Câu chuyện của Augusta Ngombu, một thiếu nữ da màu đã chạy trốn khỏi những con đường của Sierra Leone, một quốc gia nằm trên bờ biển phía tây nam của Nam Phi, và được các nhà truyền giáo Salêdiêng giải cứu. Qua hành động với nhiều nỗ lực quyết tâm, Augusta đã chỉ cho cả thế giới thấy tình trạng nô lệ của những người phải hành nghề mại dâm.
Một cuộc đời không có quyền lựa chọn
Augusta Ngombu còn rất trẻ, năm nay chỉ mới 23 tuổi. Cô được sinh ra và lớn lên trong một thành phố của đất nước Sierra Leone với tên gọi rất đẹp Freetown-Thành tự do; nhưng bất hạnh cho cô, cô không được hưởng công bằng, tự do như chính tên của thành phố, quê hương cô.
Augusta không chọn cha mẹ, là những người đã qua đời khi cô còn rất nhỏ. Cô cũng không chọn sống trong một đất nước có hơn một nửa dân sống dưới mức nghèo khổ. Và tất nhiên cô cũng không chọn điểm kết cuộc đời ở trên những con đường của thành phố Freetown để hành nghề mại dâm vì mưu sinh.
Những bước chân can đảm
Ngày 07/6/2020 Augusta qua đời vì bệnh Aids, một căn bệnh đã theo cô trong một thời gian dài. Câu chuyện của Augusta có thể là một trong những câu chuyện của nhiều thiếu nữ bị lạm dụng và khai thác ở Sierra Leone, nhưng thực tế không phải vậy. Những bước chân can đảm của Augusta đã đưa cô đến Trung tâm Don Bosco “Fambul”, một “Gia đình” của các tu sĩ Dòng Salêdiêng.
Nếm cảm tình gia đình
Augusta không hiểu gia đình là gì, cũng không có những trải nghiệm của tình gia đình, nhưng khi tới đây được các tu sĩ đón nhận, cô cùng với các thiếu nữ khác đã hiểu hai từ “gia đình” là gì. Mục đích của Trung tâm Fambul là giúp các thiếu nữ thoát khỏi tình trạng bị lạm dụng và mại dâm, và phương pháp của các tu sĩ chỉ có một: tình yêu.
Tình yêu đã mang lại hoa trái, Augusta, một bé gái lớn lên phải nhìn mọi thứ từ những con đường của thị trấn Freetown, nay đã có thể vượt qua từ chế độ nô lệ đến việc mở một cơ sở kinh doanh nhỏ, trước đó cô đã được đào tạo các khóa học, là người giỏi nhất trong lớp.
Chứng tá của thảm trạng xã hội
Nhưng đó không phải là tất cả. Cô cũng là một nhân vật chính của một bộ phim tài liệu có tên là “Tình yêu”. Câu chuyện của cô đã gây được tiếng vang đến tận Vatican và Augusta đã được Đức Thánh Cha Phanxicô mời đến Vatican để làm chứng cho ước muốn vươn lên chống lại thảm trạng xã hội này.
Những phụ nữ bị đóng đinh
Đối với Đức Thánh Cha, câu chuyện và cuộc đời của các thiếu nữ là nạn nhân của nạn buôn người dưới bất cứ hình thức nào đều làm ngài đau lòng và hết sức quan tâm. Đức Thánh Cha gọi các nạn nhân này là những “phụ nữ bị đóng đinh”. Một lần Đức Thánh Cha đến thăm Cộng đoàn Thánh Gioan XXIII, tại đây ngài đã gặp một nhóm phụ nữ đã từng bị lạm dụng. Đức Thánh Cha đã ôm họ và xin lỗi vì nỗi đau họ đã phải chịu đựng. Tiếp đến, Đức Thánh Cha khẳng định mạnh mẽ mại dâm là một hình thức của chế độ nô lệ. Theo Đức Thánh Cha, một người không bao giờ được rao bán. Đức Thánh Cha bày tỏ những lời đầy tình yêu và lòng trắc ẩn đối với tất cả phụ nữ bị làm nhục và hủy hoại do mại dâm, một hành vi tội phạm.
Hành trình mới
Như thế với lời mời của Đức Thánh Cha, Augusta bắt đầu một cuộc mạo hiểm trước đó cô chưa bao giờ nghĩ đến. Hành trình của Augusta không đơn giản, hộ chiếu của Augusta bị trả lại, cô bị giữ lại ở Bờ Biển Ngà. Chính phủ Tây Ban Nha đã cố gắng tìm cách cho cô được thoát ra, và cuộc phiêu lưu của cô bắt đầu ở châu Âu. Lần đầu tiên và là lần duy nhất Augusta rời khởi đất nước, cô đã trải qua 13 chuyến máy bay, đến 7 quốc gia khác nhau.
Tiếp tục đi theo con đường đã chọn
Đỉnh cao của tất cả là cuộc gặp gỡ với một trong những vị lãnh đạo thế giới quan trọng nhất: sau nhiều bi kịch sống trong chưa đầy một phần tư thế kỷ, Augusta đã được hiện diện trước Đức Thánh Cha Phanxicô. Cô đã tham dự buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hàng tuần. Sau khi đã chào đón từng nhóm, Đức Thánh Cha đã đến trước cô. Ngài đã chúc lành cho Augusta, đặt tay lên đầu cô và nói với cô “Hãy tiếp tục đi theo con đường của con”.
Gieo mầm hy vọng cho các thiếu nữ
Augusta Ngombu đã tuân theo lời động viên khích lệ của Đức Thánh Cha. Cô tiếp tục cuộc hành trình đang thực hiện. Chứng từ của cô lan tỏa khắp thế giới, và không chỉ nhờ các chuyến đi quốc tế hay cuốn phim tài liệu. Trên thực tế, cô gái đã làm một điều quan trọng hơn nhiều: gieo niềm hy vọng vào tâm hồn cho các thiếu nữ.
Một năm sau cuộc hành trình lớn, Augusta qua đời. Nỗi sợ virus corona khiến cô phải rời bệnh viện, ngừng điều trị. Cuối cùng, những vết sẹo của cô đã đưa cô đi, và cuối cùng dẫn cô đến “Freetown-thành tự do” thực sự.
Augusta hiện đang ở nơi đặc biệt mà Cha đã chuẩn bị cho cô trên thiên đường. Đặc biệt như cuộc đời cô, mặc dù ngắn ngủi nhưng là ngọn hải đăng cho nhiều phụ nữ, những người cần mẫu gương của cô để thoát khỏi những nơi tối tăm nhất. Những người phụ nữ không ai nhớ đến những nơi xa xôi nhất trên thế giới, bị ngược đãi theo những cách tàn nhẫn nhất, nhưng không bao giờ bị Cha Trên Trời quên lãng.
Vatican News