Chiều nay tôi vừa dâng Thánh Lễ ở Nhà Thờ với một vị Giám Mục, hàng năm ngài vẫn trở về đây dâng lễ cầu nguyện cho một thầy trong nhà Dòng chúng tôi dù thầy qua đời đã 34 năm. Lý do để Đức Cha đích thân về là: ngày xưa, cuối thập niên 50 đầu thập niên 60, gia đình ngài sinh sống trong Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của chúng tôi và ngài là một lễ sinh trong đội ngũ giúp lễ Nhà Thờ, mà thầy là vị phụ trách các Lễ Sinh.
Đức Cha rất quý mến thầy, một Tu Sĩ gương mẫu, hiền hòa và nhân hậu, ngài kể: “Không bao giờ thầy la mắng hay đánh chúng tôi”. Ngoài ra, ngài còn nói, truyền thống đạo đức của người Việt mình là tôn sư trọng đạo, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy, tôn kính và biết ơn thầy là một nét đạo đức độc đáo của dân tộc chúng ta.
Sự hiện diện của Đức Cha còn có mục đích quy tụ các anh chị em ngày xưa cùng sinh hoạt chung với nhau, các anh chị nay đã lớn tuổi và bận rộn với những bổn phận riêng. Ngày họp mặt hằng năm nhân lễ giỗ của thầy luôn là cơ hội để mọi người gặp nhau, nâng đỡ nhau, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn với nhau, củng cố đời sống Đức Tin, tình yêu mến và lòng đạo đức. Đây cũng là cơ hội để Đức Cha thi hành sứ mạng “làm thầy dạy”, đặc biệt giúp anh chị em đào sâu thêm Kinh Thánh. Ngài cũng muốn các buổi họp mặt có cả các con cháu của anh chị em để nối kết và truyền đạt tình thương.
Đức Cha nói với chúng tôi cứ để ngài dâng lễ chung với anh em một cách rất bình thường, không bày ra các lễ nghi đón tiếp, diễn văn, cờ quạt… Hãy tập trung vào Phụng Vụ và giúp anh chị em Giáo Dân sống Tin Mừng.
Ngôi Nhà Thờ và hang đá Đức Mẹ DCCT là những nơi khó quên trong ký ức của ngài từ thời thơ ấu. Những buổi đi Nhà Thờ, sinh hoạt chung với nhau, ca hát và học tập, những hình ảnh của tuổi thơ khó nghèo mãi mãi không bao giờ phai mờ.
Dạo ấy, hang đá Đức Mẹ là nơi bà mẹ trẻ góa bụa của ngài, mang trên vai gánh nặng 7 con thơ, vẫn thường lui tới cầu xin, con đầu 16 tuổi, đứa bé nhất đang ẵm trên tay. Bà nói gì với Mẹ Maria, ngài không biết, nói lâu lắm, ngài ngồi gần đó chờ mẹ mình cầu nguyện xong rồi theo mẹ về. Không biết bà cầu nguyện gì với Đức Mẹ, chỉ biết một điều khi người chồng ra đi, ông trăn trối xin bà ráng lo cho con cái ăn học nên người, đừng để đứa nào thất học.
Gánh nặng quá lớn cho người góa phụ trẻ, nghèo, thời cuộc tao loạn, chiến tranh triền miên, bà mẹ gồng gánh cuộc đời cùng với lời nguyện cầu thường xuyên bên hang đá Đức Mẹ. Bà đã đi hết cuộc đời với niềm tự hào đã hoàn thành được ý nguyện của ông.
Bây giờ mỗi lần về đây, không bao giờ Đức Cha quên dừng lại trước hang đá, tuổi thơ nghèo khổ, hình ảnh bà mẹ góa bụa với đứa con côi cút cầu nguyện lâu giờ trước Mẹ Maria, nỗi nhọc nhằn năm tháng lùa về, và nhất là sự an ủi trìu mến từ nơi người Mẹ hiền của Hội Thánh năm tháng vẫn nâng niu gìn giữ đàn con.
Giữa những bề bộn công việc, những lo toan cho Giáo Phận, những phức tạp trong xã hội, những liên đới trong Hội Thánh, những bổn phận của một Mục Tử, vị Giám Mục vẫn sống những nét hồn nhiên của con người, vẫn cố gắng gìn giữ những giá trị đạo đức xã hội, vẫn dừng chân nơi những cảm xúc ngọt ngào của riêng mình trong xác tín của Đức Tin, vẫn chăm chút các mối tương quan xưa cũ, vẫn quan tâm đến từng anh em dù là người nhỏ bé nhất.
Tôi viết lại nhưng hình ảnh này như ghi lại những cảm xúc rất chân thành, không muốn ca tụng, chỉ muốn khắc họa một chứng nhân nhỏ bé, một tấm gương còn tỏa sáng giữa một xã hội đảo điên…
Cuộc sống chúng ta hôm nay, như lời Đức Phaolô VI, luôn “cần chứng nhân hơn cần thầy dạy”…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 18.9.2014