Chúa Quan Phòng đưa dẫn chúng tôi tìm ra tài liệu liên quan đến cuộc tử vì đạo của hai chứng nhân Đức Tin anh dũng trẻ tuổi của tỉnh Khánh Hòa thuộc giáo phận Nha Trang. Đó là hai Tôi Tớ Chúa: Chú Giuse Hữu (1837-1860) vàChị Anê Dần.
Chú Giuse Hữu thuộc giáo xứ Chợ Mới và Chị Anê Dần thuộc giáo xứ Bình Cang. Hài cốt hai vị Tôi Tớ Chúa – Chú Giuse Hữu và Chị Anê Dần – hiện được chôn cất tại nghĩa trang Chợ Mới, trong cùng phần mộ với một số tín hữu Công Giáo khác, chết vì Đức Tin trong khoảng thời gian 1858-1862. Đó là thời kỳ vua Tự-Đức (1830/1848-1883) ra các sắc dụ cấm đạo gay gắt cùng với lệnh phân sáp, tức là phân chia tản mác người Công Giáo vào trong các làng ngoại giáo. Chú Giuse Hữu và Chị Anê Dần chết vì đạo trong năm 1860.
Hồ sơ tử đạo của Chú Giuse Hữu họ Chợ Mới được giáo phận Đông Đàng Trong hoàn thành cùng với 19 vị tử đạo khác. Hồi ấy giáo phận Đông Đàng Trong trải dài từ Quảng Nam đến Bình Thuận với Tòa Giám Mục đặt tại Qui Nhơn do Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Pio IX (1846-1878) thiết lập ngày 27-8-1850.
Đứng đầu danh sách 20 vị chứng nhân Đức Tin là Linh Mục Phaolồ Châu. Hồ sơ được gởi về Tòa Thánh đầu thập niên thế kỷ 20, dưới thời Đức Thánh Giáo Hoàng Pio 10 (1903-1914). Trong danh sách 20 vị tử đạo Đông Đàng Trong có 4 Linh Mục: Cha Phaolồ Châu, Cha Giuse Thủ, Cha Đaminh Cảnh, Cha Giuse Chung; 1 Thầy Giảng: Thầy Giuse Trinh; 2 Thầy Giáo: Giacôbê Tuyền và Giuse Quờn; 2 dì phước Mến Thánh Giá: nữ tu Anê Soạn và nữ tu Anna Trị; 8 giáo dân, 7 nam 1 nữ: quí vị Tađđêô Quí, Phêrô Me, Giacôbê Quả, Hứa, Nam, Tận, Giáo và bà Mađalêna Lựu. Ngoài ra có 2 thanh thiếu niên: Giuse Nghiêm và Giacôbê Bảo.
Hồ sơ tử đạo của Chị Anê Dần họ Bình Cang, được thiết lập sau đó, nhập chung với 20 vị tử đạo trên đây và được gởi về Tòa Thánh đầu thập niên 1920, dưới thời Đức Giáo Hoàng Benedetto 15 (1914-1922). Sau cùng, có thêm hồ sơ tử đạo của Cha Giuse Sĩ thuộc giáo phận Đàng Ngoài. Như thế, Linh Mục Phaolồ Châu đứng đầu danh sách 22 vị tử đạo được Tòa Thánh công nhận là các vị Tôi Tớ Chúa.
Sau đây là cuộc tử đạo của Chú Giuse Hữu, 23 tuổi, qua lời cung khai của bà Martha Sang, thân mẫu Chú Hữu.
(Thật ra Chú Hữu có tên thánh Phaolô nhưng không hiểu tại sao người ta truyền miệng nhau thành Giuse. Vì thế, Chú Hữu được biết đến với tên Giuse Hữu và được ghi vào hồ sơ xin phong thánh là Giuse Hữu. Chúng tôi cũng xin dùng tên gọi chính thức Chú Giuse Hữu).
1/ Bà Martha Sang, cung khai trước tòa án giáo phận.
Chú Hữu sinh tại Ngọc-Toản, giáo xứ tỉnh Khánh-Hòa, ngày 27 tháng 12 âm lịch năm Đinh-Dậu 1837. Thân phụ là Vinh-Sơn Ngữ, thân mẫu là Martha Sang. Ba ngày sau khi sinh ra, Hữu được rửa tội và nhận tên thánh Phaolô. Cha mẹ Hữu làm ăn khá giả. Ông bà gởi Chú đến trường, nơi đây Hữu trổi vượt về trí thông minh và lòng khiêm hạ. Sau này, khi bắt đầu có tuổi khôn, Hữu thường lập đi lập lại mình sẽ không sống lâu dưới mái ấm gia đình.
Thật vậy, vào năm Quí-Sửu 1853, Hữu theo giúp Cha Thới ở Phan-Rang. Nhưng Hữu không ở được lâu, vì chẳng mấy chốc bị sốt, Hữu phải trở lại gia đình uống thuốc. Một thời gian sau, Cha Thới đi Quảng-Nam, ghé qua nhà, thấy Hữu đã bình phục, Cha liền đem Hữu theo giúp Cha. Hữu trở lại gia đình sau đó vài tháng. Lần này, Hữu gặp Cha Bảo là cậu ruột. Con không rõ hai cậu cháu nói gì với nhau, chỉ biết rằng ngay sau đó Hữu đến xin cha mẹ cho phép theo Cậu lên ở với người Thượng. Hữu còn thúc giục một người cậu khác đi theo, đó là Lộc. Sau đó ít lâu, Cha Bảo sai Hữu xuống Bình-Định, nhưng rồi Hữu bị kẹt lại đây không trở lên với người Thượng được, vì đâu đâu cũng bị canh giữ cẩn mật. May mắn, Hữu gặp được người quen là cai Lý, thừa lệnh quan, đưa tù nhân đến Bình-Định. Các tù nhân này là tín hữu Công Giáo thuộc miền Hạ Nam, bị đày ra Bắc, và trên đường đi thường ghé vào các xứ đạo xin của bố thí. Hữu hỏi thăm cai Lý tin tức tình hình quê nhà, rồi theo cai Lý trở về với cha mẹ.
Về đến nhà, Hữu gặp Cha Vệ và theo giúp Cha Vệ ngay. Lúc này đây, có tin y sĩ Tiểu bị giết vì đạo tại Phan-Rang. Nghe tin, Hữu con trai con liền nói với Cha Vệ, trước mặt thân phụ mình rằng: ”Xin Chúa cũng cho con được thông phần một chút vào hạnh phúc của thầy thuốc Tiểu”. Cha Vệ trả lời: ”Có lẽ điều này sớm muộn gì cũng xảy đến cho con”. Và quả thực điều ấy đã xảy ra.
Ít lâu sau, các quan ra lệnh lùng bắt các tín hữu Công Giáo. Chúng con cũng bị bắt, chồng con và con, và bởi vì chúng con không chịu chối đạo nên bị giải lên phủ.
Lúc đó Cha Vệ và Chú Hữu chạy trốn. Tuy nhiên, không bao lâu sau, Chú Hữu trở về nhà phước để chế thuốc, phòng sử dụng khi cần. Thấy bóng Hữu, dân làng nghĩ là Cha Vệ, nên tức tốc báo cho quan biết. Quan liền đưa lính đến bao vây nhà phước, nhưng con trai Hữu con đã nhanh chân tẩu thoát.
Hữu chạy ra Ninh-Hòa trốn nơi nhà ông câu Thuận. Nhưng các quan biết được ông Ngữ có đứa con trai theo giúp Linh Mục, liền cho người lùng bắt. Ông câu Thuận thấy Chú Hữu không có an ninh nơi nhà mình, liền đưa Hữu ra Đồng-Quan và gởi gắm cho một người bà con là ông câu Bằng. Ông Bằng dấu Hữu vào chỗ gọi là Bàu-Lác. Nhưng Chú Hữu thấy nơi ẩn không an toàn nên trốn vào Mỹ-Ngọc, rồi từ đây, băng rừng, chạy qua Quán Đồng-Nai. Vẫn thấy không ổn, Chú Hữu lại chạy xuống Cồn-Cạn và trốn nơi nhà thầy thuốc Thắm. Ở nơi trú ẩn cuối cùng này, vẫn thấy mình còn bị theo đuổi, nên Chú Hữu quay trở lại Mỹ-Ngọc và trốn trong một cái chòi cao dùng để canh ruộng nhưng người ta đã bỏ hoang.
Trong thời gian này, con bị các quan hành hạ dữ dằn, nên ông Ngữ nhà con quyết định xin quan cho lính đưa về nhà và sai người đi tìm Chú Hữu ở Ninh-Hòa. Ông nhà con truyền cho con trai phải ra trình diện các quan.
Chú Hữu vâng lời thân phụ và trở về nhà.
Không thấy cha ở nhà, Hữu cho người ra phủ báo tin cha biết mình đã trở về. Ông Ngữ con lại được lính dẫn về nhà lần thứ hai và trở lên phủ với con trai. Trước tiên ông nhà con đưa Hữu đến kho chứa lương thực, nơi con bị giam với các dì phước. Vừa trông thấy Hữu, con òa lên khóc và nói: ”Con ơi, hãy vui lòng chấp nhận những gì Chúa dành cho con; hãy ý tứ đừng nói điều gì gây hại cho người khác”. Hữu trả lời: ”Mẹ an tâm, đừng lo sợ gì cả. Con cương quyết thực thi thánh ý Chúa đến cùng”.
Sáng hôm sau, cả hai cha con phải ra trình diện các quan. Quan thẩm vấn và tra hỏi cho biết vị đạo trưởng đang trốn ở đâu, đồng thời bắt buộc hai cha con phải chối đạo, nhưng vô ích. Người ta còn ép buộc con trai Hữu con phải thú nhận mình là đạo trưởng: nhưng Hữu quyết liệt từ chối.
Ngày kế tiếp, chúng con bị điệu riêng ra tòa, con gái Châu con và con. Người ta dùng roi đánh chúng con. Họ còn dùng kế bảo rằng: ”Ông Ngữ bà và con trai đã chối đạo, tại sao bà và con gái không bắt chước hai người kia chối đạo luôn?”. Con trả lời không hay biết gì về vụ hai cha con chối đạo, nhưng cho dù có thật như thế, con gái con và con vẫn không chối đạo. Vào cuối buổi thẩm vấn, con xin phép quan lớn về nhà lấy đồ. Con nói: ”Ở đây chúng tôi quá đông, lại không có đủ lương thực và quần áo”. Khi con từ nhà lên phủ, mang theo lương thực và quần áo cho con trai con thì các quan đã tống giam Hữu vào nhà tù có tường bọc kín.
Con vào tù và chứng kiến mức độ tàn nhẫn nào người ta đã hành hạ con trai con: toàn thân Hữu chỉ còn là vết thương đỏ tươi và quần Hữu thấm đầy máu. Hữu nằm yên không đứng dậy được, lại phải mang gông ở cổ và cùm ở chân. Hữu đau đớn khủng khiếp. Chung quanh Hữu có lính canh cẩn mật, họ còn giăng giây để không người nào có thể đến gần Hữu. Trông thấy cảnh tượng ấy, con òa lên khóc, rồi con an ủi con trai con và khuyên con bằng lòng chịu khổ để đền tội mình. Con dặn dò Hữu: ”Nhưng nhất là con hãy hết sức ý tứ, đừng xưng thú điều gì gây hại cho người khác”. Hữu trả lời: ”Xin mẹ đừng khóc, kẻo làm mất lòng Chúa, và cầu nguyện thật nhiều cho con. Mẹ trở lại thăm con trong ba hay bốn ngày nữa”. Và con lui ra khỏi phòng giam.
Một ngày, người ta đưa ông Ngữ nhà con, hai con Hữu-Châu và con, cả bốn chúng con ra trước tòa quan án. Người ta trói chặt tất cả chúng con vào các trụ đóng dưới đất. Hai bên chúng con, mỗi người đều có một bên là người lính tay cầm roi và bên kia là viên lục sự ghé sát vào đầu để ghi tất cả những câu chúng con trả lời quan án hỏi cung. Lính đánh chúng con 10 roi, rồi ngừng, và viên lục sự thúc ép chúng con phải khai nơi trú ẩn của vị đạo trưởng hay ít ra chối đạo để được trả tự do. Cứ mỗi lần chúng con từ chối một điều, liền bị lính đánh 10 roi, và con không thể quả quyết người ta đã đánh chúng con bao nhiêu lần 10 roi như thế. Con chỉ biết một điều là con trai Hữu con bị ngất lịm ở lần đánh thứ 8. Các quan thấy thế liền ra lệnh lính cởi trói và khiêng Hữu đặt nằm trước công đường và nói: ”Nó không khai gì được nữa, thôi cứ để nó nằm yên đó”. Phần chúng con, đâu dễ dầu gì được buông tha nên người ta tiếp tục đánh đập và tra khảo chúng con .. Sau lần tra tấn dữ dằn ấy, mỗi người bị đưa về nhà giam.
Con trai Hữu con dần dần hồi tỉnh ít lâu sau đó, bị khiêng trở lại nhà giam có tường bọc kín và bị mang xiềng. Hữu bị giam chung với các tín hữu Công Giáo từ Bắc lưu đày vào đây. Kể từ hôm ấy, người ta ngưng đánh đập con trai con vì Hữu quá yếu .. Thế nhưng, cứ mỗi lần cha mẹ và em gái Châu của Hữu bị điệu ra trước tòa để chịu tra khảo, lính đều đưa Hữu đến, khi thì khiêng, khi thì dìu đi, và bắt buộc Hữu phải nhìn về phía cha mẹ và em gái, hầu chứng kiến các hình khổ của chúng con. Các quan nói với Hữu: ”Mi thấy chưa, cha mẹ mi phải chịu khổ vì mi, vậy mi còn có thể khăng khăng không chịu khai bất cứ điều gì không?”. Cứ như thế, người ta dùng đủ mọi thủ đoạn để hành hạ chúng con, xong người ta lại tống chúng con vào ngục. Các tín hữu Công Giáo miền Bắc giúp đỡ con trai con, nhờ thế, Hữu không phải đói khát trong tù.
Vài ngày sau, các quan truyền mang ra tòa tất cả các tín hữu bị giam ở phủ, chối đạo cũng như không chối đạo. Những ai chối đạo được cho ngồi nơi bóng mát trên chiếu hoa, trong khi các tín hữu không chối đạo bị bắt nằm giữa sân dưới trời nắng, bị cột vào trụ và bị đánh đòn từ sáng tới trưa. Con trai Hữu con cũng bị mang ra và trói vào cột, nơi hàng đầu, trước mắt mọi người. Tuy nhiên, Hữu không bị đánh vì quá yếu, các quan sợ Hữu trút hơi thở cuối cùng dưới các lằn roi. Có một lúc, các quan còn ra lệnh cởi trói cho Hữu và không đợi Hữu đứng lên, quan thẩm vấn ngay: ”Mi đi học bên Tây phải không?”. Con trai con trả lời Không. Quan lại nói: ”Mi theo đạo trưởng Thới. Vậy mi phải khai Linh Mục này đang trốn ở đâu?”. Con trai con đáp: ”Tôi không biết. Khi khởi đầu cuộc bắt bớ các tín hữu, Cha Thới chạy trốn. Tôi không rõ ngài chạy về hướng nào. Phần tôi, tôi trở về nhà cha mẹ tôi”. Quan lại hỏi: ”Chính mi cũng là Linh Mục phải không?”. Hữu đáp: ”Không. Tôi không phải là Linh Mục. Tôi theo giúp Linh Mục một thời gian, chỉ có vậy thôi”.
Các quan lại nói: “Thôi thì chấp nhận mi không phải là đạo trưởng; nhưng điều này không quan trọng, bởi vì trước sau gì mi cũng trở thành Linh Mục, vì thế, mi bị kết án giống như thể mi là đạo trưởng”. Con trai con vẫn nhất mực không nhận mình là Linh Mục. Các quan liền nói: ”Nếu mi không phải là Linh Mục thì mi phải khai chỗ trú ẩn của Linh Mục Thới và Linh Mục Vệ. Mi phải tố cáo ra, hay ít nhất, mi hãy chối đạo và như thế, mi sẽ được trả tự do”. Con trai con vẫn cương quyết trả lời: ”Không, tôi sẽ không bao giờ chối đạo”.
Trời đã quá trưa, người ta còn đánh đập lần nữa tất cả các tín hữu tuyên xưng Đức Tin. Xong các quan ra lệnh ngưng phiên tòa: mỗi tù nhân trở lại nơi mình bị giam giữ. Lần khác, đến phiên chồng con, con gái Châu con và con phải ra hầu tòa: người ta tra khảo chúng con. Con trai Hữu con cũng có mặt ở đấy. Người ta mang Hữu ra và ép buộc Hữu phải nhìn chúng con suốt thời gian người ta hành hạ chúng con, vì người ta nghĩ rằng, có lẽ nhìn thấy chúng con bị đau đớn khổ sở, Hữu sẽ bằng lòng chối đạo chăng?. Con trai con muốn ngoảnh mặt đi nơi khác, nhưng mấy người lính giữ chặt đầu, buộc Hữu phải nhìn về phía chúng con.
Quan truyền bắt một con rắn, trước hết bỏ vào quần áo của con, xong lại bỏ vào quần áo của con gái Châu con, nhưng rắn không cắn hai mẹ con con. Rồi người ta lấy kềm nung đỏ và kẹp vào đùi ông Ngữ chồng con, xong, quan hướng về phía con trai Hữu con và nói: ”Mi có thấy cha mẹ mi bị hành hạ như thế nào không? Sao mi không biết thương xót cha mẹ? Bộ mi không thương cha mẹ mi sao?”. Con trai con trả lời: ”Tôi thương cha mẹ tôi vô ngần. Nhưng tôi có trên Trời một Người Cha cao cả hơn và tôi yêu mến Ngài gấp bội phần”.
Đó là lần hỏi cung sau cùng của con trai Hữu con. Kể từ ngày ấy, Hữu không còn ra khỏi nhà tù, nơi Hữu bị giam chung với thân phụ và các tín hữu Công Giáo miền Bắc nữa.
Để nuôi sống, Hữu dùng tơ lụa thắt quai nón rồi bán lấy tiền.
Hữu đọc kinh chung với các tín hữu tù nhân khác; ngày thứ tư và thứ sáu, các tù nhân Công Giáo suy ngắm lớn tiếng 14 Chặng Đàng Thánh Giá.
Trong tù, người ta chưa tuyên án ông Ngữ chồng con và con trai Hữu con. Tuy nhiên chung chung, người ta nghĩ rằng, nếu hai cha con thoát chết thì cả hai không tránh được án lưu đày, nhưng có lẽ lưu đày là điều chắc chắn hơn. Nghe vậy, con liền về nhà, và dọn cho con trai con tất cả vật dụng cần thiết; thật sự con cũng tin như những người khác có lẽ con trai Hữu con chỉ bị án lưu đày thôi.
Nhưng người ta đã lầm to. Ngày mùng 8 tháng 8 âm lịch năm Canh Thân 1860, sáng tinh sương, quan tướng dẫn đầu một đoàn binh lính mang gươm và giáo, người thì cỡi ngựa, kẻ thì cỡi voi, cùng tiến về phía nhà giam và đợi trước cửa. Đi phía trước là một người lính mang tấm bảng kết án tử trên đó có ghi tên con trai con.
Đến trước cửa nhà tù, quan ra lệnh cho người lính cầm giáo hãy vào và đưa tù nhân Hữu ra. Lúc trông thấy người lính bước vào, một luồng khí chết chóc kinh hãi chuyển khắp nhà tù, bởi lẽ chưa ai biết người tù nào sẽ bị đưa đi. Người lính bắt con trai con và dẫn ra.
Lúc đến trước mặt quan lớn, con trai con ngỏ lời xin: ”Đã đến giờ THIÊN CHÚA định cho tôi. Xin quan lớn cho phép cha tôi ra đây, tôi có đôi lời thưa với người”.
Phần con lúc ấy ở nhà, không mảy may hay biết gì về chuyện đang xảy ra.
Quan lớn chấp nhận ngay lời xin, truyền một người lính vào tù và dẫn chồng con ra. Tức khắc mọi người nghĩ rằng ông Ngữ nhà con cũng bị đưa đi xử tử.
Con trai Hữu con lúc vừa trông thấy thân phụ liền nói: ”Thưa cha, đây là ngày và giờ Chúa định cho con. Xin cha mẹ ở lại bằng an, giữ lòng trung tín cùng Chúa và đừng bao giờ để cho bất cứ người nào có thể lôi kéo cha mẹ xúc phạm đến Chúa. Vĩnh biệt cha, con xin ra đi vì đã đến giờ”.
Và ngay lúc đó quân lính kéo con trai Hữu con đi. Bà vợ ông quan cầm đầu các viên lục sự, động lòng thương xót con trai Hữu con, đã dọn cho con trai con một bữa ăn. Khi con trai con đi ngang nhà bà, bà mời Hữu vào. Con trai con nhã nhặn từ chối với lời lẽ như sau: ”Xin hết lòng cám ơn ông bà, bà cùng chồng bà, vì lòng quảng đại và thương mến ông bà dành cho tôi. Cho phép tôi biếu lại ông bà với lòng tri ân tất cả những gì bà dọn cho tôi và xin vui nhận lời tôi từ biệt ông bà”.
Khi đoàn quân ra khỏi cửa phủ và lúc đến chợ, quan truyền lệnh mọi người dừng lại và mời con trai Hữu con dùng bữa, theo thông lệ người ta dọn cho các tử tù. Nhưng con trai con từ chối không dùng gì cả nên quan lại truyền đoàn người tiếp tục tiến bước. Con trai con bước đi cổ mang gông và chân mang xích.
Đi được một quãng, con trai con thấy những người hàng cá đứng lại đăm đăm nhìn mình, Hữu liền nói với họ: ”Hỡi các bạn, sao các bạn nhìn tôi như thế? Hãy ở lại bằng an và tiếp tục công việc buôn bán. Phần tôi, tôi trở về Quê Hương tôi”.
Nơi hành quyết là Sông-Cạn, nằm trên lãnh thổ làng Phước-Thịnh. Khi tới đó, con trai con quì gối xuống, tiếp tục lần hạt Mân Côi và khẩn cầu danh thánh Đức Mẹ MARIA. Đó là điều con suy ra theo lời một người ngoại giáo sau này kể lại cho con rằng: ”Quả thật con trai bà thương bà lắm: suốt trên đường đi anh ta không ngừng gọi mẹ”. Con hiểu con trai Hữu con đã lần hạt Mân Côi kính Bảy Sự Thương Khó Đức Bà.
Trong lúc con trai con cầu nguyện như thế, binh lính kẻ thì đóng cọc người thì mở gông và tháo xích. Người khác nữa lấy dây và trói con trai con vào cọc, hai tay cột đằng sau lưng. Khi mọi chuẩn bị xong xuôi người ta ra hiệu lệnh xử tử.
Con không rõ tên lý hình chém tất cả bao nhiêu nhát gươm. Con chỉ thấy sau đó rằng, ba nhát đầu chỉ gây thương tích nặng nhưng không giết chết con trai con. Phải đợi đến nhiều nhát nữa mới chém được đầu rơi. Tên lý hình khinh bỉ ném đầu ra xa, rồi quan quân vội vã kéo nhau về thành.
Các tín hữu lưu đày miền Bắc đã giao cho một phụ nữ ngoại giáo, vợ của một tù nhân, tấm vải dài khoảng hai hay ba khuỷu tay – tức khoảng 100 hay 150 phân – và nhờ bà này đến thấm máu của Chú Hữu rồi trao lại cho họ. Người phụ nữ này đã thi hành đúng theo lời xin của các tín hữu Công Giáo lưu đày miền Bắc.
Tuy nhiên, dân làng đặt xác con trai Hữu con trong chiếu, quấn lại từ đầu gối lên tới đầu, rồi chôn xuống đất. Trong khi đó con ở nhà, không mảy may hay biết về tất cả những gì vừa xảy ra.
Lúc vừa hay tin, con vội vã chạy ngay đến nơi xử tử, hy vọng tới kịp, nhưng hỡi ôi, khi con đến nơi thì mọi sự đã xong xuôi, kể cả việc dân làng đã chôn xác con trai con.
Nơi được chọn để chôn xác rất ẩm ướt. Dây thừng, cọc và tấm bảng ghi bản án tử hình vẫn còn bỏ đó, con vội thu hết và dấu trong bụi rậm, rồi, tức tốc tranh thủ thời giờ, con đi ngay tới nhà ông xã trưởng để xin phép đào xác Hữu lên và chôn một chỗ đất khác ít ẩm ướt hơn. Xã trưởng từ chối. Thế là con chạy lên thành, xin với vị quan con gặp đầu tiên. Quan cho phép liền. Con đi mua ngay ván và vải liệm xác. Nhưng trời đã khuya.
Sáng hôm sau, ngày mùng 9 tháng 8 âm lịch, con đến tận nơi hành quyết, và được vài tín hữu Công Giáo họ đạo Hà-Dừa giúp, đào lấy xác con trai Hữu con lên. Xác vẫn giữ nguyên nét mềm mại và tươi tắn tự nhiên. Có dấu ba vết gươm chém nơi vai, cổ thì có dấu không biết bao nhiêu nhát gươm chém khiến bị nát bấy.
Con liền đào lỗ cách đó vài bước nơi đất cao và khô ráo, rồi bọc xác con trai Hữu con trong tấm vải con mua, xong con lấy từng tấm ván một, bởi lẽ con không có giờ đặt làm một chiếc hòm, con xếp ba tấm ván thành một cái hòm, rồi con đặt xác con trai con vào và sau cùng, con lấy tấm ván còn lại đậy lên trên và lấp đất lại. Phần dây thừng, cọc cây và tấm bảng ghi án tử hình thì con mang tất cả về cất trong nhà con.
Một thời gian ngắn sau đó, các quan ra lệnh bán tất cả các thánh đường. Vào thời kỳ ấy giáo xứ con chưa có nhà thờ nên các Linh Mục và thầy giảng thường trú ngụ nơi nhà con. Dân làng biết rõ điều đó nên họ tố cáo nhà con là nhà thờ nên bán đi. Thế là tất cả các đồ vật kia bị mất hết.
Khi bình yên trở lại và tự do tôn giáo được nhìn nhận, Cha Vận bốc di hài con trai Hữu con và chôn nơi đất thánh Ngọc-Toản, cùng một chỗ với di hài tất cả các tín hữu Công Giáo khác bị giết vì Đức Tin.
2/ Lời cung khai của ông Vinh Sơn Ngữ, thân sinh Chú Giuse Hữu.
Theo lời khai của ông Ngữ, Chú Giuse Hữu vâng lời thân phụ ra phủ trình diện trước tòa án các quan ngày mùng 2 tháng 3 âm lịch năm Canh-Thân 1860.
Một lần, Chú Hữu bị điệu ra công đường và bị bắt buộc chứng kiến cuộc hành hạ tra tấn cha mẹ cùng em gái tên Châu. Quan nói với Chú Hữu: ”Mi thấy chưa, mi buộc ta phải hành động như thế, vậy mi có còn khăng khăng nhất quyết không khai báo một điều gì không?”. Chú Hữu trả lời: ”Tất cả những gì xảy ra trên đời này, chúng tôi, những tín hữu Công Giáo, chúng tôi xin vui lòng chấp nhận, còn chuyện phải khai báo, tôi cương quyết không tố cáo bất cứ người nào”. Một lần khác, quan giận dữ nói với Chú Hữu: ”Nếu mi không chối đạo, ta sẽ kết án tử mi như là Linh Mục, tức là đạo trưởng”. Chú Hữu đáp: ”Tôi không phải là Linh Mục, tuy nhiên, quan cứ xử sự tùy ý, tôi không chống cưỡng”.
Trước khi bị điệu đi hành quyết, quan hỏi Chú Hữu lần cuối có bằng lòng chối đạo không, Chú Hữu trả lời: ”Tôi bằng lòng chết hơn là chối bỏ THIÊN CHÚA tôi tôn thờ”. Xong, Chú Hữu xin quan cho phép gặp mặt thân phụ để thưa đôi lời. Quan chấp thuận. Vừa trông thấy thân phụ, ông Vinh Sơn Ngữ, Chú Hữu nói lớn tiếng trước mặt mọi người rằng: ”Thưa cha, đã đến giờ Chúa định liệu cho con. Con hằng ao ước được chiêm ngưỡng Thánh Nhan THIÊN CHÚA diện đối diện. Hỡi cha mẹ cùng các chị em con, những người còn ở lại trần gian sau con, xin hãy cố gắng sống trung thành với THIÊN CHÚA. Đừng sợ những kẻ ở đời này đến nỗi chối bỏ THIÊN CHÚA!”.
Trong đoàn quân đưa Chú Hữu đến nơi tử hình có viên lục sự tên Mai, mẹ là người Công Giáo và chú lính Đá là người Công Giáo quê làng Tiên-Hương. Hai người này đã kể lại cho ông Vinh Sơn Ngữ vài diễn tiến trên đường bị điệu đi xử như sau. Chú Hữu không ngừng lần hạt Mân Côi Bảy Sự Thương Khó Đức Bà và cầm tượng Thánh Giá giơ cao trước mắt. Quan muốn cất lấy Thánh Giá, nhưng Chú Hữu thưa: ”Đây là bảo vật duy nhất của tôi, xin quan vui lòng cho tôi được sử dụng như lòng tôi mong ước, trong quảng thời gian ngắn ngủi còn lại của đời tôi. Khi tôi chết rồi, quan muốn làm gì tùy ý”. Chú Hữu liên tục đọc kinh cho tới chỗ bị hành quyết. Đến nơi, quan truyền tháo gông tháo xích và trói Chú Hữu vào cọc cắm dưới đất. Lúc ấy, lính lấy Thánh Giá khỏi tay Chú Hữu và trao cho quan.
3/ Lời khai của ông Micae Nguyễn Hữu Quảng.
(Ông Quảng là con trai bà Anna Vĩnh, chị ruột Chú Giuse Hữu. Thân phụ ông người Tàu, quê tỉnh Quảng-Đông, tên Đaminh Điền. Vào năm Canh-Thân 1860, khi xảy ra cuộc bắt đạo và giết hại Chú Giuse Hữu, ông Quảng là một thiếu niên 12-13 tuổi. Thiếu niên Quảng biết rõ cậu ruột và hết lòng quí mến cậu).
Ông Micae Nguyễn Hữu Quảng làm chứng trước tòa án giáo phận Đông Đàng Trong vào năm 1920 như sau.
Cha mẹ Cậu Giuse Hữu cho con trai theo giúp Cha Vệ, Cha Sở họ đạo Nha Trang. Con thường thấy Cậu con giúp lễ khi Cha Vệ cử hành Thánh Lễ trong nhà ngoại con, ông câu Ngữ, vì gia đình ba má con sống cùng nhà với ông bà ngoại con. Thỉnh thoảng con thấy Cậu Hữu con rước lễ, khoảng một hai lần mỗi tháng, vì vào thời kỳ ấy, bổn đạo chưa được phép rước lễ thường xuyên như bây giờ. Cậu con có tính tình hiền lành và ôn hòa. Con không thấy Cậu con cãi vã to tiếng với ai bao giờ.
Một ngày, các quan truyền đưa ông câu Ngữ ra tòa và hỏi tại sao con trai Hữu ông không có mặt nơi nhà cha mẹ. Thật vậy, Cậu Hữu theo Cha Vệ trốn lên núi và có ai đó đã báo cáo cho quan biết. Ông câu Ngữ bị đánh đập tàn nhẫn. Ông liền nhắn con trai phải trở về và nộp mình, nếu cần. Có lẽ Hữu sẽ bị giết, nhưng chịu vậy còn hơn là chạy trốn và để cho cha mẹ phải khốn khổ vì mình.
Cậu Hữu vâng lời thân phụ và trở về nhà cha mẹ.
Khi Cậu con về tới nhà, trời đã tối, khoảng 9 hay 10 giờ đêm. Lúc ấy ở nhà còn chị cả con 14 tuổi, con và em trai con khoảng 5 tuổi. Ba chị em con giữ nhà. Về tới nơi, cậu con dùng bữa tối. Sau bữa ăn, con hỏi Cậu: ”Ngày mai Cậu đi đâu?”. Cậu con trả lời: ”Ngày mai Cậu ra phủ trình diện quan”. Con hỏi tiếp: ”Và nếu quan truyền giết Cậu thì sao?”. Cậu con nói: ”Cũng được, quan muốn làm gì tùy ý”. Sáng sớm hôm sau, Cậu con lên phủ, không mang gì cả. Con theo Cậu xa xa, không dám đi chung với Cậu.
Đến phủ, Cậu Hữu con đi thẳng vào công đường. Đúng lúc ấy, ông bà ngoại con đang có mặt nơi tòa án, bị cột vào trụ và đang bị các quan tra khảo. Cậu con tiến đến trước mặt quan và nói: ”Thưa quan, tôi là Hữu, người mà quan lùng bắt”. Quan nói ngay: ”A, vậy ra mi đúng là Linh Mục Hữu, đạo trưởng, từng đi học bên Tây và trở thành Linh Mục phải không?”. Cậu Hữu con trả lời: ”Không, tôi không phải là Linh Mục và tôi không hề đi học bên Tây”. Quan liền nói: ”Vậy thì hãy đạp lên ảnh và bước qua Thánh Giá”. Có một Thánh Giá và một tượng ảnh Đức Mẹ bỏ dưới đất, nơi công đường. Cậu Hữu con nói: ”Quan lớn có thể chặt đầu tôi, nếu muốn, nhưng quan không thể nào làm cho tôi bước qua Thánh Giá”. Nghe câu trả lời khẳng khái như thế, quan liền truyền lính đánh Cậu con 30 roi và tống vào ngục có tường phủ kín.
Năm ấy con là một thiếu niên 12-13 tuổi, nên con không thể quả quyết đời sống đạo đức Cậu con như thế nào trong ngục. Con chỉ có thể làm chứng chắc chắn một điều là Cậu con liên lĩ lần hạt Mân Côi. Trong tù, các tù nhân khác tỏ ra thương xót Cậu con vì biết rằng cậu con không thoát chết. Nhưng cậu con trả lời nếu phải chết, Cậu con sẵn sàng chấp nhận, không than trách.
Một ngày, con được chứng kiến cảnh tượng sau đây. Các quan truyền đưa ra tòa Cậu Hữu con cùng với cha mẹ. Quay nhìn cha mẹ Hữu quan nói lớn, giọng khinh bỉ: ”Mấy người thật vô dụng, cho ra chào đời một thằng con không ra gì. Mấy người không biết dưỡng nuôi dạy dỗ nó, bởi vì, sống trên đất vua, ăn cơm vua, vận y phục bằng chính vải vóc vua ban, vậy mà dám cãi lời vua dạy”. Thế là Cậu Hữu con liền đáp lại lời quan rằng: ”Thưa quan lớn, điều quan vừa nói không đúng sự thật. Thật ra tôi sống trên đất nước thuộc về Chúa Cả trời đất. Tôi ăn cơm và mặc áo bằng chính của cải thuộc về Chúa Cả trời đất. Những gì nhà vua hưởng dùng, ngay cả một con cá bé tí teo đi nữa vua dùng để nuôi sống thân xác, tất cả cũng đều thuộc về THIÊN CHÚA, vì chính THIÊN CHÚA dựng nên muôn vật muôn loài”. Nghe những lời nói khẳng khái ấy, quan đùng đùng nổi giận, quát lớn với Cậu Hữu con rằng: ”Trả lời như thế tức là mi phạm đến nhà vua, ta sẽ truyền chém đầu mi”. Nói xong, quan ra lệnh đem Cậu con trở lại nhà giam.
Khi Cậu Hữu con hay tin các quan đã làm án xử tử mình, Cậu con vẫn giữ bình tĩnh và tỏ thái độ ôn hòa như thường lệ. Cậu con lần hạt Mân Côi liên miên để dọn mình chết lành. Ngoài giờ ăn ngủ, Cậu con luôn cầm tràng hạt Mân Côi trong tay.
Khoảng 4,5 năm sau cuộc hành quyết Cậu Hữu con, ông ngoại con xin Cha Vận, lúc bấy giờ là Cha Sở Nha Trang, cho phép hốt cốt con trai Hữu mình, cũng như tất cả các tín hữu đã chết vì Đức Tin trong thời kỳ gọi là phân sáp. Khi được sự chấp thuận của Cha Vận, ông ngoại con lên phủ, hốt cốt Cậu Hữu con, cùng với thiếu nữ Dần và 5 Tôi Tớ Chúa khác.
Người ta đặt làm 7 quan tài nhỏ, bên ngoài có khắc tên 7 Tôi Tớ Chúa và đào trước một huyệt thật lớn. Cả 7 quan tài được đưa về họ Chợ Mới và đặt nơi nhà ông ngoại con trong vòng 2 ngày. Sau đó Cha Vận làm phép 7 quan tài và các tín hữu Công Giáo vừa đi vừa đọc kinh, long trọng đưa hài cốt các vị chứng nhân Đức Tin ra nghĩa trang Chợ Mới. Tất cả được đặt vào một huyệt chung, lấp đất lại và trên huyệt, dựng một cây Thánh Giá lớn bằng gỗ.
… Đức Chúa GIÊSU ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: ”Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước THIÊN CHÚA là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì THIÊN CHÚA sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên Trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế .. Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho cho kẻ ghét anh em. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh em má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh em, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh em, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy .. Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Luca 6,20-23/27-35).
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt