Yoga, Thiền và…cầu nguyện

        Đức cố hồng y FX  Nguyễn Văn Thuận đặt ra câu hỏi: Tại sao Hội Thánh khủng hoảng và đã tự trả lời: Vì đã hạ giá sự cầu nguyện” ( ĐHV 123 ).

          Hạ giá có nghĩa là đã không coi trọng việc cầu nguyện như là điều thiết yếu của đời sống Ki Tô Hữu. Đang khi đó Đức  Ki Tô truyền dạy: “ Các ngươi hãy cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ. Tâm linh thì sẵn sàng, còn xác thịt thì yếu đuối” ( Mt 26, 41 ).

          Chúng ta hiểu thế nào về Lời Chúa ?  Cầu nguyện và tỉnh thức là hai việc khác nhau hay chỉ là một ? Nếu cho là hai thì việc gọi là…cầu nguyện ấy chỉ có ở ngoài môi, miệng  đáng bị Chúa quở trách: “ Dân này chỉ kính thờ Ta ngoài môi miệng. Còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm” ( Mc 7, 6 ).

          Lời Chúa cho thấy,  để cầu nguyện cho xứng hợp thì phải sao cho tâm trí được…ở gần Chúa, kết hợp với Chúa.  Tuy nhiên trong vấn đề kết hợp ấy đã đặt ra cho chúng ta hai vấn đề quan yếu. Một là sự kết hợp  là với Đấng Thiên Chúa nào và hai là mục đích sự kết hợp ấy là gì ?

          Làm sao  để kết hợp được với Chúa trong cầu nguyện ? Đây là nỗi băn khoăn  thao thức của nhiều người  và phải chăng cũng vì thế, hiện nay đang có không ít người  Công giáo nhất là giới trí thức đã tìm đến với Yoga hoặc với Thiền ?.

          Tìm đến với Yoga hoặc Thiền   để trợ giúp việc cầu nguyện. Điều ấy  thực sự có…nên chăng và sau đây là câu trả lời của Giáo Hội: “ Trung tuần tháng 12/1989, Bộ Giáo Lý, Đức Tin   đã gửi cho các giám mục trên toàn thế giới một bức thư lưu ý về việc suy niệm trong Ki Tô giáo. Hiện nay có nhiều tín hữu Ki Tô dùng những phương pháp như Nhập Thiền, Yoga của các trường phái Ấn Giáo và Phật Giáo để giúp cầm trí cầu nguyện….

          …Tuy nhiên vấn đề được đặt ra: Khi thực hành phương pháp chiêm niệm  của các tôn giáo Đông Phương, các tín hữu Công Giáo đi tìm bầu khí thinh lặng hay  họ cũng tìm đến sự trống rỗng tuyệt đối hoặc là tìm về cái ngã, cái tôi của mình ? Bởi vì bản chất của cầu nguyện hệ tại cuộc đối thoại với Chúa….

          …Con người  giữ im lặng ngõ hầu có thể lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa. Trong khi đó một số phương pháp suy niệm  theo các tôn giáo Đông Phương  chỉ nhắm tạo ra sự trống rỗng tuyệt đối chứ không đả động gì  đến việc gặp gỡ đối thoại với Thiên Chúa và đó chính là điều mà văn kiện về Suy Niệm Ki Tô giáo  của Bộ Giáo Lý/ Đức Tin muốn lưu ý” ( Nguồn ĐBĐM 30/9/2019 – Sr Jean Berchmans Minh  Nguyệt – Cái nguy hại của phương pháp Yoga ).

          Trước khi đề ra bất cứ sự phê phán nào thì cũng cần nắm vững nguyên tắc Binh Thư Tôn Tử: “Biết mình, biết người trăm trận trăm thắng”. Đang khi đó nếu áp dụng  nguyên tắc này vào việc phê phán Yoga, Thiền coi  đó là nguy hại cho việc cầu nguyện Ki Tô giáo thì quả thật  chẳng biết chi về người.

          Thật vậy khi đặt Yoga và Thiền vào chung một …cái giỏ  gọi là phương pháp chiêm niệm của các tôn giáo  Đông Phương như Ấn  Độ giáo và Phật giáo  thì  quả là…hàm hồ và khiên cưỡng. Mặt khác  các tôn giáo Đông Phương như Ấn và Phật hoàn toàn không có cái chi gọi là….suy niệm hay chiêm niệm. Đó chỉ là…sản phẩm đặc sệt Duy Lý của thần học  Tây Phương.

          Riêng với Yoga, chủ yếu có hai loại. Một là Hatha Yoga chuyên về tập luyện thân thể và hai là Kundalini Yoga luyện về hơi thở phối hợp với tinh thần, khiến cho cả hai tập trung là một.

          Đối với lãnh vực Thiền cũng rất chi là rộng lớn. Có nhiều tông phái Thiền  khác nhau cả về phương pháp hành trì cũng như mục đích mà nó nhắm tới. Thiền Đại Thừa, Thiền Tiểu Thừa, Thiền Tịnh…và còn có biết bao loại Thiền ngoại đạo  chẳng hề dính dáng chi tới Phật giáo v.v…

          Bởi chưng có sự thiếu hiểu biết như thế nên mới cho rằng mục đích của  Yoga và Thiền là để tìm đến sự trống rỗng tuyệt  đối hoặc là tìm về…cái ngã, cái tôi của mình ! Đối với Yoga thì không nói bởi vì đó chỉ là phương pháp luyện tập sức khỏe cho cơ thể. Trái lại với …Thiền mà nói như  vậy thì chẳng biết đã căn cứ vào đâu  để…quyết đoán như vậy ?

          Để hiểu cho đúng về…Thiền  thì không thể không biết  đến định nghĩa của  nó.  Thiền hay Thiền Na dịch từ tiếng Phạn là Dhyana còn Tàu dịch là Tịnh Lự có nghĩa là dứt bặt suy tư, lý luận. Chính bởi Thiền là dứt bặt suy tư, lý luận  nên tổ  Lâm Tế nói: “ Chỗ ông …dừng một Niệm là  Cây Bồ Đề. Chỗ ông một niệm không  thể dừng  là  Cây Vô Minh.

          Dừng một Niệm và Niệm ở  đây chính là cái  Tâm Phân Biệt. Tâm Phân Biệt ấy cũng chính là Tội  Nguyên Tổ mà Adam đã phạm khi cố tình…ăn trái cây phân biệt Thiên Chúa đã cấm: “ Cho nên như bởi một người  mà tội lỗi đã vào thế gian. Lại bởi tội mà có sự chết và như vậy sự chết đã lan khắp mọi người vì mọi người đều đã phạm tội” ( Rm 5, 12 ).

          Có nhận ra một Niệm cần phải…dừng của Thiền Tông  cũng chính là Tội Nguyên Tổ trong Kinh Thánh, chúng ta mới có thể  nhận ra mối liên hệ giữa Thiền và  Cầu nguyện. Nếu không, thì Thiền vẫn là…Thiền chẳng có quan hệ chi tới cầu nguyện !

          Tuy nhiên  với chủ trương…Lìa Niệm  của Thiền Tông khi áp dụng vào việc tu tập  là hết sức khó. Lý do bởi vì  cứu cánh của việc…lìa niệm chính là để đạt tới Vô Niệm  và để  đạt tới Vô Niệm thì cần dứt bỏ được hai cái lậu hoặc ( sự mê mờ, che lấp ): Kiến  và Tư Hoặc.

          ` Kiến Hoặc là cái lầm về phân biệt do mê lý sanh ra. Mê lý có nghĩa là không nhận biết đúng Thực Tại như nó là. Thấy một bông hoa như nó là, đó là thấy Thực tại.  Trái lại thấy bông hoa mà khởi tâm phân biệt, đẹp, xấu, lớn, nhỏ, sắc xanh, đỏ tím, vàng hoặc muốn hái đem về nhà trưng thì liền đó đã  đánh mất Thực Tại.

          Tư Hoặc là cái lầm do …mê sự bởi tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến….gây ra. Ví dụ tham lam vàng bạc, sắc đẹp….vì cho nó là thực. Đang khi đó  tất cả những thứ đó  chỉ là giả hợp do Duyên hợp lại gọi là có. Duyên hết thì rã tan gọi là mất là chết.Suy cho cùng  thì muôn sự muôn vật ở đời đều do  các duyên hợp lại mà thành. Cho  cả đến vũ trụ hay mạng sống con người cũng vậy. Phàm phu  do bởi…chấp vào những cái cho là…thật có ấy nên mới khởi lòng tham. Nếu tham được thì càng tham mãi. Còn tham không được thì nổi  sân ganh ghét, giận hờn đủ thứ.

          Thiền Tông chủ trương cần dứt bỏ hai thứ chấp ấy  thế nên tu tập đến chỗ cứu cánh giải thoát là điều…bất khả đối với con người trong thời mạt pháp này. Duy chỉ có pháp môn Niệm Phật là…có thể. Kinh Đại tập nói: “ Thời mạt pháp, ức ức người tu hành khó có một người được giải thoát. Chỉ nương nơi Pháp Môn Niệm Phật  mà được thoát khỏi lục đạo luân hồi. ( HT Thích Trí Tịnh – Thiền Tịnh Quyết Nghi ).

          Có nhiều Pháp Môn Niệm Phật, chẳng hạn Thật Tướng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật. Quán Tưởng Niệm Phật v.v…Thế nhưng các pháp môn trên đây cũng rất chi là khó tu, chỉ thích hợp với những căn cơ thượng thửa. Còn với tuyệt đại đa số thì có pháp môn Trì danh Niệm Phật vừa dễ dàng vừa bảo đảm chắc chắn.

          Sao nói Pháp môn Trì  Danh Niệm Phật là bảo đảm chắc chắn ? Đó là  do nơi Đại  Nguyện của Đức Phật A Di Đà: “   Nếu con được thành Phật mà chúng sanh trong mười phương dốc lòng  tin tưởng, muốn sinh về cõi nước của con chỉ trong mười niệm. Nếu không được toại nguyện  thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác trừ những kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê chánh pháp” ( Đại Nguyện thứ 18 – Kinh Vô Lượng Thọ ).

          Chỉ cần có mười câu Niệm A Di Đà Phật  trong lúc lâm chung cũng được Phật rước về cõi  Tây phương Cực Lạc. Đây chính là nhờ vào oai lực Đại   Nguyện của Đức A Di Đà. Đại Nguyện này được ví như  con thuyền. Nếu ném  chỉ một hạt cát xuống nước thì nó liền chìm nghỉm. Nhưng dù có một tảng đá nặng ngàn cân được chở trên thuyền thì nó cũng qua sông  dễ dàng.

          Dốc lòng tin vào Đại   Nguyện thì chắc chắn sẽ được cứu vớt. Chúa Giê Su xuống thế gian  chịu chết để chuộc tội cho thiên hạ, Đó chính là Đại  Nguyện tức Lời Hứa của Chúa mà người Công Giáo chúng ta từ trước đến nay vẫn một mực tin tưởng: “ Ta đi để  sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ  rồi thì Ta sẽ trở lại để tiếp các ngươi về với Ta. Hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga  14, 1 -3 ).

          Chúa nói: “ Ta đi” có nghĩa đi chịu chết. Chính cái chết vô cùng đau thương của Chúa Giê Su Ki Tô mà đã làm nên Giá Cứu Chuộc cho muôn người trong đó có ta là người tội lỗi  đáng mang án phạt  đời đời  trong Hỏa Ngục. Chúa chết  để  đem lại  Sự Sống Đời Đời cho con người. Thế nhưng  nhân loại ngày nay dù là  tín hữu  cũng lại đã quên công ơn vô cùng lớn lao ấy đến nỗi đã quay lưng phản bội Đấng Cứu Chuộc mình để  rồi chuốc lấy bao tai ương khốn khổ  và  cái họa diệt vong đã gần kề. Chúa nói với Thánh Nữ Fautina: “ Nhân loại sẽ không thể được bình an cho đến khi nào biết quay về với Lòng Thương Xót của Cha  với niềm tín thác….

          …Ôi ! Cha đã phải đau đớn biết bao vì sự nghi ngờ của một linh hồn…Họ tuyên nhận Cha là Đấng Thánh Thiện và Công Bằng nhưng không tin Cha là Tình Thương và không tin vào lòng nhân lành của Cha. Đến như ma quỷ cũng tán dương ưu phẩm công bằng của Cha  nhưng chúng không tin vào lòng nhân lành của Cha. Trái Tim Cha sung sướng với tước hiệu Thương Xót. Con hãy công bố Lòng Thương Xót là ưu phẩm vĩ đại nhất  của Thiên Chúa. Tất cả mọi công trình Cha thực hiện đều được tôn vinh với Lòng Thương Xót” ( NK 299 ).

          Nhân loại chỉ có thể  bình an tức được  Ơn Cứu Rỗi khi thực lòng quay về với Lòng Thương Xót Chúa và sự quay về ấy chẳng phải điều chi khác, đó chính là xoay cái Tâm trở vào bên trong với lòng tín thác. “ Các ngươi sẽ  được cứu rỗi là tại trở lại và yên nghỉ, Các ngươi được sức mạnh là tại yên lặng và trông cậy. Thế nhưng các ngươi lại không muốn thế” ( Is 30, 15 ).

          Quay về trong thinh lặng và yên nghỉ, đó chính là bản chất đích thực của Thiền ( Tịnh Lự ). Đồng thời  đó cũng chính là sự tín thác  mà Chúa Giê Su đòi hỏi con người trong cái thời mà dường như đức tin đã hoàn toàn biến mất !

          Dưới bức ảnh Chúa Thương Xót, Chúa truyền Thánh Faustina ghi câu này: “ Lạy Chúa Giê  Su con tín thác vào Chúa”. Có hai cách để cho ta có thể biểu lộ  Lòng Tín Thác, một là chiêm ngắm bức ảnh Lòng Thương Xót ( Quán Tượng ) đồng thời thầm đọc trong  Tâm câu: Lạy Chúa Giê Su, con tín thác vào Chúa  và có thể thì lập đi lập lại câu này trong mọi nơi, mọi lúc. Hai là thực hành Chuỗi kinh Lòng Thương Xót Chúa  đúng vào lúc ba giờ chiều mỗi ngày.

          Tín thác vào Chúa có nghĩa là đặt trọn sinh mạng mình trong sự quan phòng của Thiên Chúa và như thế chắc chắn sẽ nhận được lời hứa của Chúa Giê Su qua cái chết đau thương của Ngài: “ Còn Ta, nếu được treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” ( Ga, 12, 32 ).

Phùng  văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts