“Xin tha nợ chúng tôi như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi” (Mátthêu 6:12). Người Công Giáo ai ai cũng đều thuộc lòng lời cầu này. Hơn thế nữa còn biết nó phát xuất từ Kinh Lạy Cha, một kinh nguyện duy nhất mà chính Chúa Giêsu đã dạy khi các môn đệ xin Ngài dạy họ cầu nguyện.
Lời cầu vừa mang tính cách tự thú, vừa mang tính cách thực hành. Tự thú mình là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, để kêu cầu xin ơn tha thứ: “Xin tha nợ chúng tôi”. Thực hành lòng quảng đại và trắc ấn đối với những người làm mất lòng mình: “Như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi”. Thoạt nghe lời cầu thì không có gì mấy khó khăn, vì ai mà không có tội, và tha thứ cho một ai đó cũng không ngoài khả năng của con người. Nhưng nếu để tâm suy nghĩ thì lời cầu này là một phản ảnh công bằng về đức ái hết sức quan trọng, thực hành nó không dễ dàng. Và chính vì vậy mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải cầu nguyện.
Trước hết, có mấy ai trong chúng ta nhận mình có tội! Nhiều tội nhân và cũng có thể là chính chúng ta khi đứng trước một lỗi lầm, phản ứng đầu tiên là chối bỏ. Khi không còn chối được nữa thì đổ thừa cho người này, người khác, hoặc những lý do khiến chúng ta phải hành động như vậy.
Để hiểu được thế nào là nhận mình có tội, và thế nào là tha cho mình cũng như tha cho người khác, chúng ta cần nhớ lại dụ ngôn hai con nợ trong Phúc Âm Thánh Mátthêu (18: 21-35). Theo Tin Mừng kể lại, có lẽ lúc bấy giờ ông Phêrô nghĩ mình là người rộng lượng, quảng đại nên đã hỏi Chúa liệu ông phải tha cho anh em mình bao nhiêu lần khi họ xúc phạm đến ông, “ 7 lần” không? Đối với ông tha 7 lần đã là nhiều rồi. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu đã khiến chẳng những ông mà chúng ta cũng hết sức bỡ ngỡ: “Bảy mươi lần bẩy” (22). Nhiều như vậy thì nhẫn nại và tha thế nào nổi? Và để ông hiểu lý do, Chúa đã kể cho ông nghe dụ ngôn, đại khái một người mắc nợ nhà vua 10 ngàn nén (yến) vàng (24). Vì không thể nào trả nổi, đã khóc lóc, van xin, nên nhà vua đã tha cho ông. Ngược lại bạn ông chỉ nợ ông có 100 quan tiền, cũng tha thiết xin ông cho khất nợ nhưng ông không tha!
Số tiền nợ của ông và của người bạn ông khác nhau như thế nào? Theo ước tính 10.000 talents (nén hay yến vàng) nếu tính bằng dollar tương đương với tiền lương công nhân của 200.000 năm. Nó bằng 60.000.000 ngày làm, và trị giá 3,48 tỷ đồng. Trong khi đó, bạn của hắn chỉ nợ hắn có 100 denarii (quan) tương đương với 4 tháng lương, và trị giá 5.800 đồng.
“Xin tha nợ chúng tôi”. So sánh sự khác biệt giữa hai món nợ mới hiểu tại sao Chúa Giêsu lại nhắc đến chuyện chúng ta phải xin được tha thứ. Ý thức mình là người có tội, xin và nhận sự tha thứ để hiểu mà cảm thông, tha thứ cho người khác. Đồng thời đưa ra hình ảnh con người tội nhân của chúng ta, cũng như hình ảnh một trái tim cần rộng mở như thế nào.
Nhận mình có tội, đón nhận lòng thương xót của Chúa chính là một tấm gương, một động lực cho chúng ta để tha thứ người khác. Bởi món nợ của chúng ta đối với Chúa thì quá lớn. Từ đó chúng ta phải học lòng rộng rãi của Thiên Chúa khi tha thứ cho mình. Việc làm này rất khó và đòi hỏi nhiều cố gắng. Kinh nghiệm thực tế còn cho thấy rằng, để tha thứ người khác, chúng ta phải học cách Chúa tha thứ để tha cho chính mình trước. Vì trong rất nhiều trường hợp, chúng ta lên án mình nặng nề hơn những người khác, và đối xử hà khắc với mình còn hơn những người khác đối xử với mình. Có lẽ vì thế, việc nhận mình có lỗi và nhận ra lòng thương xót của Chúa là bước đầu để chúng ta biết và học được sự tha thứ. Để tha thứ cho người khác, chúng ta trước hết cũng phải tha cho chính mình.
“Như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi”. Tha cho người khác, nhất là những người làm hại mình, những người mình không ưa, không thích là một việc làm không hề dễ. Điều này xem ra khó khăn hơn xin Chúa tha nợ cho mình, mặc dù trong thực tế nhiều lần chúng ta vẫn cho rằng mình không có tội. Mà vì không có tội nên không cần sự tha thứ, và cũng không hiểu được ý nghĩa của hành động tha thứ.
Ngoài ra còn phải tha đến bẩy mươi lần bẩy lại là điều xem ra không thể đối với tính ích kỷ của con người. Thông thường người ta có quan niệm rằng “đàn bà tha nhưng không quên”, nhưng trong thực tế, không phải “đàn bà”, mà cả “đàn ông” cũng vậy. Thử lặp lại một lỗi lầm nào đó nhiều lần với nhau, ta sẽ nhận ra kết quả này. Bởi đó Chúa Giêsu mới nói tha “bẩy mươi lần bẩy”.
“Xin tha nợ chúng tôi như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi”. Người có nợ vừa được chủ tha cho một món nợ lớn, nhưng gặp bạn chỉ nợ mình có một món nợ rất nhỏ đã tóm cổ, bỏ tù và đòi không sót một xu. Qua lời nguyện này, Chúa muốn chúng ta biết rằng món nợ mà chúng ta đối với Ngài rất lớn, và sự tha thứ mà Ngài dành cho chúng ta không thể diễn tả nổi. Ngược lại, hành động tha thứ mà chúng ta có đối với anh chị em không là bao nhiêu. Tuy vậy, nó là lý do khiến chúng ta đón nhận sự tha thứ đến từ Thiên Chúa: “Vì nếu các ngươi tha thứ cho nhau, Cha các ngươi trên trời cũng sẽ tha thứ cho các ngươi” (Mátthêu 6:14). Còn “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy” (Mátthêu 18:35).
Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt