Xin lỗi, tôi chỉ là một người chuyển quà!

Vào một buổi sáng Chúa Nhật, với ly cà phê nóng bên khung cửa sổ của căn nhà cuối phố, Viễn chợt nhận ra một sự thật. Mới đầu nó nhẹ nhàng, rồi bỗng phũ phàng, rồi chợt bẽ bàng, nhưng cuối cùng thì giải thoát rộn ràng.

Quán cà phê nhỏ cuối phố có cái tên ngắn ngủn mà hay hay: Quà. Viễn thắc mắc tại sao tên quán lại như vậy vì chưa thấy chủ quán tặng quà cho khách hàng hay khách hàng tặng quà cho chủ quán bao giờ. Chắc phải có một ý gì đó.

Thong thả nhấp miếng cà phê nóng đang tỏa ra thơm phức, Viễn nhìn qua khung cửa sổ. Bóng dáng của người ăn xin mà anh mới “tặng một chút quà” đang khuất xa dần. Hồi trước khi cho ai chút tiền thì Viễn gọi đó là bố thí như nhiều người vẫn còn làm hôm nay. Nhưng sau lần chính bản thân Viễn, một thằng đàn ông đầy tự hào, ngay tại cái quán nước này, phải ngửa tay xin giúp đỡ thì anh đã thay đổi hẳn. Cũng may anh đã trải qua kinh nghiệm đó nên mới thấu hiểu được nhiều việc để rồi bây giờ mỗi khi giúp đỡ ai thì anh tìm cách giúp thế nào để người được giúp không cảm thấy mặc cảm. Nghĩ lại, cái khó cái nhục hóa ra là cái cần cái phúc mà trời cao gửi cho anh để giúp anh lớn lên về mặt nhân cách. Một món quà cuộc sống vậy.

Thả hồn theo làn hơi nóng thơm của ly cà phê đang nghi ngút tỏa, Viễn tận hưởng những dòng ký ức tươi sáng của những năm tháng gần đây. Có lần Viễn mua giúp một bà cụ bán vé số trong chợ năm tấm vé liền rồi tặng lại cho bà, cầu chúc bà may mắn. Bà cụ ngạc nhiên. Nụ cười của bà cụ gầy guộc làm vui tâm hồn Viễn. Có lần anh đứng ra hòa giải cho một gia đình hàng xóm. Sau này họ cho biết nhờ lời khuyên sáng suốt của anh mà họ đã khắc phục được bất hòa trong nhà. Rồi có lần cha xứ gọi điện cảm ơn Viễn đã quảng đại hiến tặng cho nhà thờ một bức tượng thánh Giuse bằng đá cẩm thạch thật đẹp giúp bà con cầu nguyện sốt sắng hơn…. Những điều thiện ích khác thi nhau chảy về trong lý ức khiến anh cảm thấy vừa tự hào vừa vui mừng. Mình cũng khá lắm đấy chứ, anh tự nhủ. Làm ơn cho người này người kia. Người này người khác biết ơn mình. Có ý nghĩa! Hay! Viễn mỉm cười, gật gù, toại nguyện với cuộc sống. Nhấp thêm miếng cà phê thơm phức nữa cái coi. Ái chà, ngon!

Bỗng nhiên Viễn nheo mày, nhăn mặt. Một sự việc cách đây bảy tháng chen ngang vào dòng xúc cảm đang lâng lâng. Nhớ lại mà tức sôi cả máu. Viễn dành dụm bao nhiêu ngày tháng mới để được một số tiền tính cuối năm cưới vợ và xây dựng sự nghiệp. Hôm đó thằng Nhân bạn học nói có việc gấp cần mượn tiền. Nó hứa sẽ trả lại trong vòng một tháng. Chỗ quen biết, lúc bạn có nạn thì ra tay tương trợ. Nó mượn ba ngàn đô la, tức là hơn một nửa số tiền Viễn đã dành dụm suốt bốn năm trời. Một tháng không thấy nó trả. Đòi thì nó khất. Muốn gặp mặt thì nó tránh. Dọa nạt thì nó trốn biệt tăm luôn. Mất. Tiền bạc mất. Tình nghĩa mất. Mồ hôi nước mắt và tín nhiệm. Mất hết.

