Sáng nay đi lễ ngước lên Cung Thánh thấy có hai câu đối tuy mộc mạc đơn sơ nhưng ý nghĩa lại rất sâu:
Ngày xuân kính Chúa bình an đến
Năm mới thương người Thánh Sủng về
Nói…sâu bởi nó thể hiện đúng cái lý nhân quả. Kính Chúa là nhân. Bình an là quả. Thương người là nhân. Thánh Sủng là quả. Về cái…lý nó là như vậy nhưng trong thực hành, nào đã có mấy ai làm được ? Nhưng thôi ! Dẫu nó vẫn cứ mãi chỉ là lời chúc, ước mong thì âu cũng là…tốt rồi !
Sau biến cố bảy lăm nhạc sĩ Văn Cao có một bài hát với điệu nhạc và ca từ càng nghe càng…thấm:
“ Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Với khói bay trên sông. Gà gáy trưa bên sông. Một trua nắng cho bao tâm hồn….
Nghe nói bài hát này chỉ phổ biến được ít lần rồi sau đó bị cấm tiệt suốt cả mười mấy năm trường ? Vì sao lại cấm ? Phải chăng nó đã nói đúng cái thực trạng bi đát của xã hội Miền Bắc CS trong suốt ngần ấy năm trường ?
Cái mà thiên nhiên ban tặng cho con người như Mùa Xuân ấy vẫn chỉ là trong ước mơ ! Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông chỉ là sự xoay vần của đất trời nhưng ở đây lại chẳng có chi…bình thường ! Cái ước vọng …bình thường ấy cứ được nhắc đi nhắc lại tới mấy lần:
Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người…Những chữ…từ đây nghe sao mà buồn quá ! Vậy chẳng hóa ra trong cái xã hội đó trước đây người ta chẳng hề có tình yêu quê hương đất nước. Chẳng hề có chút tình người nào sao ?
Thời gian trôi đi không bao giờ trở lại nhưng nó không mất đi mà lưu lại ở nơi mỗi chúng ta. Với mình, khi tuổi trời đã xấp xỉ tám mươi thì kể ra cũng đã có ngần ấy mùa xuân qua đi và có những thời khắc chẳng thể nào…quên.
Sau bốn năm quân dịch, được giải ngũ cuối năm một chin sáu bảy nhưng chỉ đúng một tháng sau thì xảy ra biến cố Tết Mậu Thân sáu tám. Có lệnh gọi …tái ngũ cho tất cả Sĩ quan, HSQ Trừ Bị và thế là mình lại tiếp tục sống đời quân ngũ cho mãi tới tháng tư bảy lăm mới…tan đàn xẻ nghé…
Đang lúc ở nhà …cuồng cẳng thì Ái rủ đến chỗ hắn dạy học ở Bến Lức ( Long An ) chơi. Buổi chiều, hai đưa cùng với anh con trai chủ trọ thả thuyền trên sông Vàm Cỏ ngắm cảnh sông nước đìu hiu cũng thấy vui. Thế rồi buổi tối vừa cơm nước xong độ khoảng hơn bảy giờ mình và Ái trải chiếu nằm ngoài phòng khách thì chợt có tiếng chó sủa ran. Tiếng chân người rậm rịch ngoài con đường đất sát bên hông nhà. Có tiếng đập cửa gấp gáp, hai du kích mũ tai bèo, súng AK cầm tay xuất hiện trong bóng tối lờ nhờ của cây đèn dầu. Chúng kêu cả nhà trình diện. Trước đó hình như Ái đã…quen với cảnh này nên nói nhỏ bảo mình nhét cái ví xuống dưới chiếu. Một thằng hất hàm hỏi bà chủ nhà rồi chỉ vào mình. Bà chủ nhanh trí nói đây là bạn của thầy Ái mới đổi về trường.
Có tiếng ca nô chạy xình xịch ngoài bến. Hai thằng ấy rút đi, cả nhà lấm lét nhìn nhau còn mình thì…hú vía. Sáng hôm sau liền…rút dù cho lẹ về Sài Gòn. Đêm Giao Thừa năm ấy cùng với tiếng pháo nổ đì đùng khắp nơi thì cũng là lúc VC nổ sung tấn công. Mình cùng với vài người trong xóm ra khu vườn rau Lộc Hưng nhìn về phía BTTM thấy có mấy chiếc trực thăng thay nhau lượn lên vòng xuống bắn từng loạt rốc kết. Không nghe tiếng nổ, chỉ thấy từng luồng lửa phụt xuống….
Tối khuya mùng một ấy tiếng đạn pháo ầm vang thật gần chắc là ở khu trường đua Phú Thọ. Mình thấy bố ngồi lặng lẽ trong mùng không biết từ hồi nào. Tội nghiệp ông cụ đã phải bỏ mồ mả ông bà chạy trốn vào đây mà nào …có xong.
Mấy ngày sau Tết mình mặc…civil đứng đón xe ở ngã tư Bảy Hiền để đến Cục Truyền Tin ( Trại Trần Nguyên Hãn ) trình diện thì gặp Tân ( Ấm ) cùng lớp tu TCV Phan Xi Co mặc đồ rằn ri BĐQ, cổ áo mang ba bông mai đen xịch xe lại đón. Đã bao năm không gặp lại, hai người chỉ trao đổi vài câu chuyện vu vơ rồi biền biệt chia tay mãi khoảng hơn mười năm sau mới gặp lại. Khi đó mình đang ở dốc Suối Đỉa ( Hố Nai ). Còn Tân thì vừa đi tù cải tạo tám năm, vợ thì bỏ còn con thì gửi bên nhà nội. Lần ấy hắn về thăm hai thằng em trai cùng ấp với mình trước khi đi diện H.O. Có điều đến nay mình vẫn ân hận mãi là buổi chiều muộn hắn ghé thăm mà không mời được bữa cơm. Thú thực phần cũng vì…sơ ý, phần vì nhà cũng chẳng có chi để … đãi khách !!!.
Làm xong các thủ tục ở Cục Truyền Tin thì sáu người trong đó có một trung úy được xe Dogde của SĐ 5 đến đón. Còn nhớ ở ĐĐ 5 Truyền Tin được mấy tháng thì trong một cuộc thi thuyết trình với đề tài Quân Phong, Quân Kỷ gì đó mình đoạt giải nhất cấp sư đoàn. Được đúng bảy ngày phép về thăm nhà. Ông bà cụ mừng lắm cứ tưởng trong cái thời ly loạn này khó lại có …ngày về.
Trong mấy ngày phép ngắn ngủi ấy cũng thật là buồn, bạn bè chí cốt chẳng còn đứa nào ở nhà. Sẵn cái xe Solex của Vạn ( thiếu úy PB đóng ở BMT ) đang gửi ở nhà mình …vù xuống Xóm Mới thăm Nguyên để rồi ít tháng sau được đổi về BTTM gần nhà…cưới nàng làm vợ.
Thi đậu vào khóa HSQ Tùy Viên sang làm việc tại Nam Vang năm 1970. Còn nhớ vào quãng hai bảy hai tám Tết năm bảy ba đang cùng mấy người đóng quà để phát cho trại tỵ nạn ở Phòng Kiều Vụ thì bỗng có tiếng la lớn….có bom, bắt lấy nó bắt lấy nó. Anh con trai của bác Lộc gác dan hết sức nhanh nhẹn vừa hô vừa cầm lấy cái túi xách ai đó vừa vứt tại cầu thang lên phòng visa ở trên lầu kéo vội ra ngoài. Còn anh quân cảnh thì túm lấy tên khủng bố vật ngã xuông rồi còng tay nó lại.
Cái túi được vứt ra giữa đại lộ Norodom về sau biết đó là một túi thuốc nổ TNT nặng khoảng năm ký đã được các chuyên viên Tòa ĐS Mỹ đến tháo kíp và lấy đi. Nếu không có anh con trai bác Lộc nhanh trí, can đảm như thế thì tòa nhà hai tầng của Lãnh Sự Quán đã bị…nổ tung lên rồi. !
Sáng mồng một Tết toàn bộ nhân viên Sứ Quán quần áo veston chỉnh tề đến chúc tết đại sứ Trần Văn Phước. Ông này trước đây từng làm thị trưởng Đà Lạt và có câu chuyện thực trong Nhật Ký Đỗ Thọ ( Tùy viên của tổng thống Diệm )kể rằng trong một lần kinh lý xứ sở Hoa Anh Đào, cụ Diệm đã cho gọi ông thị trưởng lên gặp, quát mắng và …ném cái gạt tàn thuốc nhưng ông ấy…né được. Lý do là vì đã cho đốn mất cây cổ thụ hàng trăm năm mà tổng thống rất thích….
Chiều mồng bốn hay mồng năm gì đó mình và Trần Trọng Trí, nhân viên địa phương ghé nhà Trung trưởng phòng Thông Tin uống rượu và tiện thể nghe đài phát thanh Hà Nội tường thuật chương trình mừng lễ Ký Kết Hiệp Định Paris 27/1/1973. Phải công nhận họ đã tổ chức cuộc lễ hết sức …hoành tráng. Đi kèm với những bài diễn văn là những bản hùng ca đầy khí thế. Hứa hẹn một tương lai vô cùng rực rỡ cho dân tộc đất nước. Cái viễn cảnh đánh đuổi quân xâm lược đế quốc Mỹ chắc chắn chẳng còn xa…
Ở nhà Trung về, mình và Trí đón xích lô về nhà thuê tận tít trên lầu mười của chung cư Paradis ( Thiên Đàng ) đường Monivong. Xích lô vừa dừng trước cửa thì điện vụt tắt. Cả khu phố chìm trong bóng tối mịt mùng. Chỉ còn những ánh đèn xe quét loang loáng trên mặt đường. Không gian đầy vẻ ma quái….Lần nào cũng vậy hễ cứ cúp điện ( Nam Vang hồi đó rất hay bị cúp điện luân phiên ) là cả bọn lại rủ nhau đến khách sạn thuê phòng qua đêm…Tối đó mình trằn trọc mãi không ngủ được nghĩ ngợi miên man về một ngày mai bất định !
Lonnol rồi tiếp đó Miền Nam sụp đổ, mình lếch thếch dẫn vợ con về Hố Nai sinh sống. Mấy năm đầu nhờ có nhạc phụ vốn là người trồng hoa tại Xóm Mới chỉ vẽ cho cũng đỡ. Thế nhưng ngày ấy cái ăn còn chẳng đủ huống chi…chơi hoa chơi kiểng. Mình chỉ trồng mỗi năm một vụ hoa Tết cũng kiếm được vài ba tạ gạo. Chẳng nhớ cái Tết năm nào mình trồng hoa cúc thúy đánh giỏ rồi thuê một chuyến xe Lam của anh Thanh hay Thành gì đó là một trung úy mới đi tù về chở lên chợ Trảng Bom bán. Mấy chục giỏ hoa chất đầy trong xe và cả trên mui xong đạp máy cả chục lần không nổ. Biết làm sao đây mình và đứa cháu có bác tài ngồi trên xe …cầm lái…cong lưng đẩy lên hết con dốc dài, đỗ lại trước cổng nhà thờ Tân Bình nghỉ….thở dốc.
Cứ tưởng nó sẽ …nổ nhưng rồi đẩy mãi cho tới tận chợ thì trời đã sáng bét mất gần hai tiếng đồng hồ trên quãng đường năm cây số. Bác tài bất đắc dĩ hôm đó cứ đứng…gãi tai chẳng biết nói gì. Mình hết sức tội nghiệp nhưng chẳng biết làm sao vội ..dúi vào tay hắn ít tiền ngập ngừng nói, thông cảm nhé…
Rồi bao mùa xuân cũng lại qua đi, các con trai con gái lần lượt ra đời. Chúng trưởng thành lớn lên còn bố mẹ thì ngày càng già đi. Dòng đời cũng như dòng tâm thức vẫn không ngừng trôi từ vạn kỷ. Nói dòng đời dòng tâm thức tưởng chừng như …hai nhưng thật ra nó vốn…là một. Dòng đời chỉ là cái biểu hiện của dòng tâm thức mà thôi….
Mình say mê đọc sách Phật trong nhiều năm và đã…ngộ ra chân lý ấy. Nếu tất cả chỉ là biến hiện của Tâm thì vấn đề ở chỗ làm sao để cho cái Tâm đó biến vô minh thành giác ngộ biến phiền não thành trí tuệ Bồ Đề.
Lại có một cái Tết năm nào chẳng còn nhớ nữa mình với Tịnh, Tiến vào thăm thiền viện Toàn Giác của sư Minh Nghĩa trong Giang Điền. Đứng trên thềm nhà ở lưng chừng đồi lặng nhìn rừng cây in bóng trên nền trời xanh lơ có rặng núi xa mờ ảo….mình bỗng chợt cảm nhận có một mùa xuân vĩnh cửu thấp thoáng ở đâu đó…trong lòng.
Phùng Văn Hóa