Dự án Mama Hekima do sơ Virginie Bitshanda lập để giúp phụ nữ Congo tự chủ về tài chánh

Trong 10 năm qua, thông qua dự án Mama Hekima do sơ Virginie Bitshanda lập, các Dòng các Nữ tử Khôn Ngoan đã giúp các phụ nữ Cộng hòa Dân chủ Congo thoát khỏi “những tình trạng bất công mà xã hội áp đặt” trên họ, để có được phẩm giá của mình.

Đến từ nhiều môi trường xã hội và truyền thống tôn giáo khác nhau, nhưng các phụ nữ ở Cộng hòa Dân chủ Congo hàng ngày phải đối mặt với những khó khăn giống nhau: các vấn đề tài chính, nuôi dạy con cái, bệnh tật của gia đình, thiếu hiểu biết và thiếu thông tin về các quyền của họ. Để thoát khỏi tình trạng này và đạt được phẩm giá mà xã hội thường chối bỏ, cách tốt nhất là họ hợp lực và hỗ trợ lẫn nhau. Một cách cụ thể. Đây là lý do tại sao cách đây 10 năm, Sơ Virginie Bitshanda, thuộc Dòng các Nữ tử Khôn Ngoan, đã quyết định thành lập ở thành phố Kisangani hiệp hội Mama Hekima, (trong tiếng Swahili có nghĩa là những bà mẹ khôn ngoan), với mục đích hợp nhất những phụ nữ nghèo trong thành phố, không loại trừ ai và không phân biệt sắc tộc hoặc tôn giáo, để giúp họ đạt được khả năng tự lập về tài chính.

Sơ Virginie cho biết: “Trong số họ có các phụ nữ Công giáo, Hồi giáo, Chứng nhân Giê-hô-va, Tin lành, vv., và ban đầu họ không đồng ý về quyết định cùng nhau tiến bộ. Nhóm đầu tiên được thành lập đã yêu cầu được quy tụ theo các hệ phái tôn giáo, vì họ cho rằng không thể làm việc cùng nhau khi có quá nhiều khác biệt về tôn giáo.” Sơ nói tiếp: “Điều này không làm chúng tôi ngạc nhiên bởi vì khi nghe các bài giảng được các kênh truyền hình phát sóng, chúng tôi đã hiểu cách mà tất cả những thông điệp chứa đựng những chỉ trích tiêu cực, kích động chia rẽ, thù địch, bạo lực”.

Nhưng Sơ Virginie không phải là kiểu người bỏ cuộc khi đối mặt với khó khăn: để tạo ra tinh thần đồng đội, sơ đã dựa trên chương trình ba năm mà sơ đã thực hiện trước đây ở Canada, tại Học viện đào tạo con người toàn diện ở Montreal, bao gồm việc nghiên cứu và hiểu biết về các thực tại văn hóa hiện tại và quan tâm đến tâm thức của từng môi trường, để đồng hành với các nhóm người. “Như thế chúng tôi đã hiểu rõ hơn về những điều kiện không tương xứng mà xã hội áp đặt lên những người phụ nữ này. Tiếp xúc gần gũi với họ cũng cho phép chúng tôi chứng minh và xác nhận rằng các sức mạnh – khả năng, lòng dũng cảm, phẩm chất, tình yêu – của những người phụ nữ này thật ấn tượng và họ là những người mang hy vọng.”

Các bà mẹ đã từng bước xây dựng sự hòa hợp với nhau, quyết định nhìn vào nhau bất chấp sự khác biệt. Họ đã cố gắng hợp tác, vượt qua sự khác biệt về sắc tộc và tôn giáo và tìm kiếm hòa bình khi tương quan của họ có những khó khăn. Các chị em phụ nữ đã thể hiện rất rõ tinh thần sáng tạo và chủ động. Sơ Virginie nhận xét: “Nếu chỉ tự mình, một người phụ nữ không thể làm điều đó, nhưng khi hợp nhất với những người khác, họ luôn tìm được một giải pháp”.

Với sự hỗ trợ của hiệp hội do Sơ Virginie khởi xướng, các bà mẹ khôn ngoan “Mama Hekima” của thành phố Kisangani nhanh chóng học cách làm việc cùng nhau. Họ gặp nhau trong các nhóm nhỏ, đông nhất là hai mươi người, dựa trên sở thích của họ. Các buổi tập huấn tập trung vào các vấn đề như giáo dục công dân, quyền phụ nữ, lên kế hoạch cho gia đình, quản lý ngân sách gia đình và lập kế hoạch các dự án tạo thu nhập.

Khó khăn về kinh tế trên thực tế là một trong những thách thức lớn nhất mà những phụ nữ này phải đối mặt khi phát triển các cách thế để tăng khả năng độc lập về kinh tế của họ. Nguồn thu nhập đầu tiên là sản xuất và / hoặc bán các sản phẩm nông nghiệp, bắt đầu từ sắn, được trồng để lấy củ ăn, một thành phần quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của nhiều người dân châu Phi. Sơ Virginie nhớ lại: “Lúc đầu, một số nhóm nhỏ đã mua nó để sản xuất bột mì hay còn gọi là ‘chikwangue’, một loại bánh cuộn làm từ bột sắn lên men, một món ăn truyền thống từ lưu vực sông Congo”.

Khi sắn trở nên hiếm hơn, tinh thần liên đới mà các phụ nữ có được trong giai đoạn đầu quen nhau đã giúp giải quyết vấn đề: “một nhóm nhỏ khác đã nhận nhiệm vụ trồng sắn để cung cấp cho những người sản xuất chikwangue.” Ngày nay, mỗi nhóm gồm khoảng 20 phụ nữ, được hướng dẫn bởi ban chỉ đạo và ban này giám sát quá trình bán hàng hóa. Các bà mẹ cũng đã đa dạng hóa các hoạt động kinh tế của mình, với việc chế tạo lò đốt củi.

Ngày càng có nhiều phụ nữ yêu cầu được tham gia vào hiệp hội, để được giám sát và đồng hành một cách bình đẳng. Trẻ em cũng đang được hưởng lợi từ thành công của sáng kiến ​​này. Sơ Virginie vui mừng chia sẻ: “Nhiều người bị suy dinh dưỡng hoặc bệnh tật đã được điều trị; hơn nữa, nhiều bà mẹ có thể cho con đi học và thậm chí vào đại học”. Không chỉ vậy: tấm gương của hiệp hội “Mama Hekita” khơi dậy nơi bạn bè của họ và tất cả những người xung quanh họ khát vọng tự chủ và độc lập kinh tế.

Nhìn lại công việc của mình, Sơ Virginie vui mừng về những kết quả đã đạt được nhờ sự hỗ trợ của Dòng Nữ tử Khôn ngoan và cả từ các đối tác bên ngoài. Sơ chia sẻ: “Tôi có thể nói rằng mục tiêu đầu tiên mà chúng tôi đặt ra cho chính mình – gia đình đủ ăn, trẻ em đi học – phần lớn đã đạt được, nhưng các bà mẹ của chúng tôi đã làm được nhiều hơn thế: họ đã học cách tự chủ cuộc sống của mình, ngẩng cao đầu và không để bị lợi dụng bởi tất cả các hệ thống bất công của đất nước chúng tôi.”

Sơ Virginie kết luận: “Thật là một niềm vui, thật là một sự khích lệ cho những người phụ nữ này, những người không ngừng cảm ơn các nữ tu và hội dòng vì đã nghĩ đến họ. Về phần chúng tôi, thật là một niềm vui khi thấy họ có thể tận dụng sự đồng hành này, điều mà từng chút một, không chỉ giúp họ hỗ trợ kinh tế mà còn giúp họ tìm lại phẩm giá của người mẹ.”

Charles de Pechpeyrou

Vatican News

Chia sẻ Bài này:

Related posts