Trong tích tắc, ly cà phê bỗng trở nên đắng ngắt. Người hành khất ban nãy cũng không còn thấy bóng dáng nữa. Tiếng nhạc du dương chỉ còn là những âm thanh rời rạc vô nghĩa vô tâm. Bàn tay Viễn nắm chặt lại vì tức giận. “Đúng là cái thứ vong ơn bội nghĩa, ăn cháo đá bát”, anh lẩm bẩm.

Xét cho cùng, Viễn đâu phải người nhẫn tâm đến nỗi phải lấy lại bằng được số tiền đó khi bạn bè còn túng quẫn. Thậm chí Viễn có thể cho nó luôn nếu thật sự nó rơi vào hiểm nghèo bế tắc. Nhưng tức lắm, tức ở chỗ nó vô ơn. Viễn là bạn mà nó đối xử như một kẻ chỉ có giá trị lợi dụng. Viễn càng tức thêm vì thấy mình đặt lòng tốt sai chỗ để bây giờ bị rơi vào tình thế khó khăn. Tiền mất tật mang. Nếu biết trước thì Viễn đâu có ngu gì giúp đỡ nó. Nhưng đâu có ai biết trước được mọi chuyện. Ai mà biết trước mọi việc chứ! Viễn tự nhủ như thế để bớt trách mình. Ý nghĩ này bỗng làm dịu sự tức giận của Viễn. Ừ nhỉ, có ai biết trước được mọi chuyện bao giờ. Biết đâu thằng bạn đáng trách này cũng bị rơi vào tình thế không thể ngờ trong hoàn cảnh của nó.

Cơn giận từ từ hạ xuống. Hương cà phê thơm phức cũng dần trở về lại trong ly. Tuy vậy, Viễn vẫn làu bàu: “Chúa, tại sao nó phụ ơn của con?”

“Ơn của con?” một hồi âm vọng lại trong tâm trí Viễn. Có một điều gì đó tự nhiên làm Viễn bối rối, khó chịu, suy nghĩ.

Chính đây là khoảnh khắc vừa bẽ bàng vừa giải thoát. Anh bắt đầu nhận ra điều không ổn trong tâm thức của mình xưa nay. Nói rõ hơn, anh bắt đầu nhận ra một sự thật, một sự thật về bản thân con người anh và về Chúa. Kể cũng lạ, mỗi một giải thoát của con người đều xuất phát từ việc nhận ra mình và nhận ra Chúa.

“Ơn của con?” Câu hỏi ấy lại dội về trong tâm trí Viễn.

Đúng là anh đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để có một số tiền quý giá. Đúng là anh đã đưa số tiền ấy cho thằng Nhân. Đúng là anh đã thực hiện những hành động ý nghĩa để giúp đỡ những người cơ nhỡ trong cuộc đời này. Nhưng, “ơn của anh”, đúng không nhỉ? Nếu anh gọi những việc mình làm cho người khác là “ơn” thì cũng được thôi vì người ta ở đời vẫn nói đến “làm ơn”, “mang ơn”, “biết ơn”, “trả ơn”… Nhưng, nguồn gốc của cái gọi là “ơn” nằm ở đâu? Ở con người? Không. Lý luận ấy không ổn tí nào. Nhưng tại sao lại không ổn?

Trong lúc loay hoay với chính suy nghĩ đang bối rối của mình, Viễn nhận ra câu trả lời trong những câu hỏi gợi lên trong đầu: Nếu Chúa không ban cho sức khỏe, làm sao tôi có thể làm việc kiếm tiền sinh sống, nói chi đến việc có cơ hội giúp đỡ người khác? Nếu không có Thần Khí của Ngài hoạt động trong tâm hồn, làm sao tôi có thể tự mình trở nên tốt bụng mà sẻ chia? Nếu Chúa không gửi người túng thiếu đến thì làm sao tôi có được cơ hội rộng mở lòng mình và cảm nghiệm được niềm vui sâu xa của chia sẻ? Nếu Ngài không ban trí thông minh, làm sao tôi có sự sáng suốt mà khuyên giảng cho người khác? Nếu Ngài không tha thứ trước cho tôi cả trăm vạn lần, làm sao tôi có khả năng thứ tha cho người khác vài ba lần? Nếu Ngài đã không làm tất cả cho tôi trước thì tôi sẽ chẳng thể làm được bất cứ điều gì cho chính mình hay tha nhân.

Người ta vẫn quen dùng từ “làm ơn” cho nhau nhưng sự thật thì chẳng có ai làm ơn cho người khác cả. Con người là thân phận thụ tạo không có khả năng tự tạo ra bất cứ một ơn gì. Sự thật không thể phủ nhận được là: tất cả mọi người từ cổ chí kim, từ lớn đến nhỏ, đều là những kẻ đã nhận ơn trước từ một Đấng Ban Ơn. Không có ai ngoại lệ đối với điều này. Trước khi tôi có thể làm được một việc gì đó cho người khác, tôi đã nhận lãnh biết bao nhiêu ơn lành từ Đấng Yêu Thương rồi. Ơn là từ Chúa chứ không phải từ tôi. Tôi có điều kiện và cơ hội để làm được điều gì cho người khác thì trước hết đó cũng là một ơn huệ Chúa ban cho tôi. Nghĩ đến đây, bên ly café nóng, Viễn chợt giật mình tự nhủ: “Úi, mình phải cẩn thận để không giành công của Chúa!”

Việc nhận ra rằng ơn không phải là từ thân phận con người của mình khiến Viễn bẽ bàng vì đó cũng là lúc anh thấy ‘quyền’ mong đợi người khác biết ơn mình bị vuột mất khỏi tầm tay. Ai giúp người mà chẳng mong nhận lại ít là một thái độ biết ơn nào đó chứ. Nhưng, dù thế nào đi nữa thì chân lý vẫn không hề thay đổi: Chỉ có một Đấng Ban Ơn và xứng đáng nhận sự biết ơn mà thôi. Viễn nhớ lại lời Thầy đã dạy: “Anh em đã lãnh nhận một cách nhưng không thì cũng phải cho đi một cách nhưng không.” (Mt 10:8) Chân lý này giải thoát Viễn khỏi sự hụt hẫng vừa luẩn quẩn vừa vô lý khi gặp phải thái độ vô ơn. Nó đem lại tự do cho tâm hồn Viễn.

Anh tự rút ra một hướng sống cho mình: Cứ cố gắng làm cho người khác điều tốt đẹp theo tinh thần của Chúa nhưng sẽ không còn chờ mong bất cứ một sự biết ơn nào. Nếu họ thể hiện một thái độ biết ơn nào đó thì mừng cho họ vì họ đang sống điều cần thiết cho tâm hồn. Còn nếu họ vô ơn thì mong lời ông bà đã dạy sẽ cảnh tỉnh nhân cách họ:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mình trồng

Những người phụ nghĩa quên công

Dẫu đeo trăm đóa hoa hồng cũng vẫn chẳng thơm.

Về khía cạnh công bằng xã hội, khi mượn thì cần phải trả, khi nhận thì cần phải thể hiện sự trân trọng biết ơn, biết ơn Đấng Ban Ơn và người làm ơn. Đó là một điều đúng và tốt. Bản thân Viễn còn muốn đi xa hơn vì anh là một Kitô hữu: Ai đã giúp cho anh bất cứ điều gì thì anh sẽ luôn ghi lòng tạc dạ và cầu nguyện cho họ, ngay cả trong trường hợp bây giờ họ không còn tốt với anh nữa hoặc đang gây khó gây khổ cho anh. Kitô hữu là thế! Một khi đã biết Thầy thì con đường cần đi là con đường hướng lên những tầm vóc mới của tình yêu thương quảng đại, cho dù trước mặt là đồi cao của lòng người hiểm trở.

+++++

Reng reng reng…

Điện thoại di động của Viễn trên bàn cà phê rung rung. Số này lạ nên Viễn không trả lời. Đến lần thứ ba thì Viễn bắt máy. Hơi bực mình.

“Alô. Ai vậy?”

“Alô. Anh Viễn phải không ạ?”

“Vâng, tôi đây.”

“Tôi tên là Tâm, mẹ của cháu Phúc. Cách đây mấy tháng, con tôi gặp nạn trên đường bị gãy chân. Anh nhớ không?”

Viễn nghe mơ hồ, chẳng nhớ ra chuyện như thế. Chị Tâm tiếp tục:

“Lúc ấy anh đã tốt bụng xuống xe, gọi taxi và yêu cầu chở con tôi vào bệnh viện để chữa trị. Anh còn đưa cho cháu Phúc một trăm đô-la để chữa trị. Thật không thể ngờ thời buổi này mà có người tốt như anh! Hôm nay thì cháu Phúc đã đi lại được. Tôi xin lỗi đã không thể gọi điện cám ơn anh sớm hơn. Vô cùng cảm ơn anh!”

Viễn không nhớ đã giúp ai bị tai nạn. Chắc là có sự nhầm lẫn nào đó.

“Dạ, xin cho hỏi làm sao chị biết số điện thoại và tên tôi?”

“Dạ, cháu Phúc nói hôm ấy lúc anh lấy tiền trong túi ra để giúp cháu thì anh đã làm rơi một tấm giấy có tên và số điện thoại này của anh. Cháu nói là chú Viễn tuy đi chiếc xe cũ nhưng đeo kính cận nhìn hiền lành lắm.”

“Ồ! Kính cận! Chẳng lẽ là thằng Nhân?” Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu Viễn. Chị Tâm nói tiếp:

“Một lần nữa, vô cùng biết ơn anh đã ra tay cứu giúp con tôi! Nhà chúng tôi ở gần quán Quà cuối phố. Tôi xin chân thành mời anh ghé ăn bữa cơm đạm bạc và xin được gửi lại món quà anh đã rộng lượng giúp cháu lúc hoạn nạn.”

“Dạ, chị đừng lo nghĩ gì nhé. Cháu bình phục thì mừng rồi.”

“Dạ, tôi hiểu khi anh đã quyết định giúp đỡ thì không có nghĩ đến chuyện lấy lại hoặc được báo đáp nhưng món quà đó là một món tiền lớn mà anh cũng có nhiều thứ để trang trải trong thời buổi khó khăn này.”

“Ồ, không cần đâu chị.” Viễn cảm thấy một ánh sáng trong lòng soi chiếu.

Người phụ nữ đầu dây bên kia có vẻ hơi ngạc nhiên, chưa biết nên ứng xử thế nào gì thì Viễn nói tiếp:

“Xin lỗi chị, tôi không thể nhận lại vì tôi cũng chỉ là một người chuyển quà mà thôi. Chúc chị và gia đình luôn hạnh phúc. Xin chào chị nhé!”

Viễn cúp điện thoại.

Chị Tâm: …

+++++

Dòng đời tiếp tục trôi như mọi ngày nhưng có người đã được biến đổi.

Quán nước Quà vẫn ở gần nhà chị Tâm. Viễn thỉnh thoảng vẫn đến đó để uống một ly cà phê ấm. Chẳng ai biết ai nhưng có ai biết một lúc nào đó họ cùng có mặt trong quán và cùng chiêm ngẫm về những điều kỳ diệu vẫn diễn ra trong cuộc sống. Biết đâu lúc Viễn đang ngồi nhìn ra khung cửa sổ cuối phố nghĩ về những món quà do Đấng Yêu Thương nhờ anh chuyển giúp thì đâu đó trong quán nước này có một người khác đang thầm nghĩ: Người chuyển quà đúng là một lời tỏ tình đặc biệt của Người Tặng Quà gửi đến trong dòng đời. Và một nụ cười nhẹ nở trên môi.

Giuse Việt

[200A+V614]

Blog: http://only3minutes.wordpress.com

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment