VIỆC SÁM HỐI CỦA KITÔ HỮU PHẢI THẬT SỰ TRƯỞNG THÀNH

“Sám hối lúc khẩn cấp”

“Trưởng thành trong việc sám hối chân chính của người Kitô hữu”, đó là lời mời gọi của Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh án Tòa Ân giải Tối cao, vào đầu Mùa Chay: sự sám hối này, theo ngài, là “duy nhất” có khả năng “đón nhận và nhìn thấy tình trạng khẩn cấp của đại dịch hiện nay. Được biến đổi trong ơn cứu độ, làm trưởng thành trong lòng con người niềm vui và sự tự do của một người biết rằng mình không thuộc về bất cứ quyền năng nào trên thế giới này, nhưng chỉ thuộc về Đức Kitô và quyền năng cứu độ của Ngài”.

Đây là những gì Đức Hồng Y Piacenza đã viết bằng tiếng Ý trong một bài báo có tựa đề: “Hãy đền tội vào lúc khẩn cấp”, đăng trên L’Osservatore Romano ngày 18 tháng 2 năm 2021.

Đức Hồng y nhấn mạnh việc sám hối Kitô giáo “mang trong mình một niềm vui sâu sắc và một cảm giác về sự công chính không thể giảm trừ, cần phải được tái khám phá, loan báo và sống, với lòng nhiệt thành đổi mới”.

Đức Hồng Y tiếp tục, việc sám hối của Kitô giáo không phải là một “nỗ lực mệt mỏi và không chắc chắn, bằng chính sức lực của mình, nhằm đạt được một số ơn thiêng liêng, nơi đó những nỗ lực của con người đã cho thấy tất cả sự kém cỏi của chúng”. Ngược lại, việc sám hối hệ tại “nhu cầu không thể cưỡng lại, nảy sinh trong mỗi trái tim Kitô hữu đích thực, là đáp lại bằng tất cả con người của mình Mối tình này, một mối tình hoàn toàn thần linh và hoàn toàn nhân tính, một tình yêu đã gánh vác sự dữ của thế giới qua Chúa Kitô với thập giá và sự phục sinh của Ngài, đã đổi mới vũ trụ bị phá vỡ bởi tội lỗi”.

Đức Hồng Y đã suy tư về các khái niệm “từ bỏ”, “hy sinh” và “đền tội” khi nhắc lại rằng các khái niệm này  dường như bị “trục xuất khỏi từ vựng của một phương Tây trở nên điếc lác trước mọi hình thức khổ chế”, nhưng lại xuất hiện cùng với đại dịch. Đức Hồng y viết, ngày nay, “các công dân trên toàn thế giới được yêu cầu từ bỏ, ít nhất một phần, việc thực hiện các quyền tự do cá nhân, hy sinh ‘cách sống’ của họ bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa y tế cần thiết, để tuân theo các chỉ dẫn của nhà cầm quyền”.

Đức Hồng Y nói tiếp “Con người của thế kỷ XXI” đang phải đối mặt với “những hình thức tước đoạt, cho đến nay không thể tưởng tượng được, để bảo vệ sức khỏe thể chất, cá nhân và tập thể”.

Đức Hồng Y giải thích sự sám hối của Kitô giáo, sau 40 ngày của Mùa Chay, dẫn đến “chiến thắng nhờThập giá của Chúa Kitô”. Đức Hồng Y Piacenza nói cuộc chiến chống lại cái ác, “sự kết thúc” “bảo đảm” “trận chiến này”, “chiến thắng này” “không chỉ liên quan đến lợi ích vật chất của sức khỏe thể xác, mà còn là điều tốt lành căn bản hơn nhiều, đó là sự cứu độ đời đời của linh hồn và thể xác”. Đó không chỉ là “sự chữa lành” hay “khả năng miễn nhiễm chống lại sự lây lan”, mà là “chiến thắng tội lỗi, là thứ khiến con người trở thành nô lệ, và chiến thắng cái chết, chấm dứt mọi khát khao”. Ngài tiếp tục, vấn đề “không chỉ” là “thời điểm phong tỏa” và “các biện pháp khác thường để chống lại đại dịch”, mà là “trong toàn bộ thời gian”, “được chiếu sáng bởi ánh sáng của sự phục sinh”.

Hồng Y người Ý viết: “Sám hối luôn luôn được quan niệm như một nhân đức đích thực và thích hợp, được trao ban và tác động bởi Chúa Thánh Thần, Đấng luôn luôn là Thần Khí của Chúa Kitô Cứu Thế ”.

Đức Hồng Y nói, “tư tưởng Kitô giáo được sinh ra và hình thành từ sự Hiện Diện lớn lao và sống động của Đấng Cứu Độ con người, Chúa Giêsu Kitô, trung tâm của vũ trụ và lịch sử” (xem Gioan Phaolô II,  Redemptor hominis – Đấng Cứu Độ con người, số 1).

Ngài viết, từ “Sự Hiện Diện lớn lao và sống động này” sinh ra và hình thành nên tất cả các truyền thống phụng vụ và thiêng liêng của Giáo hội, đã “trưởng thành qua nhiều thế kỷ và được thực hiện cụ thể và trọn vẹn nhất trong các Bí tích Sám hối và Thánh Thể”.

Trong phần kết luận, Đức Hồng Y thưa với “Mẹ Thiên Chúa làm người và Mẹ của muôn loài” xin Mẹ giúp chúng ta “mở mang trí óc và tâm hồn đón nhận Tình yêu chiến thắng của Chúa Kitô và trưởng thành trong sự sám hối chân chính của người Kitô hữu”.

 

Phêrô Phạm Văn Trung, theo Zenit.org.

Chia sẻ Bài này:

Related posts