Vào năm 2015, Satoko Kitahara đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên Đấng Đáng Kính. Tuy nhiên, từ năm 1958, sau cái chết của bà, Satoko đã được người Nhật coi là một vị thánh. Câu chuyện cống hiến của bà Satoko dành cho người nghèo đã khơi dậy sự ngạc nhiên, khâm phục và xúc động trong lòng mọi người.
Satoko Kitahara là con gái của một gia đình giàu có, cha là giáo sư đại học và xuất thân từ dòng dõi samurai. Sự thông minh và tài năng của Satoko báo trước một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, Chúa đã gọi Satoko cho chương trình của Người, cho dù bệnh tật và thất bại.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, mặc dù sống sót nhưng Satoko mắc bệnh lao như nhiều người vào thời đó. Nhưng chính căn bệnh này lại là một dấu hiệu mà Chúa muốn kêu gọi Satoko cho chương trình của Người.
Những năm tháng sau chiến tranh, đời sống tinh thần của Satoko đau khổ rất nhiều cho đến khi xảy đến một cuộc gặp gỡ bất ngờ. Theo Thần đạo, thiếu nữ này được cuốn hút bởi một bức tượng Đức Mẹ ở một nhà thờ trong một dịp cũng rất tình cờ.
Đó là tượng Đức Mẹ Lộ Đức được làm bằng thạch cao, và chắc chắn đó không phải là một công trình nghệ thuật tuyệt vời. So với các bức tượng khác mà Satoko đã thấy trong các đền thờ hay hình ảnh trong sách học, thì tượng Đức Mẹ này không phải là tuyệt mỹ về mặt nghệ thuật. Tuy nhiên bức tượng Đức Mẹ đã làm cho tâm hồn Satoko xúc động rất nhiều, chưa bao giờ như thế. Đức Mẹ đã chạm vào tận sâu thẳm tâm hồn của Satoko, và làm cho Satoko nhớ lại những ký ức về một sự kiện xảy ra vào năm 17 tuổi về các thiếu nữ Nhật Bản phục vụ trong các ngôi đền Thần đạo. Vẻ đẹp của các thiếu nữ và cảnh thanh bình của các ngôi đền có điều gì đó lôi cuốn Satoko. Satoko nói: “Tôi luôn có một cảm nghiệm về sự thuần khiết. Điều này không thể diễn tả bằng lời, nhưng chắc chắn đã có nơi tôi từ khi còn nhỏ”.
Vẻ đẹp thuần khiết của tượng Đức Mẹ Lộ Đức đã đưa Satoko đến gần hơn với dòng truyền giáo các nữ tu người Tây Ban Nha đang ở Nhật Bản. Satoko đến gặp các nữ tu và bày tỏ tất cả những mối bận tâm đang có trong tâm hồn. Một ngày Satoko hỏi một nữ tu “Cuộc sống là gì?” Từ đó Satoko bắt đầu tìm hiểu đạo Công giáo, và từng bước hiểu được tất cả những gì trước đó chưa được thấu hiểu. Satoko đã được rửa tội, chính thức gia nhập Công giáo.
Với thời gian, Satoko muốn trở thành một nữ tu, nhưng do bệnh lao, các nữ tu đề nghị Satoko dành thời gian điều trị bệnh trước đã. Điều này dường như là một trong nhiều dấu hiệu Chúa từ chối mong muốn của Satoko, nhưng thực ra không phải vậy, Chúa muốn Satoko đi theo con đường phục vụ mà Người muốn.
Mặc dù được cưng chiều và được gọi là Công chúa khi còn nhỏ, nhưng khi không thể trở thành nữ tu, Satoko đã quyết định rời khỏi cuộc sống thoải mái để đến sống với những người ăn xin nghèo khổ đang ở trong các túp lều bên bờ sông Sumida ở Tokyo.
Quyết định đến với người nghèo đã dẫn Satoko đến cuộc gặp gỡ với tu sĩ Zeno Żebrowski, người Ba Lan. Vị tu sĩ này đã đến Nhật Bản cùng với Thánh Maximiliano Kolbe. Chính thầy Zeno là người đã giới thiệu cho Satoko biết về khu vực mà sau này được gọi là Làng Kiến. Làng Kiến gồm các gia đình, do chiến tranh, lâm vào cảnh đói nghèo cùng cực. Họ đã tập họp lại như những thành phần bị loại bỏ bên bờ sông Sumida ở Tokyo. Mọi người sống trong những căn lều lụp xụp, kiếm sống bằng nghề lượm ve chai và rác rưởi.
Dần dần Satoko được cuốn hút vào cuộc sống bần cùng của những người khốn khổ này. Satoko đã quyết định dâng hiến cả linh hồn và thể xác, cùng với những người không chia sẻ cùng đức tin Kitô, để biến nơi dường như bị loại bỏ này thành một nơi làm việc khiêm tốn và xứng đáng.
Bất chấp bệnh tật, Satoko chuyển từ ngôi nhà xinh đẹp của mình đến Làng Kiến. Ở đây, giữa mọi người Satoko dạy chữ cho các trẻ em, dạy các em cách chăm sóc bản thân, tình yêu đối với cái đẹp, niềm hy vọng Kitô.
Khi vì quá yếu không thể làm việc, Satoko phải ở nhà. Nhưng Satoko bày tỏ: “Rất khó ở yên trong khi những người khác đi ra ngoài làm việc. Mọi người nói với tôi phải nghỉ ngơi. Tôi không thể làm gì khác ngoài việc từ bỏ ý mình. Và yêu mến Chúa Giêsu!”
Với thời gian, Satoko hiểu rằng mặc dù có nhiều tài năng, nhưng Chúa không muốn điều này nơi Satoko. Chúa chỉ muốn Satoko với tình yêu tinh ròng. Thực tế, Satoko muốn dấn thân nhiều hơn nữa cho người nghèo ở Làng Kiến nhưng căn bệnh đã làm cho Satoko phải ở lại trên giường. Chính vì thế, thời gian trước khi chết, Satoko đã có được sự bình an tuyệt vời khi biết rằng ý của Chúa là muốn Satoko nằm trên giường để suy gẫm về những điều Người đã thực hiện trong cuộc đời mình và những người khác.
Ngọc Yến – Vatican News