Ý Nghĩa và Mục Đích Việc Cầu Nguyện

          Vào  đầu mỗi Thánh Lễ chúng ta thường nghe cha chủ tế  nói lên những ý chỉ của người xin và đa phần là xin  cầu cho các  linh hồn ông bà cha mẹ. Xin cho được  gặp thầy gặp thuốc, đươc bình an…Đôi khi có người còn xin cho cuộc phỏng vấn có kết quả hoặc làm giấy tờ bán đất bán nhà được thuận lợi v.v…

          Người ta có tin thì mới  cầu…Tuy nhiên việc cầu xin ấy có thực sự quan hệ gì  đến  cầu nguyện  hay nói cách khác có đẹp lòng Chúa  hay không ? Lần kia Giacobe và Gioan hai con trai nhà  Giê bê đê đến gần Chúa mà nói rằng: Thưa Thầy, chúng tôi muốn hễ điều gì chúng tôi xin thì Thầy làm cho. Ngài hỏi: Các ngươi muốn Ta làm chi cho các ngươi ? Họ thưa: Xin cho chúng tôi được ngồi một đứa bên hữu một đứa bên tả Thầy trong vinh hiển của Thầy. Nhưng Chúa Giê Su đáp: Các ngươi không hiểu điều mình xin.” ( Mc 10, 35 -38 ).

          Tại sao  Chúa nói: Các ngươi không hiểu điều mình xin ? Đó là vì ý nghĩa  việc cầu nguyện hoàn toàn không  phải như những gì mà con người kỳ vọng.  Cầu xin cho được khỏi bệnh được Chúa chữa lành, phỏng vấn có kết quả….Điều ấy không có gì…không đúng, không phải nhưng đó không phải ý nguyện của Chúa “ Vào rạng ngày Ngài ra đi đến nơi vắng vẻ, có quần chúng kéo đi tìm Ngài theo kịp muốn giữ Ngài lại không cho Ngài đi khỏi họ. Ngài nói cùng chúng rằng: Ta còn cần phải  rao giảng  Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai  đến” ( Lc 4, 42 -43 ).

          Dân thành Capharnaum muốn cố  lưu giữ Chúa ở lại để chữa trị đủ thứ bệnh tật kể cả người bị quỷ ám mà người ta đem đến cho Ngài. Thế nhưng Chúa nhất quyết ra đi bởi đó không phải  sứ mạng được trao của Ngài. Sứ mạng  Chúa được sai đến cõi thế  như lời Ngài xác nhận là để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và  Nước ấy là Nước…nội tại ở nơi tâm hồn mỗi người: “ Có người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su về Nước Thiên Chúa chừng nào đến thì Ngài đáp: Người ta  sẽ không thể nói được: Đây này hay đó kia. Vì này Nước Thiên Chúa ở trong lòng các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

          Đây này, đó kia ám chỉ cho không gian và thời gian. Nước Thiên Chúa không …ở đây hay ở kia bởi vì đó là một Thực Tại siêu việt cả không gian lẫn thời gian. Không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả hay luận bàn nhưng chỉ có thể lấy lòng tin mà tiếp nhận. Mặt khác chính là với  Thực Tại mầu nhiệm ấy mà con người mới cần cầu nguyện hầu mong có ngày được về sinh sống đời đời kiếp kiếp ở nơi  đó.

          Cầu nguyện luôn bao hàm hai yếu tố: Một là Cầu hai là Nguyện. Cầu xin hết ơn này ơn khác mà không có Nguyện thì không phải  là cầu nguyện đích thực và như vậy thì không sao đẹp lòng Chúa. Tại sao ? Bởi như vậy là không đáp ứng được Đại Nguyện Cứu Độ của Chúa “ Lòng các ngươi chớ bối rối: Đã tin ĐCT thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở. Bằng chẳng vậy Ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 1 -3 ).

          Chúa xuống thế vui lòng chịu nạn chịu chết không phải  để cho ta cứ …lần khân  mãi ở trong cái chốn thế gian vô thường khổ  đau này nhưng là để cứu vớt những kẻ tin vào Lời Hứa và quyết tâm trở về với Ngài. Một khi Chúa đã hứa thì chắc chắn Ngài sẽ thực hiện miễn sao chúng ta cần có lòng tin và sự ước nguyện.

          Có lòng tin mà không ước nguyện thì lòng tin ấy  chỉ là vu vơ không thật. Trong đời sống đạo của các  tín hữu, thực tế thì lòng ước nguyện ấy đã thể hiện rất rõ trong các kinh nguyện  chúng ta thường đọc. Có thể nói hầu hết các kinh nguyện trước đây đều có lời kết là xin cho được về Nước Thiên Đàng hưởng Nhan Thánh Chúa đời đời.

          Kinh nguyện một khi đã hàm chứa ước nguyện như thế thì đọc kinh  chẳng phải  cầu nguyện đó sao ? Nói cách khác đọc kinh chính là phương thế vừa dễ dàng lại vừa bảo đảm giúp ta cầu nguyện một cách đắc lực nhất. Tuy nhiên  việc cầu nguyện trong đời sống Ki Tô Hữu là việc rất khó “ Cũng một lẽ ấy, Thánh Linh giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta vì chúng ta chẳng biết thế nào là cầu nguyện cho xứng đáng nhưng chính Thánh Linh lấy sự than thở không thể nói ra được mà cầu thay nguyện giúp cho chúng ta” ( Rm 8, 26 ).

          Việc cầu thay nguyện giúp ấy đã được thể hiện ở nơi các kinh nguyện. Thực vậy kinh nguyện là do các Thánh hoặc Đức Mẹ ( Kinh Mân Côi ) hoặc Chúa Giê Su ( Kinh Lạy Cha ) đặt ra để giúp chúng ta cầu nguyện. Hiểu như thế thì việc cầu nguyện  không phải do tự thân mỗi người thực hiện nhưng là chính các Thánh đã cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

          Để cho việc…đọc kinh có thể trở thành những lời cầu thay nguyện giúp thì nhất định cần có hai điều kiện. Một là phải chuyên cần và hai là có  sự nhất tâm. Sở dĩ như thế bởi lẽ đọc kinh chính là thể hiện ước nguyện của chúng ta trong đời sống tâm linh  vì thế việc…đọc kinh không thể chỉ diễn ra trong nhà thờ cùng với những người khác nhưng  cần  là việc của mỗi  cá nhân trong suốt  cuộc đời.

          Lại nữa nên nhớ ước nguyện đây là ước nguyện được vào Thiên Đàng thế nên cần coi đó là việc lớn sinh tử  phải  giải quyết chứ không thể …lơ là coi  là chuyện được chăng hay chớ, có hay không cũng  chẳng sao !!!. Tiếp đến cần có sự nhất tâm và sự nhất tâm ấy chính là  hết lòng hết dạ  quay về với Đấng Chúa là Cha ở nơi mình “ Còn ngươi khi cầu nguyện, hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật Ngài sẽ báo đáp cho” ( Mt 6, 6 ).

          Khi cầu nguyện phải…vào phòng đóng kín cửa lại. Phòng ở đây  chính là nội tâm mỗi người. Còn đóng kín cửa lại thì cửa chủ yếu là hai giác quan mắt và tai. Đang chăm chú đọc kinh lần hạt chợt có con chim sẻ bay đậu trên đầu  bức tượng, tâm trí liền dõi theo với biết bao ý nghĩ trong đầu…quên cả đọc kinh. Hoặc nghe tiếng còi xe ngoài đường, tai liền …vểnh lên nghe ngóng rồi nghĩ suy đủ thứ v.v…

          Cầu nguyện thì phải xoay cái Tâm trở vào bên trong mà cầu bởi chỉ  nơi đó mới có Đấng Cha ngự trị. Đấng Cha là một Thực Tại mầu nhiệm và  Thực Tại ấy còn mang những danh xưng khác như Nước Thiên Chúa, Nhà Cha, Chốn Nghỉ Ngơi Đời Đời, hoặc Nước Thiên Đàng do Đức Ki Tô thiết lập ( sắm sẵn ) để dành cho những kẻ nào có ước nguyện thiết tha được về nơi ấy.

          Như lời Thánh Phao Lô nói: Không ai có thể cầu nguyện cách xứng đáng mà phải do Thánh Linh cầu thay. Kinh Mân Côi là kinh nguyện có giá trị bậc nhất không có kinh nào có thể sánh bằng. Sao có thể  quả quyết như thế ? Bởi vì kinh này là do Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp cho ta. Sau mỗi Kinh Kính Mừng chẳng phải chúng ta vẫn một mực kêu cầu “ Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay  và trong giờ lâm tử” hay sao ? Một khi đã được Đức Maria cầu thay ngay trong đời sống hiện tại và nhất là trong giờ  sau hết của cuộc đời thì chúng ta còn có chi đâu  phải lo lắng ?

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts