Chiều qua, như đã hứa với lòng mình, tôi sắp xếp giờ đi thăm cha Cố, ngài là bác của tôi. Nhiều năm qua ngài nghỉ hưu ở một Tu Viện, tuổi đã quá già ( 98 tuổi ) nhưng Chúa lại ban cho ngài còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ngài nói với tôi rằng: “Chúa quên bác rồi” ! Có lúc khác ngài nói đùa với người ta: “Mấy ông thiên thần vui chơi đánh mất sổ nên Chúa không biết đâu mà gọi” !
Mỗi ngày ngài vẫn dùng cơm với cộng đoàn anh em trong Tu Viện, còn ăn được một mình, không cần người khác trợ giúp nhiều, người giúp chỉ cần gắp thức ăn vào chén của ngài, còn ngài có thể múc đồ ăn bằng muỗng để tự ăn, riêng phần sữa chua thì cần người đút, vì tay đã run nên thường bị rớt ra ngoài. Dùng cơm xong, ngài ngồi chơi với anh em, cũng còn nghe được đôi chút nên thỉnh thoảng vẫn còn nói đùa góp vui. Sau giờ cơm ngài chống gậy đi bộ chung quanh Nhà Thờ đúng một vòng rồi về phòng nghỉ.
Mỗi ngày ngài vẫn dâng Thánh Lễ đồng tế trong Tu Viện và tham dự một giờ chầu Thánh Thể, không bỏ sót một giờ kinh nguyện chung nào trừ khi đau yếu. Có một người giúp việc cho ngài, ngài vẫn chậm rãi đọc những suy niệm Lời Chúa cho ghi lại, đọc thư muốn viết cho con cháu và những người thân quen, thậm chí lấy sổ tay xem địa chỉ con cháu và nhờ người đi gọi lại để ngài gặp, giúp đỡ những đứa cháu nào khó khăn nghèo hèn. Tôi hỏi tiền ở đâu mà giúp, ngài nói: “Xin Bề Trên”.
Chiều qua tôi đến thăm, ngài mừng lắm, dĩ nhiên trong số các cháu, tôi là đứa cháu được ngài thương quý và tôn trọng nhất, vì tôi là Linh Mục thế thôi. Ngài cuống quýt nói cười, hỏi thăm đủ điều, ngài bảo: “Lúc thường nhớ đến cha có nhiều sự muốn nói lắm, sao bây giờ gặp chẳng còn nhớ gì ?!?” Người giúp việc mách “tội” của ngài cho tôi nghe, cụ cúi gầm mặt xuống lắng nghe không cãi một lời nào.
Cách đây mấy tuần, cha Bề Trên gọi điện thoại hỏi ý tôi một việc của cụ. Có một người tự xưng là cháu của ngài, đến thăm đôi ba lần rồi bảo sẽ đón ngài về nhà thăm con cháu, cụ nghe bùi tai đòi đi, cha Bề Trên bối rối vì sợ mất lòng ngài nên cho người giúp việc gọi điện hỏi ý tôi, cha Bề Trên tế nhị không muốn trực tiếp với tôi vì cũng ngại tôi khó xử. Tôi nói với người giúp việc là không cho ngài đi vì ngài quá lớn tuổi.
Sau đó tôi được biết ngài đã quyết định không đi, nhưng người cháu trở lại gặp Bề Trên nói quá khẩn thiết, Bề Trên đành gọi cho tôi, tôi cũng trả lời không nên để cho ngài đi và xin Bề Trên dùng quyền Bề Trên mà khuyên ngài, từ đó ngài mới thôi không thao thức nữa.
Người giúp việc đưa cho tôi xem một cuốn vở, trong đó viết đủ thứ mà ngài muốn viết, lật một trang đưa tôi xem, trang chia làm hai cột, một bên là “nên đi”, bên kia là “không nên đi”. Ngài yêu cầu người giúp thực hiện hai hàng cột và cùng ngài phân định vấn đề. Bên “nên đi”, ngài đưa ra hai lý lẽ để nên đi, bên “không nên đi”, ngài đưa ra 6 lý lẽ để không nên đi. Tôi ngạc nhiên về cách làm việc của ông cụ, rất rõ ràng và chuẩn mực.
Tôi đặt vấn đề lại với chính tôi và những anh em cộng sự, đứng trước các vấn đề nan giải, có bao giờ chúng ta làm một cuộc phân định rõ ràng và trong sáng như cụ đã làm ? Không chỉ làm một mình nhưng xin người khác giúp mình biện phân vấn đề cho chính xác, khách quan và minh bạch ? Không để cho tình cảm lấn át, những cảm xúc nhất thời làm lung lạc.
Điều còn làm tôi tâm đắc hơn nữa, đó là trong cuộc phân định, ngài đã đưa tiêu chuẩn Tin Mừng vào trong các lý lẽ. Để những giá trị Tin Mừng thấm đẫm vào các kênh sống, mọi ngóc ngách cuộc đời, là trách nhiệm hôm nay của việc Tân Phúc Âm hóa. Ông cụ đã 98 tuổi, không còn lên tòa giảng để nói Lời Chúa, nhưng Lời Chúa đã thầm thấu và chiết xuất ra trong từng hành vi của cụ. Ước gì chúng ta mỗi người cũng chọn lựa cho mình cách sống như vậy trong thế giới hôm nay.
Bây giờ tôi không còn trẻ, nhưng chưa hẳn là đã già, nhưng nếu một mai “Chúa quên tôi” như đã quên bác tôi, liệu tôi có được những ngày sống bình an, thanh thản và thánh thiện như bác tôi ? Xin Chúa thương gìn giữ con và mọi người.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 6.9.2014