Ngôi Hai Giêsu Kitô quá quen thuộc với người Công giáo (nói riêng) và các Kitô hữu (nói chung), thậm chí cả người ngoại cũng chẳng xa lạ gì. Theo Việt ngữ, cuộc đời Ngài được gắn liền với mẫu tự T như một định mệnh an bài vậy. Đó là nói theo duy tâm, còn nói theo Công giáo thì là Thánh Ý Chúa.
Ngài là Con Thiên Chúa, nếu viết theo ngôn ngữ Hán Việt thì toàn là những chữ bắt đầu bằng mẫu tự T: Thánh Tử hoặc Thiên Tử.
Mới sinh ra mà “số kiếp” Ngài đã phải lận đận. Cha mẹ Ngài nghèo rớt mồng tơi, phải đi bằng lừa, nhưng lừa chỉ chở được Bác Maria, còn Bác Giuse đành phải lội bộ rã cẳng mà dắt lừa. Cực hết sức. Cắn răng chịu đựng chứ biết sao! Số kiếp đã đen thì đi tới đâu cũng đen, đen hơn mõm chó.
Ái chà! Hai Bác nhà ta cứ thui thủi đi trong đêm đen giá lạnh như cắt da để về quê lo tròn bổn phận công dân theo quốc lệnh của chính phủ: Điều tra dân số. Dọc đường, phần thì mệt, phần thì khuya, hai Bác xin trọ đêm mà chẳng ma nào thèm cho, ngay lúc dở khóc dở cười thì “nhóc tì” Giêsu đòi ra đời. Bó tay!
Ai lại để Bà xã sinh giữa đồng không mông quạnh thế! Bác Giêsu bảo Bà xã ráng chịu đựng và thúc lừa rảo bước đến cái hang của mấy cháu mục đồng cho súc vật trú đêm. Rồi cũng xong. Mọi chuyện êm xuôi. Bé Giêsu kháu khỉnh và đẹp trai ghê đi. Nhìn Con ngoan mà hai Bác cũng thấy an tâm. Quấn khăn ấm cho Con đâu vào đấy xong, hai Bác quỳ xuống tạ ơn Chúa. Ở đấy có hôi mùi phân thú một chút nhưng cũng tốt hơn ở ngoài trời, sương tuyết bay tá lả thế kia thì tội nghiệp Con Trẻ lắm!
Như vậy, rõ ràng Chúa Giêsu ra đời trong hoàn cảnh Túng Thiếu. Trình trạng khó khăn và chật vật như thế còn gọi là Thiếu Thốn, mà thiếu trước hụt sau thì thật là Te Tua và Tơi Tả. Trong cuộc sống đời thường, người ta cho cuộc đời đó coi như là Tiêu Tùng – nói theo kiểu “thời tiết” thì là TOI (như “gà toi” vậy).
Tuy là Con nhà nghèo nhưng Cậu Giêsu luôn sống Thật Thà, chuyện gì cũng Thẳng Thắn. Sự thường thì những người sống cương trực như vậy thì hẳn là Thua Thiệt, thậm chí người ta còn ghét hết cỡ thợ mộc, bị người ta xa tránh như chạy trốn bệnh dịch vậy.
Bằng chứng minh nhiên là khi Chàng thanh niên Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai, người ta tìm đủ cách bắt bí hoặc gài bẫy. Thế nhưng Ngài vẫn Tiếp Tục giữ vững lập trường. Đâu phải cứ đại đa số là đúng, còn thiểu số là sai? Ngài cứ là chính mình, chẳng ngán ai. Ai làm sai hoặc nói sai là Ngài phang liền. Nói theo ngôn ngữ bình dân pha chút khôi hài thì là “trẻ không tha, già không thương, ai ương ương, Ngài trị tuốt”, còn theo ngôn ngữ miền Bắc là “tất tần tật” hoặc “tuốt tuồn tuột” (cũng toàn là chữ T không đấy nhá!).
Và rồi đến Giờ của Chúa Giêsu, nhưng trước khi bị bắt, Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể làm Thần lương nuôi dưỡng nhân loại suốt cuộc lữ hành trần gian. Đêm hôm đó, bản tính nhân loại cũng khiến Ngài cảm thấy Tê Tái lòng trong Vườn Cây Dầu (ngoại ngữ gọi là Ghết-si-ma-ni): “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39). Thế nhưng Ngài cương quyết Tuân Thủ (vâng lời) lệnh Chúa Cha, trước sau như một.
Chắc hẳn ai nhìn thấy Ngài gục đầu Than Thở với Cha với giọng Thê Thảm như thế thì cũng phải nẫu cả ruột gan, cầm lòng không nổi và có thể bật khóc. Chúng ta “vô phúc” nên không được sống cùng thời với Ngài để được nghe Ngài nói, nhìn Ngài hành động, thấy Ngài ứng xử, và chứng kiến giây phút Ngài “good bye” (gút-bai) chúng ta.
Người Việt có câu: “Con gà tức nhau tiếng gáy”. Chữ “tức” ở đây là “ghen ăn, tức ở”, chứ không chỉ là “bực tức”. Đời là thế: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6:4). Ngài nói quá Thật Thà nên chúng ta cảm thấy Thấm Thía. Chỉ vì bị ghen ghét mà cuộc đời Ngài thì thật là Tang Thương. Ngài bị bắt và bị hành hạ quá nhiều nên Thân Thể Ngài quá đỗi Tiều Tụy, trông không còn ra dáng người, nghĩa là rất Tàn Tạ. Thế mà vẫn phải tự vác “giường” của mình, té lên té xuống như đứa trẻ chập chững bước đi mà cứ “Tung Tăng”. Thở còn ra hơi kia mà! Thế mà người ta còn tàn nhẫn đè Ngài ra mà đóng đinh chân tay Ngài vào Thập Tự. Đau cả thể xác lẫn tinh thần, thậm chí mấy thằng đệ tử ruột cũng biến biệt tăm tích. Như vậy, ĐAU chưa nhằm nhò gì đâu, mà phải nói là NHỤC. Còn gì nhục hơn khi chính người tín cẩn nhất của mình lại đành lòng bỏ rơi mình?
Ca dao Việt Nam nói: “Khi vui chẳng nhớ tới ai, khi nóng thì cứ trái tai mà sờ”. Tiền nhân quá chí lý! Nói thì ngon mà làm chẳng ra gì. Đó là ai? Phêrô – vị Giáo hoàng tiên khởi.
Và vì vậy, với bản tính nhân loại, Chúa Giêsu vẫn cảm thấy cô độc đến tột cùng: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46; Mc 15:34). “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23:42).
Tận cùng bảng số của cuộc đời Đức Kitô là Tắt Thở và Từ Trần. Quả thật là “tê” quá!
Vậy đó. Đức Giêsu là Vua nhưng không hề có ngai. Các vua chúa trần gian có đủ thứ “long” – long thể, long bào, long sàng,… Còn Vua Giêsu chỉ có một loại “long”: Long Đong. Vì thế Vua Nghèo Giêsu không được ai tiền hô hậu ủng, không được ai mời ngồi chỗ trên và để ăn chỗ trước, thậm chí còn bị nguyền rủa là “ngược đời”, “lố bịch” hoặc “chảnh” (theo ngôn ngữ “hiện đại”).
Ngày nay, người ta gọi dạng “ngược đời” của Chúa Giêsu là “ngu như bò”. Hay đấy! Bò có ngu cũng còn tiếng rống. Chúa Giêsu không còn sức để nói chứ đừng nói rống. Một trong các “đệ tử ruột” (hậu sinh) của Chúa Giêsu là Thánh Thomas Aquinas (Tiến sĩ Giáo hội, Tiến sĩ Thiên thần) cũng đã bị các giáo sư danh tiếng chửi là “con bò”, nhưng rồi chính “con bò” Thomas đó đã rống tiếng vang cả thế giới. Ngay cả Giáo hội cũng đã từng cấm bộ sách Tổng luận Thần học của ngài, nhưng rồi lại tuyên bố: “Ai không theo Thánh Thomas là rối đạo”. Cả đời và đạo đều cần học bộ Tổng luận Thần học này, nhất là những ai muốn làm linh mục đều phải học giáo thuyết và lý luận của “con bò” Thomas. Lạ nhỉ?
Dù người đời chê trách, nhưng Chúa Giêsu vẫn là Vua Đời Đời (chứ không chỉ muôn đời), là Vua Tình Thương. Cách nghĩ, cách nói, cách hiểu, cách làm, cách học, cách thử, cách chơi, cách đùa, cách xạo, … Rất nhiều cách, nhưng đừng bao giờ “cách ly”, “cách xa” (xa cách), “cách ngăn” (ngăn cách), “cách phân” (phân cách), hoặc “cách biệt”!
Lạy Thiên Vương Giêsu Kitô, Vua Lòng Thương Xót, xin cho chúng con mãi mãi được là thần dân của Ngài. Amen.
Kha Đông Anh
Lễ Chúa Kitô Vua – 2012
Nguồn: Lam Hồng