Cha Franco Esposito là tuyên úy nhà tù Poggioreale và là người đứng đầu Trung tâm mục vụ nhà tù của Giáo phận Napoli, Italia. Khi bước vào văn phòng của cha người ta thấy trên tường có một bức tranh và ở phía dưới có trích dẫn một đoạn bài hát của Fabrizio “Đời sống trang trại”. Với nội dung: Những viên kim cương không sản sinh ra điều gì; nhưng từ “những thứ cặn bã, rác rưởi” trở thành “phân bón” có những đóa hoa được nở ra. “Cặn bã” mà cha Franco muốn nói ở đây đó là những tù nhân bị xã hội xem như thành phần bị loại bỏ sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng làm cho muôn hoa đua nở.
Một nơi tự do
Một ngày nọ, một tù nhân đưa cho cha một bản vẽ và cha Franco đã quyết định sử dụng nó làm logo của trung tâm và treo ở lối vào. Bức tranh mô tả Bánh Thánh Thể và xiếng xích bị bẻ gãy. Cha giải thích “Chúng tượng trưng cho sự chia sẻ và tự do, cả hai món quà đến từ Chúa Kitô”.
Cha Franco là một linh mục rất thực tế, thích thực hành các bài giảng thần học. Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao giáo phận quyết định mở trung tâm này, nơi có gần bốn mươi tù nhân là người hưởng lợi từ các biện pháp thay thế cho nhà tù, không một chút do dự cha trả lời: “Trong Tin Mừng, chính Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta quan tâm đến những ai bị tù. Chúa đồng hóa mình với những người khốn khổ này. Thực vậy, Chúa Giêsu đã đồng hóa mình với những người khốn cùng. Chính Chúa nói với chúng ta: ‘Ta bị tù đày, các ngươi không đến viếng thăm ta’” (Mt 25,36). Nói tóm lại, đối với cha Franco và tất cả các tình nguyện viên của trung tâm, không có sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và các tù nhân được đón tiếp ở đây. Những gì họ làm với những người tù này, họ biết họ làm điều đó cho chính Chúa Kitô.
Trong các phân xưởng, các tù nhân được đưa từ nhà tù Poggioreale tham gia vào các hoạt động khác nhau, hầu hết tất cả các hoạt động đều có mối liên hệ đến đức tin. Có một nhóm nhỏ làm tràng hạt. Các chàng trai giải thích: “Khi chúng tôi trao các xâu chuỗi cho các tu sĩ, chúng tôi luôn xin họ cầu nguyện cho chúng tôi”. Cha Franco nói: “Chúng ta cần phải thoát ra khỏi cái lý luận chỉ là trừng phạt những người phạm tội. Mặt khác, số liệu thống kê cho chúng ta biết có 80% những người ra khỏi tù nhưng rồi lại trở lại. Điều này có nghĩa là nếu mô hình nhà tù chỉ là nơi trừng phạt thì đó là một con đường không mang lại hiệu quả. Người trẻ cần những mẫu gương tích cực: chỉ bằng cách này, họ mới có thể nhận thức được những sai lầm đã vấp phải và đưa ra những ý tưởng mới cho cuộc sống của họ. Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng làm ở đây”.
Cha Franco giải thích rằng “Giáo hội Italia luôn đến các nhà tù để chăm sóc mục vụ các tù nhân. Tuy nhiên, bây giờ, một mùa mới đang được thực hiện, trong đó các giáo phận và giáo xứ đón tiếp các tù nhân với các biện pháp thay thế cho nhà tù, nhờ đó những người đã được ra khỏi tù lại tái phạm giảm đáng kể”.
Thiên Chúa mở rộng đôi tay
Alfredo là vị khách của trung tâm cho biết: “Ở nhà tù sự phục hồi có rất ít. Khi tôi bước vào đó, tôi đã tuyệt vọng. Gia đình tôi đã đuổi tôi đi. Họ xấu hổ vì tôi. Vợ tôi cũng xấu hổ như vậy. Tôi đã trải qua những tháng ngày đấu tranh với chính mình. Một ngày kia tôi thực sự cảm thấy tội lỗi của mình và tôi quyết định xưng tội. Tôi xác tín Chúa đang đợi tôi với vòng tay rộng mở. Vì vậy, tôi bắt đầu đi lễ thường xuyên, và bây giờ tôi ở đây. Tôi muốn ở lại ngay cả khi tôi đã hoàn thành bản án của mình để giúp đỡ các tù nhân khác». Anh khẳng định: «Việc tôi trở lại là do một nữ tu, sơ Lidia, người không bao giờ khiến tôi cảm thấy bị phán xét. Nếu không vì sơ, có lẽ tôi đã tự tử. Nhưng bây giờ chúng chỉ là những ký ức tồi tệ”.
Alfredo giải thích: «Trong rất nhiều năm, sơ Lidia không bao giờ hỏi tôi đã phạm tội gì. Điều đơn giản là họ chăm sóc chúng tôi”. Cha Franco xác nhận: «Chúng tôi không quan tâm đến những hành vi phạm tội của tù nhân. Chúng tôi quan tâm đến việc thay đổi cuộc sống của họ».
Vatican News