Yếu chỉ thiền tông

Chương ba

Như ở phần đầu đã nói, hiện trong giới trí thức gồm có cả linh mục tu sĩ nam nữ đang xu hướng về Thiền. Thậm chí có những dòng tu còn gửi người đến các Thiền viện Phật giáo để tu tập. Trước hiện tượng này có thể nảy sinh hai luồng dư luận. Một cho đó chỉ là thứ mốt thời thượng rồi nó cũng sẽ mau qua. Hai là thực sự lo lắng cho đường lối tu đức của Giáo hội phải chăng đang bước vào… một lối rẽ nguy hiểm?

 Điều trước hết cần khẳng định là việc nghiên cứu tu tập Thiền không phải một thứ “mốt” nhất thời nhưng quả nó là một thứ nhu cầu rất ư cần thiết cho việc hội nhập của Giáo hội lúc này. Thật vậy làm sao mà có thể hội nhập vào với văn hóa á Châu, nếu bỏ qua Phật giáo và cách riêng là Thiền?

 Mặt khác trong công cuộc hội nhập này thiết nghĩ chẳng những không thể bỏ qua mà còn phải nghiên cứu sâu về Thiền hòng qua đó để giải quyết cơn khủng hoảng cầu nguyện kéo dài đã quá lâu.

 Giải quyết khủng hoảng cầu nguyện thông qua việc áp dụng Thiền đó là việc phải làm và hoàn toàn có thể. Tuy nhiên điều ấy ta lại thấy nó trái ngược trong thực tế. Tất cả những sách vở báo chí ấn phẩm dù là sáng tác biên khảo hay dịch thuật ở đây cho đến lúc này đều rơi vào một trong hai trường hợp. Hoặc không có được một nhận thức đứng đắn nào về Thiền – nghĩa là chưa phân biệt nổi đâu là Thiền tiểu thừa – Thiền đại thừa hoặc sự khác biệt giữa Thiền Phật Giáo và Thiền ngoại đạo – có vị còn lên giọng quả quyết “Trước khi yoga được mang vào Thiền viện nó đã là một phương pháp luyện kim và luyện phép” (Hoành Sơn. Thần học thiêng liêng) hoặc hết lòng bài xích cho rằng “Triết thuyết Thiền là của Phật giáo vừa theo lý trí vừa theo tâm lý con người thay vì đã viết triết thì chỉ nên theo lý trí” (xem bản phụ tiếp vào tập “Tìm hiểu Thiền và cầu nguyện – ấn phẩm vô danh).

 Thiền trước hết không phải triết thuyết lại càng không phải sản phẩm của lý trí. Lầm Thiền với triết cũng như không phân biệt được sự khác nhau giữa các loại Thiền, theo tôi tất cả là do đã không xác định được đâu là mục đích cốt yếu của việc tu Thiền.

 Để nhận ra yếu chỉ Thiền thì không thể không biết đến tính chất chung thông của ngũ thừa Phật giáo. Nếu Thiền không chỉ có một thứ thì Phật giáo cũng chẳng phải một thừa mà là năm thừa đó là: 1. Nhân thừa 2. Thiên thừa 3. Thanh văn thừa 4. Duyên giác thừa và 5. Đại thừa hay còn gọi là Bồ Tát thừa.

 Thừa cũng chính là giáo lý, nó được ví như cỗ xe dùng để vận chuyển đến đích. Để đến được đích nào thì phải có phương tiện (giáo lý) của đích đó.

  1. Đối với Nhân thừa thì có Ngũ giới = 1. Không sát sanh. 2. Không trộm cắp. 3. Không tà dâm. 4. Không nói dối. 5. Không uống rượu.
  2. Với Thiên thừa thì có Thập thiện giới – gồm ba nghiệp nơi thân: Không sát sanh mà hay làm việc cứu sinh. Không trộm cắp mà hay làm hạnh bố thí. Không dâm dục mà thường giữ hạnh thanh tịnh. Bốn nghiệp nơi miệng gồm: Không nói dối mà hay nói những lời chân thật. Không nói thêu dệt mà nói đúng nghĩa. Không nói đặt điều mà nói hòa hợp. Không nói thô ác mà nói dịu dàng. Ba nghiệp về ý gồm: Không tham lam mà hay thực hành tri túc thiểu dục. Không sân hận mà quán từ bi, nhẫn nhục. Không si mê tà kiến mà quán nhân duyên phát triển trí tuệ.
  3. Với Thanh văn thừa thì quán lý Tứ Đế (Khố đế – Tập đế – Diệt đế – Đạo đế)
  4. Với Duyên giác thừa thì quán lý Thập nhị nhân duyên (Vô minh – Hành – Thức – Danh sắc – Lục nhập – Xúc –Thọ – Aí – Thủ – Hữu – Sanh – Lão tử).
  5. Với Đại thừa cũng gọi là Bồ Tát thừa thì hành Lục ba la mật (Bố thí – Trì giới – Nhẫn nhục – Tinh tấn – Thiền định – Trí tuệ).

 Phân tích ngũ thừa Phật giáo ta thấy nhân và thiên thừa là pháp thế gian tức vẫn còn lẩn quẩn trong vòng chúng sanh luân hồi lục đạo (Thiên nhân Atula. Ngạ quỷ – Súc sanh – Địa ngục) Hai thưa này nằm trong hệ thống thứ nhất.

 Tiếp đến là hai thừa. Thanh văn và duyên giác – Hai thừa này do quán Lý Tứ Đế và Thập nhị nhân duyên nên đã thuộc về pháp xuất thế gian nhưng bởi vì nó chỉ nhắm đạt mục đích giải thoát cá nhân thế nên còn rất xa với quả vị Đại thừa. Mặc dầu vậy nó vẫn hình thành cho mình một hệ thống riêng khác hẳn với hai thừa trước và đây là hệ thống thứ hai.

 Sau cùng là Đại thừa, thừa này chủ trương diệt trừ đến tận vô thỉ vô minh phá cả hai thứ chấp ngã và chấp pháp nhằm thực hiện đại giải thoát cả cho mình và cho người. Thế nên thừa này cũng được gọi là Tối thượng thừa gồm thâu tất cả các thừa.

 Ta có thể ví ngũ thừa giống như một chiếc thang năm bậc. Bậc thứ nhất và thứ hai ám chỉ cho nhân và Thiên thừa – Bậc ba và bốn cho Thanh văn và Duyên giác thừa – Bậc năm cho Đại thừa.

 Với chiếc thang năm bậc này ta có thể nhận ra tính chất chung thông cho cả ba hệ thống của ngũ thừa Phật giáo.

 Ngũ giới (Nhân thừa) và Thập thiện (Thiên thừa) giới là hệ thống giáo lý thứ nhất. Tuy thuộc pháp thế gian nhưng đồng thời cũng là nấc thang thứ nhất và thứ nhì của ba thừa trên nên nó được gọi là giáo lý chung thông của năm thừa.

 Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên thuộc hệ thống giáo lý thứ hai là pháp xuất thế gian. Mặc dầu giáo lý này chỉ theo đuổi mục đích tự giải thoát lấy cho mình nhưng cũng là nấc thang thứ ba và thứ tư của đại thừa nên gọi là giáo lý chung thông của ba thừa.

 Hệ thống giáo lý Thật Tướng Đại Thừa mặt cao thì diễn đạt thật tướng các pháp (Lý Trung Đạo) theo đuổi mục đích giải thoát tối thượng. Mặt rộng bao gồm toàn bộ giáo lý của các thừa dưới.

 Khi nói Đại Thừa bao gồm giáo lý của tất cả các thừa dưới thì điều ấy cũng có nghĩa nếu giáo lý của thừa nào chỉ đem lại kết quả tương ứng cho thừa đó. Ngũ giới chỉ đưa đến Nhân Thừa. Thập thiện chỉ đưa đến Thiên Thừa… thì Đại Thừa đương nhiên bao gồm kết quả của tất cả các thừa đó.

 Sau khi khái quát về ngũ thừa và tính chất chung thông của chúng. Có hai câu hỏi cần phải đặt ra. Một là do đâu mà năm giới cấm và mười điều thiện lại được xếp loại với các “Thừa” Phật giáo? Thật ra thì chúng cũng đâu có khác gì với đạo đức luân lý thế tục? Việc làm lành lánh dữ chẳng những có thể thấy nơi các tôn giáo khác mà còn có ở nơi những người tự nhận là vô thần, không tôn giáo.

 Để trả lời cho câu hỏi này ta cần nên nhớ bất kỳ người nào muốn trở thành Phật tử (con Phật) cũng đều phải có Tam quy = Quy y Phật tức là theo đuổi mục đích giải thoát tối thượng. Quy y Pháp là thực hành đầy đủ giáo lý của Phật và Quy y Tăng là quy ngưỡng vị thầy, người dẫn đạo mình.

 Chính là căn cứ vào Tam Quy ấy mà năm giới cấm và mười điều thiện đã trở thành viễn nhân gián tiếp bước lên mục đích rốt ráo của Phật pháp là Thành Phật.

 Còn câu hỏi thứ hai. Trong hai thừa thứ ba (Thanh văn) và thứ tư (Duyên giác thừa) nói về khổ và tính chất vô thường khổ não. Nếu chỉ trình bày các chân lý dù là rất mực sâu xa về khổ hoặc về vô thường thì những phân tích ấy ngoại đạo cũng có thể có. Mặt khác những phân tích ấy nếu chỉ dừng lại ở đó như một thứ nhận thức thì cùng lắm chỉ có thể khiến cho người ta có được một thứ triết lý xuông chứ có chi mà gọi là Phật pháp, con đường thành Phật?

 Để có thể nhận ra cốt tủy Đạo Phật đồng thời cũng từ đó mà nhận ra sự khác biệt sâu xa giữa Phật pháp và ngoại đạo, giữa Đại thừa và Nhị thừa thì phải căn cứ nơi Tam pháp ấn = Không – Vô Tướng – Vô Tác. Trong kinh Pháp ấn Phật nói “Pháp ấn này chính là ba cánh cửa đi vào giải thoát là giáo lý căn bản của chư Phật là chỗ đi về của chư Phật”.

 Cánh cửa giải thoát tuy nói rằng ba nhưng lại chỉ có một bởi lẽ Không, ở đây là không hình sắc tướng mạo (Vô Tướng) và vì vô tướng nên cũng chẳng có ai là người hành động tạo tác (Vô Tác). Ba cửa nhưng chỉ còn một cửa và đó là Cửa Không (Không Môn).

 Thiền tông cũng là Không Môn và Không Môn cũng tức Thiền tông. Cửa giải thoát mà lại không cửa này đã được chính Đức Phật Thích Ca trong hội Linh Sơn truyền trao cho đệ tử là ngài Ca Diếp “Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng Niết Bàn Diệu Tâm nay truyền trao cho ông”.

 Đức Phật ra đời tùy mỗi căn cơ, tùy từng thời điểm dùng đủ mọi thứ giáo lý phương tiện để dẫn dắt chúng sinh nhưng mục đích duy nhất cũng không ngoài một việc Kiến Tánh thành Phật “Mục tiêu các Đức Phật ra đời chỉ nhằm khai mở (KHAI) Tri Kiến Phật chỉ cho chúng sanh thấy (THị) Tri Kiến Phật – Làm cho chúng sanh nhận rõ (NGộ) Tri Kiến Phật và giúp chúng sanh đi vào (NHậP) con đường tri kiến nghĩa là thành Phật. Vì vậy chỉ có một Phật thừa (Nhất Thừa) là con đường dẫn chúng sanh đến quả vị Phật. Không có tới hai hay ba thừa – Ba đời Chư Phật quá khứ – hiện tại – vị lai cũng đều dạy như vậy và chúng sanh nghe theo tu hành đều thành Phật” (Bản lược dịch kinh Pháp Hoa của HT Thích Trí Quảng).

 Cái rốt ráo của Phật đạo nằm trọn trong tiến trình Khai – Thị – Ngộ – Nhập này đây và mở màn cho tiến trình ấy ta thấy đó là Khai. Sự khai mở của Phật được thực hiện thông qua hai con đường. Một là giáo môn và hai là tông môn. Trong kinh Lăng Giá Phật thuyết “Đại Huệ – tất cả thanh văn Duyên giác – Bồ Tát có hai thứ gọi là Tông thông và Thuyết thông. Nói Tông thông là do tữ mình chứng đắc tướng thẳng tiến. Xa lìa ngôn thuyết văn tự vọng tưởng rồi ngộ nhập. Tự Tướng – Tự Giác – Còn thuyết thông là thuyết đủ thứ giáo pháp nơi chín bộ kinh. Lìa các tướng đồng dị và có không dùng phương tiện tinh xảo để tùy thuận chúng sanh ứng cơ thuyết pháp được độ thoát”.

 Thiền tông mặc dầu đã khởi sự ngay từ khi Đức Phật tâm truyền cho tổ Ca Diếp. Thế nhưng thực sự thì việc phân chia thành hai môn Tông và Thuyết chỉ chính thức được kể từ tổ thứ 28 tức Bồ Đề Đạt Ma khi ngài Vân du đến Trung Quốc cùng với câu nói nổi tiếng “Bất lập văn tự giáo ngoại biệt truyền – trực chỉ nhân tâm kiến thành Phật”.

 Bất lập không có nghĩa phế bỏ hay “coi thường” mà ý của tổ là muốn chỉ rõ không thể tìm Phật tánh trong văn tự. Người tu nếu chấp vào văn tự ắt sẽ bị văn tự trói buộc, ngàn đời không thể nhận ra chân Tánh.

 Không thể tìm Phật Tánh trong văn tự. Dẫu vậy văn tự vẫn có giá trị của nó. Bằng không thì Phật Thích Ca 49 năm thuyết pháp để lại cho đời Tam Tạng Kinh điển đến nay ghi chép trong hơn năm ngàn quyển kinh chẳng lẽ vô ích cả sao?

 Chữ nghĩa văn tự hẳn nhiên không vô ích nhưng nếu chấp vào nó thì tại hại vô cùng. Chư Phật vì đại nguyện cứu độ không thể không nói. Nói nhưng mà liền đó lại phủ nhận không nói để khỏi làm hại cho chúng sanh vì các Ngài thấu hiểu con người thật rất khó để mà thoát khỏi sự bám víu vào ngôn ngữ khái niệm, cho khái niệm là chính thực tại.

 Ngôn ngữ là khái niệm mà khái niệm nào thì cũng chỉ là một thứ danh ngôn vọng tưởng chứ không có thật nghĩa. Ngôn ngữ ví như cái bản đồ so với thực địa, việc khai thị bản tâm của Đức Phật giống như có người nói cho ta biết ở một nơi nào đó có một kho báu. Người theo giáo môn là người nắm trong tay tấm bản đồ và chiếc la bàn. Cứ nhìn vào bản đồ và đi theo hướng chỉ của la bàn ắt sẽ đến. Còn người theo Tông môn là người đã được người chỉ kho báu nắm tay dắt đến tận nơi. Người theo bản đồ và chiếc la bàn còn có thể bị lạc do không khéo sử dụng phương tiện. Nhưng người được dắt tay thì chắc chắn đến được.

 Dắt tay tức chỉ thẳng (trực chỉ) tâm người để thấy đó chính là Phật – Tức tâm tức Phật – Tâm là Phật – Phật là Tâm hoàn toàn không khác. Nhận ra Tâm mình và Phật không hai, đó là Kiến Tánh là giác ngộ Chân Tâm.

 Thiền Tông hết sức coi trọng việc Kiến Tánh, bao lâu chưa rõ biết bản tâm chân thật của mình thì bấy lâu việc tu vẫn còn mù mờ, rút cục chỉ tốn công vô ích. Bởi đó Kinh Phật mới có câu “vô tâm xuất thế học Đạo vô ích. Bất minh tự tánh vấn Thiền vô ích” (Người không có lòng mong mỏi xuất thế thì học Đạo chỉ vô ích. Người muốn học Thiền mà không rõ tánh mình thì học Thiền cũng vô ích).

 Đạo Phật là đạo giải thoát bởi đó mà muốn học Đạo này cần phải có tâm xuất thế. Tuy nhiên tính chất xuất thế của Tiểu thừa lại có khác với Đại Thừa. Xuất thế của Tiểu Thừa là thoát khỏi thế gian khổ lụy để nhập Niết Bàn Tịch Tịnh, còn của Đại Thừa là ra khỏi sự trói buộc của ngã chấp và pháp chấp. Do nơi Tiểu Thừa còn thấy có Niết Bàn riêng khác thế nên họ chủ trương Ngã Không Pháp hữu. Còn Đại Thừa cho Niết Bàn là Niết Bàn Tự Tánh bởi đó mà Cả Ngã và Pháp đều không.

 Nhận biết Cả Ngã và Pháp đều không đó là Kiến Tánh và đấy cũng là yếu chỉ của Thiền. Bao lâu chưa nhận biết được bổn Tâm bổn Tánh thì người tu vẫn là kẻ còn ở ngoài cửa chưa vào được trong nhà và như thế tất cả mọi hành động tạo tác đối với thế gian dù có lớn lao bao nhiêu vẫn cứ còn ở trong vòng hũu vi trói buộc “Nếu ngộ Chân Tâm hành lục độ có căn bản – còn mê Chân Tâm hành sáu độ như mù – Cớ sao Chân Tâm bảo là căn bản? Chẳng ngộ Chân Tâm mà hành bố thí thì một đời được vinh hiển sau sẽ chịu họa tai. Chẳng ngộ Chân Tâm mà trì giới thì sanh lên cõi Trời, dục giới hết phước trở lại rơi vào ngục nê lê. Chẳng ngộ Chân Tâm mà hành nhẫn nhục thì được quả báo đoan chánh nhưng chẳng chứng tịch diệt. Chẳng ngộ Chân Tâm mà hành tinh tấn thì luống tăng thêm sự sinh diệt, công phu chẳng đến được lẽ chân. Chẳng ngộ Chân Tâm mà Thiền Định chỉ đi trong cõi Trời Sắc Giới chớ chẳng về được Pháp Giới. Chẳng ngộ Chân Tâm mà có trí tuệ thì khéo hiểu ngữ nghĩa tất cả đều thành hữu lậu. Ngộ Chân Tâm này thì thành tựu muôn đức. Mê Chân Tâm này thì công hạnh bày ra đều rỗng” (Thiền sư Tổ Nguyên – Vạn pháp qui tâm lục).

 Qua đây ta thấy việc Kiến Tánh, ngộ Chân Tâm thực quan hệ biết bao. Ngộ thì hành lục độ có căn bản được vô vàn công đức. Ngược lại mê Chân Tâm thì dù dưới mắt thế gian có làm được bao công đức vẫn cứ kể như mù. Tại sao mà lại có sự khác biệt lớn lao giữa Ngộ và Mê như thế? Đó là bởi ngộ ở đây tức đã nhận ra được cái lẽ Tâm và Pháp không hai còn mê tức vẫn còn thấy Tâm và Pháp ở ngoài nhau.

 Ngộ Tâm với Pháp không hai tức cũng là nhận ra được cái lẽ muôn pháp bởi tâm sanh. Chữ “Pháp” là theo cái nghĩa Duy Thức ám chỉ cho tất cả cái gì tự nó có thể giữ được hình dáng hay khuôn khổ của nó làm cho người khi trông đến thì biết ngay đó là vật gì (Nhậm trì tự tánh quỹ sanh vật giải). Danh từ “Pháp” như thế cũng gần tương đương như Hữu Thể trong triết Tây phương nhưng phạm vi bao quát hơn nhiều.

 Pháp bao gồm cả sắc pháp lẫn tâm pháp. Gọi là sắc pháp tất cả những gì thuộc lãnh vực vật chất vô tri. Lớn như trái núi là một pháp mà nhỏ chỉ bằng hạt cát cũng là một pháp. Cái nhà, cái cây, con người, con thú… cũng vậy. Còn tâm pháp thuộc lãnh vực tư tưởng một học thuyết đồ sộ là một pháp mà một niệm tưởng vi tế cũng là một pháp. Mặt khác Pháp cả trong sắc pháp lẫn tâm pháp được gọi là “tướng” dùng cho tất cả những gì có tướng mạo – thanh âm – màu sắc (không gian) và sanh diệt (thời gian).

 Ngộ Tâm Pháp không hai cũng có nghĩa đã nhận ra cái lẽ muôn vật muôn sự đều bởi tâm sanh. Thế nào là muôn vật (sắc pháp) bởi tâm sanh?

 Khi nhìn thấy cái nhà hoặc chiếc xe, bình hoa ông A, bà B… với con mắt bình thường của mọi người chúng ta thì chắc hẳn ai cũng cho rằng đó là cái nhà, chiếc xe, bình hoa, ông A, bà B… và cũng tất nhiên là chúng hiện hữu ở ngoài ta. Thế nhưng dưới cái nhìn của Ngộ thì không phải vậy. Tất cả những cái gọi là nhà, là xe, bình hoa…, đều chỉ là những cái tên (danh) suông đặt ra để phân biệt vật này vật khác, người nọ kẻ kia chứ chúng hoàn toàn không có thật thể (tự ngã). Một khi chúng chỉ là những cái tên để gọi thì dĩ nhiên những cái tên nhà xe A -B ấy bất luận tên nào cũng là do con người đặt ra mà do con người đặt tên thì đó chẳng phải bởi tâm là gì? Sỡ dĩ khi nhìn thấy cái nhà – chiếc xe – bình hoa ông A, ông B… mà biết đó là nhà, là xe… ấy bởi vì ngay từ khi mới bập bẹ nói chúng ta, ai cũng được ông bà cha mẹ nói đi nói lại cho biết đó là nhà, là xe… Cứ thế truyền từ đời nọ sang đời kia luân tập mãi vào rút cục ai ai cũng đinh ninh đó ắt hẳn phải là nhà là xe… mà không hề biết rằng đó chỉ là những cái tên suông chứ hoàn toàn không có thực thể.

 Muôn vật đều chỉ là những cái tên suông chính vì thế mà cũng là một con người đó mà đứa cháu nội gọi là ông nội. Đứa cháu ngoại gọi là ông ngoại – Các con ông ta gọi đó là bố. Bà vợ có thể gọi ông là chồng nhưng nếu cái ông chồng này mà lại có vợ bé, vợ nhỏ rồi về hắt hủi đánh đập thì bà ta có thể gọi ông ta là thằng quỷ sứ.

 Chỉ là tên suông nhưng lại chấp chúng có thực thể (tự ngã) hiện hữu ở ngoài mình. Đó là mê, còn ngộ thì trái lại biết tất cả chỉ là do tâm biến hiện và chúng không thật có.

 Nói muôn vật không thật có không có nghĩa phủ nhận sự hiện hữu của chúng. Cái nhà, chiếc xe, bình hoa, ông A, bà B có rành rành ra đấy lại nói là không có thì đâu có được. Họa có là điên hay gàn dở mới nói ngược những điều mà cả bàn dân thiên hạ ai ai cũng nghĩ cũng nói.

 Dưới cái nhìn của ngộ thì muôn vật vẫn hiện hữu đấy nhưng sự hiện hũu ấy chỉ là hiện hữu giữa các mối quan hệ nhân duyên với nhau mà thôi. Cái nhà đúng là có hiện hữu nhưng sự hiện hữu ấy chỉ là của các duyên gạch ngói, xi măng, sắt thép, gỗ, kính, công thợ… và … Những duyên ấy còn hòa hợp với nhau thì còn có cái gọi là nhà. Rời các duyên ấy ra – gạch một nơi – xi măng một nơi – sắt một nẻo… thì nhà đâu còn?

 Trên đây là nói về sắc pháp (muôn vật) thế còn tâm pháp (muôn sự) thì sao ?

 Nếu muôn vật bởi tâm sanh thì muôn sự cũng thế và cái nghĩa tâm sanh ở đây chính là Niệm Khởi. Trong bất cứ mỗi một niệm tâm tối sơ (sát na tâm) nào cũng đều gồm đủ ba món gọi là tam tế vô minh sau đây:

  1. Vô minh nghiệp tướng – Do bởi bất giác () không rõ được thật tướng các pháp nên mới khởi niệm. Vừa thoạt khởi niệm thì đã thành nghiệp thế nên gọi nghiệp tướng vô minh.
  2. Năng kiến tướng tức là tưởng năng phân biệt đây là kiến phần của thức A lại gia.
  3. Cảnh giới tướng tức là cái tướng bị thấy bị phân biệt (sở). Đây là tướng phần của thức A lại giá – Bất cứ niệm khởi nào hễ có năng kiến thì cũng ắt phải có sở kiến tức cảnh giới tướng. Điều này cho ta thấy trong mỗi niệm, mỗi niệm bao giờ cũng phải có nội dung bởi đó mà gọi là “tướng” (tướng trạng) nghĩa là nhớ nghĩ về một điều một cảnh vật nào đó. Không bao giờ có niệm nào mà lại không có nội dung mặc dầu nó rất sâu kín, mịt mờ và nếu các niệm ấy cứ được tiếp nối mãi thì sẽ biến thành sáu loại tướng gọi là lục thô sau đây:

Trí tướng đây không phải là trí tuệ sáng suốt mà nó chính là thức thứ sáu theo Duy Thức là thức so lường phân biệt do nương cảnh giới hư vọng mà khởi ra phân biệt thấy có cảnh ở ngoài mình. ( L ý tr í )

+ Tương tục tướng là tướng tiếp nối liên tục không một kẽ hở. Chính do ở nơi tướng tương tục này mà con người mới sinh hoạt học hành, nói năng đọc kinh cầu nguyện… được. Nhưng cũng do nó mà đã khiến cho việc chấp ngã (thấy có một cái ta duy nhất từ nhỏ tới già), chấp pháp được kiên cố khó bề phá vỡ. Tương tục tướng của niệm giống như dòng nước chảy miên man không hề có một gián đoạn nào dù chỉ trong một tích tắc.

+ Chấp thủ tướng – Do tướng tương tục mà có sự chấp giữ – Cảnh nào đáng ưa thì muốn níu giữ bảo thủ, cảnh nào xấu xa đáng ghét thì sanh phiền não giận ghét.

+ Kế danh tự tướng là tướng so đo phân biệt chấp theo lời lẽ – danh ngôn. Do nơi tâm vọng hiện ra các cảnh giới nên chấp lấy đặt ra tên vật này vật khác thuyết này thuyết khác để rồi bám chặt vào đó cho nó là chân lý, là thực tại.

Khởi nghiệp tướng do bởi cứ khởi niệm liên tục dồn chứa hết ngày này tháng khác nên đã phát ra các nghiệp ở thân – khẩu ý – Một lời nói thô tháo xấu ác được phát ra thành lời là do các niệm xấu xa đã luân tập lâu ngày chầy tháng trước đó…

+ Nghiệp hệ khổ tướng do đã gây tạo nghiệp nhân thế nên không thể không lãnh lấy khổ quả.

 Do nơi một niệm tối sơ gồm đủ ba tướng vô minh (tam tế) tiếp nối tương tục không một giây lát ngừng đọng mà muôn vật muôn sự đã được hình thành. Sỡ dĩ có sự hình thành ấy là do có cái tướng hay thấy (năng kiến) và hễ đã có tướng hay thấy thì phải có tướng bị thấy. Tướng hay thấy đó gọi là chủ thể còn tướng bị thấy đó là khách thể, khi một niệm vọng khỏi ắt là đã có sự phân biệt đối đãi chủ và khách – Tâm và vật ở ngoài tâm.

 Bởi vô minh không biết những tướng cảnh giới này là do tâm mình hiện lại chấp là thật có gọi là chấp pháp. Bởi chấp pháp thật nên cũng thấy thật có mình, có người gọi là chấp ngã. Từ vọng thấy có ngã nên thấy có thân ta, thấy có tâm ta, mọi ý nghĩ mọi lời nói hành động đều vì mình bởi mình và cho mình nên tạo ra muôn vàn giống tội để rồi lãnh lấy những hậu quả tương xứng.

 Tất cả đều là sự khởi đầu của một niệm tối sơ đó bởi thế cho nên Thiền chủ trương lìa niệm “Tám vạn bốn ngàn pháp môn là để đối trị tám vạn bốn ngàn phiền não. Đấy chỉ là pháp môn giáo hóa tiếp dẫn, vốn không có pháp nào. Sự lìa bỏ chính là pháp. Người biết lìa bỏ chính là Phật, chỉ cần lìa bỏ mọi phiền não thì không còn pháp gì để chứng đắc cả” (Hoàng Bá Truyền Tâm Pháp Yếu).

 Khi nói “lìa bỏ chính là pháp” điều ấy cho ta thấy Thiền đã được xác minh ngay ở nơi cái tên của nó. Thiền na (Dhyana) là tiếng ấn Độ dịch sang tiếng Trung Hoa là Tịnh Lự có nghĩa dứt bỏ mọi mối tư lự suy tư. Con người dù có trăm ngàn mối lo nghĩ suy tư nhưng tựu chung không ngoài hai việc ngã chấp và pháp chấp. Dứt bỏ hai cái chấp này là sẽ hết sạch phiền não.

 Về mặt lý thuyết nghe qua thì đơn giản như vậy nhưng trong thực hành thì đó quả là việc không dễ chút nào. Đức Phật ra đời tất cả mục đích cũng là để Khai Thị cho chúng sanh Ngộ Nhập tri kiến Phật.  Phật đạo không phải duy chỉ có một đường mà có nhiều đường để Ngộ Nhập; Thiền tông chọn con đường Kiến Tánh, còn Tịnh Độ Tông lại theo con đường Tín Nguyện.

 Để theo đuổi con đường Kiến Tánh thì phải lìa niệm, còn Tín Nguyện lại cốt giữ được Niệm. Hai phương pháp này xem ra có vẻ khác biệt, một bên bỏ một bên lấy. Thế nhưng nếu ta biết Niệm cũng chính là Nhớ thì lìa niệm của Thiền tông là không nhớ nghĩ đến các niệm chúng sinh chấp ngã, chấp pháp. Còn giữ lấy Niệm của Tịnh Độ tông tức là Nhớ Phật mà Phật là Giác Tánh thế nên nhớ Phật là nhớ đến, là quay về sống với Giác Tánh ở nơi chính mình và hiệu quả cũng chẳng khác chi Thiền Tông “Nếu Tâm chúng sinh nhớ Phật, niệm Phật đời này đời sau quyết định thấy Phật cách Phật chẳng xa. Chẳng nhờ đến phép phương tiện nào khác mà cũng tỏ ngộ được TâM của mình như người ướp hương thân có mùi hương” (Kinh Vô Lượng Thọ).

 “Như người ướp hương thân có mùi hương” đây là nói về sự huân tập, một vấn đề trọng yếu có ảnh hưởng quyết định cho cuộc sống con người cả trong lãnh vực đời thường cũng như tâm linh. Cầu nguyện suy cho cùng đó chỉ là cái việc luân tập cũng gọi là Nhớ là Duyên với Chúa. Nhớ đến Chúa tất thể nào cũng gặp được Chúa, một phút nhớ Chúa thì gặp Chúa một phút. Một ngày cho đến một đời nhớ đến thì sẽ gặp được Chúa luôn mãi.

 Cầu nguyện mà có thể gặp được Chúa ấy là bởi chính Chúa cũng muốn gặp gỡ với con người như lời Đức Kitô nói “Đấng Cha vẫn hằng tìm kiếm người dường ấy để thờ lạy Ngài” (Ga 4.23).

 Thiên Chúa như Người Cha mong mỏi gặp con. Còn con nếu hết lòng tìm Cha, muốn được gặp Cha thì ắt thể nào cũng gặp. Tất cả chỉ là vấn đề của Duyên do duyên, cầu nguyện chẳng là chi khác mà là kết duyên với Chúa, Chúa muốn gặp ta mà ta cũng muốn gặp Chúa.

 

Phùng  Văn  Hóa

( Trích tác phẩm Thiền và Cầu Nguyện )

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts