(Ảnh minh họa Abraham chuẩn bị sát tế đứa con trai Isaac duy nhất của mình)
“Vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời.” Đó là câu trích trong bài ca “Ngợi Khen” (Magnificat) do Đức Mẹ Maria cảm tác khi đến nhà thăm bà chị họ Isave. Abraham là tổ phụ của dân Do Thái và Thiên Chúa đã thương xót ông một cách đặc biệt. Ngài ban phép cho vợ ông là bà Sarah có thai và sinh hạ một con trai cho dù lúc đó bà đã 95 tuổi và ông đã 100 tuổi. Trước đó lúc Abraham 75 tuổi Thiên Chúa phán với ông hãy rời bỏ xú sờ, họ hàng, và căn nhà của cha ông đi đến nơi Ngài sẽ chỉ cho ông. Thiên Chúa hứa với ông: “Ta sẽ làm cho ngươi trở thành một dân tộc lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi. Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” Sách Sáng Thế Ký kể ông Abraham đã vâng lời và tín thác vào Thiên Chúa rời bỏ quê nhà Kharan và đi đến xứ Canaan. Câu chuyện cảm động nhất về người đàn ông tổ phụ dân Do Thái này là chuyện ông tuyệt đối trung thành và tuân phục Thiên Chúa đến đỗi sẵn sàng vung dao sát hại đứa con trai duy nhất Isaac đưa lên lò củi làm của lễ toàn thiêu hiến dâng cho Thiên Chúa. Ngài có ý thử ông và ông thì làm thiệt. Thiên Chúa xót thương, sai sứ thần can ngăn Abraham: “Đừng giơ tay làm hại đứa trẻ, đừng làm gì nó. Nay Ta đã biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa.” Từ trời qua miệng một sứ thần Ngài phán: “Đây là sấm truyền của Đức Chúa. Ta lấy chính danh Ta mà thề bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên trời, như cát dưới biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trí của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.”
(Ảnh minh họa Đức Mẹ đi thăm bà chị họ Isave)
Bài ca “Ngợi Khen” cảm tác trong bối cảnh Mẹ Maria mới được sứ thần Gabriel truyền tin sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Khi gặp nhau, bà chị họ Isave (còn gọi là Elizabeth) ngỏ lời chia vui: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến với tôi thế này? Vì này đây tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Đáp lại, Mẹ Maria một mực cao rao: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới; từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc.” Hơn ai hết Đức Maria lúc này cảm nhận mình thật diễm phúc vì đang cưu mang trong lòng mình Chúa Cứu Thế. Diễm phúc Mẹ Maria có được cũng vì lòng tín thác của Mẹ xin Chúa cứ thực hiện như lời sứ thần truyền. Mẹ tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa đã đoái thương thân phận tôi tớ hèn mọn của mình.
Đức Maria xác tín bằng những lời ngợi khen Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Người thật chí thánh, chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.” Tổ phụ Abraham của dân Do Thái đã bao lần được Thiên Chúa xót thương cũng bởi ông có lòng kính sợ Ngài. Sách Sáng Thế Ký kể chính nhờ lời cầu xin của ông mà Thiên Chúa đã xót thương không để gia đình người cháu tên Lót của ông bị thiêu hủy cùng với dân thành Sodoma tội lỗi. Ngoại trừ người vợ của Lót bị biến thành bức tượng muối do không nghe lời thiên sứ: trên đường chạy đã dừng lại ngoái nhìn thành Sodoma. Sự kiện bà Elizabeth đã lớn tuổi mà vẫn có con cũng không nằm ngoài thánh ý và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh sử Luca viết: “Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Elizabeth sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.” Người con trai của Elizabeth chính là Gioan Tẩy Giả hay còn gọi là Gioan Tiền Hô. Trong kế hoạch cứu độ nhân loại Thiên Chúa đã đặt để Gioan Tiền Hô làm sứ giả đi trước dọn đường cho Chúa Giêsu. Ông xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.
(Ảnh minh họa Chúa Giêsu ra đời trong máng cỏ hang lừa tàn tệ)
Nói về kinh “Magnificat”, Đức giáo hoàng Phaolô đệ lục trong thông điệp về lòng tôn sùng rất thánh Nữ Maria ghi: “Lời kinh Magnificat của Mẹ Maria là một lời công bố lòng nhân hậu của Thiên Chúa cứu chuộc, một công bố tuyệt hảo những hồng ân của lòng nhân hậu Chúa.” Lòng nhân hậu của Thiên Chúa cứu chuộc hiển hiện tỏ tường qua Mầu Nhiệm Chúa Giêsu nhập thế và nhập thể. Bản Kinh Tin Kính của công đồng Constantinople biên soạn có đoạn: “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô con một Thiên Chúa…Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria…” Có thể nói lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người biểu hiện ở mức tột cùng qua việc phái con một mình là Chúa Giêsu Kitô xuống thế làm người, ra đời một đêm mùa đông lạnh buốt trong máng cỏ hang lừa tàn tệ. Bức thư thứ nhất của thánh sử Gioan có đoạn chép: “Chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người làm của lễ đền tội cho chúng ta.”
Trong bài huấn dụ nói với hàng chục ngàn tín hữu và khách hành hương đến tiếp kiến mình trong buổi sáng thứ Tư ngày 09 tháng 12 năm ngoái ngay sau ngày mở cửa và khai mạc Năm Thánh thứ Ba ngày 08/12, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có đoạn phát biểu: “Hướng cái nhìn về Thiên Chúa từ bi và tới các anh chị em cần lòng thương xót, có nghĩa là tập trung chú ý trên cốt lõi của Phúc Âm là Chúa Giêsu, Lòng Thương Xót nhập thế khiến cho con mắt chúng ta trông thấy mầu nhiệm vĩ đại của Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.”
Hằng năm đến tháng 12 chúng ta được sống trong Mầu Nhiệm và Hồng Ân Nhập Thế và Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta cảm tạ và tri ân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cầu xin cho mình biết tha thứ và thương xót tha nhân không phải trong tháng này, năm này mà mãi mãi trong suốt cuộc đời chúng ta. Hãy nhớ Chúa Giêsu còn xuống thế một lần nữa để đo lường và phán xét lòng thương xót của mỗi người chúng ta.
Gioan Long Vân, giáo xứ Nhân Hòa