu tố ấy tan rã thì gọi là chết.

          Phần xác chết, tan hoại  nhưng phần hồn thì không. Trong cái …phần hồn này lại có hai phần. Một là phần chân linh muôn đời bất diệt  đó là Hình Ảnh Thiên Chúa ( St 1, 26 ) Hai là vọng thức như đã nói gọi là Nghiệp Thức thay đổi liên tục để tạo nên nghiệp thiện hay nghiệp ác của mỗi người. Chứa loại nghiệp thức nào sẽ có nghiệp quả đó. Chúa nói: “ Không có cây tốt lại sanh trái xấu cũng không có cây xấu lại sanh trái tốt, vì cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi lùm gai cũng không hái trái nho nơi bụi găng. Người thiện do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện. Người chứa ác thì phát ra điều ác. Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 43 -45 ).

          Có chứa thiện mới làm được điều thiện, trái lại chứa ác sẽ làm điều ác. Chính cái…sự chứa ấy đã tạo nên Nghiệp Thức và vì vậy phải nên hết sức tỉnh thức ngay từ trong tư tưởng. Điều nguy hại nhất đối với con người và ngay cả thần học là đã không biết đến tính chất của cái…sự chứa ấy  để rồi cứ tạo mãi những điều bất thiện : Tham lam, sân hận, si mê, ganh ghét, đố kỵ….gây khổ đau cho mình và cho người !

          Nguyên nhân sâu xa khiến thần học không biết đến tính chất nguy hại của cái…sự chứa là vì đã chấp lấy thân xác là mình. Trước đây giáo lý dạy  con người là loài có xác có hồn nhưng nay thần học lại nói con người…là xác và hồn. Khi nói con người là xác và hồn, người ta  muốn nêu quan điểm con người  được cứu phải là con người toàn diện  nghĩa là cả xác lẫn hồn ! Nói…cả xác lẫn hồn nhưng thực chất đó chỉ là cái xác thân hư hèn này thôi ! Chủ trương…cứu thân xác, điều ấy đã chống trái với con đường  xuất thế của Đức Ki Tô: “ Vì lắm kẻ như tôi đã ghe phen nói với anh em rằng họ là thù nghịch với  thập giá  Đấng Ki Tô. Kết cuộc của họ là sự hư mất, thần của họ là cái bụng, họ lấy sự nhuốc nhơ mình làm vinh hiển, họ chí hướng  những việc  thuộc về đất” ( Pl 3, 18 -19 ).

          Chính với quan niệm con người  là xác và hồn như thế, giáo hội không thể không…đi vào Con Đường Giải Thiêng Tục Hóa ( Desacralisation ) tức nhìn  nhận chỉ có cuộc đời này. Nếu nhìn nhận chỉ có cuộc đời này thôi thì đã mặc nhiên phủ nhận đời sau và khi đã phủ nhận đời sau  thì lời Đức Ki Tô trở thành vô nghĩa khi Ngài nói:“ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình  thì sẽ tìm lại được. Bởi chưng lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?” ( Mt 16, 24 -26 ).

          Vì Chúa mà mất mạng sống có nghĩa vì tin Chúa, sống sự thật mà bị người đời khinh chê, bắt bớ, giam cầm, bách hại thì sẽ tìm được Sự Sống Đời Đời. Chúa nói như vậy, chúng ta phải hiểu rằng có hai loại sự sống. Một là sự sống xác thân giả tạm đời này và hai là sự sống bất diệt đời sau. Sự sống xác thân chỉ là thứ bèo bọt chóng qua: “ Sự sống anh em là chi ? Chẳng qua như một chút hơi nước hiện ra một lát rồi lại tan mất” ( Gc 4, 14 ).

          Thân xác không những chỉ là thứ bọt bèo chóng qua, nó còn là cái túi chứa khổ. Lão Tử nói: “ Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân. Cập ngộ vô thân, ngô hữu hà hoạn ?” ( Ta sở dĩ có nỗi hoạn lớn là vì ta có thân. Nếu ta không có thân ta sao có lo ?” ( ĐĐK chương 13 ).

          Là người không ai lại không có thân ? Tuy nhiên cái khổ của con người là vì chấp xác thân là mình. Một khi đã chấp lấy cái xác làm mình  thì luôn phải sống trong các nỗi sợ và nỗi sợ lớn  nhất đó là sợ chết. Nhưng dù có muốn tránh cái nỗi sợ ấy cũng chẳng được:“ Ai là người sống mà chẳng thấy sự chết. Ai sẽ cứu linh hồn mình khỏi quyền uy âm phủ ?” ( Tv 89, 48 ).

          Sợ chết nhưng rồi vẫn cứ phải chết đó là điều khiến chúng ta suy gẫm. Đâu là nguyên nhân dẫn đến cái chết không sao tránh khỏi ? Thánh Phao Lô cho biết đó là tội: “ Cái nọc của sự chết là tội” ( 1C 15, 14 ).  Câu trả lời ấy rất  đúng nhưng vẫn khiến chúng ta chưa thể thỏa mãn. Nói tội lỗi đưa đến cái chết thì tại sao không ít trường hợp có những người sống đầm đìa trong tội, tham lam vơ vét tiền bạc, tham nhũng, cậy quyền ỷ thế hiếp đáp người nghèo mà vẫn  ung dung sống cho đến mãn đời ? Ngược lại có những người ăn ở hiền lành thiện lương  lại sống trong cảnh nghèo nàn, chết sớm v.v…

          Để có câu trả lời thỏa đáng chúng ta không thể không viện dẫn đến định luật Nhân Quả Nghiệp Báo. Tuy  nhiên một khi nói đến định luật này thì tất nhiên phải nhìn nhận con người đã trải qua vô vàn kiếp sống. Kiếp sống hiện tại là Quả của các kiếp sống trước đồng thời lại là  Nhân cho kiếp sống sau.

          Nhận ra như vậy để cho thấy những người tuy có cuộc sống bất thiện ở kiếp này nhưng  chưa bị quả báo xấu là vì trong nhiều kiếp sống trước họ đã tạo được nhiều việc thiện. Ngược lại những người sống trong kiếp hiện tại dù hiền lương nhưng vẫn gặp hoạn nạn, tai ương là vì trong kiếp trươc họ đã gây ra những nhân bất thiện v.v…

          Tựu chung Nghiệp Báo có hai loại. Một là Nghiệp Thế Gian, hai là Nghiệp Xuất Thế Gian. Đạo Chúa thuộc loại Nghiệp Xuất Thế Gian. Đức Ki Tô nói: “ Con đã ban Đạo Cha cho họ mà thế gian ghen ghét họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian vậy. Con chẳng xin Cha cất họ khỏi thế gian nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi sự ác. Họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh. Đạo Cha là sự thật” ( Ga 17, 14 -17 ).

          Bởi là Đạo Xuất Thế nên trong  hầu hết  kinh nguyện của Đạo Công Giáo nhất là Kinh Mân Côi trong các Ngắm  không Ngắm nào là không thể hiện tính xuất thế. Kinh Mân Côi là một loại Tâm Pháp, bởi đó cho nên khi thực hiện kinh nguyện này chúng ta phải lấy Tín, Nguyện làm đầu.

          Tín ở đây có 03 phần. Một là tin Chúa Giê Su là Đấng Nhân Lành vô cùng. Ước nguyện của Ngài là muốn cứu vớt những kẻ tội lỗi ăn năn trở lại: “ Ta muốn lòng thương xót chứ không muốn sinh tế. Vì Ta đến không phải để  kêu gọi người công chính bèn là kẻ tội lỗi” ( Mt 9, 13 ).

 Điều thứ hai cần tin đó là thực sự tin rằng có sự hiện hữu của Thiên Đàng cũng gọi là Nhà Cha: “ Lòng các ngươi chớ bối rối, đã tin ĐCT thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ. Bằng chẳng vậy, Ta đã nói với các ngươi rồi, Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi  thì Ta sẽ  trở lại tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 1 -3 ).

Điều thứ ba cũng cần phải tin đó là tin vào lẽ Nhân Quả Báo Ứng. Một khi đã thực hiện  các giới răn cùng với lòng yêu mến thì kết quả sẽ đến có khi ngay trong đời này và nhất là trong đời sau vô cùng.

Một khi đã có lòng tin vào Thiên Đàng thì phải dốc lòng Nguyện được về sinh sống ở nơi đó muôn đời. Chỉ tin mà không Nguyện về, đó không phải là lòng tin chân thật và cũng chẳng ơn ích gì về mặt tâm linh. Tại sao ? Bởi vì Chúa sinh ra ta trong ơn nghĩa, gánh chịu mọi nỗi đớn đau khổ cực và vì thế Ngài chẳng mong chi hơn là đón từng người trong chúng ta được cùng về hưởng phúc lộc vinh quang với Ngài ? “ Con đã ban cho họ sự vinh hiển mà Cha đã ban cho Con để họ hiệp làm một cũng như chúng ta là một” ( Ga 17, 22 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts