VIỆC CHIÊM NIỆM CÓ DÀNH CHO MỌI NGƯỜI KHÔNG?

Chiêm niệm là một hình thức cầu nguyện cụ thể, thụ động và thầm lặng, dường như không thể tiếp cận được hoặc chỉ dành riêng cho những người khổ hạnh. 

  1. Không phải như vậy, vì mọi Kitô hữu, ngay cả giữa lòng thế giới ồn ào này, đều được mời gọi sống đời chiêm niệm.

Viện Hàn Lâm Pháp cho biết: “Chiêm niệm là trạng thái của tâm trí bị cuốn hút vào việc nắm bắt một đối tượng có thể hiểu được.” Cụ thể hơn, trong lĩnh vực tôn giáo, các viện sĩ nói thêm: “Chiêm niệm là trạng thái huyền nhiệm trong đó linh hồn, trở nên xa lạ với thế giới và với chính mình, mong đợi hạnh phúc thiên đàng và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa.” Rất thường khi chúng ta nghĩ đến việc chiêm niệm, chúng ta hình dung ra các tu sĩ trùm mũ sống ẩn dật trong tu viện của họ, xa tránh sự dòm ngó của người đời và thế gian, hoặc hình dung ra những nhà thần bí vĩ đại mang trên cơ thể mình những dấu thánh vô cùng đau đớn. Nói tóm lại: chiêm niệm là chuyện không thể đạt tới. Nhưng có thật chiêm niệm là như thế không?

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nói về việc chiêm niệm như “là lấy đức tin mà chiêm ngắm Chúa Giêsu. Người dân quê làng Ars đã từng nói với thánh Gioan Vianey, cha sở của ông, về những lúc cầu nguyện trước Nhà Tạm: “Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi”. Muốn chiêm ngắm Chúa phải biết quên đi cái tôi của mình. Cái nhìn của Chúa thanh luyện tâm hồn ta; ánh sáng tôn nhan Ngài soi sáng con mắt linh hồn, dạy cho ta biết nhìn tất cả trong ánh sáng của chân lý và lòng thương xót Ngài dành cho mọi người. Khi chiêm niệm ta cũng nhìn vào các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô; nhờ đó, ta hiểu biết thâm sâu về Chúa hơn để yêu mến và đi theo Ngài hơn nữa” (số 2715). Do đó, chiêm niệm là “tập trung vào Chúa Giêsu”, “từ bỏ chính mình”, trong đó linh hồn được thấm nhuần Chúa Kitô để bước theo Ngài tốt hơn. 

  1. Ngắm nhìn và để cho mình được ngắm nhìn.

Nói tóm lại, chiêm niệm giúp cho lời cầu nguyện được “thông thoáng”, theo nghĩa là không làm gì khác hơn là im lặng và lắng nghe, trong khi theo Cha Bede Jarrett thuộc dòng Đa Minh (Những bài suy niệm cho giáo dân, ghi chú của biên tập viên) thì lời cầu nguyện có thể “thường bị giản lược thành những quy tắc nghiêm ngặt, đã được vạch rõ, xếp loại và biên tập cho đến khi nó hầu như không còn phải là ngôn ngữ của trái tim nữa.” Do đó, việc chiêm niệm bắt đầu bằng một sự hồi tâm thinh lặng, thụ động, trong đó linh hồn để mình được nhìn ngắm một cách lặng lẽ dưới cái nhìn nhân từ của Chúa, và là nơi tâm trí không còn suy nghĩ nữa. Chiêm niệm là nhìn lên Ngài, và để cho Ngài nhìn mình. Ở điểm này, chiêm niệm khác với cầu nguyện, vốn là một hình thức cầu nguyện tích cực, giống như suy niệm, mặc dù về bản chất chúng liên kết với nhau.

Nếu mọi người đều có thể tiếp cận đời sống chiêm niệm thì nó không hề tách rời khỏi đời sống “hoạt động”. Các Tu phụ Sa mạc thực sự coi hai trạng thái này là bổ sung cho nhau. Việc chiêm niệm phải đi đôi với và tùy thuộc vào hành động và thực hành: do đó, việc chiêm niệm chỉ có thể thực hiện được khi đời sống chúng ta có đủ kỷ luật, nghĩa là khi người Kitô hữu cố gắng sửa chữa những lỗi lầm của mình, ngay cả những lỗi lầm tầm thường nhất.

  1. Cầu nguyện chiêm niệm là một hình thức vâng phục.

Chiêm niệm chắc chắn là một hình thức vâng phục, nhưng không phải là một sự vâng phục nô lệ. Chiêm niệm có thể được coi là một hình thức vâng phục. Từ “vâng phục” bắt nguồn từ tiếng Latin ob-audire, có nghĩa là “nghe” hoặc “lắng nghe”. Vâng phục trong đức tin là “tự nguyện vâng phục lời đã nghe” (GLGHCG, số 144). Sự vâng phục tự nguyện này là điều mà chúng ta gọi là chiêm niệm. Sự vâng phục xác định chính thái độ của Chúa Giêsu trước mặt Chúa Cha, Đấng đã sống một cuộc đời được uốn nắn bằng cầu nguyện chiêm niệm.

Trong cuộc sống hàng ngày, mọi người đều phải đối mặt với “cái tôi giả dối” của mình, là thứ luôn can thiệp và thường xuyên thắng thế. “Cái tôi giả dối” này được đặc trưng bởi những chiếc mặt nạ, những lời dối trá, những ảo tưởng quyến rũ, những thỏa hiệp với chính mình hoặc những tham vọng sâu kín mâu thuẫn với Thiên Chúa. “Cái tôi giả tạo” phải được biến đổi và những chiếc mặt nạ phải được loại bỏ, và cầu nguyện chiêm niệm là cách tốt nhất để làm điều này. Sự vâng phục trong cầu nguyện chiêm niệm tìm cách gỡ bỏ mọi dấu vết bất tuân ẩn giấu trong lòng. 

  1. Chiêm niệm là nhận thức và tìm cách gỡ bỏ mọi tội lỗi.

Nhận thức được tội lỗi của mình là một ân sủng quý giá mà Chúa ban cho chúng ta. Dù rất đau đớn và khó khăn nhưng điều đó mang lại cho chúng ta sức mạnh. Thật vậy, chính khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta lạc lối và đau khổ biết bao vì tội lỗi của mình thì Thiên Chúa mong muốn liên kết chúng ta với chính Ngài. Vì nếu Ngài cho chúng ta thấy sự thật về tình trạng tội lỗi của chúng ta – với tất cả sự xấu hổ, nhục nhã và ghê tởm mà nó hàm chứa – thì Ngài còn ban cho chúng ta nhiều ân sủng hơn nữa để bám lấy Ngài bằng nhận thức sâu sắc này. Thánh Augustinô cho chúng ta lời khuyên khôn ngoan này: “Chúng ta đừng giả vờ rằng cuộc sống của chúng ta là nhân đức và chúng ta không có tội lỗi. Để cuộc sống của chúng ta đáng được khen ngợi, chúng ta hãy cầu xin ơn tha thứ.”

Đây là một cách hiệu quả để áp dụng lời cầu nguyện của người thu thuế. Đó là đọc thuộc câu: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18: 13), rồi thêm vào đó một trong những tội lỗi thực sự của chúng ta, ví dụ “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi, kẻ ích kỷ.” Tiếp tục như thế cho đến khi không còn tội lỗi nào nữa để thêm vào: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi, kẻ thiếu kiên nhẫn…ganh tỵ…giận dữ…vô ơn…” Nếu bạn muốn tập trung vào một lời cầu nguyện cho một tội lỗi nào đó trong một thời gian dài, thì cứ theo cách đó mà cầu nguyện.  

  1. Chiêm niệm là nhận thức rằng mình cần đến một Đấng Khác.

Sự vâng phục trong cầu nguyện chiêm niệm là rất quan trọng bởi vì, như Thánh Grêgôriô Cả nói: “Sự vâng phục là phương tiện để chiến thắng chính mình, trong cõi lòng chúng ta”. Khi chúng ta đặt lòng mình trước Chúa để chiêm niệm, vâng theo những gì Chúa muốn dành cho mình, chúng ta bắt đầu thay đổi. Bản chất của mọi việc cầu nguyện chiêm niệm với tư cách là vâng phục là nhận thức rằng bạn cần một Đấng Khác để mình thực sự là chính mình. Nhận thức thực sự được điều này là làm cho việc cầu nguyện chiêm niệm trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của một con người.

Sự vâng phục không tạo ra nô lệ, hoàn toàn ngược lại. Nó giải phóng chúng ta để theo đuổi Đấng mà trái tim mọi người hướng về, và tìm kiếm hạnh phúc mà Thiên Chúa đã hứa. Sự vâng phục là cách để con người luôn sẵn sàng đón nhận mọi thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. 

Cầu nguyện trong sự vâng phục là cách con người có thể trở nên chủ động trong việc “xin vâng” với Thiên Chúa và thánh ý của Ngài. Đó là sự tham gia vào lời Fiat – Xin vâng – của Mẹ Maria. Như Thánh Maximilien Kolbe đã nói:

  • Bằng sự vâng phục, chúng ta vượt qua giới hạn của sự nhỏ bé của mình, và chúng ta tuân theo Thánh Ý Chúa, Đấng hướng dẫn chúng ta bằng sự khôn ngoan và sự cẩn trọng vô hạn của Ngài để hành động của chúng ta trở nên tốt lành.

Thánh John Henry Newman cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa sự vâng phục và cầu nguyện: “Bạn phải tìm kiếm khuôn mặt của Ngài; vâng lời là cách duy nhất để tìm kiếm Ngài. Tất cả các nhiệm vụ theo bậc sống của bạn là sự vâng phục. Bất cứ hành vi vâng phục nào đều đưa chúng ta đến gần Đấng vốn dĩ không ở xa”.

  1. Cầu nguyện chiêm niệm phải là trụ cột của đời sống cầu nguyện của người Kitô hữu. 

Chính nhờ lời cầu nguyện này mà tình yêu của người ấy dành cho Thiên Chúa sẽ ngày càng lớn mạnh. “Thật vui được gặp bạn!”: đây là điều mà linh hồn có thể thưa với Thiên Chúa khi bước vào chiêm niệm. Như Thánh Grêgôriô Cả nhận xét: “Khi chúng ta nhìn thấy người mình yêu, chúng ta bừng lên một tình yêu nồng nàn hơn. Thiên Chúa thực sự mong muốn tình yêu nồng nhiệt này dành cho chúng ta và chính qua việc chiêm niệm mà con người được ban cho trải nghiệm tình yêu đó.

Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy chúng ta, “Chiêm niệm là kinh nguyện của con cái Thiên Chúa, của tội nhân đã được tha thứ nay sẵn sàng đón nhận tình yêu được ban tặng và mong đáp lại tình yêu đó bằng cách yêu mến nhiều hơn” (GLGHCG 2712). Về phần mình, Thánh Têrêsa Avila chỉ rõ kinh nguyện hoặc lời cầu nguyện chiêm niệm được coi như một khoảnh khắc dành cho nhau giữa những người bạn: “Theo tôi, lời cầu nguyện trong tâm trí chỉ là một sự giao thiệp thân mật của tình bạn, nơi người ta thường trò chuyện một mình với vị Thiên Chúa mà chúng ta biết Ngài yêu thương chúng ta.” Giờ đây, một trong những niềm vui lớn nhất của tình bạn chỉ đơn giản là được ở bên nhau, điều này cho phép bạn im lặng một lúc và chỉ đơn giản là tận hưởng sự đồng hành của người khác. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo khuyến khích người Kitô hữu dành thời gian để bước vào cuộc đối thoại thầm lặng này với Thiên Chúa, bất kể hoàn cảnh nào, và tiếp tục nỗ lực:

“Chiêm niệm lúc nào và bao lâu tùy thuộc vào quyết tâm của ta, quyết tâm này bộc lộ các điều kín nhiệm trong lòng. Không phải khi nào có thời giờ ta mới cầu nguyện, nhưng phải dành thời giờ cho Chúa, với quyết tâm không rút lại thời gian này, dù gặp thử thách và khô khan khi cầu nguyện. Không phải lúc nào cũng có thể suy gẫm, nhưng lúc nào cũng có thể chiêm niệm, bất chấp những tình trạng về sức khỏe, công việc và tâm tình. Nơi mà ta tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa, trong khiêm nhu và tín thác chính là lòng ta” (GLGHCG, số 2710). 

  1. Một kinh nghiệm về lời hứa trên trời.

Lòng trung thành của chúng ta đối với việc chiêm niệm được khen thưởng một cách quảng đại: “Những người chiêm niệm, khi cố gắng đạt được những gì vượt lên trên họ, vượt qua những gì họ có trong chính mình” (Thánh Grêgôriô Cả). Và Thánh Tôma Aquinô củng cố niềm hy vọng của chúng ta: việc chiêm niệm bây giờ “mang lại cho chúng ta một niềm hạnh phúc chớm nở nào đó bắt đầu từ đây để tiếp tục trong cuộc sống sắp tới”. Quả thực, đời sống chiêm niệm mà chúng ta đã bắt đầu được định sẵn sẽ trở nên hoàn hảo một khi chúng ta ở trên Thiên đàng “bởi vì ngọn lửa tình yêu, bắt đầu bùng cháy ở đây, bùng lên với một tình yêu còn lớn lao hơn khi chúng ta nhìn thấy Đấng chúng ta yêu mến”.

 

Phêrô Phạm Văn Trung, tổng hợp từ fr.aleteia.org.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts