Vào tối thứ bảy, 24 tháng 3 vừa qua một công dân Venezuela qua đời ở tuổi 78. Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro gọi ông là “một người đàn ông vĩ đại của Venezuela và thế giới” và tuyên bố ba ngày quốc tang. Ông là ai mà lại được kính trọng và yêu mến như vậy? Đó chính là José Antonio Abreu, người sáng lập dự án văn hoá xã hội “Hệ thống quốc gia của dàn nhạc và ca đoàn của thanh niên và thiếu nhi ở Venezuela”. Một hệ thống đã tạo cơ hội học hỏi âm nhạc cho hàng trăm ngàn thanh thiếu niên ở Venezuela, đặc biệt là những em có hoàn cảnh đáng thương nhất, lớn lên trong những khu phố nghèo nhất của thành phố. Báo “El Universal” đưa tin về ông ở trang đầu và gọi Abreu là “vị thầy bất tử”.
Ông bà của Abreu có nguồn gốc từ Ý, di cư đến Venezuela vào thế kỷ 19. Bà của Abreu là một fan hâm mộ opera, mẹ của Abreu chơi đàn piano và cha của Abreu là cây guitar. Abreu, lúc 9 tuổi, bắt đầu chơi piano.
Cuộc sống với những thành công trong lãnh vực âm nhạc, sư phạm, kinh tế, chính trị nhưng ông lại quan tâm một cách đặc biệt đến các trẻ em nghèo và ước muốn với tài năng âm nhạc của mình có thể giúp các thanh thiếu niên nghèo có một cuộc sống hạnh phúc, vui tươi, hy vọng.
Với ý tưởng này, vào năm 1975, trong một nhà để xe ông đã tập hợp 11 thiếu niên thành một ban nhạc. Ban nhạc được hiểu như một “xã hội lý tưởng”, như là một cộng đồng kết hợp trẻ em từ những tầng lớp kinh tế xã hội có hoàn cảnh khó khăn nhất. Abreu sáng tạo phương pháp giảng dạy âm nhạc để có thể mang lại ý nghĩa giải phóng văn hoá. Ban nhạc trẻ này từ từ trở thành một dự án với tên gọi “El Sistema”. Dự án cung cấp chương trình giáo dục miễn phí cho trẻ em nghèo nhất ở Venezuela, một dự án âm nhạc giúp các em có thế tiếp cận với dòng nhạc giao hưởng.
Với ý tưởng đơn sơ nhưng được thực hiện với sự kiên trì đã trở thành thực tế ngay lập tức nhận được sự ủng hộ và trợ giúp từ chính phủ Venezuela. Năm 1976 chính phủ Venezuela đã đem áp dụng phương pháp của Abreu để tạo ra cái mà sau này được mô tả là “một hệ thống thích hợp giáo dục âm nhạc công cộng”. Một hệ thống giáo dục cho phép các em tự do tiếp cận với thực tiễn âm nhạc để giúp các em loại bỏ nguy cơ khỏi sự nhồi nhét ma túy và tội phạm ở ngoại ô, đô thị của các thành phố lớn của Venezuela.
Từng bước trong mỗi thành phố đều có dàn hợp xướng và dàn nhạc. Mỗi em có một nhạc cụ để học cách chơi. Trong những năm qua, hệ thống đã nhận được tài trợ từ chính phủ, bao gồm cả nhóm bảo thủ và cánh tả. El Sistema trở thành một mạng lưới với hàng chục dàn hợp xướng và dàn nhạc. Dự án được mở rộng với sự hình thành của khoảng 300 dàn nhạc và dàn hợp xướng. Ngày nay, “El Sistema” bao gồm hơn 600 ngàn thanh thiếu niên (59% là nữ) khắp Venezuela và trong đó có khoảng 1.700 tù nhân trẻ trong các nhà tù vị thành niên.
“El Sistema” đã mang âm nhạc tới các nghệ sỹ nổi tiếng trên khắp thế giới, trong đó có một số nhạc sĩ vĩ đại và nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng đương đại, những người đã bắt đầu và đã “được cứu” nhờ giấc mơ của Abreu. Chẳng hạn như nhạc trưởng Gustavo Dudamel, người dẫn dắt dàn nhạc giao hưởng Los Angeles, luôn bày tỏ lòng biết ơn đối với Abreu và El Sistema. Ông nói: “Âm nhạc đã cứu tôi và cứu mạng sống của hàng ngàn trẻ em có nguy cơ phạm tội ở Venezuela. Giống như thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục học đường, âm nhạc phải là quyền cho mọi công dân”.
El Sistema cũng đã tạo ra những chương trình tương tự ở các nước khác. Tại Hoa Kỳ, có ít nhất 80 dự án đã được phát triển theo hướng thực hành của “thầy Abreu”. Tại Italy trong năm 2010, ông Claudio Abbado đã đẩy mạnh việc thành lập một mạng lưới toàn nước, theo mô hình của Abreu. Hiện tại có 65 “hạt nhân” ở 15 khu vực với hơn 10.000 thanh thiếu niên được tạo điều kiện để được tự do tiếp cận giáo dục âm nhạc, đặc biệt là trong số đó có những người sống trong những hoàn cảnh kinh tế, xã hội khó khăn.
Trong những năm qua, sự dấn thân của Abreu đã được các nhạc sĩ như Claudio Abbado, Simon Rattle (hiện là giám đốc của Berliner Philarmoniker) và Luciano Pavarotti đánh giá cao. Abbado nói, “Cảm ơn ông Abreu, chính nhờ ông rất nhiều người trẻ đã được cứu thoát khỏi những nguy hiểm của con đường tội phạm”.
Với những việc làm này José Antonio Abreu xứng đáng được mọi người ngưỡng mộ và kính trọng. Ông trở thành mẫu gương cho mọi người noi theo đặc biệt những ai được những ân ban về nghệ thuật như chính ông đã giải thích nhiều lần: “Âm nhạc biến đổi sự đa dạng, khác biệt thành hy vọng, mọi thách thức thành hành động, ước mơ thành hiện thực”. (Famiglia cristiana 25/03/2018)
Ngọc Yến
RV