Hàng trăm trẻ em mồ côi cần được chăm sóc, giáo dục, nhưng trên hết, cần tình cha mẹ. Đây là mục đích của “gia đình” cha Csaba Böjte, một tu sĩ dòng Phanxicô người Hungary ở Transilvania, Romania.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1992 khi cha Csaba được gửi đến thị trấn Déva, Transilvania, một vùng ngoại ô theo nhiều nghĩa: nơi sinh sống của đa số người theo Chính thống giáo Rumani và 8% thiểu số Công giáo Hungary, một trung tâm công nghiệp vào thời điểm khủng hoảng, với những hậu quả xã hội nặng nề. Ở đó, cha bắt đầu chăm sóc những trẻ bị bỏ rơi và dần dần trở thành một trung tâm đón tiếp và chăm sóc trẻ mồ côi.
Sau khi thay đổi chế độ, tình hình xã hội ở Rumani rất nguy kịch, nghèo đói và khó khăn ảnh hưởng đến các gia đình và chính vì đó cũng là nguyên nhân làm cho các gia đình gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con cái. Cha Csaba đã thành lập Tổ chức Thánh Phanxicô ở Déva đón tiếp trẻ em. Các cơ sở tiếp nhận và giáo dục của Tổ chức hiện diện tại 82 địa điểm ở Transilvania, với hơn 2.300 trẻ em được 300 cộng tác viên chăm sóc.
Ơn gọi “một linh mục đồng quê giản dị”
Cha Csaba nhớ lại: tất cả bắt đầu vào một ngày mùa hè, cha mở Kinh Thánh cầu nguyện và một cách ngẫu nhiên đọc đoạn Tin Mừng thuật lại việc Đức Maria và Thánh Giuse dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Trẻ Giêsu. Từ ngày đó vị tu sĩ hiểu sứ vụ thực sự mà Chúa trao phó cho mình, “một linh mục đồng quê giản dị”. Cha hiểu rằng niềm vui khi làm những việc tốt là một món quà cho chính mình.
Trước tiên cha tổ chức một trại hè nhưng ngay sau đó cha thấy cần phải tổ chức một cái gì đó kéo dài cả năm … Ban đầu, cha không được chính quyền cho phép và trong một thời gian dài cha phải đấu tranh với bộ máy hành chánh quan liêu Rumani. Hoạt động bác ái của cha chỉ được công nhận chính thức vào dịp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm Rumani năm 1999.
Cha Csaba nói trong một cuộc phỏng vấn: “Lúc đó tôi không mơ chúng tôi sẽ trở nên đông đảo như vậy, nhưng ngày qua ngày, trẻ em đến gõ cửa … và nếu ai đó nhờ bạn giúp đỡ, như một người phục vụ của Chúa, bạn phải cứu họ. Thế giới này không phức tạp. Nếu bạn nói một lời tốt đẹp với người khác, điều đó sẽ sinh hoa trái. Tôi luôn luôn nói, vùng đất khô cằn nếu được trồng và gieo, nó có thể trở thành một khu vườn. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là gánh vác mọi vấn đề của cả thế giới, thậm chí chúng ta sẽ không làm được. Điều quan trọng là niềm vui của Hài nhi Giêsu hướng dẫn chúng ta”.
Quá khứ đau thương là động lực tiến bước
Cha Csaba sinh năm 1959, mồ côi cha từ khi còn nhỏ, nạn nhân của chế độ cộng sản. Trải nghiệm đau thương này không làm cho chàng thanh niên Csaba than vãn nhưng đó là một cách để anh cố gắng làm một điều gì đó thay đổi ký ức buồn này. Chính suy nghĩ tích cực đó là khởi nguồn của ơn gọi trở thành tu sĩ dòng Thánh Phanxicô và sau đó là “cha” của biết bao trẻ thơ theo như “Thánh Giuse đã làm”. Vì dấn thân cho trẻ em nghèo, cha đã nhận được một số giải thưởng, như “Giải thưởng Công dân châu Âu” của Nghị viện châu Âu vào năm 2011.
Trong nhiều năm hoạt động, đối với cha mỗi ngày là hồng ân, cha nói: “Tình yêu giống như một bóng đèn, mọi thứ được tỏ rõ trong ánh sáng của đèn. Đối với tôi, Tổ chức này đồng nghĩa với sự quan phòng và phép lạ của Chúa. Thật vậy, để có thể nuôi sống hàng trăm người mỗi ngày thật không phải dễ, chỉ có Chúa làm được. Vì thế mặc cho những khó khăn, công việc của chúng tôi vẫn phát triển và tiếp tục tiến lên”.
Cha Csaba là linh hồn của Tổ chức, được chia ra ở các ngôi nhà khác nhau và được quản lý để ở cùng với con cái của cha. Nhưng cha cũng thường đi khắp nơi để thu nhận của “bố thí”, nghĩa là quỹ hỗ trợ trẻ em. Vị tu sĩ cũng là một nhà giảng thuyết được đánh giá cao ở Hungary và Transilvania vì sự đơn sơ và thẳng thắn mỗi khi truyền đạt một linh đạo sâu sắc.
Chúa không tạo ra đồ bỏ đi
Qua nhiều năm sống phục vụ cha Csaba đã rút ra được bài học: Đầu tiên là “Chúa không tạo ra đồ bỏ đi (…) ngay cả đứa trẻ đường phố không sạch sẽ và vô giáo dục cũng là một kiệt tác của Cha Trên Trời và nhiệm vụ của chúng ta, cha mẹ và các nhà giáo dục là giúp chúng hình thành và phát triển. Bài học thứ hai là chắc chắn Chúa không trao cho chúng ta những thử thách quá sức chúng ta. Ngay cả trong cuộc sống của tôi cũng có những thời điểm khó khăn, cũng như trong cuộc sống của những đứa trẻ này, nhưng tôi đã trải nghiệm: nó luôn có một giải pháp. Cuối cùng, bài học thứ ba: Làm việc với niềm vui sẽ giúp chúng ta làm tốt mọi sự hơn”.
Cha chia sẻ: “Chúng ta cần phải vui tươi hơn. Thực vậy tôi quan sát và thấy cuộc sống hiện nay của chúng ta thiếu niềm vui trẻ thơ. Chúng ta không chơi đùa, chúng ta không kể cho nhau nghe những câu chuyện cười. Hai ngàn năm trước Chúa Giêsu Kitô của chúng ta bắt đầu cuộc sống trần gian của Ngài bằng việc chơi với những đứa trẻ Nazareth. Trước khi làm phép lạ hoặc loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu chơi đùa với trẻ em. Và sau đó Ngài nói nếu chúng ta không trở nên như những trẻ thơ, chúng ta sẽ không vào Nước Trời. Chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu để chúng ta luôn cảm nhận được hồng ân của cuộc sống qua niềm vui trong khi phục vụ”
Vatican News